Thị trường tiền mã hóa tối ngày 13/07 lại biến động dữ dội sau khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục trả về tín hiệu xấu, thể hiện qua số liệu lạm phát.
Tối ngày 13/07 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố cập nhật Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất cho tháng 06/2022, thước đo kinh tế được dùng để tính lạm phát.
Theo đó, CPI tháng 6 đã cán mốc 9,1%, tăng đến 0,5% so với mức 8,6% của tháng 5 và vượt ngưỡng 8,8% mà giới phân tích tài chính dự báo. Con số này đồng nghĩa với việc lạm phát tại xứ cờ hoa tiếp tục duy trì mốc cao nhất 4 thập niên qua. Các chỉ số khác như CPI lõi (CPI của các hàng hóa trừ đi lương thực và nhiên liệu) cũng tăng vượt dự báo.
— db (@tier10k) July 13, 2022
Đây là kết quả có thể thấy được từ trước khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong khi giá cả hàng hóa cứ tiếp tục tăng do ảnh hưởng giá nhiên liệu thô từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì tình hình COVID tại Trung Quốc. Ngoài ra, không thể bỏ qua nguyên nhân cốt lõi đến từ việc Hoa Kỳ đã gia tăng tổng cung USD quá mức trong giai đoạn 2019-2021 để đối phó với dịch COVID. Theo thống kê, 50% nguồn cung USD hiện tại đã được chính quyền Mỹ in ra trong 2 năm gần nhất.
Việc lạm phát tiếp tục tăng càng khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên mức nâng lãi suất 0,75% trong phiên họp ngày 27/07 tới trở nên rõ rệt hơn. Chủ tịch Fed Jerome Powell mong muốn đưa lãi suất vào thời điểm cuối năm 2022 lên mức 3,4%, đồng nghĩa với việc nâng thêm 1,75% nữa trong các lần điều chỉnh tháng 7, tháng 9, tháng 11 và tháng 12. Lãi suất hiện tại của Mỹ là 1,75% sau 3 lần tăng liên tục vào các tháng 3, tháng 5 và tháng 6.
Trước thông tin lạm phát tăng vượt ngoài mong đợi, cả thị trường tài chính truyền thống lẫn thị trường tiền mã hóa đều phản ứng tiêu cực. Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều mở phiên giao dịch ngày 13/07 với mức giảm mạnh.
[DB] US Open
S&P500: -1.35%
Nasdaq: -1.72%
Dow: -1.21%— db (@tier10k) July 13, 2022
Trong khi đó, hai đồng tiền mã hóa lớn nhất thị trường là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) cũng “rung lắc” dữ dội. BTC điều chỉnh từ 20.100 USD về tận 18.910 USD, còn ETH thì sập từ 1.100 USD về còn chỉ 1.006 USD.
Mặc dù vậy, cả hai đều đã phục hồi phần nào ở thời điểm cập nhật.
Tác động của thông tin lạm phát Mỹ tăng còn gây thiệt hại lớn trên thị trường, khi lượng lệnh phái sinh bị thanh lý trong 4h qua đạt hơn 128 triệu USD, với Ethereum áp đảo Bitcoin. Tỷ lệ lệnh long bị cháy là hơn 60%.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: