Với việc giá Bitcoin chạm đỉnh của 5 tháng vào sáng ngày hôm nay, trên đồ thị phân tích kỹ thuật đã lần đầu tiên sau 5 năm ghi nhận một lần giao cắt báo hiệu sự quay trở lại của tăng trưởng dài hạn.
- Người dùng giờ đã có thể mua sắm trên Amazon bằng Bitcoin với Lightning Network
- Vitalik Buterin đề xuất mức thưởng staking cao hơn cho Proof-of-Stake của Ethereum
Đồng tiền điện tử có vốn hoá lớn nhất thế giới vào trưa ngày thứ Ba (23/04) đã có lúc tăng vọt lên mức $5,627 – cao nhất kể từ thận ngày 18/11/2018 – và đã khôi phục thành công xu hướng đi lên nhờ đã liên tiếp bảo vệ được hỗ trợ $5,170 trong tuần rồi.
Cùng lúc ấy, đường trung bình động (MA) 50 ngày đã giao cắt với đường MA 200 ngày từ dưới lên, xác nhận một kiểu hình tăng trưởng được gọi là “giao cắt vàng” (golden cross) trong giới phân tích kỹ thuật. Đáng chú ý, đây cũng là giao cắt vàng đầu tiên được Bitcoin ghi nhận kể từ tận ngày 28/10/2015. Nhiều người đã gọi đây chính là dấu hiệu cho thấy động lực tăng giá dài hạn của BTC đã quay trở lại.
Tuy nhiên, giao cắt này diễn ra giữa hai đường trung bình động, do đó là được xem là tín hiệu trễ và chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế thị trường.
Mặc dù vậy, giới đầu tư khả năng cao vẫn còn nhớ thị trường giá tăng gần nhất cũng bắt đầu chỉ hai ngày sau lần giao cắt vàng hồi năm 2015.
Lịch sử “giao cắt vàng” của Bitcoin
Như có thể thấy trong đồ thị bên trái, lần gần nhất đường MA 50 ngày cắt đường MA 200 ngày từ dưới lên là vào ngày 28/10/2015, và giá đã xác nhận đảo chiều xu hướng dài hạn từ giảm sang tăng chỉ hai ngày sau đó với cú tăng lên trên mức cản $319.
Những biến động sau đó tiếp tục ủng hộ đà tăng, và BTC kể từ đấy cứ dâng trào lên mãi cho đến đỉnh $20,000 của tháng 12/2017.
Lần này, sự kiện xác nhận có giao cắt vàng lại diễn ra sau cú tăng phá vỡ kiểu hình đỉnh đáy thấp dần của ngày 02/04.
Dù đã có cơ sở để lạc quan vào triển vọng giá Bitcoin trong thời gian sắp tới, nhưng vì đây là một tín hiệu trễ nên vẫn cần đề phòng. Chưa hết, các chỉ báo ngắn hạn lại đang nghiêng về khả năng thị trường đang bị quá mua, và có thể sắp điều chỉnh trở lại.
Chỉ báo RSI và tỉ lệ long-short
Cú tăng lên đỉnh 5 tháng của giá Bitcoin trong ngày hôm nay đã đẩy chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày lên trên ngưỡng 70.00, đi vào khu vực overbought. Do đó, BTC rất có thể sắp giảm trở lại.
Ủng hộ cho lập luận trên là tỉ lệ lệnh long-short Bitcoin, vốn đang nghiêng hẳn về xu hướng mất giá. Cụ thể, tỉ lệ lệnh long-short BTC trên sàn Bitfinex hiện đang là xấp xỉ 1.0, là ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay, sau khi đã chạm đỉnh 1.53 vào ngày 08/04.
Điều này cho thấy tâm lý của giới đầu tư trên thị trường có lẽ đã chuyển từ hưng phấn về lại thận trọng.
Đồ thị ngày của giá Bitcoin
Nếu có thể đóng được nến ngày hôm nay ở trên mức $5,466 thì giá Bitcoin sẽ thiết lập một nến xanh cao hơn mới và càng củng cố kịch bản phục hồi về lại $6,000, như đã được trình bày trong bài phân tích hôm qua.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của tín hiệu quá mua trên RSI cùng dịch chuyển tâm lý thị trường, không thể loại trừ khả năng BTC sẽ không thể làm được điều này hoặc dù có đóng nến thành công ở trên $5,466 song lại chẳng thể duy trì thêm được lâu.
Xác suất giá suy sụp về hỗ trợ $5,000 sẽ càng gia tăng nếu nến ngày hôm nay tụt xuống dưới $5,466.
Nhận định
• Đồ thị ngày của giá Bitcoin vừa ghi nhận một “giao cắt vàng” – đường MA 50 ngày cắt đường MA 200 ngày từ dưới lên – đầu tiên kể từ tháng 10/2015. Đây có thể được xem là một tín hiệu đại diện cho đảo chiều xu hướng giá dài hạn.
• Nếu có thể đóng nến ngày hôm nay ở trên $5,466 (đỉnh ngày 10/04) thì sẽ xác lập một nến ngày mới cao hơn và gia tăng cơ hội lên lại $6,000.
• Tuy vậy, đợt tăng hiện nay khả năng cao sẽ không còn duy trì được lâu mà sẽ sớm điều chỉnh đi xuống trở lại bởi tín hiệu overbought trên RSI và tỉ lệ long-short giảm mạnh.
• Xác suất giảm về $5,000 của Bitcoin sẽ gia tăng nếu giá không thể đóng nến ngày hôm nay ở trên $5,466.
Theo CoinDesk
Bitcoin (gọi tắt là BTC) là đồng tiền điện tử sử dụng công nghệ mạng ngang hàng (peer-to-peer) được hoạt động qua mạng Internet mà không cần thông qua đơn vị trung gian. Bitcoin là mã nguồn mở có thiết kế công khai, không ai sở hữu hoặc kiểm soát nó, và tất cả mọi người đều có thể tham gia. Xem thêm…