logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Fed là gì? Tìm hiểu về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

-27/09/2022

Fed là một tổ chức có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến hệ thống tiền tệ và nền kinh tế toàn cầu. Các quyết định tăng hoặc giảm lãi suất của Fed có tác động không nhỏ đến các thị trường, trong đó có thị trường tiền mã hóa. Vậy Fed là gì? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Fed là gì? Tìm hiểu về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Fed là gì?

Fed là viết tắt của Federal Reserve System, hay còn gọi là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Đây được xem như là Ngân hàng Trung ương của Mỹ, được thành lập vào năm 1913 theo Luật Dự trữ Liên bang được ký bởi Tổng thống Woodrow Wilson nhằm duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và an toàn cho nước Mỹ.

Fed là gì?

Fed hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Hoa Kỳ. Đây là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in USD (đô la Mỹ). Chính vì vậy, Fed có vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và giảm thất nghiệp. Fed thực hiện các nhiệm vụ này thông qua việc điều chỉnh lãi suất, quản lý nguồn cung tiền và thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở.

Lịch sử ra đời của Fed

Năm 1791, Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, đã trình lên Quốc hội về việc thành lập một ngân hàng trung ương có tên First Bank of United States (BUS1) nhằm mục đích giải quyết các vấn đề về tiền tệ của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Washington đã ký thông qua đề xuất này và cho phép hoạt động trong vòng 20 năm (1791 – 1812).

Alexander Hamilton trên tờ 10 đô la Mỹ

Năm 1812, khi BUS1 vừa hết thời gian hoạt động cũng là thời điểm cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Anh nổ ra. Cuộc chiến này khiến cho Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, các ngân hàng ở xứ cờ hoa gần như mất khả năng thanh toán do tình trạng nợ kéo dài, đầu tư cho các hoạt động quân sự của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Madison đặt bút ký vào một quyết định thông qua thành lập một ngân hàng trung ương Second Bank of United States (BUS2) để tái thiết lập nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Hiệu lực này cũng có thời hạn là 20 năm (1816 – 1836).

Sau BUS2, giai đoạn 1862 đến năm 1913 xảy ra hàng loạt các biến động trong lĩnh vực ngân hàng ở Hoa Kỳ . Đặc biệt là giai đoạn 1907 chứng kiến cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Lúc này, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định thành lập “Ủy ban tiền tệ quốc gia” với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu điều phối thị trường.

Nelson Aldrich - người đứng đầu phe Cộng hòa ở Quốc hội, đồng thời là chuyên gia tài chính - được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban tiền tệ quốc gia. Ông đã tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát và tìm hiểu các mô hình tiên tiến của ngân hàng trung ương Anh và Đức. Sau đó, ông đề xuất phải thành lập một Cục Dự trữ Liên bang mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã bị phản đối trước Quốc hội vào năm 1911 vì đa số ghế trong quốc hội là thành viên của đảng Dân chủ.

Năm 1913, Tổng thống Woodrow Wilson đã làm đủ mọi cách để tác động và thông qua đạo luật của Aldrich để thành lập Cục Dự trữ Liên bang. Cuối cùng Luật Dự trữ Liên bang cũng được thông qua vào cuối năm 1913 và Fed chính thức được thành lập.

Cơ cấu tổ chức của Fed

Cơ cấu tổ chức của Fed

Cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Liên bang Fed có các thành phần chính sau:

  • Hội đồng Thống đốc (Federal Reserve Board)
  • Ủy ban Thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC)
  • Các Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Banks)

Hội đồng Thống đốc

Hội đồng Thống đốc (Federal Reserve Board) bao gồm 7 thành viên, được phê chuẩn bởi Tổng thống Mỹ và Quốc hội. Mỗi thành viên có nhiệm kỳ kéo dài 14 năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống và phải hoàn thành nhiệm kỳ đó hoặc chỉ  khi bị tổng thống phế truất thì mới rời khỏi chức vụ và không được phép đảm nhiệm chức vụ quá 2 nhiệm kỳ.

Hội đồng Thống đốc hoạt động độc lập với Chính phủ liên bang, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ. Họ cũng thiết lập quy định và giám sát hoạt động của 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang và toàn bộ hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC)

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC - Federal Open Market Committee) bao gồm 7 thành viên từ Hội đồng Thống đốc và 5 người đứng đầu của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Tổ chức này có nhiệm vụ thực hiện và thực thi các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.

FOMC tiến hành 8 cuộc họp hàng năm để xác định mức lãi suất trong nguồn cung tiền. Quyết định của FOMC có tác động lớn đến việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang

Vị trí 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang

Có tổng cộng 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang đặt tại các bang khác nhau trên toàn nước Mỹ như Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco.

Các ngân hàng này không thuộc Chính phủ liên bang mà hoạt động như các tổ chức tư nhân độc lập tại cấp địa phương. Nhiều trong số những ngân hàng này còn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các Ngân hàng Dự trữ Liên bang có nhiệm vụ đưa nguồn tiền do Fed phát hành vào thị trường để lưu thông thông. 

Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ

Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, thường được gọi tắt là Chủ tịch Fed, là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang. Chức vụ này có trách nhiệm quản lý chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và là người phát ngôn chính của Fed. Chủ tịch Fed được thiết lập theo Luật Ngân hàng của Hoa Kỳ năm 1935 và được Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm, sau đó cần được Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận. Tuy nhiên, đây không phải là một vị trí trong nội các chính phủ. 

Mỗi nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang kéo dài 4 năm và vị Chủ tịch này phải tham gia cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hai lần mỗi năm để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ. Hiện tại, Jerome Powell đang giữ chức vụ này, và ông được bổ nhiệm bởi Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. William McChesney Martin Jr. là người giữ chức vụ này lâu nhất trong lịch sử, kéo dài gần 19 năm.

Jerome Powell - Chủ tịch Fed đương nhiệm

Nhiệm vụ của Fed

Ban đầu, Quốc hội Hoa Kỳ chỉ định 3 mục tiêu cốt lõi cho Fed, bao gồm tạo ra việc làm, duy trì sự ổn định giá và quản lý lãi suất. Tuy nhiên, vào năm 1977, Luật Dự trữ Liên bang đã được sửa đổi và nhiệm vụ của Fed đã được mở rộng, thể hiện qua 4 mục tiêu chính sau:

  1. Thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tạo ra cơ hội việc làm cho công dân Hoa Kỳ, duy trì sự ổn định về giá cả và điều chỉnh lãi suất dài hạn.

  2. Bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế và kiểm soát các rủi ro hệ thống có thể xuất phát từ thị trường tài chính. Đảm bảo sự ổn định về giá cả của các sản phẩm và dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

  3. Theo dõi các tổ chức ngân hàng để đảm bảo tính an toàn, sự ổn định và bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong hệ thống tài chính.

  4. Cung cấp dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính phủ nước ngoài và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống thanh toán quốc gia.

Bản chất của Fed

Độc lập về chính sách

Fed có hoàn toàn quyền thực hiện các quyết định về chính sách tiền tệ mà không cần phải thông qua sự phê duyệt từ bất kỳ cơ quan hành pháp hoặc lập pháp trong chính phủ. Fed cũng có toàn quyền sử dụng các công cụ để điều chỉnh lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, cũng như kiểm soát tỷ giá của đồng USD.

Fed cũng có quyền đưa ra định mức dự trữ bắt buộc để đảm bảo họ có khả năng thực hiện mục tiêu chính của mình, đó là bảo đảm ổn định giá cả và tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Độc lập tài chính

Fed không cần phải nhận nguồn tài trợ từ Quốc hội mà tồn tại dựa trên việc quản lý tài sản và hoạt động tài chính của riêng mình. Mặc dù không được tài trợ trực tiếp từ chính phủ, nhưng toàn bộ lợi nhuận mà Fed kiếm được từ hoạt động của họ lại được chuyển về cho chính phủ. Vì điều này, Fed thường được gọi là "cỗ máy in tiền" bởi vì họ tạo ra nguồn lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm.

Độc lập về tổ chức nhân sự

Khác với Tổng thống Mỹ có nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, các thành viên trong hội đồng Fed có thời gian nhiệm kỳ lên đến 14 năm. Điều này có nghĩa rằng Fed hoạt động liên tục và trải qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống khác nhau.

Mặc dù tổng thống không có quyền can thiệp vào quyết định của Fed, nhưng họ có thẩm quyền để loại bỏ chủ tịch Fed khỏi vị trí của họ, tuy khả năng này xảy ra là không cao. Trong quá khứ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed vì họ không đồng tình giảm lãi suất đồng đô la Mỹ theo mong muốn của ông.

Các công cụ tiền tệ của Fed

Mua bán trái phiếu chính phủ

Việc mua và bán trái phiếu chính phủ là một công cụ quan trọng để điều chỉnh lượng tiền trong nền kinh tế. Khi Fed mua trái phiếu chính phủ, họ đưa thêm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính, dẫn đến tăng cung tiền và giảm lãi suất. Điều này thúc đẩy hoạt động vay mượn và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Ngược lại, khi Fed bán trái phiếu chính phủ, họ thu hồi một lượng tiền lớn ra khỏi hệ thống tài chính, làm giảm cung tiền trong nền kinh tế. Trong trường hợp nhu cầu tiền tệ vẫn cao trong khi cung tiền giảm, điều này tạo ra tình trạng thiếu tiền tạm thời và dẫn đến tăng lãi suất, làm cho việc vay mượn trở nên khó khăn hơn. Biện pháp này thường được sử dụng khi lạm phát đang ở mức cao.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Đây là số tiền mà Fed quy định các ngân hàng thương mại phải duy trì dựa trên số tiền huy động của họ và không được vượt quá mức dự trữ này khi cho vay. Công cụ này được sử dụng để điều chỉnh lượng tiền trong nền kinh tế. 

Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, lượng tiền mà các ngân hàng thương mại có thể cho vay sẽ giảm đi, dẫn đến sự giảm cung tiền trong nền kinh tế và tăng lãi suất. Ngược lại, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm xuống, lượng tiền có thể cho vay tăng lên, dẫn đến sự gia tăng cung tiền và giảm lãi suất.

Lãi suất chiết khấu

Khi cần huy động vốn ngắn hạn, các ngân hàng thương mại thường vay tiền từ Fed với mức lãi suất chiết khấu thấp hơn so với lãi suất vay trên thị trường. Vì vậy, lãi suất chiết khấu là một công cụ mà Fed sử dụng để điều chỉnh lượng tiền trong nền kinh tế. Nếu Fed tăng lãi suất chiết khấu, các ngân hàng thương mại có thể trở nên khó khăn hơn trong việc vay tiền, dẫn đến sự giảm cung tiền. Ngược lại, nếu lãi suất chiết khấu giảm, các ngân hàng thương mại có thể vay nhiều hơn, làm tăng cung tiền trong nền kinh tế.

Quyết định về lãi suất của Fed ảnh hưởng như thế nào đến các thị trường?

Quyết định về lãi suất của Fed là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thế giới tài chính. Những thay đổi về lãi suất của Fed có thể tác động đến nhiều thị trường, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường ngoại hối, thị trường hàng hóa và cả thị trường tiền mã hóa.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán thường chịu tác động tiêu cực khi Fed tăng lãi suất. Nguyên nhân là do lãi suất cao làm tăng chi phí vốn, khiến cho các công ty khó khăn hơn trong việc huy động vốn để đầu tư và mở rộng kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến giảm lợi nhuận và giá cổ phiếu.

Thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu thường sẽ chịu tác động tích cực khi Fed tăng lãi suất vì lãi suất cao sẽ làm tăng giá trị của trái phiếu, làm cho các nhà đầu tư có cơ hội nhận lãi suất cao hơn.

Thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối cũng có thể chịu tác động khi Fed tăng lãi suất. Nguyên nhân là do lãi suất cao hơn làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, khiến cho đồng USD tăng giá trị so với các loại tiền tệ khác.

Thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa có thể chịu tác động tiêu cực khi Fed tăng lãi suất. Nguyên nhân là do lãi suất cao làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa, vì các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu.

Thị trường tiền mã hóa

Thị trường tiền mã hóa cũng chịu tác động bởi quyết định về lãi suất của Fed. Khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư có thể chảy ra khỏi thị trường tiền mã hóa, khiến cho giá giảm. Nguyên nhân là do lãi suất cao làm cho các tài sản truyền thống trở nên hấp dẫn hơn, khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi các tài sản rủi ro hơn như tiền mã hóa.

Trên thực tế, thị trường tiền mã hóa đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ trong những năm gần đây, trùng với thời gian Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn 2021 - 2022, giá Bitcoin đã giảm hơn 70%, từ mức cao nhất lịch sử là 69.000 USD xuống còn khoảng 20.000 USD vào tháng 7 năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường tiền mã hóa cũng có thể được coi là một tài sản phòng ngừa lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, giá trị của tiền mã hóa có thể tăng lên, vì các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các tài sản có khả năng giữ giá trị trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Do đó, tác động của quyết định về lãi suất của Fed đối với thị trường tiền mã hóa là không chắc chắn. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường tiền mã hóa có xu hướng giảm giá khi Fed tăng lãi suất.

Tổng kết

Trên đây là bài viết của Coin68 về Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hay còn gọi là Fed, một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong thị trường tiền mã hóa. Thông qua bài viết, Coin68 hy vọng bạn đọc đã có thể hiểu hơn về vai trò, bản chất cũng như các ảnh hưởng của Fed đến các thị trường. Chúc các bạn thành công!

-27/09/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68