logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Fractal Bitcoin là gì? Giải pháp mở rộng sử dụng Bitcoin Core

-12/09/2024

Fractal Bitcoin là giải pháp mở rộng mạng lưới Bitcoin dựa trên mã nguồn gốc Bitcoin Core thông qua mô hình ảo hoá đệ quy (recursive virtualization).

Fractal Bitcoin là gì? Giải pháp mở rộng sử dụng Bitcoin Core

Giới thiệu

Khát vọng mở rộng mạng lưới Bitcoin vẫn luôn được nung nấu từ những giai khởi đầu, nhiều giải pháp đã lần lượt ra đời như state channel, sidechain, bitvm cho đến các layer 2 được rót hàng chục triệu đô gần đây.

Mỗi giải pháp đều có những điểm độc đáo riêng, thế nhưng việc tận dụng mã nguồn gốc Bitcoin Core để xây dựng lớp mở rộng lại là điều chưa từng có. Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu tới các bạn giải pháp mở rộng mạng lưới Bitcoin có tên Fractal Bitcoin bởi Unisat.

Fractal Bitcoin là gì?

Fractal Bitcoin là giải pháp mở rộng mạng lưới Bitcoin dựa trên mã nguồn gốc Bitcoin Core thông qua mô hình ảo hoá đệ quy (recursive virtualization).

Xem thêm: Bitcoin là gì

Mục tiêu chính của phương pháp này là tạo ra một lớp mở rộng hoàn toàn tương thích với mạng lưới gốc Bitcoin, đồng thời không cần đưa thêm các công nghệ từ mạng lưới khác vào. Điều đó có nghĩa là toàn bộ các ứng dụng sẵn có trên hệ sinh thái Bitcoin có thể vận hành dễ dàng trên Fractal, bao gồm cả hệ thống Bitcoin node.

Phần tiếp theo là phân tích chi tiết về mô hình hoạt động để giúp bạn hiểu rõ hơn về cách Fractal Bitcoin vận hành.

Mô hình hoạt động

Bitcoin Core là gì?

Trước tiên, nếu bạn chưa biết thì Bitcoin Core là một phần mềm mã nguồn mở được sử dụng để vận hành các node thuộc mạng lưới Bitcoin. Bitcoin Core được tạo ra lần đầu bởi Satoshi Nakamoto và sau đó được tiếp tục phát triển bởi cộng đồng. Bitcoin Core cung cấp các công cụ cần thiết để tham gia mạng lưới bao gồm gửi, nhận, xác thực giao dịch, cũng như lưu trữ toàn bộ bản sao của Bitcoin blockchain.

Mô hình hoạt động của Fractal Bitcoin

Recursive Virtualization 

Trọng tâm mô hình hoạt động của Fractal Bitcoin nằm ở khái niệm Recursive Virtualization (ảo hoá đệ quy)

Nếu bạn biết tới khái niệm máy ảo, thì recursive virtualization có chút tương tự như vậy. Trên cùng một chiếc máy tính gốc cài hệ điều hành windows, bạn có thể chạy thêm nhiều máy ảo windows khác trên đó gọi là Virtualization. Nếu bạn tiếp tục tạo thêm một máy ảo chạy bên trong máy ảo, rồi lại tiếp tục tạo các máy ảo khác ở lớp sâu hơn thì hành động này gọi là đệ quy (Recursive).

Recursive Virtualization của Fractal Bitcoin là phương pháp tạo ra nhiều lớp mạng lưới phụ chạy song song với mạng lưới chính Bitcoin. Các lớp phụ này vận hành thông qua phần mềm Bitcoin Core đã được tinh chỉnh để tối ưu hiệu suất, đồng thời thêm vào các chức năng mới nhưng vẫn giữ độ tương thích 100% với mạng lưới gốc. Nghĩa là tạo ra các mạng lưới Bitcoin nhỏ chạy song song với mạng Bitcoin chính.

Mô hình hoạt động của Fractal Bitcoin

BCSP Instance

Các lớp mạng lưới phụ, lớp ảo hoá hay còn được gọi là BCSP Instance (Bitcoin Core Software Package) có thể được khởi tạo ở bất kỳ thời điểm nào và có thể tùy chỉnh chức năng, mức độ bảo mật để phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Sau đó các nhà phát triển có thể tiếp tục tạo ra các BCSP Instance ngang hàng hoặc bên trong của các lớp vừa tạo, khiến Fractal có khả năng mở rộng vô hạn theo cả chiều dọc và chiều ngang. Có lẽ vì tính chất này mà dự án được đặt tên là Fractal, theo tên một khái niệm trong toán học và hình học mô tả các hình dạng hoặc cấu trúc có tính chất tự tương đồng mở rộng không giới hạn.

Cấu trúc của Fractal Tree

Những lớp ảo hoá này không chỉ có khả năng chạy song song, chúng còn có thể tương tác và chia sẻ tài nguyên, sức mạnh tính toán. Điều này hữu ích khi có quá nhiều yêu cầu gửi tới, hệ thống sẽ tính toán chọn lọc và phân bổ các yêu cầu phù hợp, gọi là hoạt động cân bằng tải từ đó tránh tình trạng tắc nghẽn quá mức ở một lớp.

Theo công bố từ dự án, tốc độ của xác thực mỗi khối của Fractal Bitcoin đạt khoảng 60 giây, so với trung bình 10 phút của Bitcoin.

Fractal có khả năng mở rộng theo cả 2 chiều ngang và dọc

Để dễ hiểu thì các bạn có thể hình dung Fractal Bitcoin cho phép tạo ra các đoạn chain clone của mạng lưới Bitcoin sau đó bắt đầu chạy với tinh chỉnh của nó nhưng vẫn liên tục liên kết với mạng lưới gốc thông qua việc gửi các chứng nhận về mạng lưới gốc.

Xét về mặt bản chất Fractal Bitcoin hoạt động như một sidechain của Bitcoin.

Tính bảo mật

Do sử dụng Bitcoin Core nên cơ chế đồng thuận của Fractal cũng là Proof of Work. Các thiết kế bảo mật cơ bản của mạng lưới gốc cũng được kế thừa ở Fractal, tuy nhiên sự phi tập trung có sự khác biệt lớn.

Tuy rằng dùng chung nền tảng Bitcoin Core nhưng các bản phần mềm của Fractal là phiên bản sửa đổi và chỉ những node nào chạy phần mềm đó mới là node của Fractal. Trong giai đoạn mới triển khai có thể sụ phi tập trung chưa được mạnh mẽ nhưng có thể khắc phục theo thời gian.

Có một nâng cấp đáng chú ý trong cơ chế đồng thuận của Fractal là Cadence Mining (khai thác theo nhịp). Fractal chia mỗi nhịp với 3 block, trong đó 2 block sẽ được khai thác theo kiểu Permissionless Mining và 1 block theo kiểu Merged Mining.

- Permissionless Mining: Là hình thức khai thác thông thường, các node xác thực block theo cơ chế đồng thuận và thêm vào mạng lưới Fractal.

- Merged Mining: Khai thác hợp nhất với mạng lưới Bitcoin, ở block thứ 3 của mỗi nhịp các thợ đào tham gia merged mining ngoài việc tạo block mới trên Fractal cần phải đưa chứng thực vào block Bitcoin.

Với cơ chế khai thác theo nhịp như vậy sẽ giúp Fractal liên tục tạo ra các điểm neo bất biến trên Bitcoin, từ đó cải thiện tính bảo mật chung cho mạng lưới.

Có một vấn đề trong bảo mật mạng lưới không chỉ riêng Fractal mà là tất cả dự án mở rộng trên Bitcoin theo hướng sidechain, layer 2 đều phải đối mặt, đó là khả năng di chuyển tài sản từ chuỗi mở rộng về Bitcoin.

Vấn đề này đến từ điểm yếu cố hữu của mạng lưới Bitcoin là không có khả năng triển khai smart contract, nên nó không thể xác thực một bằng chứng là đúng hay sai. Thông thường các dự án chỉ đều gửi proof về Bitcoin sau đó tự lấy tính toán trên mạng lưới của mình chứ không hề tận dụng được sự phi tập trung của Bitcoin trong việc xác thực tính đúng đắn của bằng chứng. Giải pháp cho vấn đề này là đoạn mã OP_CAT đã bị xoá bỏ khỏi mạng lưới từ năm 2010, những người yêu thích sự đổi mới đang tích cực vận động để mang đoạn mã này trở lại.

Đội ngũ phát triển

Đội ngũ phát triển đứng sau Fractal là Unisat, một marketplace, ví và cung cấp nhiều bộ công cụ phục vụ cho hệ sinh thái Bitcoin. Unisat là đội ngũ kín tiếng, không có nhiều thông tin được công khai. Hồi tháng 5 vừa rồi, Unisat đã hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series A từ Binance Labs.

Nhà đầu tư

Chưa có thông tin cụ thể về hoạt động gọi vốn của Fractal Bitcoin, nhưng đơn vị phát triển là Unisat đã trải qua 4 vòng gọi vốn với số tiền không được tiết lộ.

  • Vòng Strategic diễn ra vào tháng 1 năm 2023 bởi LK Ventures
  • Vòng Pre-Series A đầu tiên diễn ra vào tháng 2 năm 2024 với sự tham gia của OKX Ventures, ABCDE Labs, Vitalbridge Capital
  • Vòng Strategic thứ hai diễn ra vào tháng 3 năm 2024 chỉ có sự tham gia của CGV FoF
  • Vòng gần nhất là Pre-Series A lần 2 vào tháng 5 năm 2024 bởi Binance Labs

Các vòng gọi vốn của Unisat. Nguồn: Cryptorank

Tokenomics

Là một Proof of Work blockchain nên phần lớn token của Fractal sẽ được khai thác bởi các miner, dự kiến toàn bộ nguồn cung sẽ được mở khoá vào năm 2042, trong đó 20% số lượng token được phân bổ cho đội ngũ phát triển.

Phân bổ token của Fractal

Thông tin cơ bản

  • Tên token: Fractal Bitcoin
  • Mã: FB
  • Blockchain: Fractal
  • Tổng cung: 210.000.000 (210 triệu)

Phân bổ

  • Proof-of-Work Mining: 50%. Fractal cũng áp dụng cơ chế halving như Bitcoin nhưng với tốc độ nhanh hơn, với chu kỳ ước tính khoảng 2 năm, sau halving block reward sẽ giảm đi 50%.
  • Community Grants: 10%. Dành cho các chương trình thúc đẩy hệ sinh thái phân bổ cho 10 năm, tối đa sử dụng 1% mỗi năm.
  • Core Contributors: 15%. Số lượng này bị khoá trong 7 tháng và mở khoá tuyến tính trong 12 tháng tiếp theo.
  • Advisor: 5%. Phân bổ cho những nhà cố vấn của Fractal trong thời gian 5 năm, tối đa 1% mỗi năm.
  • Pre-sale: 5%. Khoá trong 7 tháng sau đó mở khoá tuyến tính trong 12 tháng.
  • Treasury: 15%. Dự trữ cho các hoạt động tương lai trong vòng 10 năm tới, mỗi năm mở khoá tối đa 1.5%.

Tốc độ đào token FB

FB là token được sử dụng để thanh toán gas fee trên mạng lưới Fractal tương tự BTC với Bitcoin hoặc ETH với Ethereum.

Lời kết

Fractal Bitcoin đã lựa chọn hướng đi khá độc đáo khi sử dụng chính Bitcoin Core làm nền tảng để vận hành mạng lưới mở rộng, đồng thời với những tinh chỉnh bổ sung khiến Fractal trở nên linh hoạt và tốc độ hơn rất nhiều.

Tuy rằng vẫn còn những yếu điểm cố hữu cho cả hệ sinh thái Bitcoin nhưng nếu những nhà phát triển có thể mang OP_CAT trở lại thì Fractal sẽ là nền tảng có sẵn cơ sở hạ tầng tương thích để vận hành được ngay.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Fractal Bitcoin, giải pháp mở rộng mạng lưới sử dụng Bitcoin Core, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của bạn.

Kudō

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-12/09/2024
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68
      ĐIỂM TIN🔥