Trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường crypto, các nhà giao dịch cá nhân thường kết hợp sử dụng các chỉ báo kỹ thuật để đạt được lợi nhuận tốt nhất. Tuy nhiên, để hiểu rõ cách sử dụng chỉ báo kỹ thuật sao cho hiệu quả, chúng ta phải biết được ý nghĩa và cách ứng dụng của chỉ báo. Qua bài viết dưới đây, Coin68 sẽ giới thiệu về 4 nhóm chỉ báo kỹ thuật có hiệu quả tốt thường được dùng nhất khi giao dịch trong thị trường crypto.
Top 4 nhóm chỉ báo kỹ thuật (Indicator) hiệu quả và tốt nhất
Nhóm chỉ báo xu hướng - Trend Indicator
Moving Average - Đường MA
Moving Average, còn được gọi là “đường trung bình động”, là một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật và được sử dụng phổ biến trên thị trường tài chính đặc biệt khi giao dịch Scalping trong crypto. Chỉ báo này giúp xác định xu hướng của giá tài sản trong một khoảng thời gian cụ thể và đặc biệt được các Crypto trader sử dụng ở khung M15, H1 và H4 nhiều nhất.
Trung bình động tính toán giá trị trung bình của một tập hợp các điểm dữ liệu giá theo thiết lập, giúp loại bỏ những biến động ngắn hạn và làm nổi bật xu hướng chính của thị trường. Điều này hỗ trợ nhà giao dịch hiểu rõ hơn về xu hướng và đưa ra quyết định giao dịch một cách hiệu quả và chính xác.
Đường MA trên chart BTC khung H4 ngày 31/07/2023
Qua biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy rõ ràng MA9 cắt xuống MA25 báo hiệu một xu hướng Bearish của BTC trong thời gian tới.
Với tính đơn giản và dễ sử dụng, Trung bình động đã trở thành một công cụ quan trọng giúp tối ưu hóa kết quả giao dịch ngắn hạn cho các Scalper.
Bollinger Band
Dải Bollinger, còn được gọi là Bollinger Band, là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến được dùng để đo lường sự biến động và xác định xu hướng của giá tài sản.
Để sử dụng Bollinger Band (Dải Bollinger) khi xác định xu hướng, người giao dịch thường xem xét sự tương tác giữa giá và các đường Bollinger Band trên biểu đồ giá. Bollinger Band gồm ba thành phần chính:
- Đường Trung bình động (Middle Band): Đây là một đường trung bình động thường là đường trung bình đơn giản (SMA) của giá đóng cửa trong một khoảng thời gian cụ thể. Đường trung bình động này thể hiện xu hướng chính của giá.
- Đường Bollinger Upper Band (Đường trên): Đây là đường di chuyển nhiều hơn 2 đơn vị so với độ lệch chuẩn của đường trung bình động. Đường trên thể hiện mức kháng cự tiềm năng trong xu hướng tăng giá.
- Đường Bollinger Lower Band (Đường dưới): Đây cũng là đường di chuyển ít hơn 2 đơn vị so với độ lệch chuẩn từ đường trung bình động. Đường dưới thể hiện mức hỗ trợ tiềm năng trong xu hướng giảm giá.
Khi giá di chuyển trong phạm vi giữa hai đường Bollinger Band (đường trên và đường dưới), thì xu hướng thị trường thường là ổn định hoặc đang trong giai đoạn ít dao động. Trong khi đó, khi giá chạm hoặc vượt qua đường trung bình động, đây có thể là dấu hiệu của một xu hướng mới.
Khi giá tăng và duy trì ở trên đường trung bình động và đường trên, điều này thể hiện xu hướng tăng mạnh. Ngược lại, khi giá giảm và duy trì ở dưới đường trung bình động và đường dưới, điều này thể hiện xu hướng giảm mạnh.
Bollinger Band trên chart BTC khung H4 ngày 31/07/2023
Qua biểu đồ trên, ta có thể thấy giá BTC chạm tới Upper Band và tăng mạnh trong 1 thời gian sau đó thể hiện sự Bullish của các nhà đầu tư.
Với tính năng đơn giản và dễ hiểu, Bollinger Band là một công cụ hữu ích giúp các nhà giao dịch và nhà đầu tư ra quyết định hiệu quả và đáng tin cậy trong thị trường tài chính.
Nhóm chỉ báo đo lường quán tính của thị trường - Momentum Indicator
Relative Strength Index (RSI)
Chỉ số RSI (Relative Strength Index) là một công cụ phân tích kỹ thuật quan trọng và thường được áp dụng khi giao dịch trong thị trường Crypto. Nó giúp đo lường sức mạnh của giá và xác định xem một tài sản có được mua quá mức hay bán quá mức so với biến động trước đó.
Xem thêm: Wyckoff
Chỉ số RSI hiển thị trong khoảng từ 0 đến 100, giúp nhà giao dịch dễ dàng xác định điểm mua và điểm bán hợp lý. Khi RSI ở mức cao hơn 70, tài sản có thể bị mua quá mức và có thể là lúc thích hợp để bán. Ngược lại, khi RSI ở mức thấp hơn 30, tài sản có thể bị bán quá mức và có thể là thời điểm tốt để mua vào.
RSI trên Chart BTC khung H4 ngày 31/07/2023
Qua Chart BTC trên ta thấy rõ, khi thị trường có xu hướng quá mua cao sẽ tạo ra một động lực mua vào làm giá tăng mạnh nhưng khi đạt được mức trên 70 thì lực mua sẽ dần yếu đi cho thấy sự chốt lời của các nhà đầu tư.
Điều này thể hiện quán tính của thị trường, tức là khi giá tăng quá mức hoặc giảm quá mức, thị trường có xu hướng điều chỉnh trở lại trong xu hướng chính.
Moving Average Convergence Divergence (MACD)
Đường MACD (Moving Average Convergence Divergence) là một công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng để đo lường quán tính của thị trường. MACD thể hiện sự chênh lệch giữa hai đường trung bình động, thường là đường trung bình động ngắn hạn và đường trung bình động dài hạn.
Đo quán tính thị trường bằng Moving Average Convergence Divergence (MACD) là một cách để xác định sự gia tăng hoặc giảm sút trong xu hướng giá. MACD được tính dựa trên hai Moving Average (MA) khác nhau, thường là EMA (Exponential Moving Average) của giá đóng cửa của tài sản giao dịch.
Cách tính MACD:
- Xác định EMA của giá đóng cửa trong một khoảng thời gian ngắn, thường là 12 ngày (EMA12).
- Xác định EMA của giá đóng cửa trong một khoảng thời gian dài, thường là 26 ngày (EMA26).
- Tính MACD bằng cách lấy EMA12 trừ EMA26.
Điểm quan trọng ở đây là khác biệt giữa EMA12 và EMA26. Khi giá tăng nhanh hơn trong khoảng thời gian ngắn, EMA12 sẽ lớn hơn EMA26, và MACD sẽ dương. Ngược lại, khi giá giảm nhanh hơn trong khoảng thời gian ngắn, EMA12 sẽ nhỏ hơn EMA26, và MACD sẽ âm.
Khi thị trường có xu hướng tăng mạnh, đường trung bình động ngắn hạn sẽ có xu hướng cắt lên trên đường trung bình động dài hạn, tạo ra tín hiệu mua (tín hiệu bullish). Ngược lại, khi thị trường có xu hướng giảm mạnh, đường trung bình động ngắn hạn sẽ có xu hướng cắt xuống dưới đường trung bình động dài hạn, tạo ra tín hiệu bán (tín hiệu bearish).
MACD trên Chart BTC khung H4 ngày 31/07/2023
Qua biểu đồ trên, ta thấy rõ là khi đường EMA12 cắt xuống EMA26 thì giá có dấu hiệu giảm và chỉ số MACD sẽ đỏ nhiều hơn xanh và ngược lại.
Nhóm chỉ báo xác định hỗ trợ và kháng cự - Support and Resistance Indicator
Fibonacci Retracement
Fibonacci Retracement được ứng dụng để xác định các mức hỗ trợ và kháng cự trong thị trường tài chính. Cụ thể, các mức Fibonacci được sử dụng để xác định những mức giá mà giá tài sản có thể quay lại hoặc đảo chiều sau khi đã điều chỉnh trong xu hướng chính.
Khi giá tăng hoặc giảm theo một xu hướng, thường có các điểm điều chỉnh tạm thời trước khi xu hướng tiếp tục. Đó là khi Fibonacci Retracement đến công dụng. Các mức Fibonacci được xác định bằng cách sử dụng các tỷ lệ phần trăm của dãy số Fibonacci, chẳng hạn như 0.382, 0.5, và 0.618. Những mức này chủ yếu xác định các vùng có khả năng xuất hiện hỗ trợ hoặc kháng cự.
Dùng Fibonacci Retracement để tìm kháng cự hỗ trợ
Qua biểu đồ trên, ta có thể thấy giá BTC có vùng kháng cự lý tưởng là ở vào vùng giá 28.220 USD.
Order block
Order block (khối lệnh) là khu vực trên biểu đồ giá tập trung các lệnh mua hoặc bán của nhà giao dịch. Đây là một kỹ thuật phân tích phổ biến trong thị trường tài chính truyền thống và nay cũng được áp dụng rộng rãi trong thị trường crypto.
Order block trong kháng cự hỗ trợ là khu vực trên biểu đồ giá có sự tập trung của các lệnh mua và bán của nhà giao dịch, thể hiện mức độ quan tâm và sự cạnh tranh giữa mua và bán tại mức giá đó. Đây là các vùng quan trọng trên biểu đồ, có thể xác định các mức kháng cự và hỗ trợ tiềm năng trong xu hướng giá.
Khi giá tiếp cận một Order Block trên mức kháng cự, có thể xuất hiện áp lực bán mạnh, dẫn đến khó khăn trong việc vượt qua khu vực này và có thể gây ra sự đảo chiều giá. Điều này tạo ra một mức kháng cự tiềm năng, và các nhà giao dịch thường xem xét điểm bán tại khu vực này.
Ngược lại, khi giá tiếp cận một Order Block dưới mức hỗ trợ, có thể xuất hiện sự tham gia mua mạnh, làm giảm áp lực bán và tạo ra một mức hỗ trợ tiềm năng. Các nhà giao dịch thường xem xét điểm mua tại khu vực này, kỳ vọng giá sẽ tăng trở lại sau khi đạt đến mức hỗ trợ.
Cách xác định Order Block như sau:
- Xác định sự tập trung của giá: Tìm khu vực trên biểu đồ có các cây nến hoặc phạm vi giá giao dịch hẹp, thể hiện sự cạnh tranh mua bán.
- Xác định khu vực mạnh: Order Block thường xuất hiện tại khu vực có giá tăng đột biến hoặc giảm mạnh, có sự tham gia mạnh của giao dịch.
- Xác định mức giá quan trọng: Order Block thường xuất hiện tại mức hỗ trợ, kháng cự, điểm pivot, Fibonacci retracement hoặc các mức giá quan trọng khác.
- Xem xét khối lượng giao dịch: Order Block có khối lượng giao dịch cao hơn bình thường cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của nhà giao dịch.
- Xác định điểm vào và điểm ra: Sử dụng Order Block như điểm vào và điểm ra. Ví dụ, khi giá tiếp cận Order Block trên mức kháng cự, đó có thể là điểm bán. Ngược lại, khi giá tiếp cận Order Block dưới mức hỗ trợ, đó có thể là điểm mua.
Nhóm chỉ báo thể hiện sự tham gia của người giao dịch - Volume Indicator
Volume
Volume (Khối lượng giao dịch) là một chỉ báo kỹ thuật quan trọng trong thị trường tài chính, đo lường số lượng cổ phiếu, tài sản hoặc hợp đồng giao dịch được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ báo này thể hiện sự quan tâm và tham gia của người giao dịch vào thị trường.
Khi khối lượng giao dịch tăng, thường xuất hiện sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và nhà giao dịch, có thể đồng nghĩa với sự xuất hiện của một xu hướng mạnh hoặc sự biến động đáng kể trong giá. Ngược lại, khi khối lượng giao dịch giảm, thị trường có thể trở nên mờ nhạt và không ổn định.
Bên cạnh đó, Volume cung cấp thông tin quan trọng như:
- Xác định đồng thuận và mâu thuẫn: Đồng thuận giữa giá và khối lượng thể hiện xu hướng sắp diễn ra hoặc dấu hiệu đảo chiều. Mâu thuẫn giữa giá và khối lượng có thể cảnh báo sự suy yếu trong xu hướng hiện tại.
- Xác định điểm vào và điểm ra: Khối lượng giao dịch giúp xác định điểm mua hoặc bán. Tăng đột ngột về khối lượng kèm giá tăng có thể là tín hiệu mua, giảm đột ngột về khối lượng kèm giá giảm có thể là tín hiệu bán.
Volume trên chart BTC
Qua chart BTC ta thấy rõ ràng, hoạt động giao dịch của BTC trong thời gian này có sự giảm đáng kể và giá cũng phản ánh phần nào điều đó.
Volume Profile
Volume Profile là một công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng trong thị trường tài chính để hiển thị khối lượng giao dịch tích lũy tại từng mức giá trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là trên biểu đồ đoạn thời gian nhất định như H1, H4, hoặc D1.
Volume Profile cung cấp cái nhìn chi tiết về việc người giao dịch tham gia vào thị trường và chọn giá nào để thực hiện giao dịch nhiều nhất. Các mức giá có khối lượng giao dịch cao hơn sẽ xuất hiện như những mức hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng, và sự tập trung của khối lượng tại các mức giá này có thể là mục tiêu quan trọng cho các nhà giao dịch.
Thành phần chính của Volume Profile là các hộp chữ nhật (Rectangle) dọc theo trục giá, mỗi hộp thể hiện khối lượng giao dịch tích lũy trong một khoảng giá cụ thể. Hộp có chiều rộng tương ứng với khối lượng và cao độ biểu thị mức độ quan trọng của khối lượng đó.
Volume Profile của BTC
Qua biểu đồ trên hình, ta dễ dàng nhận thấy các điểm kháng cự cụ thể của giá, khi giá cố gắng vượt qua nhưng không thành công. Kết quả là xuất hiện một xu hướng giảm mạnh.
Sử dụng Volume Profile giúp nhà giao dịch nhìn thấy sự phân phối và tích lũy khối lượng giao dịch tại các mức giá quan trọng, từ đó tìm ra các khu vực hỗ trợ, kháng cự tiềm năng và thậm chí tạo ra chiến lược giao dịch dựa trên khối lượng giao dịch tích lũy.
Tổng kết
Thông qua bài viết về trên, Coin68 đã cung cấp thông tin cơ bản về Top 4 nhóm chỉ báo kỹ thuật (Indicator) hiệu quả và tốt nhất trong thị trường crypto. Tuy nhiên, các chỉ báo chỉ là một công cụ do con người tạo ra nên không thể hoàn toàn là "chén thánh" nên các bạn hãy nghiên cứu kỹ hơn để có thể áp dụng lâu dài và hiệu quả vào quá trì đầu tư của mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.