Trong bài viết Toàn cảnh pháp lý crypto nửa đầu năm 2022 đã đề cập đến tình hình crypto ở Việt Nam. Nhìn chung, nước ta vẫn chưa có một khuôn khổ rõ ràng cho lĩnh vực mới này, còn đi sau nhiều quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, nhận thấy nhiều bạn độc giả vẫn thắc mắc liệu rằng: “Bitcoin có bị cấm tại Việt Nam hay không?” nên Coin68 có bài viết sâu hơn về tình hình pháp lý ở nước ta năm 2022 nhé!
Pháp lý tiền mã hóa ở Việt Nam năm 2022
Bitcoin không phải là tiền
Theo khoản 6 điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP thì:
Bitcoin hoặc nói rộng ra là các đồng tiền mã hóa khác không được xem là tiền, nên không thể dùng làm phương tiện thanh toán.
Điều này có nghĩa là bạn không thể dùng BTC để thanh toán khi mua hàng ở Việt Nam. Ví dụ như bạn mua ly cafe chỉ có thể trả bằng tiền mặt, tiền trong ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc thanh toán bằng Visa. Chứ không thể dùng BTC để trả tiền cho ly cafe đó, điều này là không hợp pháp.
Ngân hàng không thể xử lý giao dịch crypto
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ thị cấm ngân hàng và tổ chức tín dụng xử lý giao dịch liên quan đến crypto. Nghĩa là:
Bạn không thể mua bán crypto với ngân hàng, ngân hàng cũng không thể cung cấp dịch vụ liên quan đến crypto.
Lấy ví dụ như việc ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas ra mắt dịch vụ lưu ký tiền mã hóa hay ngân hàng Goldman Sachs cung cấp các khoản vay thế chấp bằng BTC thì các ngân hàng thương mại ở nước ta không thể làm như vậy. Hoặc ít nhất là với tình hình pháp lý hiện tại.
Nhưng nếu bạn nghĩ “việc mình mua bán, giao dịch BTC bấy lâu nay là phạm pháp” thì không phải đâu nha!
Việt Nam chưa có luật cấm đầu tư tiền mã hóa
BTC không được xem là tiền để thanh toán chứ chưa có quy định nào về việc “BTC có là hàng hóa hay không”, cũng như chưa có luật cấm đầu tư crypto.
Nên việc bạn giao dịch BTC, mua bán tiền mã hóa hay đầu tư vào các đồng BTC, ETH,.. vẫn không hề vi phạm pháp luật.
Bạn vẫn có thể giao dịch crypto bình thường ở Việt Nam, vì nước ta không cấm.
Tuy nhiên, cần lưu ý là vì chưa có luật định, nên thường thì khi xảy ra tranh chấp trong vấn đề giao dịch crypto thì cũng khó để pháp luật giải quyết.
Từ đó dẫn đến một hệ quả xấu là nhiều hình thức lừa đảo, scam trá hình, dụ dỗ đầu tư “tiền ảo” hoành hành. Vì chưa có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ nên những vụ việc này khó được giải quyết đến cùng, và nạn nhân vẫn luôn là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Do đó, khi tham gia thị trường tiền mã hóa, bạn nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, cảnh giác cao độ với những hình thức lừa đảo này nhé. Vì “luật không cấm” cũng có nghĩa là:
Chưa có quy định pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư crypto.
Jane
Có thể bạn quan tâm: