logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

NFT: Hơn cả một trò vui công nghệ – Ancient8 x AANC

-19/07/2022

NFT: Hơn cả một trò vui công nghệ – Ancient8 x AANC

Một trong những điểm nổi bật của chu kỳ tăng trưởng tiền mã hoá (Bull Cycle) gần đây nhất là sự bùng nổ về mức độ phổ biến (và giá trị) của các NFT. Giống như nhiều tài sản số khác, việc tăng trưởng đột biến giá trị của các dự án hàng đầu cộng hưởng sức ảnh hưởng từ các KOL/người nổi tiếng đã thu hút một lượng không nhỏ các nhà đầu cơ và “rug-puller”. Các bài báo, kênh truyền thông giật tít về các NFT được mua với giá trị hàng triệu đô cũng góp phần đưa NFT đến với mọi người, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng những điều này đã có tác động tiêu cực tới hình ảnh của NFT trong tâm trí người đọc.

Cho đến ngày nay, nhiều người xem NFT như là một meme – một trò đùa mang tính lan truyền nhưng hầu như không có giá trị. Meme đóng một vai trò to lớn trong văn hóa tiền mã hoá và sự phát triển của NFT (đặc biệt là các bộ sưu tập PFP – ảnh đại diện) có một số điểm tương đồng với meme coin. Tuy nhiên, chúng ta hãy dành một chút thời gian để hiểu quan điểm này trước khi chứng minh tại sao đây rốt cuộc chỉ là một quan niệm sai lầm.

Meme coin là gì?

Meme coin là một thuật ngữ không chính thức (tiếng lóng) của các token có thể thay thế được (fungible) với ít hoặc hầu như không có mục đích hoặc tiện ích hợp pháp nào khác ngoài tiềm năng đầu cơ theo viễn cảnh “pump & dump”. Điều này tạo ra sự tăng giá theo đường parabol (đôi khi 1.000% hoặc hơn) trong ngắn hạn, sau đó là vụt tắt, giá giảm nghiêm trọng và trong hầu hết các trường hợp, các token này có thể sẽ không bao giờ phục hồi lại đỉnh giá (ATH). Không dự theo bất kỳ nguyên tắc hay cơ sở nào, các nhà đầu cơ thường sẽ đặt cược vào các token có tên hoặc thương hiệu “meme” nhất. Các meme coin phổ biến trong chu kỳ tăng giá gần đây nhất bao gồm Safemoon, Cumrocket, Shiba Inu và không thể không kể đến Dogecoin.

Là meme coin bền bỉ nhất, Dogecoin nổi tiếng khi được tạo ra như một trò đùa, sử dụng chó shiba inu làm hình ảnh đại diện thương hiệu cho token của mình. Một người hâm mộ rất thích chia sẻ meme trên Twitter là Elon Musk đã đóng vai trò to lớn trong sự thành công của Dogecoin trong chu kỳ này; mỗi tweet của Musk về Dogecoin có thể khiến giá tăng từ 20% trở lên.

Hình 1: Elon Musk tweet về Dogecoin và giá có xu hướng tăng mạnh

Việc giao dịch meme coin có độ biến động cao cũng giống như việc mua vé số, với hy vọng may mắn và trúng 10x lợi nhuận. Nhưng nếu mua quá trễ hoặc giữ quá lâu sẽ làm cho nhà đầu tư trở thành nguời cung cấp thanh khoản thoát cho cá voi và các nhà giao dịch khác.

Nếu không có các đội ngũ xây dựng uy tín với kế hoạch phát triển cụ thể (hoặc ngay cả khi có), 99% số meme coin sẽ về 0.

Hình 2: Meme coin là gì?

NFT là gì? Tổng quan về NFT

NFT (Non-fungible Token) là các token độc nhất tồn tại trên blockchain và không thể bị sao chép. Trong khi hầu hết các NFT liên kết với tài sản nghệ thuật số, chúng cũng có thể đại diện cho các mặt hàng trong thế giới thực như các tác phẩm nghệ thuật thật (các bức tranh nổi tiếng) hoặc thậm chí là bất động sản. Việc “mã hóa” các tài sản trong thế giới thực này giúp việc mua, bán và đồng sở hữu chúng hiệu quả hơn đồng thời giảm xác suất gian lận.

NFT đã khá quen thuộc đối với những thế hệ đầu tiên tiếp cận công nghệ blockchain, nhưng năm 2021 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng bùng nổ, thu hút sự chú ý của cộng đồng của NFT sau khi nghệ sĩ kỹ thuật số nổi tiếng Mike Winkelmann (hay còn gọi là Beeple) bán tác phẩm The First 5000 Days với số tiền khổng lồ 69 triệu USD, khiến Beeple trở thành một trong những nghệ sĩ giàu nhất trên thế giới. Kể từ đó, những người nổi tiếng Snoop Dogg hay Jimmy Fallon đã bắt đầu sỡ hữu NFT, mang khái niệm này đến gần với cộng đồng hơn.

Khi công chúng ngày càng nhận thức rõ hơn về NFT, khối lượng giao dịch NFT đã tăng trưởng đáng kể và giữ vững mức này đều đặn qua các tháng. Theo dữ liệu từ IntoTheBlock, tổng khối lượng giao dịch NFT gần đây đã vượt 22 triệu ETH tương đương 65 tỷ USD tại thời điểm viết bài.

Hình 3: Tổng khối lượng được giao dịch NFT được thống kê bởi IntoTheBlock

Cụ thể, biểu đồ hàng năm của IntoTheBlock cho thấy khối lượng giao dịch toàn cầu của NFT đã tăng từ 16,94 tỷ USD vào ngày 01/01/2022 lên 63,49 tỷ USD vào ngày 22/06, tăng 274,8% chỉ trong năm qua. Thậm chí từ điển CollinsDictionary đã đặt “NFT” là từ của năm 2021. Từ đấu giá mỹ thuật đến tài sản chơi game blockchain, NFT đã trở thành một chủ đề bàn tán sôi nổi – một điều mà những người “no-coiner” cũng than phiền và cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục nhìn/ nghe/ đọc thấy.

Memeification của NFT

Tìm kiếm từ khoá “NFT” trên Google mang lại một luồng vô tận các bài báo, kênh truyền thông với tiêu đề tập trung vào việc giá bán đáng kinh ngạc của các dự án NFT hàng đầu. Với hai bộ sưu tập nổi bật thường thấy là Bored Ape Yacht Club (BAYC) và Crypto Punks. Cả hai bộ sưu tập đều là dạng PFP tức ảnh đại diện, đã đặt ra vô số nghi vấn về giá trị nghệ thuật thật sự của chúng.

Không có gì lạ khi nhiều người bỏ qua các đặc tính công nghệ và cho rằng NFT là một dạng khác của meme token. Nhìn lại, cả NFT và meme coin đều có một số điểm tương đồng:

Tính biến động cao

Bất kỳ người nổi tiếng/ người có ảnh hưởng nào cũng có thể tweet về token meme hoặc bộ sưu tập NFT và làm cho giá trị của nó tăng vọt.

Không có tiện ích

Hầu hết các bộ sưu tập NFT không có tiện ích hay chức năng nào ngoài giá trị của chúng như một bộ sưu tập.

Rủi ro cao, phần thưởng lớn

Luôn tiềm ẩn rủi ro khi giao dịch NFT, dự án có thể biến mất vào bất kì lúc nào và NFT nhà đầu tư sỡ hữu bị mất thanh khoản; tương tự như meme coin, nó cũng giống như xổ số và phần lớn những người cố gắng chơi nó đều bị mất tiền.

Bong bóng đầu cơ

Giá DOGE đã giảm 90% so với đỉnh, nhưng nó vẫn là một trong 10 loại tiền mã hoá hàng đầu theo vốn hóa thị trường. Trong khi đó, tweet đầu tiên của cựu CEO Twitter Jack Dorsey từng được bán với giá 2,9 triệu USD và hiện tại mức giá đấu thầu cao nhất cho NFT này trên OpenSea lại không vượt quá 10.000 USD, giảm 99% trong một năm.

NFT và meme coin có thể có một số điểm tương đồng về khía cạnh giao dịch trong chu kỳ đầu cơ, nhưng nếu chỉ đánh giá các NFT bằng đặc điểm này và bỏ qua sự đổi mới, tiện ích công nghệ mà NFT đã và đang mang lại thì đó là một sự thiếu sót trầm trọng.

Việc các tác phẩm nghệ thuật được bán với giá cao ngất ngưởng không phải chỉ xảy ra với NFT. Một tác phẩm nổi tiếng “Banana duct-taped” được dán vào tường tại Art Basel của nghệ sĩ Maurizio Cattelan được bán với giá 120.000 USD. Để có thể đạt được giá trị này thì tác phẩm nghệ thuật phải mang tính duy nhất (tức không có tác phẩm thứ 2 giống về các đặc tính). Điều xác minh tính xác thực (không thể thay thế) của tác phẩm này hoặc bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào là Giấy chứng nhận tính xác thực (COA). NFT giống như một phiên bản kỹ thuật số sáng tạo của COA, được ghi lại vĩnh viễn và không thể thay đổi trên blockchain.

Hình 4: Quả chuối được dán băng keo vào tường có giá 120.000 USD tại Art Basel ở Mimi

NFT đang đảo lộn thế giới nghệ thuật, nhưng sẽ còn có nhiều thay đổi hơn nữa trong tương lai. NFT không chỉ là jpeg. Chúng được tạo nhờ công nghệ blockchain và ngoài tác động văn hóa hay độ hiếm thì chính tiện ích sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy giá trị của các bộ sưu tập NFT.

Cuốn theo bản chất của đầu cơ NFT, hầu hết mọi người đều bỏ qua những đổi mới mang tính cách mạng mà công nghệ này sẽ mang lại. NFT đã nhanh chóng được chấp nhận bởi những ứng dụng thực tế và tiềm năng nó có thể mang lại – cung cấp giá trị cho mọi người (không chỉ những nhà đầu cơ degen).

Dưới đây là một số cách mà NFT mở ra tiềm năng cho việc đưa Web3 đến gần hơn với đại chúng.

Các tiện ích của NFT

NFT có các tiện ích nhất định phân biệt chúng với các meme coin đầu cơ khi cung cấp các chức năng bổ sung tạo ra giá trị cho người nắm giữ. Theo Khảo sát CoinGecko NFT 2022, hầu hết những người được hỏi đều có động cơ HODL một NFT bởi những hứa hẹn về tiện ích ở hiện tại và có thể trong tương lai.

Hình 5: Tiện ích của NFT là điều mà nhà đầu tư kì vọng nhất khi hold NFT

“Nếu NFT đại diện cho một tệp kỹ thuật số, điều gì làm cho NFT của bạn khác với ảnh chụp màn hình?”

Câu trả lời ngắn gọn là “bằng chứng về quyền sở hữu”, nhưng đó không phải là tất cả. Dưới đây là một số lý do chính tại sao mọi người sở hữu NFT.

1. Nhận diện và quyền sở hữu

Eric Anziani, COO của Crypto.com cho biết:

“NFT cho phép mọi người sở hữu và sử dụng nhận diện rõ ràng trên các nền tảng và các hệ sinh thái khác nhau.”

NFT có thể giúp xây dựng danh tính kỹ thuật số cho không gian trực tuyến, nơi mọi người có thể tương tác với nhau thông qua hình đại diện của họ. Ngày nay, mọi người ngày càng dành nhiều thời gian hơn để tương tác với bạn bè trên mạng xã hội. Sử dụng NFT làm ảnh đại diện là cách đầu tiên người dùng định hình tính cách trực tuyến của mình và các bộ sưu tập PFP khác nhau cung cấp các tín hiệu xã hội khác nhau.

Ví dụ, BAYC phát tín hiệu sự thịnh vượng, Goblin Town thể hiện sự hài hước bất cần, Azuki lại cho thấy sự đánh giá cao đối với anime,…

Người dùng có thể sẽ lo lắng rằng NFT PFP của họ có thể bị lưu về và được sử dụng bởi người khác. Tuy nhiên gần đây, Twitter ra mắt tính năng đặt NFT làm ảnh đại diện bằng kết nối ví tiền mã hoá của người dùng. Instagram cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự.

2. Tạo nội dung và kiếm tiền

NFT giúp dễ dàng xác minh quyền sở hữu thực sự và lịch sử sở hữu của tác phẩm, mang lại lợi thế độc đáo cho cả người sưu tập và người sáng tạo. 

Đặc biệt, đối với các nghệ sĩ, mint và bán NFT là một cách mới hiệu quả để kiếm tiền và tương tác với người hâm mộ. Các nghệ sĩ có thể mint và bán tác phẩm của họ độc lập và không cần bất kỳ người hay bên trung gian nào trong khi vẫn giữ quyền sở hữu đối với quyền SHTT (Sở hữu trí tuệ) cơ bản.

Đây là một cải tiến đặc biệt hấp dẫn đối với lĩnh vực âm nhạc và đặc biệt chú ý đến các nghệ sĩ, vì chỉ có 30% tổng doanh thu thuộc về các nghệ sĩ, mặc dù công việc của họ là nền tảng cho toàn bộ ngành. Bằng cách bán NFT âm nhạc cho thậm chí chỉ một số ít người hâm mộ có đủ khả năng mua chúng, các nghệ sĩ có thể kiếm được gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với việc phát trực tuyến tiền bản quyền trên các nền tảng như Spotify, mà không giới hạn phạm vi tiếp cận bài hát cũng như không từ bỏ quyền phát hành.

Các nghệ sĩ thuộc các ngành khác cũng có thể kiếm tiền bản quyền từ việc bán tác phẩm của họ thông qua các smart contract được tích hợp sẵn trên NFT marketplace. Đây sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi dành cho các nhà sáng tạo nội dung mang tính nghệ thuật thị giác vốn hiện nay đang bị hạn chế.

Chiến lược và ứng dụng cho NFT là vô vàn và đang được khám phá từng ngày. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số chiến lược và ứng dụng bên dưới trong phần tiếp theo.

3. Quyền tham gia các cộng đồng

Các nghệ sĩ và cộng đồng trên toàn thế giới đang tận dụng triệt để tính năng cung cấp quyền tham gia cộng đồng và một số dịch vụ cho chủ sở hữu NFT của họ, những người hâm mộ nhiệt huyết nhất, và luôn ủng hộ trung thành các tác phẩm của nghệ sĩ.

Theo cách này, các NFT hoạt động giống như thẻ thành viên hoặc vé, cung cấp quyền tham gia vào các server Discord, hay sự kiện offline, hàng hóa, airdrop và giảm giá.

Do đó, việc sở hữu NFT một cách hiệu quả khiến chủ sở hữu trở thành nhà đầu tư, thành viên câu lạc bộ, cổ đông thương hiệu và khách hàng thân thiết.

4. Tư cách thành viên và quản trị của DAO

Quản trị DAO

Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là tổ chức trực tuyến mới của một tập thể và tự quản. Các thành viên của DAO gửi và bỏ phiếu về các đề xuất để xác định mục tiêu và hành động cũng như vấn đề chi tiêu của nhóm, v.v. DAO thường yêu cầu các thành viên mua và nắm giữ một số lượng nhất định token của DAO, nhưng tư cách thành viên cũng có thể được xác định bằng cách giữ một NFT, như Andrew Yang’s Lobby 3. Việc nắm giữ NFT của DAO và tham gia với tư cách thành viên gần giống như trở thành cổ đông và thành viên hội đồng quản trị của một công ty, chia sẻ và giúp định hướng thành công của nhóm.

Quản trị NFT

Quản trị NFT có thể là kỷ nguyên tiếp theo trong quản trị DAO. Đó là một hệ thống trong đó quyền biểu quyết không chỉ dựa trên số lượng token bạn sở hữu, mà bởi các NFT có các số lượng điểm quản trị khác nhau có thể được tăng và giảm bởi DAO. Điều này cho phép quyền biểu quyết dựa trên chuyên môn, danh tiếng và đóng góp cá nhân thay vì chỉ bằng tiền.

5. Dashboard và tính năng cao cấp

Một số sản phẩm và nền tảng web3 yêu cầu người dùng mua NFT để truy cập các tính năng cao cấp. Thông thường, đây là các công cụ giao dịch và đầu tư để quản lý danh mục đầu tư NFT, chẳng hạn như PREMINT, Trait Sniper, Moonly, Smart Sea Society.

Hình 6: Các công cụ hỗ trợ Premium của Moonly cung cấp cho người nắm giữ NFT

6. GameFi và Metaverse

Hình 7: GameFi & Metaverse

NFT Gaming

NFT cũng có thể đại diện cho các tài sản trong trò chơi, một tính năng phổ biến của các trò chơi dựa trên web3/blockchain. Những trò chơi này cung cấp trải nghiệm chơi game quen thuộc và thú vị đi kèm lợi ích bổ sung là toàn quyền sở hữu đối với các nội dung trong trò chơi như vật phẩm, nhân vật, vũ khí, v.v. Điều này có nghĩa là người dùng có thể bán tài sản trò chơi của họ sau khi chơi xong trò chơi, thậm chí có thể kiếm lời. Theo thống kê của CoinGecko 2022, NFT dùng để chơi game, không phải nghệ thuật hay PFP, mới là loại NFT được sở hữu rộng rãi nhất.

“NFT Metaverse/ NFT chơi game là loại NFT phổ biến nhất được sở hữu, với một nửa số người được hỏi đã từng tham gia trò chơi metaverse trước đây. Metaverse được dự đoán sẽ trở thành một thị trường trị giá 800 tỷ USD trong 2 năm tới và các trò chơi giống như một khởi đầu tiếp cận với NFT dễ nhất đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là những người chơi tiền mã hoá.”

Hình 8: NFT Metaverse/ NFT chơi game là loại NFT phổ biến nhất

Nội dung trong trò chơi thường được tạo ra dưới dạng NFT và có thể giao dịch nhưng không thể thay đổi. Với hầu hết các NFT, một số được chế tạo hiếm hơn những loại khác, điều này làm tăng giá trị của chúng. Việc xây dựng các trò chơi trên blockchain cho phép các nền kinh tế được mã hóa, cung cấp giá trị chưa từng có trước đây cho các nhà phát triển, nhà đầu tư, thương hiệu, cộng đồng và hơn hết là chính người chơi.

Play-to-Earn (P2E) và Play-and-Earn (P&E)

Người chơi có thể sử dụng NFT để chơi các trò chơi blockchain và tạo ra lợi nhuận, đặc biệt với các trò chơi đang được ưa chuộng và các token của dự án đang có nhu cầu cao trên thị trường. Guild và các dự án cũng đang hỗ trợ việc cho mượn các NFT cần thiết để chơi game.

Các tựa GameFi đầu tiên chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các cơ hội thu lợi nhuận cho người chơi. Khi phân khúc trò chơi blockchain phát triển, trọng tâm đang chuyển từ P2E sang P&E. Điều này có nghĩa là các trò chơi hiện đang được phát triển tập trung vào việc mang lại trải nghiệm chơi game thú vị và thường có thể tham gia miễn phí (free to play).

Không cần thiết phải tốn chi phí ban đầu để tham gia trò chơi, nhưng để tận hưởng toàn bộ tính năng của dự án và kiếm được phần thưởng lớn hơn, người chơi sẽ phải tham gia cân nhắc sở hữu các NFT của dự án.

7. NFT thời trang

Các thương hiệu cao cấp nói riêng đã dần thể hiện sự quan tâm đến tiềm năng của thời trang cao cấp kỹ thuật số. Theo Morgan Stanley, thị trường NFT thời trang có thể trị giá 56 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2022, Decentraland tổ chức Tuần lễ thời trang Metaverse đầu tiên, với sự tham gia của hơn 70 thương hiệu bao gồm cả những tên tuổi lớn như Dolce&Gabbana và Forever 21. Năm 2021, Louis Vuitton tung ra trò chơi metaverse của riêng mình, trong khi Burberry đã nhanh chóng cháy hàng khi mở bán một bộ sưu tập NFT trong trò chơi Blankos Block Party của Mythical Games.

Trong bối cảnh thị trường bear hiện tại, một số thương hiệu có sự chậm lại trong việc tham gia vào metaverse, nhưng vẫn tồn tại nhiều lý do cung cấp góc nhìn lạc quan về tương lai của NFT thời trang. Ví dụ: năm ngoái NIKE mua lại RTFKT, một studio NFT, với mục đích rõ ràng là phát triển thiết bị đeo NFT cho hình đại diện trong metaverse.

Hình 9: Nhân vật Minny B đang mặc áo phông Burberry’s TB Summer Monogram và được lấy cảm hứng từ Vương quốc động vật. Các phụ kiện trong trò chơi bao gồm hộp nổ (boombox), ván trượt TB, vòng cổ hình móng ngựa và “điện thoại vỏ”

8. Staking và LP token

Hình 10: NFT kết hợp cùng DeFi tạo ra nhiều giá trị cho cả thị trường

NFT cũng có thể được stake vào một số giao thức để nhận lãi. Như vậy, NFT còn có thể tạo ra lợi nhuận thụ động và có thể được coi là giao điểm của tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT.

Một số giao thức hỗ trợ đa dạng các loại – bộ sưu tập NFT để staking, trong khi phần còn lại chỉ hỗ trợ NFT gốc của dự án để kiếm phần thưởng staking và được trả bằng token của dự án. Phần thưởng staking cũng có thể là token quản trị của giao thức. Điều này cho phép các nhà đầu tư bỏ phiếu và quyết định sự phát triển của hệ sinh thái. Ngoài ra, dự án luôn tạo ra nhiều cách nhằm gia tăng giá trị cho các NFT như là tham gia mua vé xổ số, các chương trình ưu đãi LP, v.v.

Fractional (ERC-20) hoặc Bridgesplit (SLP-20) cung cấp lựa chọn phân mảnh NFT và phân chia quyền sở hữu đối với NFT, tạo thanh khoản cho các cặp giao dịch để tạo thêm dòng tiền trong khi nắm giữ NFT.

NFT: Hơn cả một trò vui (meme) công nghệ

NFT không chỉ là một meme hay xu hướng nhất thời. “JPEG được định giá quá cao” và “không tốt hơn meme coin” là các nhận xét thường thấy về NFT, nhưng thế giới sẽ sớm biết đến vô số tiện ích đột phá sáng tạo mà NFT mang lại cho người dùng trong web3 và các thị trường chính thống. NFT là minh chứng cho những ưu điểm của tài sản blockchain kỹ thuật số bao gồm tăng cường bảo mật, tính bất biến, khả năng lập trình, phân đoạn, mã hóa và bằng chứng quyền sở hữu.

Mặc dù chỉ tốn chưa đến 5 xu để làm ra, một tấm thẻ bóng chày của tân binh Mickey Mantle năm 1952 đã được bán với giá kỷ lục 5,2 triệu USD. Điều này khả thi dựa trên lịch sử, độ hiếm và sự liên quan đến văn hóa của tấm thẻ. Theo nhiều cách, NFT chính là phiên bản kỹ thuật số của nó. Bằng cách sở hữu NFT (đặc biệt là các bộ sưu tập phổ biến), mọi người đang thể hiện tinh thần và văn hóa của bộ sưu tập đó.

Điều gì làm cho một bộ sưu tập NFT có giá trị?

1. Cộng đồng và văn hóa

Hình 11: Nền văn hoá đằng sau bộ sưu tập nổi tiếng BAYC

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của một dự án và giá trị tài sản của dự án đó. Văn hóa là thứ thu hút và gắn kết một cộng đồng lại với nhau. Trong số những thứ khác, văn hóa là sự chắt lọc những đặc tính, thái độ, kinh nghiệm, niềm tin, thị hiếu và thẩm mỹ được chia sẻ bởi cộng đồng. Văn hóa có thể được đo lường bằng giá trị vật chất, xã hội và nghệ thuật, và có một nền văn hóa được xác định rõ là điều giúp phát triển cộng đồng.

Các cộng đồng NFT được tạo ra nhằm mục đích quản lý và phát triển nền văn hoá của bộ sưu tập. Thông qua nỗ lực, sự sáng tạo và ảnh hưởng của mỗi thành viên trong cộng đồng, văn hoá của bộ sưu tập NFT đó có thể được biết đến và phát triển mạnh mẽ.

Khi người dùng mua Bored Ape, họ không chỉ đơn giản là mua một hình đại diện PFP hoặc một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền và quý hiếm. Họ đang trở thành thành viên của một câu lạc bộ có những lợi ích nhất định và giá trị sẽ tăng lên theo thời gian. Bored Ape đóng vai trò như một danh tính kỹ thuật số và mở ra cánh cửa tham gia cộng đồng BAYC cho chủ sở hữu của chúng.

Tờ Rolling Stone bình luận:

“Bored Ape Yacht Club đại diện cho một câu lạc bộ dành cho những người làm giàu nhanh chóng bằng cách “aping” – tiếng lóng của tiền mã hoá thể hiện cho việc đầu tư lớn vào một thứ gì đó không chắc chắn – và quá chán để làm bất cứ điều gì ngoài việc tạo meme và tranh luận về các phân tích. Phần “du thuyền” được bao phủ bởi sự châm biếm, vì câu lạc bộ kỹ thuật số mà loài vượn tụ tập trong đó được thiết kế để trông giống như một quán bar lặn trong đầm lầy Everglades.”

hay:

“Cryptopunks là một trong những bộ sưu tập NFT đầu tiên và truyền cảm hứng cho nhiều bộ sưu tập NFT đi sau nó. Vì vậy, sở hữu Cryptopunk giống như sở hữu một phần lịch sử và liên kết bạn với một nền văn hóa tiền mã hoá “OG” (Original Gangster) – từ lóng chỉ những người sáng lập đầu tiên của blockchain. Đó là lý do tại sao mọi người sẵn sàng trả rất nhiều tiền để sở hữu một tác phẩm của bộ sưu tập này.”


2. Giá trị thẩm mỹ

Hình 12: Giá trị thẩm mỹ nghệ thuật của NFT

Có lẽ thước đo vô hình nhất thu hút người mua NFT là sở thích cá nhân của họ. Nhiều người mua NFT vì họ ngưỡng mộ tác phẩm nghệ thuật hoặc cảm thấy rằng nó phản ánh hình ảnh bản thân hoặc thẩm mỹ cá nhân của họ; bằng cách sở hữu nó, họ có thể thể hiện “gu” bản thân trực tuyến của mình.

Có thể tìm thấy những nghệ sĩ cống hiến cả đời cho nghề của họ đằng sau mỗi bộ sưu tập NFT. Mua NFT của họ là cách trực tiếp nhất để người hâm mộ hoặc nhà sưu tập thể hiện sự ủng hộ hành trình của nghệ sĩ. Và ai biết được, nếu nghệ sĩ trở nên rất thành công, NFT thậm chí có thể đáng giá rất cao về giá trị và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người nắm giữ.

3. Đưa Web3 đến với công chúng

Đi từ một ngách của thị trường tiền mã hoá, NFT đã bùng nổ và dần trở thành trụ cột chính chỉ trong khoảng một năm trở lại đây. Những người nổi tiếng và nhà đầu tư nổi tiếng như Gary Vee, Gerard Piqué và Paris Hilton đã tham gia vào thế giới NFT, điều này càng làm nổi bật tác động tích cực đến văn hóa của NFT.

Hình 13: Vốn hoá thị trường NFT tăng vọt ở năm 2021

Những người nổi tiếng và các thương hiệu lớn đang quan tâm về NFT vì họ nhận thấy sự thay đổi lớn về văn hóa và công nghệ đang diễn ra và hiểu rằng đây là chính là điều cần thiết cho công nghệ tương lai.

Cho đến nay, các thương hiệu mới chỉ bước đầu khám phá NFT và chủ yếu sử dụng chúng để làm công cụ marketing trong thời kỳ tăng giá. Tuy nhiên, cuối cùng họ sẽ đánh giá cao những đổi mới công nghệ và tích hợp NFT vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, nhà đầu tư tỷ phú và chủ sở hữu của Dallas Mavericks Mark Cuban có kế hoạch cung cấp vé NFT cho các trò chơi Mavericks trong tương lai để cải thiện quy trình mua và bán lại vé cho người hâm mộ, đồng thời để tối ưu và cải tiến doanh thu bản quyền khi bán lại.

NFT là cánh cửa dễ dàng và thú vị để giúp mọi người hiểu khái niệm về tài sản kỹ thuật số. Khi nhiều nhà quảng cáo và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các giải pháp NFT, người hâm mộ và khách hàng của họ sẽ ngày càng quen thuộc hơn với công nghệ tiên tiến này. Tiềm năng NFT cho việc mở khóa sự hiểu biết của công chúng về blockchain và tiền mã hoá là rất lớn.

Tổng kết

NFT là công nghệ mới vô cùng sáng tạo và không nên được đánh giá dựa trên một góc nhìn thiện cận.

Giống như việc so sánh meme coin vào cùng loại với Bitcoin hoặc Ethereum, vậy tại sao bạn lại bỏ qua nhiều tiện ích và ứng dụng rất thực tế dành cho NFT chỉ vì bạn tập trung vào việc đầu cơ các bộ sưu tập PFP?

Ngoài giá trị nghệ thuật, tiện ích là một cách để giúp đo lường giá trị của một NFT. Nhưng đó không phải lúc nào cũng là một phương trình đơn giản. Quản trị, Cộng đồng, Văn hóa, v.v. đều là những tài sản vô hình rõ ràng có giá trị, nhưng nó có thể khác nhau đối với mọi người.

Vấn đề là NFT không chỉ là một meme hay xu hướng nhất thời của thị trường tăng giá thoáng qua. NFT đang thúc đẩy một số đổi mới thú vị nhất trong không gian blockchain và có tác động lớn đến văn hóa chính thống cũng như việc đưa tiền mã hoá đến gần hơn với công chúng.

Về Ancient8 Research

Ancient8 Research là cổng phân tích về GameFi. Thông qua các nội dung Phân tích Game cùng Nghiên cứu Thị trường chuyên sâu, tầm nhìn của Ancient8 Research Portal là trao quyền cho thế hệ công dân Metaverse thế hệ tiếp theo với khả năng đánh giá dự án hiệu quả và mở rộng tiếp cận nhiều hơn các cơ hội đầu tư. 

Về AntiAntiNFTs Club (AANC)

AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.

Tham gia Cộng đồng AANC trên: Telegram | Twitter

-19/07/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68