Để liệt kê những người có đóng góp lớn trong thị trường tiền mã hoá chúng ta không thể nào không nhắc đến Satoshi Nakamoto, Vitalik Buterin và Gavin Wood. Cả Satoshi và Vitalik vốn đã rất nổi tiếng với Bitcoin và Ethereum, vậy còn Gavin Wood, ông ấy là ai? Và cá nhân này đã có đóng góp gì cho thị trường Crypto? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Gavin Wood là ai? Tiểu sử về người sáng lập ra Polkadot và đồng sáng lập Ethereum
Gavin Wood là ai?
Ngay từ những bước chân đầu tiên trong lĩnh vực tiền mã hoá, Gavin Wood đã để lại những dấu ấn cũng như nhiều sản phẩm mà sau này gần như bất kỳ ai cũng phải ít nhất một lần sử dụng đến. Từ việc sáng lập ra Ethereum cùng với Vitalik Buterin đến việc tạo ra Solidity, ngôn ngữ lập trình dành riêng cho việc xây dựng ứng dụng trên blockchain cùng tên, tất cả đều là những di sản mà ông để lại cho thị trường. Hơn thế nữa, ông còn là người đứng sau Parity Technologies, đơn vị phát triển nên những dự án lớn khác như Polkadot, Kusama.
Chân dung Gavin Wood
Tiểu sử Gavin Wood
Ngay từ nhỏ, Gavin Wood đã tỏ rõ niềm đam mê với công nghệ cũng như lý thuyết trò chơi, những yếu tố cần có ở những nhà lập trình. Nhờ một người hàng xóm tốt bụng tên Sean tại hạt Lancashire (Anh Quốc), Gavin đã viết ra những dòng code đầu tiên của mình. Sau đó, khi đang theo học tại Lancaster Royal Grammar School, các giáo viên tại đây cũng đã tạo điều kiện để ông tiếp tục đam mê của mình với những dòng code.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Gavin Wood chọn theo học ngành kỹ sư phần mềm và sau đó tiếp tục học cao học ngành kỹ thuật tại Đại học York. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, Gavin Wood gia nhập Frontier Developments và làm việc tại đây đến năm 2007. Sau đó, nhận thấy những bước tiến công nghệ trong ngành Smartphone chắc chắn sẽ mở ra một thị trường ngách về trò chơi điện tử, Wood bắt đầu xây dựng Quid Pro Code, một cửa hàng phần mềm, nơi ông thiết kế và triển khai workbench C++ có tên Martta.
4 năm sau, Gavin Wood cho ra đời hệ thống tạo ra các buổi biểu diễn ánh sáng trên nền nhạc khi đang làm giám đốc kỹ thuật tại Lancaster Logic Response (LLR). Ngay lập tức, gần như 100% các hộp đêm tại London đều sử dụng công nghệ này và gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi. Ngoài ra, ứng dụng Noted, một ứng dụng giúp ghi chú và phân tích âm thanh cũng là sản phẩm của ông tại công ty này.
Sự nghiệp của Gavin Wood
Ethereum
Vào năm 2013, Gavin Wood có cơ hội gặp gỡ Vitalik Buterin. Sau khi trao đổi với Vitalik về những dự định cũng như tương lai của blockchain, ông đã bắt đầu thấy thích thú với việc thiết kế một loại blockchain có khả năng lập trình. Với niềm say mê này, Gavin Wood quyết định hỗ trợ Vitalik Buterin trong việc phát triển Ethereum.
Vào năm 2014, Gavin Wood cùng với Vitalik Buterin cũng như một nhóm những nhà phát triển khác đã cùng hợp sức để phát triển và triển khai phiên bản đầu tiên của Ethereum. 6 tháng sau đó, họ lại hội ngộ tại Thụy Sĩ để thành lập mạng lưới Ethereum. Tại thời điểm đó, Wood nhận vị trí Giám đốc Công nghệ (CTO) đầu tiên của Ethereum và viết "Ethereum Yellow Paper," tài liệu định nghĩa cho Ethereum Virtual Machine (EVM).
Logo Ethereum
Parity và Web3 Foundation
Năm 2015, nhận thấy sự phát triển của fintech sẽ là dấu chấm hết của sự riêng tư, Gavin Wood đề xuất một khái niệm khác mang tên Web 3.0 nhằm phá vỡ thế độc tôn của các công ty công nghệ truyền thống, để tù đó trả lại quyền tự do và sự kiểm soát thông tin cho chính người dùng. Tiếp đến, ông thành lập Web3 Foundation với mục đích ươm mầm và thúc đẩy sự phát triển của những ứng dụng và công nghệ trên tinh thần phi tập trung. Ngoài ra, sứ mệnh của Web3 Foundation còn là tài trợ, bảo trì, nghiên cứu và triển khai những công nghệ Web3 giáo dục.
Năm 2016, Gavin Wood rời khỏi Ethereum do những bất đồng trong định hướng phát triển với Vitalik Buterin và thành lập Ethcore. Sau này, tổ chức được đổi tên thành Parity Technologies. Lúc này, nhận thấy nhu cầu đào ETH ở công chúng khá cao nên Wood đã triển khai một phần mềm mang tên Ethereum Parity có mã nguồn mở nhằm giúp người dùng có thể sử dụng và khai thác ETH một cách công khai.
Polkadot
Năm 2017, nhận thấy những bất cập của Ethereum và mạng của nó sẽ không thể sửa chữa trong tương lai gần, Gavin Wood đã nhen nhóm một ý tưởng về một blockchain mới, thứ sẽ khắc phục những yếu điểm cố hữu của Ethereum. Năm 2017, ông lần đầu giới thiệu Polkadot đến với công chúng. Polkadot là mạng blockchain đầu tiên hoàn toàn được chia thành các phân đoạn (shard), tức là nó là môi trường đa chuỗi. Polkadot tạo điều kiện cho khả năng mở rộng bằng cách cho phép các blockchain chuyên biệt tương tác với nhau trong một môi trường an toàn.
Logo Polkadot
Polkadot được xây dựng để kết nối và bảo vệ các blockchain độc nhất, cho dù chúng là các mạng công khai không cần cấp phép, hoặc các công nghệ Web3 khác. Nó tạo điều kiện cho một môi trường internet nơi mà các blockchain độc lập có thể trao đổi thông tin dưới một cam kết bảo mật chung.
Polkadot là một mạng lưới có bộ công cụ quản trị tiên tiến và sử dụng tiêu chuẩn WebAssembly như một "meta-protocol", có thể tự động triển khai các nâng cấp mạng. Polkadot thích nghi với những nhu cầu ngày càng tăng của người dùng mà không có các rủi ro về bifurcation (phân tách) mạng.
Bên cạnh đó, Polkadot còn đóng vai trò là tầng nền tảng của một web phi tập trung, nơi người dùng kiểm soát dữ liệu của họ và không bị hạn chế bởi các ranh giới tin cậy trong mạng. Mạng lưới Polkadot sử dụng mô hình được chia thành các phân đoạn, gọi là "parachains," cho phép giao dịch được xử lý song song thay vì tuần tự. Mỗi parachain trong mạng có một chức năng chuyển trạng thái độc đáo (STF). Polkadot có một Relay Chain hoạt động như chuỗi chính của hệ thống. Dựa trên thiết kế của Polkadot, miễn là logic của một chuỗi có thể biên dịch thành Wasm và tuân theo API Relay Chain, thì nó có thể kết nối vào mạng Polkadot như một parachain. Parachains xây dựng và đề xuất các khối cho validators trên Relay Chain, trong đó các khối sẽ được kiểm tra tính hợp lệ trước khi được thêm vào chuỗi.
Substrate
Trong quá trình phát triển Polkadot, Gavin và các cộng sự của mình phát hiện việc xây dựng và phát triển một blockchain từ đầu tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian do khối lượng công việc quá lớn. Bên cạnh đó, việc tạo một blockchain từ đầu mà không có một chỉ dẫn cụ thể sẽ là một rào cản vô cùng lớn đối với các nhà phát triển. Vì thế, Gavin cùng các đồng sự của mình đã tập hợp tất cả các kinh nghiệm của mình khi phát triển Polkadot thành một substrate.
Nội dung của substrate này là toàn bộ những điều mà một nhà phát triển cần có để có thể tạo ra một blockchain. Chúng bao gồm: Sự đồng thuận, account, tokenomics, governance và treasury trên chuỗi. Người dùng chỉ cần lựa chọn những thành phần mà mình muốn sau đó ghép chúng lại thành một blockchain hoàn chỉnh.
Kusama
Như đã đề cập ở trên, để tạo ra một blockchain hoàn chỉnh, nhà phát triển chỉ cần substrate. Nhưng để có thể triển khai và chạy thử một blockchain hoàn chỉnh, họ sẽ cần thêm Kusama. Đây tiếp tục là một sản phẩm nữa được sinh ra trong quá trình phát triển Polkadot. Lần đầu được giới thiệu đến công chúng năm 2019, Kusama là một mạng chuyên biệt dùng để thử nghiệm các blockchain trước khi đưa đến công chúng.
Tổng kết
Bên trên là những thông tin về Gavin Wood, một trong những người tiên phong đi đầu trong thị trường tiền mã hoá. Những đóng góp của ông không những mở ra những ứng dụng mới cho blockchain mà nó còn mang tính cách mạng với những kiến tạo vô cùng độc đáo giúp nâng cao quyền riêng tư trong không gian mạng.