Cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried đã được tòa án New York cho tại ngoại với yêu cầu đóng tiền bảo lãnh lên đến 250 triệu USD.
Trong lần xuất hiện đầu tiên tại tòa án New York sau khi bị dẫn độ từ Bahamas về Mỹ, cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried đã chấp nhận yêu cầu đóng bảo lãnh lên đến 250 triệu USD để có thể được tại ngoại ở nhà của bố mẹ mình tại Palo Alto (California) trong lúc chờ xét xử.
Trước đó, vị CEO đã bị dẫn độ từ Bahamas về New York (Mỹ), nơi ông phải đối mặt với 3 cáo trạng lừa đảo, gian lận riêng biệt đến từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC Tổng hình phạt cho Sam Bankman-Fried nếu bị buộc tội là lên đến 115 năm tù.
WATCH: Sam Bankman-Fried departs courthouse in New York amidst a surging crowd of reporters and photographers pic.twitter.com/T6tkr0HjwO
— Bloomberg TV (@BloombergTV) December 22, 2022
Sau khi nghe tòa đọc cáo trạng và đặt ra mức bảo lãnh lên đến 250 triệu USD, ông Sam Bankman-Fried đã đồng ý với điều kiện này để xin tại ngoại. Tuy nhiên, vị cựu CEO FTX sẽ không đóng trực tiếp 250 triệu USD tiền mặt, mà thay vào đó sẽ thế chấp tài sản cho khoản bảo lãnh. Cụ thể, bố mẹ của Sam Bankman-Fried sẽ thế chấp ngôi nhà của họ tại Palo Alto (California) để đáp ứng yêu cầu của tòa. Đơn bảo lãnh sẽ cần phải có chữ ký của 2 người khác nữa “với tài sản đáng kế”, một trong số đó không phải là người thân, trước hạn chót là ngày 05/01/2023.
Trong trường hợp ông Sam Bankman-Fried bỏ trốn hoặc không tuân thủ yêu cầu triệu tập của tòa án, nhà chức trách có quyền tịch thu ngôi nhà và đòi những người đã ký đơn bảo lãnh cho Sam Bankman-Fried phải đóng số tiền 250 triệu USD.
Trả lời phỏng vấn truyền thông vào đầu tháng 12, ông Sam Bankman-Fried từng tuyên bố là sau cú sụp đổ của FTX, bản thân ông chỉ còn lại 100.000 USD trong tài khoản ngân hàng, thua xa khối tài sản kết xù hơn 22 tỷ USD mà người này từng có tại thời điểm đỉnh cao của đế chế FTX – Alameda Research.
Để so sánh thì mức bảo lãnh của Sam Bankman-Fried đang là cao nhất trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ, bỏ xa số tiền bảo lãnh của các “siêu lừa” khác trong quá khứ như Bernie Madoff (10 triệu USD), Jordan Belfort (18,3 triệu USD) hay Elizabeth Holmes (500 nghìn USD). Một nhân vật khác từng bị tòa yêu cầu bảo lãnh 250 triệu USD để được tại ngoại là ông Michael Milken, cựu quản lý tại ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert vào cuối thập niên 80, người đã bị cáo buộc gian lận chứng khoán. Tuy nhiên, nếu tính lạm phát, số tiền bảo lãnh của ông Milken hiện có giá trị lên đến gần 570 triệu USD.
Thẩm phán Gabriel Gorenstein nói về lý do cho phép Sam Bankman-Fried được tại ngoại, dù bị cáo buộc chủ mưu một trong những vụ lừa đảo nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ, là vì người này đã đạt đến một mức độ “khét tiếng” nhất định để rất khó có thể bỏ trốn mà không bị phát hiện hay tham gia các hoạt động tài chính khác.
- Điều khoản tại ngoại của Sam Bankman-Fried còn bao gồm:
- Phải giao nộp hộ chiếu cho chính quyền Mỹ;
- Chấp nhận bị giam giữ tại gia tại chính ngôi nhà của bố mẹ mình ở Palo Alto, trừ các trường hợp ra ngoài để tập thể dục;
- Trải qua các cuộc đánh giá sức khỏe để chuẩn bị cho các phiên tòa tiếp theo;
- Phải đeo vòng theo dõi vị trí ở chân;
- Không được thực hiện giao dịch từ 1.000 USD trở lên, không được vay tiền ngân hàng hay thành lập công ty mới.
Sắp tới, vào ngày 03/01/2023, ông Sam Bankman-Fried sẽ phải trở lại New York để dự phiên tòa tiếp theo, nơi ông sẽ được trao cơ hội để nhận tội hoặc bắt đầu quá trình đấu tranh pháp lý.
Trong diễn biến có liên quan, hai thân tín của Sam Bankman-Fried là cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison và cựu Giám đốc Công nghệ FTX Gary Wang đã quyết định nhận tội và khẳng định sẽ hợp tác điều tra với chính quyền Mỹ để xin khoan hồng.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: