Một uỷ ban thuộc chính phủ Hàn Quốc đề xuất là các định chế tài chính nên được phép niêm yết các sản phẩm tiền điện tử dưới dạng phái sinh.
Trong một báo cáo mới, Uỷ ban Cố vấn Tổng thống về Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (PCFIR) cho rằng chính quyền Hàn Quốc có thể đem tiền điện tử lên các nền tảng tài chính chính thống bằng nhiều phương pháp, điển hình là thông qua các sản phẩm phái sinh.
Khi mà hoạt động mua bán tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến khắp toàn cầu, “việc ngăn chặn tài sản mã hoá được giao dịch giờ đã là điều bất khả thi”, báo cáo của PCFIR viết.
Uỷ ban này đề xuất Hàn Quốc nên tiếp bước các cơ quan quản lý tài chính Mỹ và cấp phép cho các sản phẩm phái sinh như là hợp đồng tương lai dành cho Bitcoin. Các định chế tài chính nên được cho phép cung cấp các dịch vụ về tiền điện tử cho công chúng, bao gồm cả giao dịch.
“Chính phủ Hàn Quốc phải dần dần cho phép các tổ chức đầu tư được tiếp xúc với tài sản tiền điện tử và thúc đẩy hình thức giao dịch OTC dành riêng cho tổ chức đầu tư,” báo cáo của PCFIR kết luận.
Để hỗ trợ cho nước đi này, lĩnh vực fintech của xứ sở kim chi sẽ phải phát triển các giải pháp lưu ký tiền kỹ thuật số riêng để tránh bị lệ thuộc vào các đơn vị nước ngoài, uỷ ban cho biết thêm.
Về phần các sàn giao dịch tiền điện tử hiện tại, PCFIR cho rằng Nhà Xanh cần nghiên cứu xây dựng một khung pháp lý hoặc cấp phép hoạt động. Lĩnh vực tiền số tại Hàn Quốc hiện chỉ đang được quản lý một cách lỏng lẻo bằng các quy định vốn dĩ dành cho giới ngân hàng, đồng thời chưa có cơ quan quản lý riêng.
Những đề xuất đáng chú ý khác trong báo cáo của PCFIR bao gồm niêm yết Bitcoin trực tiếp lên Sàn chứng khoán Hàn Quốc, và thuật ngữ tiền điện tử cùng tiền ảo nên được quy về đồng nghĩa với “tài sản mã hoá”.
PCFIR được thành lập vào năm 2017 để cố vấn về những chính sách liên quan đến các công nghệ mới, thành lập nền móng cho những lĩnh vực và dịch vụ thuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo CoinDesk
Có thể bạn quan tâm: