Ông Ted Cruz trở thành quan chức Hoa Kỳ mới nhất đứng về phe ủng hộ tiếp nhận tiền mã hóa thông qua khoản đầu tư vào Bitcoin.
Thêm quan chức Mỹ ủng hộ Bitcoin
Theo báo cáo minh bạch tài chính gửi lên Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas tiết lộ đã mua Bitcoin vào ngày 25/01/2022, thời điểm đồng tiền mã hóa này đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh về mức đáy của 7 tháng gần nhất ở 32.900 USD.
JUST IN: Texas Senator Ted Cruz has invested into #Bitcoin pic.twitter.com/AMmrRV5mt3
— Watcher.Guru (@WatcherGuru) February 5, 2022
Trong thời gian qua, ông Cruz là quan chức liên tục có những phát ngôn ủng hộ tiền mã hóa và công nghệ blockchain, lên tiếng phản đối luật đánh thuế áp lên “nhà môi giới tiền mã hóa” đã được Tổng thống Biden phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái. Mặc dù vậy, trong những lĩnh vực khác, Thượng nghị sĩ Cruz cũng không ít lần để lại tai tiếng vì những phát ngôn và hành động của ông.
Dù không tiết lộ số tiền BTC cụ thể đã mua, song giá trị giao dịch của vị Thượng nghị sĩ nằm trong khung từ 15.000 – 50.000 USD. Xét đến việc giá Bitcoin vào thời điểm mua nằm trong khoảng từ 35-37.000 USD, khoản đầu tư của ông Cruz lúc này chắc chắn đang sinh lời.
Như đã được Coin68 đưa tin, giá Bitcoin trong buổi tối ngày 04/02 và sáng 05/02 đã phục hồi mạnh mẽ, chạm đỉnh của 2 tuần qua ở mức 41.913 USD.
Ngoài ông Cruz, danh sách các thành viên Quốc hội Mỹ đang công khai khoản đầu tư Bitcoin gồm Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis của bang Wyoming, và các hạ nghị sĩ Jake Auchinloss (Massachusetts), Marie Newman (Illinois), Jeff Van Drew (New Jersey) và Barry Moore (Alabama). Bên cạnh đó, nhiều quan chức địa phương như Thị trưởng Miami Francis Suarez và Thị trưởng New York Eric Adams cũng đã tuyên bố nhận lương bằng tiền mã hóa và có động thái ủng hộ lớp tài sản này.
Ứng viên Thống đốc bang Texas Don Huffines thậm chí còn tuyên bố ông sẽ công nhận Bitcoin làm tiền tệ nếu thắng cử vào tháng 11 tới.
Tình hình pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ
Mảng pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong thời gian qua. Giữa khoảng thời gian Nhóm cố vấn Tài chính đăng tải báo cáo và lưỡng viện tổ chức điều trần trong tháng 12, Tổng thống Biden đã ký ban hành một đạo luật có điều khoản đánh thuế tiền mã hóa và giao cho Bộ Tài chính phải định nghĩa thế nào là “nhà môi giới tiền mã hóa” – khái niệm mơ hồ khiến điều khoản đó bị chỉ trích dữ dội.
Tiếp đến, một cơ quan tài chính sách của Mỹ là Ủy ban Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) khẳng định sẽ tự chủ động hạn chế rủi ro từ stablecoin trong trường hợp Quốc hội chần chừ quá lâu trước vấn đề đó.
Sang đến năm 2022, nhiều nghị sĩ Mỹ đã công bố đề xuất luật của họ để quản lý tiền mã hóa toàn diện. Sở Thuế vụ (IRS) thì mong muốn có thể đánh thuế thu nhập từ hoạt động đầu cơ NFT của nhà đầu tư tiền mã hóa. Còn Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã “hồi sinh” một quy định quản lý ví tiền mã hóa gây tranh cãi và được cho là có thể “bóp chết” ngành crypto tại Mỹ.
Trước sự hỗn loạn về pháp lý tiền mã hóa, Nhà Trắng trong tháng 2 được đồn đoán là có thể sẽ ban hành một mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ phải thống nhất lập trường và tăng cường giám sát lĩnh vực tiền mã hóa. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào giữa tháng này sẽ tổ chức điều trần về vấn đề stablecoin.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: