logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

“Ba ngôi” của tiền mã hoá: Khi crypto không còn chỉ đơn thuần là “tiền điện tử” mà thôi

-24/03/2019

Cái mới hơn, tiến bộ hơn sẽ dần dần thay thế cái cũ hơn, lạc hậu hơn – đây chính là quy luật vận động và phát triển của thế giới từ trước đến giờ. Điều tương tự cũng diễn ra trong thế giới tiền điện tử. Cái thuật ngữ “crypto” – “tiền mã hoá” khi xưa bao hàm mọi thứ thì nay đang ngày càng trở nên hẹp nghĩa hơn và không thể bao quát hết tất cả những gì trong một lĩnh vực mà lớn mạnh không ngừng theo từng ngày. Hôm nay, Coin68 xin được mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về cách phân loại thế giới crypto, vốn giờ vừa có token giao dịch, vừa có Blockchain và các loại token được bảo chứng bằng tài sản thật.

“Ba ngôi” của tiền mã hoá: Khi crypto không còn chỉ là “tiền điện tử” mà thôi
“Ba ngôi” của tiền mã hoá: Khi crypto không còn chỉ là “tiền điện tử” mà thôi

Về tác giả: Timothy Enneking là nhà sáng lập và cổ đông chính của công ty đầu tư Digital Capital Management.

Phân khúc tiền mã hoá (crypto) bây giờ khác rất xa so với trước đây.

Khi xưa lúc mà Bitcoin còn là đồng “tiền điện tử” duy nhất, mọi thứ phải nói là cực kỳ đơn giản. Kế đến, thêm một vài “đồng tiền” khác xuất hiện, sau đó là ICO và rồi bao rối rắm càng trở nên phức tạp hơn.

Ở đâu đó trong quãng thời gian trên, người ta dần quan tâm hơn đến cả cái công nghệ làm nền cho Bitcoin. “Blockchain” hay “công nghệ sổ cái phân tán” (DLT) đột nhiên trở thành “từ cửa miệng” con người ta thường thốt lên trong mỗi cuộc tranh luận về cách mạng công nghệ 4.0 (kèm với đó là “chút ít” phóng đại).

Trong những ngày tháng lịch sử của năm 2017, nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và các quỹ tiền điện tử bắt đầu tiến hành “phân loại” phân khúc crypto đang lớn nhanh như thổi: nào là xuất hiện token của sàn, token tiện ích dùng trong ICO cho đến token thanh toán, token được bảo chứng bằng tài sản thật,…

Tuy nhiên, Blockchain và các token bảo chứng bằng tài sản thật vẫn đang được quy nạp và gọi với tên chung là crypto. Theo tôi thì điều này không còn chính xác nữa. Thật ra tôi cho rằng phân khúc crypto giờ đã phân làm ba mảng riêng biệt (vậy nên mới gọi là “ba ngôi”) và bản thân thuật ngữ “tiền mã hoá” đã không còn có thể bao hàm trọn vẹn ý nghĩa của chúng.

Tôi sẽ gọi ba mảng này là “token giao dịch” (trading token), “Blockchain” và “token được bảo chứng bằng tài sản” (asset-back token). Ngoài trừ nhóm đầu tiên thì hai cái tên sau chẳng có gì là khó hiểu rồi đó. Chưa hết, một điểm giật mình khác nữa là hai nhóm sau thì nghe qua thì không giống như những gì chúng ta thường mường tượng về crypto.

Token giao dịch

Trước tiên, “token giao dịch” là một cái tên phù hợp và chính xác hơn cho những đồng coin mà ta hay gọi là “tiền điện tử”.

Cái từ “đồng tiền” thực ra chưa bao giờ có thể mang áp dụng cho loại công nghệ này cả, “token” là thuật ngữ hợp lý hơn. Chúng ta thường hay quên mất chỗ đứng của token trong lịch sử, chúng đến từ các khu trò chơi giải trí, tiệm game thùng (người Việt mình thì gọi là xèng chơi game đó), hoặc gần đây nhất là mạng LAN.

Trong ngành IT và tiền điện tử thì token đơn giản là một gói thông tin được tối ưu để chuyển qua lại giữa các máy tính. Nếu ai đó cảm thấy (hoặc hy vọng) gói dữ liệu của mình có giá trị vượt bậc thì họ sẽ cố bán nó.

Tuy nhiên, số khác thì lại cảm thấy token đó chẳng đáng một cắc tiền bỏ ra. Do đó, hình thức gọi vốn ICO ra đời.

Blockchain – Sổ cái phân tán (DLT)

Tất nhiên, một đồng token crypto dù có được giao dịch hay không thì vẫn phải nằm trên Blockchain hoặc một cơ chế đồng thuận tương tự. Blockchain cũng sẽ giúp lưu giữ thông tin, trạng thái và thay đổi vị trí của tất cả các token. Tuy nhiên, cần lưu ý là tỉ lệ phần trăm các dự án Blockchain mà không có token cũng đang gia tăng theo từng ngày (điển hình là nỗ lực hợp tác tích hợp Blockchain vào logistics của IBM và Maersk).

Điều này đồng nghĩa với việc các dự án ấy không tập trung đến giá trị đồng token của mình, mà thay vào đó là thực sự công nhận và tận dụng những lợi ích về lưu trữ dữ liệu với độ bảo mật và tin tưởng cao mà Blockchain hay DLT có thể mang lại.

Chính vì điều này, đa số các thương vụ gọi vốn DLT lớn đều được thực hiện bằng phương thức ươm mầm, đầu tư mạo hiểm hay bán cổ phần truyền thống, chứ không hề phát hành token. Điểm khác biệt ấy tạo nên một vách ngăn giúp ta phân biệt được cấu trúc, cách tiền ra vào một ICO (hay STO hoặc mới hơn cả là IEO) so với đầu tư vào dự án Blockchain.

Do đó, mảng DLT/Blockchain thật sự phải hoàn toàn nằm độc lập so với token giao dịch. Nó chính là ngôi thứ hai trong “ba ngôi” crypto của chúng ta – và crypto cũng không thể được dùng để chỉ lĩnh vực này nữa.

Token bảo chứng bằng tài sản

Đây là một cụm từ hoa mỹ hơn dùng để chỉ khái niệm mà ta thường xuyên được nghe qua trong năm 2018 rồi, đó chính là token hoá.

Mảng này thì thật sự khá là thú vị, bởi một loại tài sản khi được token hoá thì cũng chỉ là một hình thức khác của “chứng khoán hoá”, chẳng có sự kết nối trực tiếp nào đến tiền mã hoá crypto cả. Không cần Blockchain và người ta vẫn có thể làm được điều này ở bất kì thời điểm nào trong quá khứ. Ràng buộc ở đây cũng chẳng nằm ở vấn đề pháp lý, mà đơn giản chính là chi phí – DLT rõ ràng là giúp token hoá trở nên dễ dàng hơn và khả thi hơn.

So sánh quy mô

Giờ chúng ta sẽ đến với phần cực kỳ thú vị: đó là quy mô.

Điều khá rõ ràng là token giao dịch rồi cũng sẽ có ngày tăng đến mức định giá nghìn tỉ USD. Vào tháng 12/2017, tổng vốn hoá thị trường của Bitcoin cùng altcoin đã đạt hơn 800 tỉ. Token giao dịch sẽ sớm tái lập kỳ tích này vào năm 2020 hoặc khoảng sau đó. Tuy nhiên, tôi lại không lạc quan lắm về việc chúng sẽ đạt mức chục nghìn tỉ.

Tuy nhiên, Blockchain thì lại như kiểu số phận của nó là vươn đến mức chục nghìn tỉ USD. Nếu ta chỉ cần đem giá trị ngành logistics đặt lên Blockchain thì đã lấp đầy một nửa con số trên rồi.

Nếu thêm vào đó cả giao dịch tài chính thì có thể nói mục tiêu trên chẳng khó nhằn gì.

Song, theo tôi thì token được bảo chứng bằng tài sản mới chính là mảng có tiềm năng tăng trưởng nhiều nhất. Chỉ riêng bất động sản thôi là ta có thể mường tượng được độ khủng khiếp của lĩnh vực này rồi. Và khi điều đó xảy ra thì sẽ chẳng ai gọi lĩnh vực này với cái tên “crypto” nữa.

Mặc dù vậy, có một khiếm khuyết trong lập luận trên đây là nguy cơ đếm lặp lại nhóm thứ hai và thứ ba. Quyền sở hữu bất động sản chắc chắn là sẽ phải được lưu trên Blockchain, nhưng không phải bất động sản nào rồi cũng sẽ được token hoá.

Tóm lại thì cách phân loại tiền mã hoá thế nào không quan trọng, song điều cần ghi nhớ vẫn là như sau: thuật ngữ “crypto” đã giúp sản sinh ra những công nghệ và khái niệm rộng lớn hơn nhiều so với “tiền mã hoá” và giờ con người đã không thể nào đánh giá thấp được tầm quan trọng của Blockchain và tài sản được token hoá đến thế giới và tương lai của chúng ta.

Theo CoinDesk

-24/03/2019
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68