logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Coin68 Blog: Theo điều khoản dịch vụ của các sàn, ai mới là chủ sở hữu tài sản tiền gửi của người dùng?

-18/08/2023

Một người dùng Reddit sau khi tìm hiểu Điều khoản Dịch vụ của các sàn crypto hiện nay đã kết luận rằng cộng đồng không nên để hết tài sản của mình trên sàn.

Theo điều khoản dịch vụ của các sàn, ai mới là chủ sở hữu tài sản tiền gửi của người dùng? Ảnh: Fortune

Vận hành một sàn giao dịch tiền mã hóa không phải là một hoạt động kinh doanh dễ dàng. Có nhiều quy định, điều khoản và điều luật sẽ được áp dụng và sàn cần phải tuân thủ theo các khung pháp lý riêng lẻ ở từng quốc gia cụ thể. Những điều khoản đó thường dài... như cái sớ và ít người dùng nào có thể đọc hiểu hết.

Thường thì chúng ta không hề đọc qua các điều kiện điều khoản của sàn mà trực tiếp tạo tài khoản và giao dịch luôn. Đến khi có chuyện xảy ra thì mới cuống cuồng đi đọc lại điều khoản và nhận ra quyền lợi của mình đã bị thua thiệt lúc nào không hay.

Biết được điều đó, người dùng @reddito321 trên Reddit tuyên bố đã đọc hết Điều khoản Dịch vụ (Terms of Service) của các sàn Binance, Kraken, Coinbase, Crypto.com, OKX, MEXC, Gate.io, Huobi, Nexo, ByBit, Mt. Gox, FTX và tóm tắt lại cho mọi người những ý chính như sau.

Lưu ý: Nội dung tiếp theo đây là ý kiến chủ quan của riêng người dùng Reddito321 trong bài đăng trên Reddit, không đại diện cho tính xác thực của toàn bộ thông tin.

Tiền của bạn không phải lúc nào cũng là tiền của bạn

Đầu tiên cần nhắc đến lý do tại sao mà @reddito321 lại muốn đọc hết Điều khoản Dịch vụ của các sàn.

Vào tháng 1/2023 tại phiên tòa xét xử vụ phá sản của nền tảng lending Celsius, tòa án đã ra phán quyết rằng 4,2 tỷ USD tài sản của khách hàng là thuộc quyền sở hữu của Celsius.

Khi Celsius phá sản, 600.000 khách hàng gửi tài sản crypto vào dịch vụ Celsius Earn với tổng trị giá 4,2 tỷ USD đã khởi kiện đòi tiền. Họ xem mình là chủ nợ của Celsius, yêu cầu nền tảng này trả lại tiền cho mình. Tuy nhiên, thẩm phán tòa án đã phán quyết rằng số tài sản trên là thuộc về chính Celsius chứ không phải thuộc về chủ nợ.

Tại sao lại có tình huống "tréo ngoe" như vậy? Tòa án Mỹ "bắt tay" với Celsius à?

Trên thực tế, thẩm phán xét xử như vậy là dựa trên Điều khoản Dịch vụ của Celsius đã nêu rằng:

"Khi tài sản tiền mã hóa được gửi vào tài khoản Earn thì số tài sản đó đã trở thành tài sản của Celsius."

Và như đã nêu trên, người dùng ít ai đọc hết những điều khoản này, chỉ đến khi kiện tụng ra tòa mới vỡ lẽ....

Chúng ta không cần đề cập đến việc chủ nợ không thỏa hiệp, khiếu nại phán quyết để tiếp tục đòi tiền. Đó là phần tiếp theo trong câu chuyện của Celsius. Hãy quay trở lại với @reddito321.

Ai sở hữu tài sản tiền gửi của người dùng?

Sau vụ việc Celsius nói trên, anh chàng @reddito321 quyết định đi tìm hiểu hết điều khoản sử dụng của các sàn crypto hiện nay, tập trung vào mục Quyền sở hữu tài sản và Bảo hiểm, để xem có sàn nào tuyên bố giống như Celsius hay không.

Và những thông tin tìm được thật bất ngờ...

Theo tóm tắt của @reddito321:

Về quyền sở hữu tài sản mà người dùng nạp vào sàn

- Kraken Coinbase thừa nhận rằng tài sản thuộc về người dùng.

- Binance không đề cập gì đến quyền sở hữu tài sản.

- OKX "lập lờ" rằng họ có quyền gán quyền sở hữu tài sản của người dùng cho họ hoặc một đơn vị giám sát khác. Nếu OKX phá sản, người dùng của sàn không thể đòi được gì.

- MEXC, Gate.io, Nexo, Huobi không thừa nhận quyền sở hữu tài sản thuộc về ai.

- Sàn đã phá sản FTX có thừa nhận rằng tài sản thuộc về người dùng. Chính vì vậy mà người dùng đã trở thành chủ nợ và có quyền đòi lại tài sản của mình. Theo cập nhật mới nhất thì FTX đã mở cổng nộp hồ sơ đòi tài sản, hạn chót đến 30/09/2023.

Về bảo hiểm tiền gửi của người dùng

- Coinbase mặc định bảo hiểm lên đến 250.000 USD cho tất cả số dư USD. Và lên đến 1 triệu USD cho tài sản cả fiat cả crypto của người dùng Coinbase One.

- Crypto.com bảo hiểm lên đến 250.000 USD đối với các giao dịch trái phép, không chứng thực. Tuy nhiên, việc phán xử giao dịch đó có trái phép hay không là hoàn toàn dựa vào sự đánh giá của sàn.

- Cuối cùng, như bạn có thể thấy ở bảng trên, các sàn còn lại đều không đề cập đến bảo hiểm tiền gửi trong Điều khoản của mình.

Tạm kết: Tiền mã hóa cần được quy định theo luật

Điều khoản Dịch vụ, Điều khoản Sử dụng, Điều khoản và Điều kiện hay tất cả những quy định của sàn đều có thể được sàn thay đổi, chỉnh sửa bất kỳ lúc nào.

Nhưng những thông tin ở trên cũng giúp bạn phần nào có cái nhìn tổng quan về quyền sở hữu tài sản của mình.

Và đó là lý do mà chúng ta cần ủng hộ giới chức quản lý đưa ra các quy định cụ thể cho ngành tiền mã hóa. Đến khi đó, nếu một sàn muốn hoạt động ở một quốc gia thì phải tuân thủ, nêu rõ ràng quyền sở hữu tài sản chứ không có tình trạng "mập mờ" như hiện tại.

Các quy định về bảo vệ tài sản mà một số nhà cầm quyền đang đấu tranh là để giúp những người dùng cá nhân như chúng ta có thể nhận được quyền lợi chính đáng nếu như sàn có phá sản hay ngừng hoạt động.

Dĩ nhiên, trong mắt thị trường vốn là "Miền viễn Tây hoang dã" như crypto, các quy định đó có phần hà khắc và gây thêm nhiều khó khăn đối với sàn, dự án.

Còn trong lúc quy định chưa rõ ràng như hiện nay, sàn vẫn là bên giữ lợi thế hơn cả. Vì vậy, các bạn hãy tự bảo vệ mình và tài sản của mình, đừng giữ hết tất cả tài sản trên sàn và tránh đặt mình rơi vào tình cảnh rủi ro.

Vì nếu bạn phải chịu cảnh kiện cáo đòi tài sản với sàn thì hãy xem trường hợp của người dùng Mt. Gox: gần 10 năm kiện tụng nhưng vẫn chưa nhận được đồng nào...

Jane

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-18/08/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68