logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Hàng loạt đơn vị tiền mã hóa lớn của Ethereum chặn người dùng ở các nước bị cấm vận

-04/03/2022

OpenSea, MetaMask và Infura thông báo sẽ bắt đầu chặn người dùng ở các quốc gia bị Mỹ trừng phạt kinh tế hoặc cấm vận.

Hàng loạt đơn vị tiền mã hóa lớn của Ethereum chặn người dùng ở các nước bị cấm vận

*Bài viết đã được cập nhật vào ngày 05/03/2022.

Vào tối ngày 03/03, ứng dụng ví MetaMask và giao thức cơ sở hạ tầng blockchain Infura (đều chung quyền sở hữu bởi công ty ConsenSys lập nên bởi đồng sáng lập Ethereum Joseph Lubin) cùng nền tảng thị trường NFT lớn nhất Ethereum là OpenSea đều đã ra thông báo sẽ bắt đầu giới hạn khả năng tiếp cận bởi những người dùng từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bị Hoa Kỳ cấm vận.

Cả ba cái tên trên đều là những trụ cột trong hệ sinh thái Ethereum, được sử dụng bởi đông đảo nhà đầu tư tiền mã hóa và nhà phát triển dự án crypto.

OpenSea chặn người dùng Iran

Cụ thể, OpenSea đã tiến hành chặn/xóa tài khoản của các họa sĩ NFT đến từ Iran. Nhiều người khẳng định tài khoản của họ bị xóa mà không hề có một lời cảnh báo nào.

Trước làn sóng phản đối, OpenSea đã phải lên tiếng như sau trên Twitter:

“Chúng tôi thành thật xin lỗi những họa sĩ và nhà sáng tạo nội dung mà bị ảnh hưởng, nhưng OpenSea có chính sách nghiêm ngặt liên quan đến yêu cầu cấm vận. Chúng tôi là một công ty của Mỹ và vì thế phải tuân thủ quy định trừng phạt của Mỹ, đồng nghĩa với việc chúng tôi bị buộc phải chặn người dùng ở những quốc gia nằm trong danh sách cấm vận.”

Đại diện của OpenSea cho biết thêm rằng người dùng ở những khu vực bị cấm vận sẽ không còn có thể sử dụng dịch vụ, mua, bán và chuyển NFT trên sàn. Mặc dù vậy, ngoài Iran, hiện công ty vẫn chưa công bố các quốc gia khác mà sắp sửa bị nền tảng này chặn.

Infura và MetaMask “giận” Donetsk/Luhansk nhưng “chém” cả Venezuela

Tương tự, cũng trong tối 03/03, Infura và MetaMask đồng loạt thông báo sẽ giới hạn khả năng sử dụng đến người dùng tại “một số khu vực nhất định”, song cũng không cung cấp cụ thể danh sách các quốc gia bị chặn.

Trả lời phỏng vấn Decrypt, đại diện của ConsenSys tiết lộ công ty sẽ chặn IP người dùng tại hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk, một trong những nguồn cơn dẫn đến cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Người phát ngôn của ConsenSys tuyên bố:

“Infura thường xuyên theo dõi các chương trình cấm vận được Mỹ công bố và sẽ thay đổi chính sách nội bộ để đảm bảo tuân thủ. Hiện tại, các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách cấm vận là Iran, Triều Tiên, Cuba, Syria và các khu vực Crimea, Donetsk và Luhansk của Ukraine.”

Đáng chú ý, nhiều người dùng Infura và MetaMask tại Venezuela lại tuyên bố họ cũng bị chặn, dù không nằm trong danh sách cấm vận. Infura sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận đã để xảy ra sai sót trong quá trình giới hạn khả năng tiếp cận.

Coin68 nhận định đây là các động thái cấp thiết của các công ty tiền mã hóa Mỹ trước việc chính quyền Mỹ đang muốn siết chặt quy định cấm vận, hạn chế lo ngại về việc Nga có thể lợi dụng kẽ hở từ lĩnh vực crypto để lách các lệnh trừng phạt áp đặt lên quốc gia này.

Câu hỏi về sự can thiệp của pháp luật vào tính phi tập trung của tiền mã hóa

Mặc dù vậy, cộng đồng tiền mã hóa đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước “sự tập quyền” trên của OpenSea, Infura và MetaMask, khi cả ba đơn phương chặn người dùng và đi ngược lại hoàn toàn với bản chất phi tập trung, tự do tài chính cũng như chống kiểm duyệt của của mảng DeFi , Web3 nói riêng và crypto nói chung.

“Nếu Infura có thể chặn cả một quốc gia thì họ cũng có thể chặn những địa chỉ Ethereum nhất định và không cho chúng tương tác với blockchain.

Trong tương lai, ứng dụng DeFi yêu thích của bạn có thể sẽ chỉ tương tác với Infura và từ chối các RPC khác chỉ vì chúng nằm trong danh sách đen của Infura.”

Những diễn biến trên cũng là sự tiếp nối những tranh cãi xoay quanh sự kiểm soát của chính quyền lên các công ty tiền mã hóa, bắt đầu từ phong trào biểu tình “Đoàn xe Tự do” tại Canada hồi giữa tháng 02/2022 đến cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện tại. CEO Jesse Powell của sàn giao dịch tiền mã hóa Kraken có trụ sở tại Canada thừa nhận công ty của ông chắc chắn sẽ phải tuân thủ yêu cầu đóng băng tài khoản crypto của chính quyền vì đây là luật pháp, đồng thời hối thúc những ai không muốn rơi vào trường hợp như thế thì đừng nên giữ tiền trên các sàn tiền mã hóa phi tập trung. Vì những phát biểu này, ông Powell đã bị giới chức Canada đưa vào tầm ngắm

Ukraine mới đây cũng đã yêu cầu các nền tảng giao dịch crypto lớn chặn ví tiền của người dùng Nga, song ông Powell cùng những sàn như Binance, Coinbase đều từ chối làm vậy vì cho rằng điều đó là xâm phạm quyền của người dùng. Song, các sàn đều thừa nhận nếu có quy định quốc tế yêu cầu làm vậy, họ sẽ không có cách nào khác ngoài tuân thủ.

Ngay khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, một người dùng Twitter đã tổng hợp các dự án được cho là “không có đối thủ” trên Ethereum, hay còn có thể gọi là “độc quyền” – rất dễ trở thành mục tiêu tấn công cả về bảo mật lẫn pháp lý.

Một số người dùng còn đùa vui rằng khái niệm blockchain giờ đã có thêm một tầng nghĩa mới với hành động của các nền tảng trên.

“Blockchain giờ đã trở thành blocked chain.” 

Cập nhật ngày 05/03:

Circle, công ty phát hành stablecoin USDC, thông báo sẽ chặn tất cả giao dịch USDC từ các tài khoản người dùng Nga, bao gồm cả thẻ tín dụng cho liên kết với USDC. Circle cho biết thay đổi là nhằm để tuân thủ quy định cấm vận tài chính của Mỹ và Anh Quốc, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời do xung đột Nga – Ukraine.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-04/03/2022
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68