logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Berachain: “Trò đùa của những chú gấu” hay những cái đầu xuất chúng thầm lặng?

-24/10/2022

Berachain – blockchain của “những chú gấu” có thực sự xấu, hay đây là một dự án có tiềm năng và cần để mắt đến trong mảng NFT?

Berachain: “Trò đùa của những chú gấu” hay những cái đầu xuất chúng thầm lặng?

Lưu ý: Tất cả những nội dung được đề cập trong bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và kiến thức cho người đọc, không phải là lời khuyên đầu tư.

Bắt đầu với nền văn hóa meme…

Berachain bắt đầu từ một bộ sưu tập NFT tên là Bong Bears gồm 101 chú gấu được phát hành trên Ethereum vào khoảng cuối năm 2021.

Xuất phát điểm của Bong Bears giống như một trò đùa hơn một dự án chỉn chu, đẹp đẽ và tử tế mà các nhà đầu tư thường kì vọng trong những thị trường tài chính: Twitter tràn gập những câu post ngắn, đôi khi là những cụm từ vô nghĩa, những bức ảnh chế, hoặc những ẩn ý về kế hoạch tương lai của dự án, nhưng tuyệt nhiên không có một thread nào giải thích rõ ràng về những gì họ đã, đang, và sẽ làm trong tương lai.

Tuy vậy, dự án vẫn tạo được sức hút lớn với công chúng nhờ vào việc được “quảng bá” trên Discord của OlympusDAO – kênh Olympus Off Topic và rồi sau đó, những nhân vật có tiếng trong thị trường, bao gồm cả founder của OlympusDAO là Zeus, Fiskantes, thành viên của Zee Prime Capital, DCF God,… đã liên tục “quét sàn”, đẩy giá của NFT lên cao ngất ngưởng dù chưa có thông tin rõ ràng nào về roadmap của dự án ngoại trừ việc người nắm giữ của Bong Bears sẽ có thêm một NFT mới trong mỗi bộ sưu tập được ra mắt sau đó. Cứ vài tuần/vài tháng, dự án sẽ tạo thêm một bộ sưu tập mới và các hodler của bộ sưu tập trước đó sẽ nhận được một NFT từ các bộ sưu tập mới. Tổng cộng sẽ có 7 đợt ra mắt bộ sưu tập mới, nâng tổng số “gấu” trong cộng đồng dự án này lên 9,311. Cho tới thời điểm hiện tại, dự án đã tung ra 5 đợt rebase, bao gồm Bond Bears, Boo Bears, Baby Bears, Band Bears và Bit Bears.

Thống kê các bộ sưu tập NFT trên Berachain. Ảnh: Bong Bears

Quay trở lại với Berachain, tới hồi tháng 3 năm nay, cộng đồng OlympusDAO đã thông qua một bản kiến nghị đầu tư 500 nghìn USD vào dự án này, chiếm 1% tổng cung token ban đầu của dự án non trẻ mức định giá khi ấy là 50 triệu USD; 1% số token còn lại sẽ được chia cho OlympusDAO với tư cách là đối tác chiến lược, nâng tổng số token mà OlympusDAO sở hữu lên mức 2%. 

Thế nhưng, cái tên “Berachain” này thoạt tiên đã khiến chúng ta liên tưởng tới một chữ… không mấy thiện cảm với các nhà đầu tư tài chính – Bear (gấu), tức Bear Chain.

Vậy chúng ta có thể kì vọng gì từ một Layer-1 “gấu” như thế này?

Berachain giải quyết vấn đề gì?

Đầu tiên, hãy nói sơ qua về phần công nghệ của nền tảng Layer-1 mới mẻ trêm: nó được xây dựng dựa trên giao thức Tendermint của Cosmos và tương thích với máy ảo Ethereum (EVM).

Berachain sử dụng cơ chế chống mạo nhận (Sybil resistance) gọi là Proof-of-Liquidity để giải quyết vấn đề thanh khoản mà những blockchain Layer-1 khác đang đối mặt: Nếu trong tình hình thị trường diễn biến xấu, các khoản nợ trên những dự án DeFi không được hoàn trả kịp thời thì chúng sẽ bị thanh lý – đồng nghĩa với việc một số lượng lớn token (thường là token nền tảng vốn được sử dụng làm tài sản thế chấp) bị “xả” lên những sàn DEX, không chỉ làm ảnh hưởng đến giá trị token mà còn gây ra tình trạng trượt giá nghiêm trọng. Còn nhớ hồi giữa tháng 6, nền tảng cho vay lớn nhất trên Solana – Solend, đã được một phen “hốt hoảng” khi phải đối mặt với một khoản vay khổng lồ từ một ví cá voi mà nếu không giải quyết kịp thời, khoản vay đó có thể làm TVL của Solend nói riêng sụt giảm nghiêm trọng và các sàn DEX trên Solana nói chung.

- Đọc thêm: Solend đề xuất chiếm quyền kiểm soát “ví cá voi” để tránh bị thanh lý 108 triệu USD SOL 

Proof-of-Liquidity sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép người dùng stake token từ những nền tảng Layer-1 khác (bên cạnh BERA) như wETH, wSOL, wAVAX), hay wBTC, stablecoins hoặc thậm chí là tokens của các dự án DeFi để nguồn thanh khoản cho dự án trở nên dày và phong phú hơn.

Sơ đồ về mô hình đồng thuận dựa trên cơ chế phòng chống mạo nhận (Sybil resistance) Proof-of-Liquidity (Ảnh: Dev Bear)

Tổng lượng tokens của các nền tảng blockchain Layer-1 được sử dụng vào việc staking và trả thưởng sẽ chiếm 80%, stablecoins chiếm 15% và phần còn lại là tokens của các dự án DeFi. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn có thể được thay đổi nếu có đề xuất và biểu quyết từ cộng đồng về sau này khi Berachain chính thức được ra mắt và khởi chạy.

Ảnh: MOYED

Không những vậy, khi người dùng stake tokens thông qua các validators, Berachain sẽ ghép cặp các tokens này với stablecoin HONEY của dự án trên các sàn DEX và như vậy, người dùng sẽ vừa nhận được tiền thưởng vì đã góp phần nâng cao tính bảo mật của Berachain và nhận thêm doanh thu từ phí giao dịch của các AMM.

Lợi ích của mô hình Proof-of-Liquidity nêu trên bao gồm (i) các dự án DeFi được xây dựng trên Berachain sẽ tận hưởng một nguồn thanh khoản dồi dào và phong phú hơn, từ đó việc thúc đẩy thanh khoản cho token dự án cũng dễ dàng hơn thay vì phải phụ thuộc vào LPs, (ii) token hodlers sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn và (iii) có cơ sở để hình thành Curve Wars mới khi các dự án DeFi cạnh tranh với nhau để tăng tỉ lệ tokens được sử dụng làm tài sản staking trên Berachain.

- Xem thêm: DeFi Discussion ep.27: Curve Wars – từ khóa bí ẩn đằng sau đà tăng giá của CRV

Tokenomics

Berachain thiết kế một nền kinh tế với ba tokens chính là BERA, BGT, và HONEY.

BERA

Đây là token nền tảng dùng để trả phí gas và để thưởng cho validators. Tất cả những tokens được sử dụng làm phí gas đều sẽ bị đốt đi và cho tới thời điểm hiện tại, BERA được cho biết là sẽ có mức lạm phát 10% mỗi năm.

Khi stake BERA, người dùng cũng sẽ nhận lại được BGT, token quản trị của dự án. Khi nhà đầu tư stake BERA càng lâu, họ sẽ càng nhận được nhiều BGT. Nếu unstake BERA, họ sẽ mất đi BGT.

BGT

Đây là tên viết tắt của Bera Governance Token, token quản trị của Berachain, sẽ được dùng để quyết định tỉ lệ phần thưởng cho mỗi loại tài sản staking, đồng thời quyết định xem loại token nào sẽ được thêm vào làm tài sản staking cho dự án.

Token này sẽ là một NFT không thể chuyển nhượng nên vì vậy, hodlers của BGT cũng được hưởng một phần doanh thu thu được từ phí giao dịch trên Berachain dưới dạng stablecoin HONEY.

HONEY

Đây là stablecoin của cả hệ sinh thái Berachain.

HONEY được mint ra bằng cách thế chấp vượt mức (over-collateralization) 150% giá trị tài sản cầm cố. Token này đóng vai trò quan trọng như một hệ tuần hoàn trong “cơ thể” mang tên Berachain. Như đã nêu trên, các loại tài sản staking sẽ được ghép đôi với HONEY để thúc đẩy thanh khoản trên các sàn DEX, và cũng sẽ được dùng để trả phí funding trên những sàn giao dịch hợp đồng vĩnh cửu (perpetual exchange).

Hệ sinh thái

Hệ sinh thái của Berachain hiện tại bao gồm các dự án nền tảng được xây dựng đầu tiên trên Berachain và một số dự án cross-chain/multi-chain có dự định mở rộng sang blockchain này.

Dự án nền tảng

Một số dự án nền tảng đáng chú ý sẽ ra mắt trên Berachain bao gồm:

Crocswap: Đây sẽ là một trong những sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đầu tiên trên Berachain. Điểm đặc biệt của Crocswap là (i) chỉ sử dụng một hợp đồng thông minh duy nhất (thay vì nhiều hợp đồng thông minh như những sàn DEX khác) với mỗi pool thanh khoản được lưu trữ theo cấu trúc dữ liệu gọn nhẹ giúp tiết kiệm phí gas và (ii) hoạt động theo mô hình Constant Function Market Maker (CFMM) như Uniswap V2 đối với các giao dịch nhỏ lẻ nhưng cũng đồng thời cho phép người dùng cung cấp thanh khoản theo những khoảng giá nhất định như Uniswap V3.

HoneyPool: Dự án về prize-savings, tức lãi suất cho khoản tiền tiết kiệm mà người dùng gửi vào sẽ được phân bổ theo kiểu xổ số (thay vì phân bổ với một mức lãi suất cố định theo kì hạn gửi). HoneyPool sẽ dùng khoản tiền mà người dùng gửi vào giao thức này để gửi tiếp vào những giao thức DeFi khác như AAVE, thu về lãi suất rồi bốc thăm để tìm người trúng thưởng.

Hibernation: Dự án về yield-farming trên Berachain

Ngoài ra cũng còn một số dự án khác vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện documents/whitepaper như BeraCreek (dự án về cho vay), BeraMarket (dự án về NFTFi), Beramuda Finance (dự án về yield-farming), Green Bera (dự án “ponzi nhất mà bạn từng được biết trong cuộc đời degen của mình” – theo mô tả từ chính nhà sáng lập, nhưng nhìn chung thì đây cũng là một dự án về yield-farming thông qua việc kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá, từ MEV, từ việc đánh thuế lên những người bán token dự án và từ việc farming HONEY)…

Dự án multi-chain

Synapse: Giao thức Synapse sẽ là cầu nối quan trọng giữa Berachain với 18 blockchain khác nằm ngoài hệ sinh thái Cosmos như Ethereum, Avalanche, Polygon, Cronos,…

dAMM Finance: Dự án cho vay phi tập trung, dự kiến sẽ được ra mắt trên Avalanche, Arbitrum, Polygon và Berachain trong Q4 năm 2022

Reacted Cartel: Như đã nói ở trên, mô hình tokenomics của Berachain có thể thúc đẩy một thị trường “hối lộ” (bribe market) khi một cuộc chiến tương tự Curve Wars xảy ra và vì vậy, Redacted Cartel có thể triển khai dịch vụ Hidden Hand của mình trên Berachain để tham gia vào cuộc chiến này, tương tự như cách họ đã từng hỗ trợ Balancer, Frax Finance và Floor DAO

Ngoài OlympusDAO, TempleDAO cũng là một cái tên khác từng đề cập tới việc đầu tư vào Berachain hồi tháng 5 năm nay và cũng có dự định mở rộng sang hệ sinh thái này. Tuy nhiên, TempleDAO sẽ không đưa ra thông báo chính thức nào cho đến khi Berachain chính thức được ra mắt.

Ảnh: Temple Codex, newsletter của TempleDAO

Nhận định

Về mặt công nghệ, do dự án vẫn chưa tung ra litepaper hay whitepaper chính thức nên rất khó để đánh giá được tính khả thi trong những khái niệm mới như Proof-of-Liquidity mà Berachain đã đề ra.

Bên cạnh đó, mặc dù các dự án được xây dựng trên Berachain được cho là hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế thu hút thanh khoản thông qua tài sản staking đa dạng Proof-of-Liquidity nhưng câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để cả hệ sinh thái Berachain có thể duy trì được động lực để thu hút người dùng liên tục gửi tiền vào nền tảng của mình? Đến một lúc nào đó, dòng tiền sẽ dần rời khỏi Berachain để tìm một bến đỗ mới – có thể là những dự án DeFi hoặc Layer-1, Layer-2 khác – hấp dẫn hơn.

Tuy vậy, về mặt thương hiệu, Berachain đã thành công trong việc xây dựng cho mình một phong cách khá đặc trưng, khác với những blockchain Layer-1 khác: có phần ngông cuồng, đùa cợt, và ma mãnh. Một phần, điều này sẽ giúp tạo hứng thú và gây sự chú ý của cộng đồng nhưng mặt khác, nó có thể đem đến cái nhìn không mấy tích cực về cách làm việc của đội ngũ dự án. Chính founder của Berachain là Dev Bear và Smokey The CosmoBera cũng thừa nhận điều này nên vì vậy, trong tương lai, khi Berachain hoàn thiện hơn về mặt công nghệ và bắt đầu khởi chạy chính thức, dự án cần điều chỉnh lại phong cách của mình theo hướng nghiêm túc và chỉn chu hơn để không gây mất thiện cảm với những người dùng mới sau này.

Mai Phan

Xem thêm các bài viết khác của tác giả Mai Phan:

-24/10/2022
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68