Tokenomics là sự kết hợp giữa “token” và “economics”, thể hiện tính kinh tế học trong thiết kế, sử dụng token – tài sản bản lề và quan trọng nhất của một dự án crypto. Đối với cá nhân mình, việc tìm hiểu, đánh giá Tokenomics gần như là một bước bắt buộc trước khi xuống tiền đầu tư vào bất kỳ dự án nào. Trong bài viết hôm nay, anh em hãy cùng mình tìm hiểu về Tokenomics và cách chúng ta đánh giá Tokenomics hiệu quả nhé!
Tokenomics 101 (Phần 1) – Hiểu, phân tích và đánh giá Tokenomics hiệu quả
1. Tìm hiểu về Tokenomics
Bản chất khi một token được tạo ra, nó hoàn toàn không có giá trị đầu tư về kinh tế. Chỉ khi token được gắn thêm các yếu tố về nguồn cung, sự phân bố, giá trị sử dụng…, token mới tạo ra được hứng thú mua và nắm giữ từ các nhà đầu tư.
Tokenomics là một khái niệm quan trọng phải được xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư, vì xét cho cùng, về bản chất, khi chúng ta đầu tư vào dự án, thực tế là đang nắm giữ token và kỳ vọng nó tăng giá trong tương lai. Chính vì vậy, một dự án có các biện pháp thông minh để khuyến khích nhà đầu tư mua, nắm giữ dài hạn, đồng thời thiết kế hợp lý sẽ có dư địa tăng trưởng tốt hơn.
2. Các tính năng chính của token
Tùy theo lĩnh vực của dự án, mục tiêu, việc gọi vốn…, mỗi một dự án sẽ có những thiết kế Tokenomics riêng biệt.
2.1. Mining & Staking Reward (Phần thưởng đào hoặc staking)
Đối với các dự án Layer Blockchain như Ethereum, Bitcoin, Avalanche, mining & staking là động lực cốt lõi để dự án xây dựng một mạng phi tập trung, từ đó đảm bảo việc xác thực các giao dịch, duy trì tính bảo mật và an toàn của mạng lưới. Thông qua tính năng này, dự án có thể thưởng các mã token mới cho những người đã đầu tư các phần cứng, phần mềm tính toán để xác thực, sản sinh ra các block mới trên chuỗi, ghi nhận data trên các block này…
Anh em có thể hiểu là token sẽ được thưởng cho các Miner (thợ đào) đối với mạng sử dụng Proof-of-Work hoặc cho các Validator Node đối với mạng sử dụng Proof-of-Stake.
2.2. Yield (Lợi suất)
Thông thường, một token có tính năng Yield sẽ thường gắn liền với các dự án về DeFi (như Uniswap, AAVE, MakerDAO, 1inch…). Khi mới bắt đầu phát triển, một trong những vấn đề quan trọng của các dự án DeFi là user (người dùng) và liquidity (thanh khoản).
Để thu hút user và liquidity, các dự án thường triển khai chương trình khuyến khích với lợi suất cao để dòng tiền đổ về dự án. Hình thức triển khai Yield có thể thông qua Liquidity Pool (khuyến khích cung cấp thanh khoản) hoặc các Farming Pool.
2.3. Payment (Thanh toán)
Đây cũng là một tính năng khá thường gặp của token. Hầu như các dự án hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ và thu phí đều xây dựng tính năng này cho token của mình.
Ví dụ: BNB là một loại token có chức năng payment, với việc người dùng có thể lựa chọn việc trả phí giao dịch bằng BNB; hoặc dự án UniWhales sẽ yêu cầu người dùng mua và hold token UWL để được tham gia các gói dịch vụ đặc biệt…
2.4. Governance (Quản trị)
Nếu như trước đây, quyền quyết định về sự phát triển, điều chỉnh dự án hầu như thuộc về team dev hoặc các quỹ đầu tư thì hiện nay, DAO – mô hình quản trị phi tập trung đã hầu như trở nên rất phổ biến, cho phép người dùng tham gia quyết định những sự kiện quan trọng đối với dự án.
Anh em sau khi mua và nắm giữ token có thể tham gia biểu quyết. Trong một vài trường hợp, anh em cần khóa token của mình mới có thể biểu quyết. Ví dụ hoàn hảo cho việc sử dụng tính năng Governance chính là mô hình veCRV của Curve.
Tuy nhiên, tính năng quản trị của token đang gặp khá nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều gần đây. Để tìm hiểu thêm về tính năng này, bạn có thể đọc thêm tại:
- DAO là tương lai? Những rào cản nào cần vượt qua để giúp các tổ chức DAO bùng nổ?
- Có phải Soulbound Token là tương lai của quản trị phi tập trung?
2.5. Burn (Đốt)
Một số token sẽ được đốt trong quá trình sử dụng (ví dụ: một phần phí trên các blockchain như Avalanche, Ethereum 2.0 sẽ được đốt), loại bỏ vĩnh viễn khỏi lưu thông để giảm nguồn cung token.
Theo quy luật cung/cầu, việc giảm nguồn cung token sẽ giúp token trở nên khan hiếm hơn => giá token sẽ phản ứng tích cực hơn.
Ngoài ra, token còn có thể được bổ sung thêm nhiều tính năng khác như:
- IEO, IDO: người dùng có thể hold token để tham gia các chương trình mở bán các dự án trên launchpad, launchpool…
- Xác nhận quyền sở hữu với token dạng NFT
- …
3. Các yếu tố cần quan tâm khi phân tích Tokenomics
Khi nói về Tokenomics, đa phần chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến 3 yếu tố cơ bản:
Token use case (ứng dụng của token)
Cho chúng ta biết token đó có thể được dùng để làm những gì, từ đó phân tích về khả năng thu hút nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn.
Token allocation (phân bổ token)
Cho chúng ta biết được những ai đang tham gia nắm giữ token ngoài nhà đầu tư nhỏ lẻ? Mức độ nắm giữ là bao nhiêu? Có đủ để chi phối giá hay không?
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, chúng ta cần xem xét cả việc thay đổi allocation của các ví nắm giữ lớn để biết động thái của các whale này đang là bán ra hay mua vào…
Token Release Schedule (lịch trả token)
Thông thường, hầu như các dự án đều có lịch trả token theo dạng unlock dần cho nhà đầu tư lớn ở các vòng seed, private, cho team, cho đội ngũ cố vấn, thậm chí là lịch unlock cho token thưởng, airdrop… để tránh tạo ra áp lực bán. Đây là thông tin quan trọng mà chúng ta cần theo dõi để dự đoán được các thời điểm nhạy cảm.
4. Một số lưu ý khi tìm hiểu về Tokenomics
4.1. Nguồn cung hạn chế và nguồn cung không giới hạn
Đây là một trong những lưu ý quan trọng mà mình muốn nhắc đến đầu tiên. Tùy theo loại dự án, token của dự án có thể được giới hạn tổng cung tối đa (như Bitcoin với 21 triệu BTC) hoặc tổng cung vô hạn (như Ethereum sẽ có tổng cung ETH không bị giới hạn).
Hầu như mọi người đều muốn tìm kiếm một Tokenomics mang tính giảm phát, vì vậy sẽ chú ý nhiều hơn đến các dự án mà token có tổng cung giới hạn. Tuy nhiên, thực tế, việc tổng cung giới hạn không có nghĩa rằng token sẽ có tính giảm phát. Bằng chứng rõ nhất là ETH vẫn tăng trưởng rất tốt tính từ thời điểm ra mắt đến nay.
Để lý giải điều này, chúng ta cần quan tâm hơn đến cái gọi là “nhu cầu mua và nắm giữ”.
– Một token dù có tổng cung giới hạn, tuy nhiên không phát triển được sản phẩm, không tạo ra nhu cầu mua và niềm tin nắm giữ dài hạn cho nhà đầu tư thì sẽ không có dòng tiền đổ vào, từ đó token vẫn không thể tăng giá được.
– Ngược lại, những dự án như Ethereum, mặc dù có tổng cung không hạn chế, tuy nhiên lượng lạm phát của đồng ETH là để phục vụ cho dự án (chính đáng) và có lộ trình phù hợp, trong khi đó hệ sinh thái Ethereum phát triển tốt và được nhiều quỹ lớn, các whale hay nhà đầu tư nhỏ lẻ tin tưởng => nhu cầu mua, nắm giữ lớn hơn lượng phát thải => đảm bảo cầu lớn hơn cung => duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn cho ETH.
4.2. Phân biệt Circulating Supply, Total Supply và Max Supply
Ví dụ về ba thông số token riêng biệt trên Serum
Thông thường, anh em sẽ chỉ nhớ đến Circulating Supply và Max Supply. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dự án, một số Tokenomics chúng ta cần quan tâm đến Total Supply.
i) Circulating Supply (Nguồn cung lưu hành)
Được hiểu là tổng số token hiện đang lưu hành trên thị trường và có thể giao dịch. Đây chính là số lượng token được sử dụng để tính Circulating Market Cap (vốn hóa thị trường của dự án).
ii) Total Supply (Tổng cung)
Được hiểu là tổng số token đã được tạo ra từ dự án sau khi trừ đi số token đã đốt (nếu có).
Như vậy:
Token Supply = Token on-chain – Token Burned
iii) Max Supply (Tổng cung tối đa)
Được hiểu là tổng số token có thể tạo ra tối đa trên lý thuyết. Tuy nhiên, vì nhu cầu của mình, dự án có thể đưa ra quyết định có hoặc không sử dụng đến số lượng token Max Supply này.
Ở ví dụ về Serum, anh em có thể thấy: Max Supply tối đa của SRM có thể đạt được lên đến 10,161 tỷ token, tuy nhiên với tốc độ phát triển và nhu cầu của mình, hiện Serum chỉ cung cấp ra thị trường lượng SRM đạt 1,092 tỷ (chưa đến 1/10 tổng cung tối đa).
Vì vậy, nếu tiếp tục phát triển mở rộng, lượng lạm phát SRM trong tương lai rất cao và có thể ảnh hưởng đến giá của token này.
-> Tokenomics 101 (Phần 2) – Phân tích Tokenomics của Ethereum
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon: