Đối với chúng ta, những người được sinh ra trong thế kỷ 21, Warren Buffet gần như được ví như tượng đài sống. Không chỉ vì những thương vụ thành công mà còn là tấm gương “cần, kiệm, liêm, chính”. Thế nhưng ít ai biết được rằng để Warren có được những thành công đó, thì bên cạnh ông không thế thiếu sự trợ giúp đắc lực của Charlie Munger, cấp dưới và đồng thời là người bạn thân của Warren Buffett. Vậy Charlie Munger là ai? Và tại sao ông lại được mệnh danh là “cánh tay phải” của Warren Buffett? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Charlie Munger là ai? Tiểu sử về người được mệnh danh là “cánh tay phải” của Warren Buffett
Cuộc đời của Charlie Munger
Khác hẳn với Warren Buffett, người vốn sinh ra trong "nhung lụa", cuộc đời của Charlie Munger lại tràn ngập sự nghèo túng và những lời dèm pha. Charlie Munger (tên đầy đủ Charles Thomas Munger) sinh ngày 1/1/1924 tại Omaha, Nebraska. Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó có thể nói là một gia đình tri thức những khá nghèo khó. Cha của ông, Alfred Case Munger là một luật sư vô danh và chỉ đến khi ông nội của Charlie được lên chức thẩm phán thì gia đình Munger mới có thể tạm gọi là thoát nghèo.
Một chút thông tin bên lề, vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, vấn đề giai cấp và tầng lớp xã hội là những điều được người Mỹ chú trọng hơn cả, bên cạnh việc phân biệt chủng tộc. Do đó, ngay từ nhỏ, cậu bé Charlie luôn bị phân biệt và thậm chí là bị sỉ nhục vì xuất thân nghèo khó của mình. Nhưng cũng vì lý do trên mà mong muốn thoát nghèo và ý chí kiên cường của Charlie Munger đã được trau dồi từ nhỏ.
Năm 1939, nhờ vào sự chăm chỉ của mình, Charlie Munger đã được nhận vào Đại Học Michigan. Nhưng không may cho ông, đây lại là năm mà Thế chiến 2 nổ ra, Mỹ tuy vẫn chưa trực tiếp tham chiến nhưng đã bắt đầu chuẩn bị lực lượng và khí tài quân sự để phòng hờ cho các trường hợp xấu. Vì thế, cậu thanh niên Charlie đã phải gác lại việc học tập và lên đường nhập ngũ. Một thông tin thú vị trong thời gian tại ngũ về Charlie đó chính là việc ông là một người chơi poker cừ khôi, trong một đêm ông có thể kiếm được số tiền nhiều hơn lương sĩ quan quân đội 1 năm của ông.
Hậu vận đầy tiền tài nhưng nhiều bi kịch của Charlie Munger
Vẫn tưởng việc chiến đấu ở tiền tuyến và có khả năng sẽ hy sinh bất cứ lúc nào đã là thảm cảnh của Charlie Munger nhưng không. Những bi kịch sau này của ông khiến việc đi lính chiến đấu vì tổ quốc trở thành “một bữa tiệc chiều yên ả”. Năm 1945, chiến tranh chính thức kết thúc với cái chết của Hitler và sự đầu hàng vô điều kiện của phe Trục. Lúc này, Charlie Munger đã 21 tuổi và như bao chàng trai khác, ông đã gặp người phụ nữ đầu tiên của đời mình - Nancy Huggins và họ đã kết hôn sau đó. Cuộc sống hôn nhân viên mãn của Charlie và Nancy chỉ kéo dài vỏn vẹn 8 năm ngắn ngủi, năm 1953, cả hai quyết định ly hôn do những bất mãn không thể hoà giải.
Sau ly hôn, Charlie gần như chịu cảnh trắng tay khi toà án phân chia gần như toàn bộ tài sản cho vợ cũ của ông, kể cả căn nhà của họ. Tuy nhiên, ông vẫn còn ba đứa con của mình, thứ được xem là động lực của mọi gã đàn ông trong thời điểm tâm tối nhất. Thế nhưng số phận lại quay mặt bỏ ông đi một lần nữa. Sau gần 1 năm ly hôn, vẫn tưởng cuộc sống của Charlie cùng 3 người con sẽ diễn ra suôn sẻ thì Ted Munger, đứa con trai 8 tuổi của ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu, căn bệnh không thể cứu chữa trong thời điểm đó.
Mặc dù cả ông và vợ cũ đều nỗ lực tìm kiếm hy vọng từ y học nhưng thời đó, căn bệnh này gần như vô phương cứu chữa. Thế là, Charlie Munger, sau giờ làm mỗi ngày đều đến bệnh viện để ở bên cậu con trai nhỏ bé vô tội của mình và cầu nguyện phép màu. Thời điểm đó, cư dân của con phố Pasadena, mỗi ngày đều chứng kiến cảnh Charlie Munger sải bước cùng gương mặt trĩu nặng và hai hàng nước mắt bất lực, khóc cho con trai mình và khóc cho số phận bi đát, luôn cướp đi những người ông yêu thương. Một năm sau, cậu bé Ted Munger chính thức ra đi sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh quái ác. Tuy mất mát và đau thương nhưng Charlie vẫn kiên cường bước tiếp vì những người con còn lại của mình.
Năm 1956, ông quyết định tiến tới hôn nhân với người vợ thứ hai và là người vợ hiện tại của ông, bà Nancy Berry Borthwick. Ổn định chưa lâu thì cha của ông - Alfred Case Munger - qua đời tại Nebraska, việc này đã khiến Charlie quay trở lại quê hương để giúp đỡ gia đình mình vượt qua những mất mát. Và cũng chính tại đây, cuộc gặp định mệnh với Warren đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của Charlie Munger.
Cú bắt tay lịch sử
Tại một bữa tối tập trung những người giàu có tại Nebraska, Charlie đã có cơ hội làm quen và trở nên thân thiết với Warren Buffett. Lý do của việc này là khá dễ hiểu khi tính cách của Charlie thường khá tôn trọng người khác nhưng không nể sợ và luôn thẳng thắn. Nhờ có những lời khuyên của Warren, năm 1962, quỹ Wheeler, Munger & Co đã được Charlie Munger thành lập. Dưới sự dẫn dắt của Charlie, quỹ này đã tăng trưởng với lợi nhuận gộp hàng năm lên đến 20%, một con số vô cùng ấn tượng vào thời điểm đó. Wheeler, Munger & Co tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến năm 1970, nó được sáp nhập với Berkshire Hathaway.
Hai ông trùm của Berkshire Hathaway sở hữu nhiều nét tương đồng trong các quan điểm đầu tư khi cả Buffett và Munger đều theo đuổi triết lý đầu tư của Benjamin Graham. Với việc hướng đến đầu tư trong dài hạn, cả hai đều tìm kiếm các công ty có nền tảng tốt nhưng bị định giá thấp, từ đó đảm bảo lợi nhuận trong tương lai.
Thậm chí, tính an toàn trong đầu tư cũng là điều khiến sự hợp tác của hai người đi đến thành công, Berkshire Hathaway là một trong số ít những công ty ít bị ảnh hưởng bởi bong bóng Dotcom trong thập niên 90. Nguyên nhân là bởi cả Charlie Munger và Warren Buffett đều không hiểu về công nghệ nên họ không đầu tư.
Năm 50 tuổi Charlie Munger đã có trong tay khối tài sản kếch xù cùng một gia đình khá viên mãn. Nhưng số phận lại tiếp tục gọi tên ông một lần nữa, năm 1974, ông được chẩn đoán mắc căn bệnh đục thuỷ tinh thể và phải phẫu thuật. Tại thời điểm đó, y học đã phát triển mạnh mẽ và căn bệnh của ông là tương đối khá dễ trị liệu với tỷ lệ thành công lên đến 99%. Nhưng số phận lại đẩy Charlie vào 1% còn lại do những thiếu sót đáng trách của ekip mổ ngày hôm đó. Hậu quả, trong suốt quảng thời gian còn lại của mình, Charlie Munger chỉ có thể nhìn đời bằng một con mắt theo đúng nghĩa đen.
Charlie Munger và quan điểm về tiền mã hoá
Quan điểm của Charlie Munger, tiền mã hoá chưa bao giờ là một trong những sản phẩm đầu tư mà ông để tâm. Năm 2019, ông được mời đến dự sự kiện của một tổ chức đầu tư tiền mã hóa giấu tên nhưng không tham dự và khẳng định rằng các nhà đầu tư Bitcoin “đang sống và làm việc như Judas Iscariot.” Thậm chí, ông còn thể hiện quan điểm tiêu cực của mình đối với tiền mã hoá trong buổi gặp thường niên năm 2018 của Daily Journal Corporation.
"Tôi nghĩ rằng với việc nhiều người đang là các trader chuyên nghiệp trong ngành tiền mã hóa, đó là một thứ vớ vẩn. Nó giống việc một người nào đó đang giao dịch rác và bạn quyết định rằng mình không thể bị bỏ ngoài cuộc chơi."
Thậm chí, ông còn đưa ra quan điểm rằng Mỹ nên cấm hẳn crypto như Trung Quốc nhằm ngăn chặn các mối nguy hiểm, duy trì sự ổn định của thị trường tài chính cũng như bảo vệ các nhà đầu tư. Trong mắt của ông, sự lớn mạnh của tiền mã hoá thực chất là nhờ vào lỗ hổng trong các quy định kiểm soát vì crypto ở thời điểm đó chưa hề được nhìn nhận là hàng hoá, tiền tệ hay thậm chí là chứng khoán.
Những bài học đầu tư của Charlie Munger dành cho thị trường tiền mã hoá
Khác hẳn với Warren Buffett, người rất thích đầu tư vào giá trị và luôn nhìn vào mặt tích cực, Charlie Munger lại đi ngược lại hoàn toàn. Khi tiếp cận 1 vấn đề cụ thể, Charlie thường có xu hướng nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, trong đầu tư, trước một thương vụ béo bở đầy tiềm năng, ông luôn nghĩ đến điều tồi tệ nhất của thương vụ thay vì số lợi nhuận sẽ có. Chính điều này đã trung hoà sự hiếu thắng của Warren và giúp cả hai liên tục giàu lên vì ít bị thua lỗ.
Trở lại thời điểm năm 2021, khi Bitcoin đã chạm ngưỡng 69 nghìn USD và nếu bạn để ý order book, hàng loạt lệnh mua diễn ra mặc cho việc 69 nghìn USD đã là ATH của BTC. Từ đó, có thể thấy ham muốn làm giàu của nhiều người đang đặt ở đúng nơi nhưng sai giá và sai thời điểm. Từ đó dẫn đến bài học đầu tiên dành cho các nhà đầu tư tiền mã hoá:
- Ham muốn phải đi kèm với suy nghĩ: Việc ham muốn tiền bạc và có chí tiến thủ là một động lực tốt, nó giúp con người phát triển và tiến lên không ngừng. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ trước khi hành động. Trong thị trường tiền mã hoá, ngoài các bên có thể làm ảnh hưởng đến giá như sàn, nhà đầu tư, cá voi,… thì chúng ta còn có MM (Market Maker) đây là những cá nhân hay đội ngũ làm giá và sẵn sàng quét sạch tiền của nhiều người. Nên đừng vì sự Fomo của cộng đồng mà mua theo, thay vào đó hãy dùng cái đầu suy nghĩ xem liệu mức giá hiện tại có thực sự đáng để đầu tư hay không.
Năm 2000 được xem là năm đầy đau thương của cổ phiếu và chứng khoán Mỹ vì bởi lẽ đây là năm mà bong bóng Dotcom nổ. Và dư chấn của nó đã kéo đi tài sản của rất nhiều người. Tuy nhiên trừ Charlie ra, vì bởi lẽ, đến lúc bong bóng vỡ, ông vẫn không biết cổ phiếu công nghệ là gì và vẫn còn đang bận tìm hiểu về nó. Nhiều người có thể nói là Charlie may mắn nhưng thực chất, bản tính an toàn và tư duy tiêu cực đã cứu ông.
- Hãy đầu tư khi bạn biết mình đầu tư cái gì: Đây là bài học vô cùng đắt giá mà Charlie Munger để lại cho giới đầu tư sau này. Việc ông chần chừ không đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ thời điểm đó chính và vì ông không biết và không hiểu những cổ phiếu này. Tương tự cũng như những nhà đầu tư mới hiện nay, quá tin vào những hình ảnh nhà đẹp xe sang của những tỷ phú tiền mã hoá mà đâm đầu vào đầu tư. Trong khi không hề biết mình đang đầu tư gì và muốn gì để rồi thua lỗ.
Vào ngày 28/11/2023, Charlie Munger, phó chủ tịch của công ty đầu tư Berkshire Hathaway đồng thời là bạn thân của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã qua đời ở tuổi 99 tại một bệnh viện ở California. Sau khi ra đi, phó tướng của Warren Buffett để lại cho gia đình khối tài sản lên đến 2,6 tỷ USD.
Charlie Munger là một trong những cá nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong những quyết định trị giá tỷ USD của Berkshire Hathaway. Cuộc đời của ông không những được người ta biết đến như một nhà đầu tư huyền thoại mà còn là một người có đức tính khiêm tốn và ôn hoà. Dù là đang nắm trong tay khối tài sản tỷ USD hay là một người không có gì trong tay, Charlie Munger vẫn luôn như vậy, đối xử tốt với cuộc đời và khiêm tốn với người khác.
Tổng kết
Bên trên là những thông tin thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của Charlie Munger, một người đàn ông với vẻ ngoài tầm thường nhưng ý chí phi thường. Tuy số phận và nghịch cảnh luôn tìm đến ông trong những lúc bất ngờ nhất nhưng bằng sự quyết tâm vì cuộc sống và một bộ óc tỉnh táo, ông không bao giờ bỏ cuộc với chính mình và luồn lách qua những cám dỗ trong cuộc sống cũng như đầu tư.