logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

“Bong bóng nhà đất” Evergrande có nguy cơ vỡ, ảnh hưởng thế nào đến Bitcoin và tiền mã hóa?

-20/09/2021

Thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian qua đang thấp thỏm lo sợ trước thông tin Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, đang có nguy cơ vỡ nợ 300 tỷ USD.

“Bong bóng nhà đất” Evergrande có nguy cơ vỡ, ảnh hưởng thế nào đến Bitcoin và tiền mã hóa?

Evergrande và khoản nợ 300 tỷ USD

China Evergrande Group là một tập đoàn bất động sản được thành lập tại thành phố Quảng Châu thuộc tính Quảng Đông (Trung Quốc). Theo thông tin cung cấp trên website, Evergrande đang quản lý đến 1.300 dự án nhà đất tại 280 thành phố của Trung Quốc. Ngoài ra, công ty này còn mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm chế tạo xe điện, cung cấp mạng internet và dịch vụ viễn thông, đầu tư công viên giải trí, tài trợ bóng đá, lương thực và thực phẩm,…

“Bong bóng” nhà đất Trung Quốc

Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng nợ mà Evergrande đang phải đối mặt xuất phát từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Sau quãng thời gian dài tăng trưởng nóng, nhiều công ty trong ngành này, trong đó có Evergrande, đã thường xuyên vay nợ để có vốn phát triển các dự án mới, giành giật thị phần trên thị trường.

Song, khi đại dịch COVID-19 ập đến và sức mua nguội lại, các khoản nợ bắt đầu trở thành bài toán nan giải cho những ông lớn nhà đất. Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc từ năm 2020 bắt đầu thắt chặt quy định vay vốn đối với các công ty bất động sản đã cản trở các công ty trong việc đi tìm nguồn thanh khoản mới.

Nhiều nhà phân tích phương Tây nhận định thị trường nhà đất Trung Quốc đang là một “bong bóng” hữu hình, và sự sập đổ có thể xảy ra của Evergrande sẽ là ngòi nổ kéo ngành tài chính của đất nước tỷ dân sụp đổ.

Tín hiệu khủng hoảng

Trong năm 2020, Evergrande báo cáo lợi nhuận ròng đạt 30,1 tỷ nhân dân tệ (4,7 tỷ USD). Tuy nhiên, đây là mức lợi nhuận thường niên giảm hai năm liên tiếp, đi ngược lại mọi dự đoán của giới phân tích.

Ngọn nguồn câu chuyện của Evergrande bắt đầu vào năm 2020, khi công ty gửi thư cầu cứu lên chính quyền tỉnh Quảng Đông vì có dấu hiệu mất khả năng thanh khoản. Trong thư, Evergrande tiết lộ đang vay nợ đến 128 ngân hàng và 121 tổ chức tài chính khác, cả trong lẫn ngoài Trung Quốc. Công ty cho rằng nếu không được hỗ trợ sớm, Evergrande sẽ phải phá sản và kích hoạt một cuộc “vỡ nợ chéo” trên toàn thị trường tài chính Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng khi đó đã được giải quyết khi một nhóm chủ nợ đã quyết định xóa nợ 13 tỷ USD cho Evergrande.

Hồi chuông gióng lên

Mặc dù vậy, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo ước tính của Bloomberg, khoản nợ mà Evergrande đang phải gánh trên lưng lên đến 2000 tỷ nhân dân tệ (305 tỷ USD), được trả theo nhiều kỳ.

Thống kê nợ phải trả của Evergrande. Nguồn: Bloomberg

Chỉ tính riêng trái phiếu định giá bằng nhân dân tệ và đô la Hong Kong, số tiền mà Evergrande phải thanh toán từ nay đến 2026 là: 7,4 tỷ USD (2022), 9,8 tỷ USD (2023), 3,5 tỷ USD (2024), 5,7 tỷ USD (2025), 1,3 tỷ USD (2026) – tổng chung là hơn 27,7 tỷ USD.

Thống kê các khoản lãi trái phiếu mà Evergrande phải trả từ nay cho đến 2026. Nguồn: Bloomberg

Ngoài ra, công ty còn vô số các khoản trả lãi vay khác từ nay đến 2024, với tổng số tiền là hơn 5,4 tỷ USD. Trước mắt, vào thứ Năm tuần này (23/09) Evergrande sẽ phải trả lãi vay 83,5 triệu USD, tiếp đó vào ngày 29/09 là thêm một khoản thanh toán 47,5 triệu USD nữa.

Thống kê các khoản lãi vay mà Evergrande phải trả từ nay cho đến 2025. Nguồn: Bloomberg

Giá trị tài sản của Evergrande đang được định giá ở mức 80 tỷ USD. Công ty đã lên kế hoạch cắt giảm 100 tỷ USD nợ từ giờ đến giữa năm 2023, thông qua nhiều biện pháp như thanh lý tài sản và bán cổ phiếu. Tính đến tháng 08/2021, Evergrande mới chỉ thu thêm 8 tỷ USD từ những hoạt động trên, làm hồi chuông cảnh báo một lần nữa gióng lên. Hãng đánh giá tài chính Fitch Ratings vào ngày 08/09 nhận định khả năng vỡ nợ của Evergrande là “khả thi”. Moody’s đã 3 lần hạ xếp hạng của Evergrande trong những tháng gần đây.

Những thông tin tiêu cực dồn dập càng khiến giá cổ phiếu của Evergrande lao gốc, hiện chỉ còn bằng 1/10 so với đầu năm 2021.

Biến động giá cổ phiếu của Evergrande trong 6 tháng gần nhất

“Hiệu ứng domino” có lẽ đã bắt đầu lan rộng, khi cổ phiếu của hai công ty bất động sản khác là Sinic Holdings và Guangzhou R&F Properties sụt giảm mạnh trong ngày 20/09. Cổ phiếu Sinic thậm chí đã mất đến 87% giá trị chỉ trong phiên giao dịch hôm nay, buộc sàn chứng khoán Hong Kong phải cho ngừng giao dịch khẩn cấp.

Các chỉ số chứng khoán của Hong Kong cũng ghi nhận mức giảm trong phiên giao dịch ngày 20/09. Tất cả đều đang nín thở chờ đến ngày thị trường chứng khoán Trung Quốc mở lại vào ngày 22/09 để xem cuộc khủng hoảng liệu đã lan đến đại lục hay chưa.

Lối thoát nào cho Evergrande?

Evergrande đang đối mặt với ba hướng đi trước mắt:

– Một là phải tái cơ cấu nợ. Công ty sẽ phải đàm phán với các chủ nợ để lùi ngày thanh toán, hoặc là thỏa thuận chỉ thanh toán một phần khoản nợ. Đây là kịch bản khả thi nhất, song sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cả Evergrande lẫn các chủ nợ.

– Hai là chính quyền Bắc Kinh sẽ phải can thiệp và “giải cứu” Evergrande. Đây là kịch bản tốt nhất, song lại ít có khả năng xảy ra nhất. Lý do là bởi Trung Quốc đang có chủ trương hạn chế các rủi ro tài chính, thể hiện qua cuộc đàn áp tiền mã hóa từ tháng 5 qua. Việc giải cứu cho một công ty bất động sản đang khủng hoảng sẽ đi ngược lại với quyết sách của chính quyền, cũng như không đặt ra bài học cho các “đại gia” nhà đất khác nếu đi theo “vết xe đổ” của Evergrande.

– Ba là Evergrande sẽ phải tuyên bố vỡ nợ, khả năng cao sẽ khiến công ty này phá sản và các chủ nợ mất trắng tiền. Đây là kịch bản tồi tệ nhất, vì nó được cho sẽ kích hoạt động cuộc “vỡ nợ chéo” trên toàn thị trường tài chính Trung Quốc, có khả năng gây khủng hoảng tài chính tại quốc gia này.

Tác động lên thị trường tiền mã hóa

Trực tiếp

Rủi ro tín dụng của Evergrande sẽ gây tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp tiền mã hóa đang có quan hệ với tập đoàn ấy. Cái tên duy nhất được gọi lên tính đến hiện tại chính là Tether – đơn vị phát hành đồng stablecoin thịnh hành nhất thị trường là USDT. Như đã được Coin68 đưa tin, phần lớn tài sản mà Tether dùng để bảo chứng cho stablecoin USDT được giữ dưới dạng thương phiếu, tức là các trái phiếu ngắn hạn được phát hành để vay vốn nóng.

Trả lời phỏng vấn CoinDesk, đại diện Tether khẳng định đơn vị này không nắm giữ trái phiếu của Evergrande.

“Tether hiện tại không và chưa bao giờ nắm giữ thương phiếu hay bất kỳ loại chứng khoán nào khác được Evergrande phát hành.”

Một đơn vị phát hành stablecoin khác là Circle với đồng USDC cũng được đưa vào dạng tình nghi, song khả năng điều này xảy ra là không cao.

Các nhà phân tích nhận định trong trường hợp xấu nhất là Evergrande vỡ nợ, tác động trực tiếp lên thị trường tiền mã hóa, nếu có, sẽ là không lớn vì mối quan hệ này không đủ vững mạnh để tạo ảnh hưởng tiêu cực.

Adam Cochran, chuyên gia của quỹ Cinneamhain Ventures, cho rằng:

“Hiện tại cả Tether và Circle đều nắm giữ thương phiếu, và dù tôi nghĩ cả hai đều không sở hữu một lượng lớn trái phiếu của Evergrande, thế nhưng thị trường có thể phản ứng tiêu cực nếu xảy ra diễn biến xấu.

Nhưng nếu Tether hoặc Circle sụp đổ cùng với thị trường toàn cầu, thì tôi nghĩ điều này sẽ có lợi cho crypto, vì nhà đầu tư sẽ có thiên hướng chuyển stablecoin sang BTC/ETH ở bất cứ giá nào để tránh bão.”

Gián tiếp

Trong quá khứ, thị trường tiền mã hóa đã nhiều lần bị kéo theo vòng xoáy suy thoái của thị trường tài chính toàn cầu. Đáng kể đến nhất phải là giai đoạn tháng 2 và 3 của năm 2020, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Trung Quốc, từ đó lan rộng ra ngành tài chính toàn cầu. Chắc hẳn ai cũng nhớ đến sự kiện “thứ Sáu ngày 13” (13/03/2020), khi BTC trong một buổi sáng đã tụt từ mốc 8.000 USD về chỉ còn 3.400 USD.

Cuộc khủng hoảng Evergrande hiện nay cũng mang nhiều dấu hiệu lo ngại tương tự. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc và có nguy cơ đe dọa đến ngành tài chính nước này. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể lan sang những ngành khác và tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính cục bộ. Song, rất khó để có thể dự báo tác động của cuộc khủng hoảng này và liệu nó có đủ sức lan sang toàn cầu như đại dịch COVID-19 hay không.

Nếu hậu quả được giới hạn chỉ ở Trung Quốc, thị trường tiền mã hóa có thể sẽ được lợi khi dòng tiền từ nước này sẽ đổ ra nước ngoài hay những kênh đầu tư an toàn hơn như là vàng hay tiền mã hóa. Như nếu phản ứng dây chuyền xảy ra và kéo cả thị trường tài chính toàn cầu vào, thì khả năng cao chúng ta sẽ được thấy lịch sử tháng 03/2020 lặp lại, khi mà vàng, chứng khoán lẫn tiền mã hóa đều đồng thời suy giảm.

Cú giảm trong ngày hôm nay (20/09) của Bitcoin cũng được một số người cho rằng là có tác động từ “bong bóng” Evergrande của Trung Quốc, cho dù mối liên hệ là chưa rõ ràng. Trong 24h gần nhất, BTC đã mất đến 4.000 USD giá trị, với mức thấp nhất trong ngày là 42.500 USD – thấp hơn cả mức đáy của cú giảm 10.000 USD hôm 07/09.

Đồ thị 15m của cặp BTC/USDT trên sàn Binance

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-20/09/2021
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68