Ngân hàng trung ương Nga vừa đưa ra nhận định mới nhất về tiền mã hóa, đề xuất cấm thẳng tay lĩnh vực này.
Trong báo cáo tiêu đề “Tiền mã hóa: xu hướng, rủi ro, biện pháp đối phó” được xuất bản ngày 20/01, Ngân hàng trung ương Nga cho rằng tiền mã hóa là một loại hình đầu tư nặng tính đầu cơ vì có thường xuyên biến động dữ dội, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định tài chính của quốc gia vì hút tiền ra khỏi nền kinh tế. Hoạt động giao dịch crypto cũng khó để theo dõi và giám sát, khiến công việc của các cơ quan quản lý trở nên khó nhằn hơn.
Chính vì vậy, ngân hàng trung ương mong muốn chính phủ Tổng thống Putin đưa ra quyết định cấm toàn diện tiền mã hóa, tương tự như những gì Trung Quốc đã làm vào tháng 9 năm ngoái. Lệnh cấm nên áp dụng lên hoạt động phát hành và lưu thông tiền mã hóa, các sàn giao dịch tập trung và cả nền tảng giao dịch P2P. Tiền mã hóa cũng nên bị cấm dùng trong các giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương còn muốn cấm toàn bộ giới ngân hàng thương mại và định chế tài chính tham gia xử lý giao dịch tiền mã hóa. Báo cáo khẳng định nếu làm vậy, hoạt động giao dịch crypto-fiat sẽ bị triệt tiêu, khiến lệnh cấm trở nên hiệu quả hơn.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng đề xuất cấm cả hoạt động khai thác tiền mã hóa, lấy lý do tiêu tốn điện năng. Nga đang là quốc gia sở hữu hashrate đào Bitcoin cao thứ 3 thế giới, xếp sau Hoa Kỳ và Kazakhstan.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ cấp cao nhất tại xứ sở bạch dương đưa ra quan điểm tiêu cực về tiền mã hóa. Hồi tháng 12/2021, ngân hàng trung ương Nga cũng kêu gọi cấm crypto, cho rằng lĩnh vực này không có chỗ tại hệ thống tài chính trong nước.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: