Một thượng nghị sĩ Uruguay đã giới thiệu một dự luật để “thiết lập mục đích sử dụng hợp pháp và an toàn trong các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và thương mại hóa tiền kỹ thuật số”.
Uruguay đề xuất dự luật thanh toán bằng tiền mã hoá
Vừa qua, Thượng nghị sĩ Juan Satori vừa ra giới thiệu dự luật để điều chỉnh tiền mã hoá cũng như cho phép doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá. Theo đó, Juan Satori là cái tên tiếp theo gia nhập “hội các chính trị gia” đang tìm cách chấp nhận tiền mã hoá thành xu hướng chính. Tuy nhiên, vị thượng nghị sĩ này không đưa tiền mã hoá trở thành “đấu thầu hợp pháp” như tại El Salvador.
Cụ thể, vị thượng nghĩ sĩ ủng hộ tiền mã hoá đã thông báo về vấn đề này trên twitter cá nhân vào ngày 04/08 vừa qua.
“Hôm nay chúng tôi trình bày một dự luật, tiên phong trên thế giới là tìm cách thiết lập việc sử dụng hợp pháp và an toàn trong các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và thương mại hóa tiền kỹ thuật số ở Uruguay.”
Theo đó, dự luật đề xuất rằng “tài sản tiền mã hóa sẽ được pháp luật công nhận và chấp thuận để áp dụng trong mọi hoạt động kinh doanh hợp pháp. Chúng sẽ được coi như một phương tiện thanh toán hợp lệ và bổ sung vào những phương tiện được đưa vào Luật tài chính”
Hiện tại Juan Satori là thượng nghị sĩ của Đảng Quốc gia – đảng đang cầm quyền tại Uruguay và nắm giữ 10 trong số 30 ghế tại Thượng viện. Nếu dự luật đạt được sự ủng hộ, chính phủ Uruguay sẽ cấp ba loại giấy phép cho các doanh nghiệp sử dụng tiền mã hoá.
- Điều đầu tiên cho phép “các công ty giao dịch bất kỳ tài sản tiền mã hoá nào chẳng hạn như các trung gian (sàn giao dịch) ngoại trừ các giao dịch có nguồn gốc phi tài chính”.
- Giấy phép thứ hai cho phép bên được phê duyệt có thể lưu ký tiền mã hoá.
- Còn giấy phép thứ ba thì cho phép công ty được phát hành “tài sản tiền mã hóa (token) với các đặc điểm tài chính phù hợp”
Ban thư ký quốc gia về đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (SENACLAFT) sẽ có nhiệm vụ “điều chỉnh, kiểm soát và kiểm toán” những đơn vị có giấy phép.
Ngoài ra, Satori khẳng định rằng “tỷ lệ người đầu tư vào tiền mã hoá so với tổng số cư dân trên mỗi quốc gia là thấp”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng quy định về tiền mã hoá để “thúc đẩy hoạt động đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư”.
Columbia đang tìm cách tăng cường bảo mật tiền mã hoá
Hiện nay, tại Nam Mỹ dường như đang có “làn sóng” chấp nhận thanh toán hợp lệ bằng tiền mã hoá. Mở đầu cho “đợt cách mạng pháp lý” này là El Salvador khi quốc gia này đã thông qua để Bitcoin trở thành tiền tệ quốc gia.
Paraguay là quốc gia tiếp bước El Salvador khi cũng đã đệ trình một dự luật Bitcoin vào tháng 7/2021. Còn Panama đang xem xét việc áp dụng tiền mã hoá trên quy mô quốc gia. Trong khi đó, Argentina cũng giới thiệu dự luật kêu gọi người lao động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được trả lương bằng tiền mã hoá.
Và hiện tại, bên cạnh Uruguay thì Columbia cũng là quốc gia đang rất quan tâm đến tiền mã hoá. Cụ thể, vào ngày 27/07, Thượng nghị sĩ Mauricio Toro đã giới thiệu một dự luật nhằm mục tiêu đến các sàn giao dịch tiền mã hoá và bảo vệ người tiêu dùng.
Trên twitter, thượng nghị sĩ này nhấn mạnh rằng dự luật đang tìm cách “đảm bảo an ninh” trong các giao dịch tiền mã hoá cũng như dập tắt thị trường chợ đen. Bên cạnh đó là quảng bá tiền mã hoá như một giải pháp thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ đưa ra các quy định yêu cầu những sàn giao dịch tiền mã hoá cả trong nước lẫn nước ngoài đang hoạt động tại Columbia phải đăng ký với Cơ quan Đăng ký Thương mại Quốc gia.
Theo đó, các công ty này cần phải tuân thủ luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đồng thời là thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng (KYC) và thẩm định như báo cáo hoạt động đáng ngờ cho Đơn vị Phân tích và Thông tin Tài chính.
Ở bên kia đại dương thì Đảng Nhân dân (PP) của Tây Ban Nha cũng giới thiệu một dự luật liên quan đến tiền mã hoá. Cụ thể, Đảng Nhân dân Tây Ban Nha đang tìm cách hợp pháp hóa việc sử dụng tiền mã hoá để thanh toán các khoản thế chấp và bảo hiểm.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: