Ngày 28/07/2022, Synapse chính thức công bố việc ra mắt Synapse Chain. Synapse Chain là một lớp mạng lưới được phát triển nhằm hỗ trợ các ứng dụng chuỗi chéo (cross-chain) và nguyên gốc. Bằng cách tận dụng hệ thống nhắn tin xuyên chuỗi chung của Synapse và cầu nối mã thông báo, Synapse Chain đóng vai trò là trung tâm tổ chức và lớp thực thi cho tất cả hoạt động hợp đồng thông minh xuyên chuỗi.
Synapse là gì?
Synapse (SYN) ban đầu được xây dựng với tầm nhìn cho phép người dùng di chuyển liên tục tài sản trên các chuỗi khối khi mà ngày càng có nhiều hơn các blockchain mới xuất hiện và không tương thích với nhau, gây khó khăn trong trải nghiệm người dùng.
Khi mới ra mắt, Synapse đã cung cấp một số nhóm thanh khoản chuỗi chéo với thanh khoản tốt nhất và chi phí rẻ nhất, giúp người dùng dễ dàng di chuyển stablecoin và ETH qua các blockchain phổ biến nhất.
1/ Introducing Synapse Chain:
A novel smart contract execution layer built atop Synapse’s generic cross-chain messaging system and value bridge.https://t.co/cNkRSbHuXX
— Synapse Protocol (@SynapseProtocol) July 28, 2022
Tìm hiểu về Synapse Chain
Synapse Chain là một optimistic-rollups dựa trên Ethereum, được thiết kế dành riêng cho các trường hợp sử dụng cross-chain. Synapse Chain sẽ cung cấp cho các nhà phát triển một giao diện hợp đồng thông minh tổng quát để xây dựng các trường hợp sử dụng cross-chain nguyên bản bằng cách tận dụng hệ thống nhắn tin chuỗi chéo của Synapse. Các ứng dụng được xây dựng trên Synapse Chain sẽ có thể thực thi logic hoạt động của mình trên bất kỳ chuỗi khối nào.
Bên cạnh đó, Synapse Chain còn được sử dụng để lưu trữ các bằng chứng chứng thực tính hợp lệ của các giao dịch trên chuỗi được thực thi trên Synapse Chain. Đối với các giao thức cross-chain khác, khi số blockchain được kết nối và việc thực hiện tương tác chuỗi chéo tăng lên, số lượng các hợp đồng thông minh cần cập nhật để theo dõi và thực hiện được các tương tác cũng sẽ phải tăng lên, gây tốn nhiều hơn chi phí cho người dùng. Thông qua việc xây dựng Synapse Chain, dù trong tương lai việc thực hiện tương tác chuỗi chéo trên Synapse gia tăng thì họ cũng chỉ cần cập nhật và lưu trữ dữ liệu trực tiếp trên Synapse, sau đó gửi kết quả xử lý lên Ethereum. Cách hoạt động của Synapse gần như là một Layer-2, vì vậy người dùng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.
Theo cá nhân mình, việc Synapse lựa chọn xây dựng chain riêng theo phong cách “Optimism Layer” dựa trên Ethereum đến từ một số nguyên nhân:
Khả năng tương thích EVM
Với mục tiêu cung cấp môi trường “cross-chain” cho các DApps và giao thức khác, Synapse cần khả năng tương thích tốt với Ethereum Virtual Machine (EVM) để dễ dàng triển khai mà không cần thay đổi nhiều về cấu trúc hay cần bên thứ 3 hỗ trợ. Bên cạnh đó, trên thị trường, các dự án hỗ trợ EVM vẫn chiếm đại đa số, đông đảo về cả developers lẫn users. Vì vậy, việc tương thích tốt với EVM sẽ rút ngắn con đường phát triển của Synapse Chain rất nhiều lần.
Trải nghiệm người dùng
Đây luôn là vấn đề mà các dự án quan tâm khi xây dựng sản phẩm. Việc cung cấp cho người dùng một trải nghiệm thân thiện, dễ dàng và quen thuộc sẽ giúp dự án nhanh chóng phát triển. Synapse xây dựng dựa trên Ethereum thì sẽ không cần bỏ thêm nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để “giáo dục người dùng”, giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận và sử dụng.
Sự đơn giản và tính bảo mật
Synapse đã tận dụng những bước phát triển trong Layer-2 nói chung và Rollup nói riêng để xây dựng Synapse Chain, điều này tạo ra sự đơn giản trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, là một Layer-2, Synapse Chain cũng tận dụng được tính bảo mật cao của Ethereum.
Giới thiệu về Synapse V2
Cùng với việc ra mắt Synapse Chain, Synapse cũng cập nhật V2 với nhiều cập nhật quan trọng để phục vụ cho việc chuyển mình từ một dự án sang một hệ sinh thái.
Generalized cross-chain messaging
Generalized cross-chain messaging cho phép gửi bất kỳ dữ liệu tùy ý nào qua các chuỗi khối, nhờ đó, có thể mở rộng tính năng cross-chain cho cả NFT, các lệnh gọi hợp đồng thông minh, governance…
Với tính năng Generalized cross-chain messaging, bất kỳ ứng dụng phi tập trung nào cũng có thể là trở nên đa chuỗi, kết nối logic kinh doanh của nó trên mọi chuỗi khối.
Với tính năng này, Synapse V2 cho phép các DApp không cần xây dựng trên nhiều chuỗi nữa mà chỉ cần xây dựng trên một chuỗi duy nhất, sau đó gửi các “messaging” đến chuỗi khác và thực hiện giao dịch chuỗi chéo.
Optimistic Verification
Nếu như anh em đã từng tìm hiểu về Layer-2, ắt hẳn có biết đến ZK-Rollups và Optimistic Rollups. Hai loại rollup này trên thực tế được phân biệt với nhau dựa trên cơ chế xác thực. Optimistic Verification của Synapse hoạt động dựa trên cơ chế xác thực tương tự như một Optimistic Rollups.
Về cơ bản, Optimistic Rollups được gọi là “lạc quan” vì chúng cho rằng các giao dịch ngoài chuỗi (off-chain) mặc định là hợp lệ và không cần công bố bằng chứng về tính hợp lệ cho các giao dịch khi chuyển lên on-chain. Thay vào đó, các Optimistic Rollups dựa vào một kế hoạch chứng minh gian lận để phát hiện các trường hợp giao dịch không được tính toán chính xác. Sau khi một đợt tổng hợp được gửi trên Ethereum, có một khoảng thời gian (được gọi là khoảng thời gian thử thách) trong đó bất kỳ ai cũng có thể thách thức kết quả của một giao dịch tổng hợp bằng cách tính toán bằng chứng gian lận.
Theo quan điểm của Synapse, việc sử dụng Optimistic Verification sẽ giúp làm tăng độ bảo mật đối với các giao dịch chuỗi chéo.
Các mô hình bảo mật cross-chain hiện nay chủ yếu tập trung theo 3 kiểu:
- Xác minh cục bộ: chỉ có một bên trong số các bên tham gia giao dịch cross-chain xác thực cho giao dịch.
- Xác minh toàn phần: tất cả trình xác thực của các bên tham gia giao dịch đều xác thực.
- Xác minh off-chain: các mô hình này sẽ sử dụng một bên thứ 3 để xác thực giao dịch.
Nhìn chung, các cơ chế bảo mật trên đều có thể sử dụng cho các dự án cross-chain, tuy nhiên, với đặc điểm tương tác chuỗi chéo, việc bảo mật cao hơn sẽ đòi hỏi tốc độ xử lý lâu hơn và chi phí đắt hơn (ví dụ như cơ chế xác minh toàn phần). Ngược lại, nếu anh em hy sinh tính bảo mật để đổi lấy tốc độ xử lý nhanh và chi phí rẻ hơn, hệ thống sẽ rất dễ bị tấn công. Minh chứng rõ nhất là nạn nhân của hàng loạt vụ hack trong thời gian qua có khá nhiều cái tên trong mảng cross-chain.
Trong cơ chế bảo mật của Synapse Chain sẽ gồm 4 thành phần:
- Notary (Công chứng viên): chịu trách nhiệm ký các root merkle trên mỗi chuỗi liên kết.
- Broadcaster: chịu trách nhiệm chuyển tiếp các thông tin từ smart-contract trên chuỗi gốc sang các chuỗi liên kết.
- Guard (người bảo vệ): giám sát các thông tin trên chuỗi và gửi bằng chứng gian lận nếu có.
- Executor (người thực thi): chịu trách nhiệm thực hiện giao dịch sau khi hết thời gian chờ mà không có Guard nào báo cáo gian lận.
Với cơ chế xác thực dựa trên Optimistic, Synapse tăng độ khó đối với các cuộc tấn công và nhờ đó bảo mật tốt hơn.
An ninh kinh tế và cơ chế PoS
Token SYN của Synapse sẽ có nhiều vai trò hơn khi Synapse Chain ra mắt. Các nhà xác thực sẽ phải stake một lượng SYN nhất định để đảm bảo thực hiện đúng và khách quan vai trò của mình. Nếu có gian lận trong quá trình xác thức, họ sẽ bị phạt hoặc thậm chí mất luôn lượng SYN đã stake. Tất cả người dùng sở hữu SYN đều có thể stake để tham gia bảo mật mạng lưới.
Tạm kết
Chúng ta đã có rất nhiều các giải pháp cross-chain như Synapse, AnySwap, Multichain.xyz, Wormhole… Trong tương lai, việc có đa chuỗi tồn tại là điều gần như chắc chắn và chính vì vậy, việc tương tác giữa các chuỗi là nhu cầu tất yếu của người dùng. Bất kể dự án nào trở thành top 1 trong ngách này đều có thể bùng nổ. Synapse đã đi từ câu chuyện của một giải pháp viết thành một hệ sinh thái. Trong thời gian tới, việc quan sát tốc độ, quy mô mở rộng Synapse Chain chính là điều quan trọng nếu anh em đang muốn đầu tư vào dự án này.
Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon: