Không phải là khái niệm mới, tuy nhiên "Restaking" lại duy trì được sự quan tâm lớn từ cộng đồng, một phần đến từ dự án tiên phong trong mảng này là EigenLayer. Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự là bước đột phá mới, hay đơn thuần chỉ là trò chơi "đòn bẩy của đòn bẩy" mới của DeFi. Cùng mình tìm hiểu trong bài viết dưới đây anh em nhé!
Restaking và EigenLayer có rủi ro gì không?
Restaking - Mới nhưng mà cũ
>> Xem thêm: Re-Staking là gì? Lời giải mới cho bài toán “phi tập trung hoá” Ethereum là đây?
Vậy thì, tại sao từ khoá này thu hút nhiều sự chú ý của thị trường. Đó là vì EigenLayer với những tin đồn về "Retroactive". Và như thường lệ khi người dùng bàn nhiều về airdrop, họ sẽ tự tìm hiểu về khái niệm sản phẩm đứng sau, dẫn đến việc từ khoá "Restaking" được "tái" đề cập rất nhiều lần.
ReStaking có rủi ro không?
Tất nhiên là có, do đó bài viết dưới đây mình muốn liệt kê ra một vài thông tin về những rủi ro này, để anh em có thể tham khảo. Dù vậy, mình không phủ nhận những lợi ích giải pháp này có thể cung cấp và những thông tin này đã được đề cập ở khá nhiều bài viết khác.
Bài viết này sẽ chỉ tập trung phân tích những rủi ro có thể phát sinh từ mô hình này và cụ thể là sản phẩm của EigenLayer.
Cần phải nhấn mạnh rằng anh em có thể dựa trên những thông tin này, đính kèm với khẩu vị rủi ro cá nhân để từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất cho mình. Mình cũng rất đón nhận những phản hồi và quan điểm ngược chiều về câu chuyện này, nên anh em có thể thảo luận thêm về câu chuyện này trong cộng đồng Fomo Sapiens nhé!
Smart contract
Nếu từng thử nghiệm Restaking trên sản phẩm của EigenLayer, anh em sẽ thấy họ có một địa chỉ contract riêng, từ đó mình sẽ gửi LST của mình vào và thao tác này được xem là "uỷ quyền" - delegate cho giao thức.
Contract này do ai quản lý?
Đầu tiên, chúng ta sẽ lấy ví dụ về pool stETH (pool thu hút được lượng TVL) lớn nhất sau vài vòng nâng trần Delegate từ Eigenlayer anh em nhé!
Hợp đồng "0x93...564" hiện đang lưu trữ khoảng 200 ngàn token stETH (xấp xỉ 450 triệu USD). Và nếu kéo xuống mục Strategy Manager, tức hợp đồng quản lý chiến lược cho pool này, chúng ta sẽ tiếp cận được địa chỉ "0x858...75A".
Tiếp tục truy tới mục "Owner" của "0x858...75A", chúng ta sẽ tiếp cận được ví "0x369...911". Đây là một ví Multisig - đa chữ ký và được tạo ra thông qua hợp đồng Factory Contract của Safe.
Như vậy hiểu nôm na, vẫn sẽ có một nhóm chữ ký quản lý contract mà chúng ta đã Delegate lượng stETH của mình. Việc sử dụng ví Multisig thì không phải quá xa lạ đối với các dự án, tuy nhiên điều đáng nói đó là cơ chế quản lý mà Eigenlayer là "Proxy Contract" - tức hệ thống smart contract có thể thay đổi được trong tương lai.
Mình không đưa ra kết luận gì về câu chuyện sử dụng Proxy Contract của dự án, vì cơ chế Proxy sẽ giúp họ có thể thực hiện được các tính năng như "Delegate" uỷ quyền lại cho các contract khác và đây là đặc thù trong sản phẩm của Restaking. Ngoài ra, Proxy còn hỗ trợ nâng cấp xử lý bug trong trường hợp có lỗi.
Tuy nhiên, nó sẽ tạo ra một vài mối lo ngại về tính bất biến của dự án trong tương lai và đây là điều anh em cần cân nhắc khi thực hiện quá trình Delegate cho các dự án Restaking.
Mô hình Bribe cho các AVS
Restaking được cho là một giải pháp giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn cho các retail hơn đối với các tổ chức lớn. Điều này là vì, các tổ chức lớn sẽ có xu hướng ngại "bị ảnh hưởng danh tiếng" nếu dính vào các hình thức airdrop/ hoặc bribe (khuyến khích) của các token lạ, meme hay thậm chí các token có xu hướng lừa đảo.
Rõ ràng, nguồn APR từ các token "tự dưng tăng nghìn phần trăm" là thứ thu hút và tạo ra động lực mới cho các AVS (Actively Validated Services) và trực tiếp là các Staker. Tuy nhiên, rủi ro về mặt pháp lý là có và EigenLayer sẽ cần cân nhắc mô hình quản lý, làm sao để cân bằng được yếu tố "phi tập trung", hợp pháp và cả lợi tức cho người dùng retail (phổ thông).
Lido thứ hai?
Câu chuyện này diễn ra, không chỉ riêng với mảng Restaking mà còn là với Distributed Validator Technology. Và mình cũng từng đề cập đến rủi ro của một lớp quản trị mới, chiếm nhiều quyền hơn từ đó tạo ra thêm rủi ro cho mạng lưới Ethereum trong bài viết dưới đây, anh em quan tâm thì có thể tìm hiểu thêm nhé!
>> Xem thêm: Distributed Validator Technology (DVT) là gì?
Dễ dàng nhận thấy, đây là bài toán sẽ phát sinh với bất cứ mảng thị trường nào được build đè lên Liquid Staking. Sớm hay muộn, EigenLayer cũng sẽ sớm ra token quản trị mạng lưới, và rồi việc một hay một nhóm cá biệt nào đó có thể thông qua đây để chi phối các hoạt động của dự án và tài sản được khoá trong nền tảng là không thể tránh khỏi. Đây là câu chuyện mà chính Lido cũng đang phải vật lộn ở thời điểm hiện tại.
Ngoài câu chuyện quản trị, rủi ro slashing với ReStaking cũng sẽ vẫn tồn tại, điều lâu lâu vẫn xuất hiện trên sản phẩm của Lido.
Bài toán MEV cũng sẽ không được xử lý hoàn toàn với Restaking. Thậm chí, mô hình PBS ở lớp Layer-1 (điển hình là Mev-Boost) hiện hành đã được EigenLayer bê lên "lớp" Restaking của mình để xử lý vấn đề MEV.
MEV-Boost+ and MEV-Boost++ aim to enhance the liveness and censorship resistance of the Ethereum network prior to the implementation of enshrined proposer builder separation (ePBS) in the coming years.
— EigenLayer (@eigenlayer) August 29, 2023
Chính Vitalik cũng đã đề cập đến câu chuyện phức tạp hoá lớp đồng thuận của Ethereum trong một bài blog.
Và có thể thấy, nhà sáng lập Ethereum không muốn tạo ra thêm một lớp "DAO" đè lên một lớp DAO ban đầu mà không giải quyết thêm được vấn đề cốt lõi.
Những thay đổi trong tương lai của Ethereum
Tại hội nghị Restaking Summit cuối năm 2023, nhà phát triển Justin Drake cũng đã liệt kê ra một vài rủi ro có thể phát sinh với EigenLayer nếu Ethereum có những bước thay đổi trong tương lai.
Đầu tiên đó là rủi ro về mặt computation (áp lực tính toán đối với các Validator). Hiện tại, chi phí để vận hành một Validator đối với Ethereum là rẻ hơn khá nhiều so với mặt bằng chung các blockchain khác. Tuy nhiên, với nhiều đề xuất thay đổi trong tương lai, rào cản về phần cứng và computation là thứ sẽ khiến hoạt động Restaking gặp khó. Điều này là vì các thao tác Multi-Party Computation (MPC) sẽ trở nên phức tạp hơn, và với đặc thù của một mạng lưới "phái sinh", lượng tin nhắn tương tác của các AVS trong EigenLayer sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì rào cản này.
Rủi ro thứ hai được đề cập là về chi phí tài chính cần có để tham gia xác thực. Hiện tại, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể rằng một Validator sẽ cần bao nhiêu ETH để tham gia xác thực mạng lưới. Tuy nhiên, một điều chúng ta có thể ngầm hiểu với nhau, rằng nó sẽ cao hơn con số 32 ETH hiện tại.
Câu chuyện liệu có việc nâng mức ETH tối thiểu cần stake vào cho 1 Validator ngày một rõ ràng hơn, đặc biệt là sau bài đăng mới nhất về đề xuất mô hình "Sau khi vận hành Single Slot Finality" từ Vitalik Buterin.
Và nếu anh em quan tâm Single Slot Finality là gì thì cũng có thể tìm đọc thêm ở đường dẫn này luôn nhé.
Tạm kết
Như vậy là chúng ta đã cùng điểm qua một vài rủi ro có thể phát sinh với mô hình Restaking. Mình biết rằng đây vẫn là một câu hỏi được tranh cãi khá nhiều trên cộng đồng Twitter. Do đó, như đã đề cập phía trên, mình rất mong nhận được những góc nhìn khác từ anh em về câu chuyện này.
Mong là nội dung trên đây hữu ích cho anh em và sớm gặp lại anh em trong một bài viết khác!
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!