Cổ phiếu COIN của sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào ngày hôm nay (14/04). Sự kiện này có gì đặc biệt, hãy cùng Coin68 tìm hiểu nhé!
Coinbase lên sàn Nasdaq có phải là IPO?
Một yếu tố quan trọng của lần lên sàn của Coinbase là đây không phải là một đợt IPO (initial public offering – chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu). Thay vào đó, hình thức niêm yết trên Nasdaq được gọi là direct listing (niêm yết trực tiếp). Nhiều đơn vị truyền thông đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm này và mặc nhiên cho rằng Coinbase sẽ là công ty “IPO khủng” tiếp theo.
Sự khác biệt giữa hai hình thức niêm yết sàn chứng khoán ở trên là khá lớn, và có thể làm thay đổi góc nhìn vào ý định của Coinbase. Hãy cùng đi sâu vào những điểm khác biệt đó nhé.
Cổ phiếu IPO sẽ được bán trước cho các nhà đầu tư ở giá nhất định, còn direct listing thì không
Đây là khác biệt quan trọng nhất. Trong một đợt IPO, các tổ chức đầu tư sẽ được quyền mua trước cổ phiếu của công ty tiến hành niêm yết sàn. Họ sau đó sẽ cùng thảo luận một mức giá niêm yết chung vào thời điểm cổ phiếu đó chính thức được mở giao dịch trên sàn chứng khoán công khai.
Trong khi đó, đối với direct listing, sẽ không có ai được sở hữu trước cổ phiếu cả (trừ những cổ đông trước đó đã đầu tư vào Coinbase). Giá tham chiếu lúc mở giao dịch sẽ được Nasdaq và ngân hàng hậu thuẫn đợt phát hành cổ phiếu lần này là Goldman Sachs xác định dựa trên số liệu từ thị trường. Nhà đầu tư vào thời điểm cổ phiếu bắt đầu giao dịch sẽ được phép đặt lệnh mua/bán và giao dịch sẽ được xúc tiến.
Mục đích chính của IPO là để gọi vốn, direct listing thì để tạo thanh khoản
Vì IPO cho phép công ty bán trước cổ phiếu cho các quỹ đầu tư, công ty sẽ thu về một lượng tiền lớn từ hoạt động này. Trong khi đó, direct listing thì lại không có bán cổ phiếu mà sẽ đi trực tiếp đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán, qua đó Coinbase sẽ chỉ thu về tiền từ hoạt động này khi mà giá cổ phiếu tăng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc lựa chọn direct listing thật ra là một “nước cờ” vô cùng cao tay của Coinbase, bởi nó rất phù hợp với một công ty xuất phát từ lĩnh vực tiền mã hóa, nơi mà đề cao tính minh bạch và công bằng lên trên tất cả, đảm bảo tất cả nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận với cổ phiếu COIN như nhau, chứ không lo sợ chịu sự chi phối từ các quỹ đầu tư mà đã nắm giữ cổ phiếu từ trước như trong IPO.
IPO ít biến động hơn direct listing
Nói đi cũng phải nói lại, IPO là hình thức lên sàn được đa số các công ty công nghệ lớn ngày nay ưa chuộng cũng vì lý do chính đáng của nó. Đầu tiên, nó mang về cho công ty phát hành cổ phiếu một lượng lớn tiền để duy trì và mở rộng hoạt động. Thứ hai, nó đảm bảo sự hậu thuẫn từ các tổ chức lớn để giữ cho giá trị cổ phiếu không bị tác động quá nhiều từ thị trường. Các IPO cũng thường có điều khoản yêu cầu những tổ chức đầu tư mua sớm không được phép bán cổ phiếu trong vòng 6-12 tháng.
Đây là hai thứ mà direct listing không có. Như đã đề cập, nhà đầu tư Coinbase chỉ bắt đầu giao dịch cổ phiếu COIN vào ngày niêm yết trên Nasdaq, do đó không thể loại trừ khả năng giá cổ phiếu COIN trong những phiên giao dịch đầu tiên sẽ biến động dữ dội. Chưa hết, những cổ đông hiện tại của Coinbase cũng không bị ràng buộc gì nếu như họ quyết định bán cổ phiếu mình đang nắm giữ nếu như COIN được giá.
Direct listing dễ thực hiện hơn IPO
Tuy vậy, tiến hành thành công một đợt IPO tại Mỹ không phải là điều dễ. Quá trình chuẩn bị có thể mất đến hàng tháng trời cộng với vô số chi phí phải bỏ ra, bao gồm đăng ký lên Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), sau đó đi kêu gọi và thuyết trình cho nhà đầu tư, rồi chọn được sàn chứng khoán cũng như ngân hàng bảo lãnh cho đợt IPO. Về bản chất thì IPO cũng là một hoạt động PR rầm rộ, do đó công ty nào cũng sẽ muốn IPO của mình đạt mức định giá “khủng” nhất, lôi kéo được những cái tên “đình đám” nhất từ Phố Wall, tạo lên áp lực mà các công ty phải chịu đựng thêm.
Trong khi đó, direct listing thì sẽ cắt đi bước kêu gọi nhà đầu tư, gỡ rối bớt phần nào quy trình đăng ký lên SEC cũng như chi phí bỏ ra, song vẫn đạt được mục đích cuối cùng là đưa cổ phiếu lên giao dịch trên một sàn chứng khoán đại chúng đã được cấp phép.
Hiệu ứng của công ty tiền mã hóa đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán
Nếu diễn ra thành công, đợt niêm yết trên Nasdaq của Coinbase sẽ đánh dấu lần đầu tiên một công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa được giao dịch cổ phiếu công khai trên một sàn chứng khoán được cấp phép.
Theo thông báo mới nhất, cổ phiếu COIN sẽ được mở giao dịch trên Nasdaq với mức giá tham chiếu là 250 USD/cổ. Với việc sẽ có 266,2 triệu cổ phiếu đã được phát hành (trong đó số lượng cổ phiếu mở bán trên Nasdaq là hơn 114 triệu), Coinbase dự báo sẽ đạt mức định giá là 66,5 tỷ USD.
Mức giá này thấp hơn 27,2% so với con số 343,58 USD khi cổ phiếu COIN khi được giao dịch trên các thị trường thứ cấp trước thời điểm lên sàn. Mặc dù vậy, trên những thị trường phái sinh tương lai như của FTX, cổ phiếu Coinbase đang được giao dịch trước ở giá lên đến 600 USD, cho thấy các nhà đầu tư tiền mã hóa đang cực kỳ lạc quan về lần lên sàn này.
“Hiệu ứng Coinbase lên sàn” còn đang tác động lên giá trị các đồng token của những sàn giao dịch tiền mã hóa khác, như đã được Coin68 giải thích. Trong đó, điển hình phải kể đến chính là đồng BNB của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance, vốn đã tăng gấp đôi chỉ trong tháng 4 này và lập đỉnh cao nhất mọi thời đại là 638 USD vào ngày 13/04.
Thực tế thì không chỉ riêng BNB là lập đỉnh ATH trong ngày 13/04. Nhiều đồng tiền mã hóa lớn khác cũng đã ghi nhận kỷ lục giá trị mới, bao gồm Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), XRP, Dogecoin (DOGE),…
Tuy nhiên, điều này cũng đặt nên kỳ vọng rất lớn vào thời điểm cổ phiếu COIN chính thức bắt đầu giao dịch trên Nasdaq. Trong trường hợp COIN bị xả mạnh trên, giảm xuống thấp hơn giá tham chiếu 250 USD thì điều này cũng có thể kích hoạt động đợt bán tháo mạnh đối với Bitcoin và những đồng tiền vừa lập đỉnh ở trên. Và khả năng này rất chi là có thể xảy ra, nhất là ở một lĩnh vực thiên về đầu cơ như là tiền mã hóa.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: