Chắc chắn anh em trader đều quen thuộc với chỉ báo Bollinger Bands rồi đúng không nào! Tuy nhiên, trong bài viết này thì Lớp giao dịch 101 của Coin68 sẽ không hướng dẫn về Bollinger Bands. Thay vào đó, giáo án lần này sẽ giới thiệu đến anh em một công cụ phân tích kỹ thuật cổ điển, được xem là “tiền bối” của Bollinger Bands – đó chính là Keltner Channel.
Vậy chỉ báo Keltner là gì? Áp dụng chỉ báo Keltner trong giao dịch như thế nào? Cùng vào lớp ngay để được giải đáp thắc mắc nhé!
Lớp giao dịch 101: Chỉ báo Keltner Channel là gì? Cách giao dịch hiệu quả cùng chỉ báo Keltner
Xem thêm các bài viết khác về Lớp giao dịch 101:
- Lớp giao dịch 101: Chỉ báo KDJ là gì? Cách giao dịch hiệu quả cùng chỉ báo KDJ
- Lớp giao dịch 101: Chiến thuật đầu tư thông minh không phải là “bắt đáy”
- Lớp giao dịch 101: Đường MA là gì? Đường SMA là gì? Cách sử dụng đường MA trong giao dịch
Chỉ báo Keltner là gì?
Keltner Channel (hay kênh Keltner) là chỉ báo kỹ thuật được nhà giao dịch Chester W. Keltner giới thiệu và sử dụng lần đầu vào năm 1960 trong cuốn “How To Make Money In Commodities”.
Keltner Channel là một chỉ báo chậm, thuộc nhóm các chỉ báo kỹ thuật thể hiện phạm vi giá, tương tự với “người đàn em” – Bollinger Bands. Chỉ báo Keltner gồm có 3 phần là đường giữa; đường trên; đường dưới và được xác định theo công thức như sau:
Chỉ báo Keltner Channel được xác định theo công thức như sau:
Đường giữa = EMA(20)
Đường trên = EMA(20) + 2 * ATR
Đường dưới = EMA(20) – 2 * ATR
Trong đó:
- EMA(20) : đường trung bình động luỹ thừa của 20 ngày
- ATR : vùng dao động trung bình của giá thực
Theo công thức trên thì đường EMA chỉ ra xu hướng giá còn ATR sẽ thể hiện độ biến động của nến. Với sự kết hợp này, các trader có thể biết được xu hướng giá hiện tại là downtrend hay uptrend. Kèm theo đó thông tin về phạm vi biến động của giá.
Chỉ báo Keltner Channel gồm có 3 đường kênh
Công thức tính ATR
Để tính được ATR, đầu tiên, bạn cần xác định phạm vi dao động thực (True Range – TR). Để có được giá trị của TR, bạn cần thực hiện 3 phép tính sau và lựa chọn phép tính có giá trị cao nhất:
- TR = Hp – Lp
- TR = | Hp – Cp |
- TR = | Lp – Cp |
Trong đó:
- TR : True Range – vùng dao động thực
- Hp : Highest Price – giá cao nhất của cây nến
- Lp : Lowest Price – giá thấp nhất của cây nến
- Cp : Close Price – giá đóng cửa của cây nến
Dựa vào kết quả này, chúng ta có thể xác định được giá trị của ATR dựa trên công thức sau:
ATR = (1/n) * TRi
Trong đó:
- ATR : vùng dao động trung bình của giá thực
- n : khoảng thời gian của vùng dao động
- TRi : phạm vị dao động thực cụ thể (với i >= 1)
Ứng dụng của chỉ báo Keltner Channel
Chỉ ra xu hướng giá
Độ dốc của kênh Keltner sẽ chỉ ra được xu hướng giá trên thị trường:
- Nếu kênh đang dốc lên thì xu hướng ngắn hạn hiện tại là uptrend.
- Nếu kênh đang dốc xuống thì xu hướng ngắn hạn hiện tại là downtrend.
Dùng làm kháng cự (resistance) và hỗ trợ (support)
Bên cạnh thể hiện xu hướng giá thì chỉ báo Keltner còn là công cụ đắc lực trong việc xác định vùng hỗ trợ và kháng cự. Cụ thể:
- Đường trên đóng vai trò như kháng cự vì khi thị trường chưa có xu hướng rõ ràng, giá thường bật xuống khi chạm đường trên.
- Tương tự, đường dưới đóng vai trong như hỗ trợ vì giá sẽ bật lên khi chạm đường dưới nếu thị trường vẫn chưa xác định xu hướng rõ ràng.
Tuy nhiên, khi xuất hiện uptrend, biểu đồ có thể liên tục chạm đường trên. Ngược lại, khi downtrend được hình thành thì giá liên tục chạm đường dưới.
Sự khác nhau giữa chỉ báo Keltner Channel và Bollinger Bands
Như đã đề cập ở phần đầu thì Keltner Channel có nhiều điểm tương đồng với Bollinger Bands. Tuy nhiên, giữa hai chỉ báo kỹ thuật này vẫn có một số khác biệt. Vậy đó là gì? Cùng Coin68 phân tích ngay nhé!
Về Bollinger Bands
Bollinger Bands sử dụng độ lệch chuẩn của giá để cộng/trừ vào đường giữa để tạo nên đường biên trên/biên dưới. Cách này đã làm cho độ rộng của dải Bollinger thường xuyên thay đổi. Chỉ báo này phản ứng rất mạnh mỗi khi giá biến động đột ngột.
Về Keltner Channel
Trong khi đó, chỉ báo Keltner dùng vùng dao động trung bình của giá thực (ATR – Average True Range) để cộng/trừ vào đường giữa. Phương pháp này giúp 2 đường kênh trên và dưới có độ rộng ổn định.
Chỉ báo Keltner trở nên dễ quan sát cũng như cung cấp các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự rõ ràng hơn. Đây là lý do mà không ít anh em trader lại ưa chuộng Keltner Channel hơn Bollinger Bands.
Chiến lược giao dịch với chỉ báo Keltner Channel
Giao dịch dựa vào hỗ trợ hoặc kháng cự
Trong thị trường, giá chỉ có thể di chuyển theo 3 xu hướng là downtrend, uptrend hoặc sideway. Trong đó thì sideway được xem là “sát thủ” đối với những trader mới.
Bạn vào lệnh long, giá đang tăng lên nhưng chưa đến điểm chốt lời (hay chưa chạm TP) thì lại “quay xe” và giảm xuống. Điều này khiến không ít newbie hoảng loạn cắt lệnh rồi lại cuống cuồng chuyển sang short. Điều này cũng xảy ra tương tự khi các trader mới short, giá giảm rồi tăng ngược trở lại.
Chính vì thế mà chỉ báo Keltner sẽ giúp các newbie vượt qua được tâm lý trên. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu bạn kết hợp chung với chỉ báo RSI. Cách thức vào lệnh như sau:
- Đầu tiên, cần phải đảm bảo rằng Keltner Channel đang đi ngang (tức thị trường đang sideway). Bạn không nên giao dịch theo cách này khi đường kênh giá đang dốc lên hoặc dốc xuống.
- Khi chỉ báo RSI chạm vùng quá bán và giá gần chạm vào đường dưới của Keltner Channel, bạn có thể vào lệnh long. Điểm chốt lỗ (stop loss) được đặt ở phía dưới đường kênh dưới, còn điểm chốt lời (take profit) là khi RSI tăng lên trên vùng quá mua.
- Ngược lại, bạn vào lệnh short khi giá gần chạm đường trên của Keltner Channel và chỉ báo RSI tăng trên vùng quá mua. Điểm chốt lời là khi RSI giảm về vùng quá bán, điểm chốt được đặt trên đường kênh trên.
Sử dụng chỉ báo Keltner làm vùng hỗ trợ và kháng cự để giao dịch khi thị trường sideway
Giao dịch khi giá breakout (phá vỡ)
Giao dịch breakout là việc chúng ta sẽ đón đầu một xu hướng mới ngay khi nó được hình thành. Tuy nhiên, thị trường luôn có một số cái bẫy, được gọi là false breakout (đột phá giả) để dẫn dụ các trader vào lệnh.
Do đó, bạn nên cần thêm ít nhất một chỉ báo xu hướng nữa để hỗ trợ khi giao dịch với phương pháp này. Và chỉ báo ADX sẽ là một lựa chọn hiệu quả. Một số cách đặt lệnh như:
- Đầu tiên, vẫn cần đảm bảo ban đầu Keltner Channel đang đi ngang, thị trường chưa có xu hướng rõ ràng.
- Khi có breakout xảy ra, chỉ số ADX phải trên 20
- Đặt lệnh long khi đóng nến ở phía trên đường kênh trên của chỉ báo Keltner. Ngược lại, vào lệnh short khi nến đóng cửa ở dưới đường kênh dưới của Keltner Channel.
- Điểm chốt lỗ có thể đặt ở dưới đáy nến gần nhất. Trong khi đó, điểm chốt lời là khi giá quay lại và chạm đường giữa của chỉ báo Keltner
Giao dịch Pullback
Giao dịch theo Pullback là phương pháp giao dịch theo một xu hướng dài hạn. Trong đó, bạn cần chờ đợi và quan sát những “con sóng” đi ngược chiều để tìm điểm vào lệnh.
- Ví dụ khi thị trường đang uptrend, bạn có thể tìm được điểm vào lệnh long khi giá giảm về đường giữa của Keltner Channel.
- Ngược lại, lúc thị trường đang vào đà downtrend, điểm vào lệnh short sẽ là khi giá tăng ngược lên đường giữa của chỉ báo Keltner.
Giao dịch pullback cùng chỉ báo Keltner khi thị trường uptrend
Giao dịch pullback cùng chỉ báo Keltner khi thị trường downtrend
Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không được long khi giá chạm vào đường trên của Keltner Channel trong uptrend. Tương tự, đừng short khi giá chạm đường dưới khi thị trường đang downtrend. Hãy chờ đợi và quan sát để thấy được tín hiệu tốt nhất, nhớ rằng chỉ có kiên nhẫn mới chiến thắng được thị trường!
Trên đây là một số khái niệm cơ bản về chỉ báo Keltner mà bạn cần nắm vững. Hy vọng bài giảng ngày hôm nay đã giúp các trader có thêm nhiều kiến thức cũng như bỏ túi chiến thuật giao dịch cùng Keltner Channel.
Coin68 sẽ tiếp tục biên soạn thêm nhiều giáo án bổ ích khác trong tương lai. Đừng quên theo dõi Lớp học giao dịch 101 thường xuyên để không bỏ lỡ bất kỳ bài học nào nhé!
Ducky
Có thể bạn quan tâm: