Blockchain từ giờ có thể được dùng làm bằng chứng xác thực một cách hợp pháp trong các tranh chấp pháp lý tại Trung Quốc, theo thông báo mới nhất từ Toà án Nhân dân Tối cao.
- Ngân hàng Công thương Trung Quốc đón nhận công nghệ Blockchain
- Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản cẩm nang Blockchain để “xoá mù” cho quan chức
Toà án Tối cao Trung Quốc công nhận bằng chứng Blockchain là có tính ràng buộc pháp lý
Cụ thể, cơ quan tư pháp cao nhất quốc gia Đông Á này đã đưa ra một loạt những quy định mới, nhằm làm rõ một loạt những vấn đề liên quan đến Internet trong các tranh chấp pháp lý, với hiệu lực ngay lập tức.
Một phần trong số đó chỉ rõ rằng các phiên toà xét xử về Internet sẽ công nhận tính hợp pháp của Blockchain như là phương pháp lưu trữ và chứng thực chứng cứ kỹ thuật số, miễn là các bên tham gia tố tụng phải trình ra đủ cơ sở cho thấy độ đáng tin cậy nếu sử dụng công nghệ này.
“Các toà án Internet sẽ công nhận dữ liệu kỹ thuật số làm bằng chứng nếu các bên liên qua thu thập và lưu trữ được chúng trên Blockchain với chữ ký điện tử, thời gian đáng tin và xác nhận giá trị hash hoặc thông qua nền tảng ký gửi kỹ thuật số, và cũng phải chứng minh độ xác thực của công nghệ họ sử dụng,” Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc viết trong thông báo.
Quyết định trên được đưa ra để giải quyết ổn thoả hàng loạt các tranh cãi nổi lên từ năm ngoái đến nay sau khi nước này thiết lập toà án Internet đầu tiên tại Hàng Châu vào năm ngoái – chuyên xử lý những tranh chấp liên quan đến không gian mạng, đặc biệt là big data. Trước đó, hồi tháng 6, toà Internet Hàng Châu đã ra phán quyết trong một vụ vi phạm bản quyền tác giả rằng chứng cứ Blockchain được đưa ra có thể được chấp nhận là hợp pháp.
Toà án Tối cao còn cho biết thêm là quy định mới đã được thông qua với sự nhất trí cao trong uỷ ban tư pháp sau phiên họp ngày 03/09 qua.
Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập thêm hai toà án Internet nữa tại thủ đô Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu.
Theo CoinDesk