logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Story Protocol - Blockchain tài sản trí tuệ mở ra nền kinh tế IPFi

-26/07/2024

Story Protocol là blockchain layer 1 thiết kế dành riêng cho tài sản trí tuệ (IP). Story Protocol được tối ưu hoá trong việc xử lý các cấu trúc dữ liệu phức tạp một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, đồng thời nó cũng tương thích cao với EVM từ đó mở ra một nền kinh tế mới cho IP là IPFi.

Story Protocol - Blockchain tài sản trí tuệ mở ra nền kinh tế IPFi

Giới thiệu

Trong thế giới hiện đại ngày của chúng ta, bên cạnh các loại tài sản phổ biến thường thấy như tiền tệ, vàng bạc, bất động sản, chứng khoán, crypto thì còn một danh mục tài sản vô cùng lớn nhưng ít được nhắc tới là tài sản trí tuệ.

Sở dĩ nhóm này ít được cộng đồng bàn tán vì nó liên quan nhiều hơn tới các hoạt động B2B. Trên thực tế, trong một báo cáo của Văn phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO - United States Patent and Trademark Office), các ngành công nghiệp dựa trên IP (IP-intensive industries) chiếm 41% hoạt động kinh tế trong nước, tương đương 7,8 nghìn tỷ USD, đồng thời các ngành này cũng cung cấp 44% tổng số việc làm của Hoa Kỳ năm 2019.

Tuy rằng giá trị thị trường IP rất lớn nhưng nó vẫn chỉ dừng lại chủ yếu ở lớp doanh nghiệp bởi nhiều điểm hạn chế như tính pháp lý, sự phức tạp trong việc đăng ký và triển khai.

Nhà sáng lập của Story Protocol là những người hoạt động tích cực trong lĩnh vực IP trước đó đã nhanh chóng nhìn ra vấn đề và bắt đầu phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng cho tài sản trí tuệ dựa trên blockchain nhằm giải quyết vấn đề này.

Trong các phần dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về dự án Story Protocol.

IP - Intellectual Property là gì?

Intellectual Property (IP) hay sở hữu trí tuệ là một khái niệm dùng để chỉ các sáng tạo trí óc được pháp luật bảo vệ. IP bao gồm các loại tài sản trí tuệ như tác phẩm văn học, nghệ thuật, phát minh, biểu tượng, tên gọi, hình ảnh, bí mật kinh doanh, vân vân.

IP được phân loại thành 6 nhóm chủ yếu là:

- Bằng sáng chế: Bảo vệ quyền độc quyền cho các phát minh kỹ thuật, bao gồm sản phẩm hoặc quy trình mới đảm bảo hữu ích và có tính sáng tạo.

- Bản quyền: Bảo vệ quyền của tác giả đối với các tác phẩm sáng tạo như văn học, nghệ thuật, âm nhạc, phần mềm và các công trình khác.

- Nhãn hiệu: Bảo vệ các dấu hiệu phân biệt, như tên, logo hoặc khẩu hiệu, được sử dụng để xác định và phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp.

- Thiết kế công nghiệp: Bảo vệ ngoại hình thẩm mỹ của sản phẩm, bao gồm hình dáng, hoa văn và màu sắc đặc biệt của sản phẩm.

- Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ tên gọi hoặc biểu tượng chỉ ra một sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực địa lý cụ thể, nơi chất lượng hoặc danh tiếng của sản phẩm đó liên quan đến nơi xuất xứ.

- Bí mật thương mại: Bảo vệ thông tin bí mật, thường là kỹ thuật hoặc thương mại, cung cấp lợi thế cạnh tranh cho chủ sở hữu.

Hình ảnh mô tả lớp tài sản trí tuệ. Nguồn: Story Protocol

Như bạn thấy đấy, IP không chỉ là các bộ phim Hollywood hay bằng sáng chế iPhone. Giọng nói và hình ảnh của Beyonce là IP, chuột Mickey, giao diện game Fortnite là IP, khi bạn tìm kiếm sẽ thấy IP ở khắp mọi nơi và không có gì ngạc nhiên khi nó được coi là một trong những danh mục tài sản lớn nhất thế giới với giá trị hàng nghìn tỷ đô la.

Tài sản trí tuệ thường gắn liền với bản chất vô hình, vì vậy hành trình của nó không gian thương mại thường rất phức tạp và khó nắm bắt. Kể từ khâu đăng ký, cấp phát đã tốn rất nhiều thời gian công sức, đó là còn chưa kể tới việc xảy ra tranh chấp bản quyền.

Một vấn đề khác là tính thương mại hay tính thanh khoản cho tài sản trí tuệ thường rất kém, không phải IP nào cũng được thương mại hoá, đó là lý do tại sao các cá nhân nhỏ lẻ không thể tận dụng hiệu quả tài sản trí tuệ của mình.

Nhìn chung có 2 vấn đề lớn của hệ thống IP truyền thống, thứ nhất là quy trình phức tạp và thứ hai là tính thanh khoản.

Story Protocol là gì?

Story Protocol là blockchain layer 1 thiết kế dành riêng cho tài sản trí tuệ (IP). Story Protocol được tối ưu hoá trong việc xử lý các cấu trúc dữ liệu phức tạp một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, đồng thời nó cũng tương thích cao với EVM từ đó mở ra một nền kinh tế mới cho IP là IPFi.

Các nhà phát triển gọi Story Protocol là “The world’s IP blockchain - Blockchain IP của thế giới".

Mô hình hoạt động

Mục tiêu của Story Protocol là tạo ra một mạng lưới có khả năng làm việc hiệu quả với tài sản trí tuệ (IP). Đội ngũ dự án phân chia kiến trúc của Story Protocol thành 4 phần lớn, ở dưới cùng là lớp layer 1 Story Network, bên trên là lớp hợp đồng thông minh có nhiệm vụ đăng ký và cấp phát giấy phép sở hữu trí tuệ gọi là Proof-of-Creativity Protocol và Programmable IP License, cuối cùng ở lớp trên cùng là lớp các ứng dụng trong hệ sinh thái (Application Ecosystem).

Các lớp chính trong kiến trúc của Story Protocol

Story Network: "The World's IP Blockchain"

Story Network là blockchain layer 1 được thiết kế dựa trên Cosmos SDK có độ tương thích cao với EVM. Sự hiệu quả khi làm việc với IP của mạng lưới đạt được thông qua:

  • Sử dụng các nguyên mẫu được biên dịch trước để xử lý các cấu trúc dữ liệu phức tạp của IP chỉ trong vài giây, với chi phí thấp.

  • Lớp đồng thuận dựa trên ‘mature CometBFT stack’ để đảm bảo tính finality nhanh chóng và chi phí thấp.

Proof-of-Creativity Protocol

Proof-of-Creativity Protocol là hệ thống hợp đồng thông minh được triển khai trên lớp Story Network cho phép bất kỳ ai cũng có thể đưa IP vào Story Protocol.

Những người sở hữu thông qua giao thức Proof of Creativity có thể đăng các tài sản trí tuệ của họ trở thành “IP Assets” trên Story Protocol. 

Proof-of-Creativity Protocol bao gồm các thành phần chính: IP Asset, Registry, Access Controller và các Module.

IP Asset (IPA): là dữ liệu về IP trên Story Protocol. Mỗi IPA bao gồm IP NFT là một on chain ERC-721 NFT đại diện cho IP và IP Account là một tài khoản được liên kết với IP NFT theo tiêu chuẩn ERC-6551.

Các NFT có thể là tài sản sẵn có trên blockchain như Pudgy Penguins, Azuki hoặc là một NFT được đúc mới đại diện cho IP ngoài đời thực (RWA). Sẽ không có quá trình bọc (wrap) hoặc khoá (lock) đối với các tài sản gốc.

Nếu bạn chưa biết thì ERC-6551 là tiêu chuẩn token nhằm tăng cường sức mạnh cho ERC-721 mà không cần thay đổi hạ tầng mạng lưới. Nó cung cấp cho NFT tạo bởi ERC-721 khả năng sở hữu một tài khoản hợp đồng thông minh riêng biệt, được gọi là Token-bound Account (TBA). Từ đó mở ra vô vàn khả năng tương tác với các ứng dụng và tài sản khác.

- Đọc thêm: Tất tần tật về tiêu chuẩn token trên mạng lưới Ethereum

Registry: là nơi lưu trữ chính cho các trạng thái toàn bộ mạng lưới Story Protocol. Nếu như IP Account quản lý trạng thái của từng IP cụ thể thì Registry quản lý nhiều loại trạng thái và của toàn bộ mạng lưới.

Có ba loại Registry là:

  • IPAsset Registry: đóng vai trò quan trọng trong việc đăng ký IP vào giao thức.
  • Module Registry: quản lý danh sách các module và hook trên mạng lưới.
  • License Registry: quản lý trạng thái của các IP License trong giao thức.

Access Controller: hay còn gọi là Security Center nó có nhiệm vụ quản lý quyền hạn của các thành phần trong mạng lưới.

Modules: là các smart contract độc lập với các chức năng riêng, thông qua các module này để tương tác với trạng thái của IP như thay đổi, cập nhật dữ liệu. Modules bao gồm Base Module, Hook và các Module khác tự tạo ra theo quy chuẩn của Story Protocol. Một số module tiêu chuẩn như:

  • Licensing: cho phép tạo ra các giấy phép IP (IP License) với điều khoản cụ thể về cách thức sử dụng, quyền hạn, …
  • Royalty: quy định về chính sách của phí bản quyền. Thông qua module này phí bản quyền được phân chia một cách tự động và minh bạch.
  • Dispute: nơi xử lý các tranh chấp liên quan đến IP thông qua hệ thống trọng tài. Nó bao gồm các chính sách trọng tài, hình phạt và thẻ tag để gắn vào IP sau quá trình tranh chấp, ví dụ thẻ “PLAGIARISM - đạo nhái".

Mô hình về chính sách phí bản quyền trên mạng lưới Story Protocol

Programmable IP License

Programmable IP License (PIL) là thành phẩm của toàn bộ giao thức Story Protocol, nó là các giấy phép IP có khả năng lập trình. PIL cho phép đưa khối tài sản trí tuệ hàng nghìn tỷ USD lên blockchain và tiến vào các giao thức DeFi để giải quyết tính thanh khoản và đồng thời cắt giảm nhiều khâu trung gian cũng như thủ tục phức tạp.

Để đạt được điều này Story Protocol tạo ra một khuôn khổ chung cho PIL dựa trên luật bản quyền của Hoa Kỳ, nó bao gồm một tập hợp các tham số do chủ sở hữu IP thiết lập.

PIL là một sản phẩm onramps IP có tính hai chiều, tức không chỉ đưa các IP lên chuỗi, nó còn có khả năng kết nối với thế giới thực. Tương tự như USDC đại diện cho đồng USD được phát hành bởi Circle, người dùng có thể quy đổi nó ra fiat thông qua các tổ chức trung gian thì PIL cũng vậy. Người dùng có thể mang các PIL từ on chain sử dụng trong đời thực.

Mô hình tương tác giữa các thành phần trong Story Protocol

Để dễ hiểu có thể tóm tắt hành trình của một IP trên mạng lưới Story Protocol như sau: 

  • Các tài sản trí tuệ (IP) của người sở hữu sẽ được token hoá thành NFT nếu là tài sản thực. 

  • IP này có thể được đăng ký vào Story Protocol thông qua trình Registry để trở thành IP Asset. IP Asset bao gồm một IP NFT (ERC-721) và một IP Account (ERC-6551) được liên kết với NFT gốc. Ví sở hữu NFT gốc là ví có khả năng kiểm soát IP Account. 

  • Sau quá trình đăng ký, chủ sở hữu có thể phát hành các giấy phép IP (IP License) với những điều khoản xác định (License Terms) về cách thức sử dụng, hình thức và mức thu phí bản quyền.

  • Các IP License phát hành bởi Story Protocol được chuẩn hoá theo một khuôn mẫu nhất định bằng các tham số trên mạng lưới blockchain nên nó mang tính có thể lập trình. Vì vậy nó được gọi là Programmable IP License (PIL).

  • Những người có nhu cầu sử dụng có thể trả phí bản quyền để sử dụng các PIL này cho mục đích của họ. Các giấy phép này cũng có thể mua on chain và sử dụng ngoài đời thực.

  • Phí bản quyền được trả cho những người sở hữu tài sản trí tuệ dựa trên các thiết lập giấy phép của họ. Có thể có nhiều lớp IP từ một IP gốc, ví dụ B mua IP1 của A, sau đó biến đổi nó thành IP2 và bán cho C, thì phí bản quyền vẫn sẽ chảy về với A theo tỷ lệ quy định khi C mua IP2. Tất cả mọi thứ được tự động hoá và minh bạch trên on chain.

  • Một điểm hay khác ở Story Protocol là họ phát hành ERC-20 Royalty Tokens (RT) cho các IP License. Những người sở hữu Royalty Tokens sẽ là người nhận được tiền bản quyền, các RT này có thể giao dịch trên không gian DeFi như thông thường, từ đó mở ra nền kinh tế IPFi. Có thể thấy rằng các nhà phát triển đã tách quyền kiểm soát và quyền lợi thương mại và quyền sử dụng ra từ một tài sản trí tuệ.

  • Trong quá trình sử dụng nếu có phát sinh tranh chấp sẽ được xử lý tại module Dispute.

Đội ngũ phát triển

- S. Y. (Seung Yoon) Lee - Co-founder & CEO: Seung Yoon hiện cũng là thành viên ban quản trị toàn cầu của Asia Society và venture partner tại Hashed. Trước đây, anh từng là nhà sáng lập của dự án Radish Fiction, ứng dụng kể chuyện được Kakao mua lại với giá 440 triệu USD.

- Jason Levy - Co-founder: Trước khi thành lập Story Protocol, Levy là founder & CEO của Worlds Between Worlds trong 3 năm, trước đó là 4 năm ở vị trí giám đốc tại Pocket Gems. Anh cũng có quá trình làm việc hơn 4 năm tại Apple qua nhiều vị trí liên quan tới phân tích tài chính.

Ngoài ra, theo trang Linkedin của dự án còn có 37 thành viên khác trong đội ngũ của Story Protocol ở nhiều vị trí khác nhau. Nhìn chung những nhà sáng lập của dự án đều là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain và đặc biệt là tài sản trí tuệ. Co-Founder Seung Yoon đã từng sáng lập nên ứng dụng kể chuyện Radish Fiction rất nổi tiếng tại Hàn Quốc mà sau này được Kakao mua lại với giá lên tới 440 triệu USD. Đây là tiền đề tốt cho sự phát triển của dự án.

Nhà đầu tư

Story Protocol đã trải qua hai vòng gọi vốn với tổng số tiền huy động được lên tới 54.3 triệu USD.

Các vòng gọi vốn của Story Protocol. Nguồn: CryptoRank

Vòng Seed diễn ra vào tháng 5 năm 2023, số tiền huy động được là 29.3 triệu USD dẫn đầu bởi A16Z. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Hashed Fund, SamsungNext, Mirana Ventures và nhiều quỹ khác.

Vòng Series A diễn ra chỉ bốn tháng sau đó với số tiền huy động được là 25 triệu USD. A16Z tiếp tục là quỹ đầu tư dẫn đầu, các quỹ khác cùng tham gia vòng này gồm Hashed Fund, SamsungNext, Alliance DAO và nhiều nhà đầu tư thiên thần như Balaji Srinivasan, Charlie Songhurst (Former Head of Corporate Strategy at Microsoft), David Lee, David Bonderman.

Tokenomics

Chưa có thông tin.

Lời kết

Tham vọng đưa nền kinh tế tài sản trí tuệ hàng nghìn tỷ đô lên mạng lưới blockchain là một mục tiêu vô cùng lớn của đội ngũ phát triển. Sẽ có nhiều khó khăn trong vấn đề triển khai, đặc biệt là tính pháp lý, xử lý tranh chấp và quy trình hợp tác on chain đời thực. Cũng chính bởi những điều này mà hệ thống sở hữu trí tuệ truyền thống mới cần nhiều thời gian và quy trình để đảm bảo tính chính xác.

Cùng với sự phát triển của xu hướng token hoá tài sản thực, nền kinh tế truyền thống đang được dịch chuyển lên on chain ngày một nhiều. Kết hợp từ tính phi tập trung, minh bạch và tự động hoá hoàn toàn của mạng lưới blockchain thì token hoá IP sẽ là câu chuyện rất đáng chú ý trong tương lai gần.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Story Protocol - blockchain dành cho tài sản trí tuệ, hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của bạn.

Kudō

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-26/07/2024
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68