Core Scientific, một trong những công ty khai thác Bitcoin được niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất ở Mỹ đã “đầu hàng” sau mọi nỗ lực vực dậy trong nhiều tháng qua.
Cập nhật chiều ngày 21/12:
Core Scientific đã chính thức đệ đơn phá sản lên Tòa án Texas theo Chương 11, tiếp nối chuỗi các công ty crypto phải thông báo phá sản trong năm 2022 này.
Tại thời điểm phá sản, công ty ước tính tài sản và nghĩa vụ nợ của mình đều nằm trong khoảng từ 1 đến 10 tỷ USD. Số lượng chủ nợ của Core Scientific là từ 1.000 đến 5.000 người, với khoản nợ lớn nhất là 42,4 triệu USD đối với hãng dịch vụ tài chính B. Riley.
Core Scientific tuyên bố tính đến tháng 10/2022, họ vẫn chiếm đến 10% hashrate toàn mạng lưới Bitcoin, là công ty khai thác BTC lớn nhất thế giới, nhưng đã phải cầu cứu vì cạn tiền.
Vì phá sản theo Chương 11, Core Scientific vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và đào BTC như bình thường trong thời gian chờ tái cấu trúc doanh nghiệp.
Bài viết gốc:
Theo CNBC, công ty đang nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ ở Texas vào sáng ngày 21/12. Động thái này diễn ra khoảng 5 tháng kể từ khi Core Scientific bắt đầu có những dấu hiệu kinh doanh đi xuống vì ảnh hưởng bởi giá Bitcoin lao dốc và chi phí năng lượng tăng cao.
Bitcoin miner Core Scientific is filing for Chapter 11 bankruptcy — but plans to keep mining https://t.co/qKuoFJ31RN
— CNBC International (@CNBCi) December 21, 2022
Mọi chuyện khởi điểm trong tháng 06/2022, khi ấy thị trường bị tác động mạnh do sự sụp đổ của LUNA/UST, thợ đào liên tục gây sức ép, khiến họ phải miễn cưỡng xả BTC với giá thấp (xung quanh 17.000 – 19.000 USD) để trang trải chi phí nhằm có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường. Core Scientific cũng không nằm trong ngoại lệ, bán đến 167 triệu USD BTC trong tháng này.
Tuy nhiên, chiến lược bán BTC dường như không đủ sức giúp Core Scientific gồng gánh được hoạt động kinh doanh, công ty đã quyết định phát hành thêm 100 triệu USD cổ phiếu để tăng cường tính thanh khoản. Dù vậy, vận đen lại ập đến với cuộc khủng hoảng Celsius – 3AC và thất bại nặng nề của FTX, Core Scientific đành thừa nhận đang trên bờ vực vỡ nợ cuối tháng 10/2022.
Song, với thông tin nộp đơn xin phá sản, giá trị vốn hóa thị trường của Core Scientific đã giảm xuống chỉ còn 78 triệu USD so với định giá 4,3 tỷ USD vào tháng 07/2021, thời điểm công ty lên sàn thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special Purpose Acquisition Company – SPAC). Cổ phiếu Core Scientific (CORZ) đã giảm hơn 98% từ mức đỉnh 15.09 USD về 0.2084 USD vào thời điểm thực hiện bài viết.
Ngoài ra, nguồn tin còn cho biết Core Scientific vẫn đang tạo ra dòng tiền dương, nhưng số tiền mặt đó không đủ để trả khoản nợ tài trợ cho thiết bị mà công ty đã cho thuê. Công ty sẽ không thanh lý, nhưng sẽ tiếp tục hoạt động đào Bitcoin bình thường trong khi đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, những người nắm giữ phần lớn khoản nợ của công ty.
Trường hợp mới nhất của Core Scientific đã chứng minh “sự điên rồ” mà thị trường crypto mang đến cho nhà đầu tư. Bởi lẽ chỉ cách đây một năm, chính xác hơn vào ngày 18/10/2021, khoản đầu tư Bitcoin khi ấy của nhiều ông lớn đều x2, thậm chí đối với các công ty đào là x6 hoặc x7.
Mặt khác, lợi nhuận từ cổ phiếu của các công ty khai thác hoàn toàn vượt trội hơn giá Bitcoin trong 2021, càng cho thấy công ty đầu ngành như Core Scientific được hưởng lợi rất lớn.
Tuy nhiên giờ đây, Core Scientific lại chuẩn bị phá sản, “bay màu” trên danh sách những công ty đào Bitcoin niêm yết nắm giữ nhiều Bitcoin nhất thế giới, nhường sân chơi lại cho Marathon Digital Holdings và Riot Blockchain tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, việc không sở hữu quá nhiều Bitcoin hiện tại không đồng nghĩa với câu chuyện nhà đầu tư sẽ dễ thở hơn khi không phải chịu áp lực bán của Core Scientific vì công ty vẫn sẽ tiếp tục đào Bitcoin để trả nợ.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: