Hai nghị sĩ Mỹ đã công bố những đề xuất luật mới nhất để quản lý stablecoin và ví crypto – hai chủ đề pháp lý rất được Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm trong thời gian qua.
Dự luật quản lý stablecoin
Tối ngày 15/02 (giờ Việt Nam), Nghị sĩ Josh Gottheimer của Đảng Dân chủ đã giới thiệu “Dự luật Cải tiến và Bảo vệ Stablecoin”, đề xuất công nhận và bảo hiểm cho một số đồng stablecoin nhất định với mục tiêu “định nghĩa các stablecoin hợp lệ, tách biệt chúng khỏi các đồng tiền mã hóa biến động và áp đặt các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư”.
For cryptocurrency to thrive here in the US, instead of overseas, we must provide more certainty to help boost innovation & protect consumers.
That’s why I’m releasing the Stablecoin Innovation and Protection Act to define qualified stablecoins. ⬇️https://t.co/J96VZQqSli
— Rep Josh Gottheimer (@RepJoshG) February 15, 2022
Dự luật sẽ đánh giá những dự án stablecoin nào là “hợp lệ” để chịu sự quản lý, với tiêu chí quan trọng nhất là luôn có thể được quy đổi 1:1 với đồng đô la Mỹ và sẽ không được xem là một loại chứng khoán hay hàng hóa.
Những ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng và đơn vị tài chính phát hành các đồng stablecoin trên sẽ phải đáp ứng yêu cầu dự trữ tiền mặt để bảo chứng cho chúng trong một tài khoản thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Trách nhiệm giám sát những nhà phát hành stablecoin sẽ được giao cho Văn phòng Quản lý Tiền tệ (OCC), cơ quan mà sẽ đặt ra những quy định về tỷ lệ đòn bẩy, kiểm toán, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố,… cho các stablecoin.
Ông Gottheimer cho biết đã tham khảo kỹ càng Báo cáo về Stablecoin của Nhóm cố vấn Tài chính cho Tổng thống Biden đã được công bố vào đầu tháng 11/2021, như đã được Coin68 đưa tin.
Vị nghị sĩ cho biết:
“Sự nổi lên của tiền mã hóa mang đến nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế của chúng ta. Nhưng để ngành crypto có thể phát triển và lớn mạnh tại nước Mỹ, thay vì chỉ giám sát, chúng ta còn phải đưa ra định hướng và sự đảm bảo để thúc đẩy tiến bộ và bảo vệ công chúng. Đó là lý do tôi đưa ra đề xuất Dự luật Cải tiến và Bảo vệ Stablecoin để khuyến khích sự phát triển ngành tiền mã hóa tại Mỹ, định nghĩa thế nào là stablecoin hợp lệ và bảo vệ người dân Mỹ khỏi những mối đe dọa như tổ chức có ý định xấu và khủng bố.”
Dự luật bảo vệ ví tiền mã hóa
Tiếp đó, vào rạng sáng 16/02, Nghị sĩ Warren Davidson của Đảng Cộng hòa đã đề xuất một dự luật nhằm bảo vệ các ví tiền mã hóa phi lưu ký khỏi sự giám sát của các cơ quan quản lý cấp liên bang.
A bill introduced by Rep. @WarrenDavidson (R-Ohio) would protect unhosted or self-hosted crypto wallets from government agencies. @BrandyBetz reportshttps://t.co/1ELLUHEJY1
— CoinDesk (@CoinDesk) February 15, 2022
Dự luật của ông Davidson có mục tiêu “không cho các cơ quan liên bang được ngăn cản người dân sử dụng tiền ảo để mua bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ như cầu cá nhân”. Ngoài ra, dự luật còn không cho phép chính quyền được cấm người dân sử dụng các ví tiền mã hóa phi lưu ký, tức là các ví được cung cấp bởi bên thứ ba không phải là các sàn giao dịch, buộc người dùng phải tự nắm giữ private key và chịu rủi ro khi sử dụng.
Đây là động thái đáp trả lại đề xuất quản lý ví tiền mã hóa trước đó mới được Bộ tài chính Mỹ “hồi sinh” vào cuối tháng 01/2022, yêu cầu xác minh thông tin chủ sở hữu các loại ví tiền mã hóa, bất kể là lưu ký hay phi lưu ký.
Tuy nhiên, cả hai dự thảo luật trên mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất. Đầu tiên, chúng sẽ cần nhận được sự ủng hộ từ một lượng nghị sĩ nhất định của cả hai đảng để được trình lên Hạ viện, rồi đưa ra thảo luận trước ủy ban chức năng, rồi được trình bày và tranh luận trước toàn Hạ viện, bỏ phiếu thông qua, chuyển lên Thượng viện và trải qua quá trình thẩm định tương tự, cuối cùng trình lên Tổng thống ký duyệt thành luật.
Tình hình pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ
Mảng pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong thời gian qua. Giữa khoảng thời gian Nhóm cố vấn Tài chính đăng tải báo cáo và lưỡng viện tổ chức điều trần trong tháng 12, Tổng thống Biden đã ký ban hành một đạo luật có điều khoản đánh thuế tiền mã hóa và giao cho Bộ Tài chính phải định nghĩa thế nào là “nhà môi giới tiền mã hóa” – khái niệm mơ hồ khiến điều khoản đó bị chỉ trích dữ dội. Đến tháng 02/2022, Bộ Tài chính Mỹ cuối cùng cũng đưa ra lập trường chính thức về khái niệm này, tạm thời xoa dịu dư luận quan tâm.
Tiếp đến, một cơ quan chính sách của Mỹ là Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) khẳng định sẽ tự chủ động hạn chế rủi ro từ stablecoin trong trường hợp Quốc hội chần chừ quá lâu trước vấn đề đó.
Sang đến năm 2022, nhiều nghị sĩ Mỹ đã công bố đề xuất luật của họ để quản lý tiền mã hóa toàn diện. Sở Thuế vụ (IRS) thì mong muốn có thể đánh thuế thu nhập từ hoạt động đầu cơ NFT của nhà đầu tư tiền mã hóa. Còn Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã “hồi sinh” một quy định quản lý ví tiền mã hóa gây tranh cãi và được cho là có thể “bóp chết” ngành crypto tại Mỹ.
Trước sự hỗn loạn về pháp lý tiền mã hóa, Nhà Trắng trong tháng 2 được đồn đoán là có thể sẽ ban hành một mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ phải thống nhất lập trường và tăng cường giám sát lĩnh vực tiền mã hóa. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào giữa tháng 2 đã tổ chức điều trần về vấn đề stablecoin.
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều ứng viên cho các vị trí trong chính quyền lại đang sử dụng quân bài “tiếp nhận tiền mã hóa” như là lợi thế thu hút cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: