Walmart dường như đang mạo hiểm tham gia vào không gian metaverse với kế hoạch tạo ra đồng tiền mã hóa của riêng mình và bộ sưu tập NFT.
Trong một hồ sơ mới vừa được tiết lộ, gã khổng lồ bán lẻ lớn nhất thế giới đã nộp đơn đăng ký cho một số nhãn hiệu mới vào cuối tháng 12 cho thấy ý định sản xuất và bán hàng hóa ảo, bao gồm đồ điện tử, đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi, đồ thể thao và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Bên cạnh đó, Walmart còn cung cấp cho người dùng một đồng tiền mã hóa riêng, cũng như NFT.
Tổng cộng, có đến bảy danh mục riêng biệt đã được đăng ký. Trong một tuyên bố, Walmart cho biết họ đang liên tục khám phá cách các công nghệ mới nổi, điển hình là blockchain, để có thể giúp hình thành trải nghiệm mua sắm trong tương lai.
Josh Gerben, một luật sư chuyên về mảng đăng ký nhãn hiệu chia sẻ rằng động thái của Walmart dường như được thể hiện vô cùng rõ ràng. Có rất nhiều thuật ngữ cụ thể về crypto trong đơn đăng ký của công ty, điều này cho thấy rằng Walmart đang chuẩn bị nhiều kế hoạch đằng sau hậu trường về cách họ sẽ giải quyết tiền mã hóa, metaverse và NFT.
Gerben khẳng định kể từ khi Facebook chính thức đổi tên công ty thành Meta, báo hiệu tham vọng ngoài phạm trù mạng xã hội, các doanh nghiệp lớn khác đã gấp rút tìm hiểu xem vị thế của mình sẽ phù hợp với metaverse như thế nào.
Trên thực tế, Nike đã nộp một loạt đơn đăng ký nhãn hiệu vào đầu tháng 11 để xem trước kế hoạch bán giày thể thao và quần áo ảo. Cuối tháng đó, NIKE thông báo đang hợp tác với Roblox để xây dựng thế giới ảo metaverse có tên Nikeland. Vào tháng 12, công ty đã mua lại startup NFT thời trang với số tiền không được tiết lộ.
Trong khi đó, cả hai bộ sưu tập NFT của Under Armour và adidas ra mắt đều “cháy hàng” ngay sau khi được ra mắt trong thời gian ngắn, đều ghi nhận những mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường NFT hàng đầu thế giới, OpenSea. Gap cũng đã bắt đầu bán NFT áo hoodie có logo mang tính biểu tượng của mình, được xây dựng trên blockchain Tezos (XTZ).
Việc tung ra NFT cho phép các doanh nghiệp mã hóa các sản phẩm và dịch vụ vật lý để giúp giảm chi phí giao dịch trực tuyến. Và đối với các thương hiệu xa xỉ khác như Gucci và Louis Vuitton, NFT có thể đóng vai trò như một hình thức xác thực đối với hàng hóa hữu hình và đắt tiền hơn.
Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng làm quen với metaverse và các mặt hàng được lưu trữ trên blockchain, thì sẽ có nhiều nhà bán lẻ muốn tạo ra hệ sinh thái của riêng họ xung quanh lĩnh vực này. Nhìn chung, nhiều nhà bán lẻ vẫn đang “quay cuồng” vì chậm trễ với thương mại điện tử, vì vậy họ không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào trong metaverse.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
- Mỹ muốn truy thu thuế từ nhà đầu tư NFT
- Lý do nào khiến metaverse có thể trở thành thị trường nghìn tỷ USD trong vài năm tới?