DeFi và CeFi hiện tại mặc dù đã có nhiều điểm giao thoa tương đồng, tuy nhiên mức độ kết nối còn rất hạn chế. Việc luân chuyển tài sản giữa CeFi vào DeFi có thể là một trong những bước nhảy vọt quan trọng mang tính dài hạn trong thị trường crypto. Hôm nay, anh em hãy cùng mình tìm hiểu về Real World Asset (RWA) và những dự án tiềm năng trong ngách này nhé.
Tìm hiểu về Real World Asset (RWA) – Narrative tiềm năng trong dài hạn
Tìm hiểu về Real World Asset (RWA)
RWA là gì?
Real World Asset (RWA) là những loại tài sản ở đời thực (bất động sản, xe, vàng, kim cương…) được token hoá (tokenized) ở dạng token hoặc NFT để có thể sử dụng trong DeFi.
Sự cần thiết của việc kết hợp giữa RWA và DeFi
Thời điểm bùng nổ mạnh mẽ nhất của DeFi hiện đã trôi qua. Thị trường donwtrend cùng với lạm phát token khiến cho nhiều dự án không còn đủ hấp dẫn đối với dòng tiền. Trước đây, dòng tiền đổ vào các dự án DeFi để tìm kiếm lợi suất cao, tuy vậy hiện tại anh em có thể thấy lợi nhuận đến từ các hoạt động yield farming hay cung cấp thanh khoản cũng chỉ tương đương với TradFi. Bên cạnh đó, lạm phát từ việc trả thưởng bằng token cho các chương trình incentive cũng khiến giá native token của nhiều dự án DeFi sụt giảm mạnh.
DeFi hiện tại cần một cú hích để có thể lấy lại đà tăng trưởng, vào theo mình, cú hích đó có thể đến từ Real World Asset, vì một số nguyên nhân dưới đây:
- Việc triển khai thành công RWA sẽ giúp TVL của DeFi tăng nhanh hơn bao giờ hết. Giá trị tài sản trong thế giới thực là cực kỳ lớn, và chỉ cần một phần nhỏ trong đó được chuyển vào DeFi, chúng ta sẽ có một bước nhảy vọt về TVL.
- Giúp cho thị trường crypto nói chung và DeFi nói riêng mở ra thêm một ngách quan trọng, đồng thời gia tăng “mass-adoption”.
- Giúp cho các Layer-1 và các giao thức liên quan tăng thêm user, TVL và tạo ra thêm nhiều lợi nhuận.
- Giúp cho các tài sản trong thế giới thực có thể được sử dụng xuyên biên giới thông qua công nghệ blockchain và DeFi.
Theo hướng ngược lại, việc áp dụng các công nghệ blockchain và DeFi cũng hết sức cần thiết cho thị trường TradFi (tài chính truyền thống) và các loại tài sản truyền thống.
Như anh em đã biết, hiện tại thị trường tài chính truyền thống hết sức rộng lớn, nhưng cũng đồng thời rất “cồng kềnh” và “tốn nhiều chi phí”. Các thị trường tài chính truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào bên thứ ba cùng cơ sở hạ tầng cồng kềnh.
Ví dụ: Khi anh em có một bất động sản và muốn đi vay, anh em cần đảm bảo được các điều kiện sau:
- Bất động sản chưa được thế chấp trước đó.
- Không có nợ xấu.
- Chứng minh thu nhập trả nợ.
- Tìm ngân hàng có mức ưu đãi và chính sách phù hợp.
- Có mục đích vay vốn phù hợp.
- Thực hiện định giá bất động sản, chứng minh thu nhập và giải ngân khoản vay.
- Một số thủ tục khác liên quan: đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận QSDĐ, mua bảo hiểm khoản vay…
Về cơ bản, những bước nói trên sẽ tốn rất nhiều chi phí phát sinh và gây rào cản lớn cho những người muốn vay vốn.
TradFi hiện tại hầu như luôn tồn tại một hoặc một số bên thứ ba làm trung gian và người dùng cần thực hiện cực kỳ nhiều thủ tục, tốn thêm nhiều chi phí mới có thể tham gia vào hoạt động tài chính mà mình mong muốn. Với công nghệ blockchain và các ứng dụng DeFi, các tác vụ nói trên có thể được tích hợp, đơn giản hoá và lược bỏ bớt giúp giảm thiểu chi phí đáng kể cho người dùng.
Bên cạnh đó, RWA còn giúp làm tăng tính minh bạch (thông qua công nghệ blockchain) và tăng tính thanh khoản cho tài sản truyền thống (các loại trái phiếu, cổ phiếu, xe, bất động sản, vàng bạc…) vốn kém thanh khoản có thể được tăng tính thanh khoản thông qua việc token hoá và sử dụng trong DeFi.
Kích thước thị trường Real World Asset
Real World Asset chiếm phần lớn giá trị tài chính toàn cầu. Chẳng hạn, thị trường nợ toàn thế giới có trị giá ước tính 300 nghìn tỷ USD, tổng giá trị bất động sản toàn cầu là khoảng 326 nghìn tỷ USD và vàng có vốn hóa thị trường 11,5 nghìn tỷ USD.
Thống kê giá trị và quy mô kích thước của những thị trường tài sản lớn nhất thế giới. Nguồn: Visual Capitalist (2022)
Những con số trên chỉ mới thể hiện một phần giá trị của Real World Asset. RWA còn xuất hiện trong thị trường tiêu dùng cá nhân, thị trường ô tô…
Nói tóm lại, chỉ cần một phần market size của RWA chảy vào DeFi, TVL của DeFi sẽ có sự bùng nổ nhanh chóng.
Các lớp sản phẩm liên quan đến RWA
Để anh em có cái nhìn tổng quan hơn, mình sẽ phân chia các sản phẩm liên quan đến v thành một số nhóm chính sau:
Lớp tài sản RWA: Đây sẽ là lớp tài sản được sử dụng để đưa vào DeFi, như ô tô, bất động sản, các loại vàng bạc, đá quý, chứng khoán… Những tài sản này sẽ được token hoá và đính kèm các thông tin về giá trị, đặc điểm, quyền sở hữu, pháp lý…
Lưu ký tài sản (Asset Custody): Để đảm bảo các loại token được tạo ra từ RWA luôn được bảo chứng bằng tài sản trong thế giới thực, các dịch vụ lưu ký tài sản là phương pháp phổ biến nhất.
Trong thị trường crypto, anh em có thể thấy một số dịch vụ lưu ký tài sản nổi bật như Coinbase Custody, Bitcoin Suisse…
Định giá: Đây là dịch vụ giúp xác định giá trị của tài sản trước khi token hoá tài sản đó.
Pháp lý: Đây sẽ là mảng dịch vụ “khó nhằn” nhất đối với RWA. Mảng pháp lý khá phức tạp, đặc biệt là nó phụ thuộc nhiều vào chính sách pháp luật của từng quốc gia. Anh em có thể mường tượng các dự án làm trong mảng này cần đảm bảo tài sản thực trước khi token hoá phải có một pháp lý sạch, đồng thời sau khi token hoá phải được đảm bảo không bị mang đi “thế chấp” hay “bán đi” ở trong thực tế…
Các dự án tokenized RWA: Đây sẽ là cầu nối chính cho phép các tài sản Real World Asset được on-chain và sử dụng trong crypto. Một số cái tên nổi bật trong mảng này là Chainlink, Centrifuge…
Các dự án làm về Oracle: Để đảm bảo những biến động đối với tài sản thực tế được phản ánh kịp thời vào DeFi, chắc chắn các dự án về RWA cần Oracle.
Các dự án “chấp nhận ứng dụng” Real World Asset: đây sẽ là những dự án dành cho người dùng cuối, chủ yếu chấp nhận Real World Asset làm tài sản thế chấp hoặc trao đổi, đầu tư… Các dự án mảng này gồm Lending, Options, Yield Farming…
Ngoài ra, trong tương lai có thể xuất hiện thêm các lớp dự án như:
- Các Layer-0, Layer-1 và Layer-2 dành riêng cho RWA hoặc tối ưu cho RWA.
- Các DAO.
- Các bridge dành cho Real World Asset.
Một số cái tên đang tiên phong trong mảng này có thể kể đến là Aave, Goldfinch, Maple Finance…
Mô phỏng về cơ chế hoạt động của RWA
Để anh em dễ hình dung hơn về cách đưa tài sản thực tế vào thị trường crypto và DeFi, mình sẽ mô phỏng một mô hình cơ bản ngay dưới đây:
Cơ chế để đưa RWA vào Crypto – Nguồn: Binance
Bước 1: Off-chain Formalization (Hợp thức hoá ngoài chuỗi)
Ý nghĩa của công đoạn này là kiểm tra và hợp thức hoá tài sản thực tế trước khi đưa lên on-chain. Đây sẽ là nền tảng để xác định quyền sở hữu, giá trị và tính pháp lý của tài sản. Trong công đoạn này, chúng ta sẽ cần quan tâm đến 3 vấn đề chính:
a/ Ownership & Legitimacy of Title (Quyền sở hữu và tính hợp pháp của quyền sở hữu)
Tài sản thực tế muốn đưa lên on-chain cần có các loại giấy tờ (chứng thư, hoá đơn, hợp đồng mua bán…) thể hiện được quyền sở hữu và sự hợp pháp của quyền sở hữu tài sản.
b/ Representation of Economic Value (Đại diện giá trị kinh tế)
Tiêu chí này sẽ xác định giá trị kinh tế (định giá) của tài sản. Mở rộng hơn, đối với một số loại tài sản có tính biến động (vàng, bất động sản, tài sản khan hiếm mang tính sưu tầm…), cần xác định được nguồn dữ liệu để cập nhật thay đổi định giá tài sản phù hợp.
c/ Legal Backing (Pháp lý)
Là trình tự pháp lý để đảm bảo quá trình xác định quyền sở hữu, định giá và tokenized tài sản tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định trình tự pháp lý để giải quyết khi có một vấn đề xảy ra trong quá trình sử dụng tài sản on-chain (thanh lý, mất mát tài sản do bị tấn công, tranh chấp quyền sở hữu…).
Bước 2: Information Bridging
Đây sẽ là công đoạn chuyển các thông tin về tài sản Real World Asset mà chúng ta đã xác định ở bước 1 lên on-chain để lưu trữ và sử dụng trên blockchain. Công đoạn này sẽ gồm một số bước chính như sau:
Tokenization: Thông tin được thu thập ở Bước 1 sẽ được token hoá dưới dạng NFT hoặc một dạng token khác.
Regulatory Technology/Securitization (Quản lý/Chứng khoán hoá): Sẽ có một số loại tài sản được coi là chứng khoán hoặc có yêu cầu được quản lý, giám sát, chúng ta sẽ cần thêm một công nghệ để thực hiện việc quản lý, giám sát nói trên.
Oracles: Tương tự như DeFi nguyên bản, để Real World Asset thể hiện được biến động giá trị của tài sản thực tế, Oracle sẽ là phương thức để truyền tải dữ liệu.
Bước 3: Đưa token hoá vào ứng dụng trong các RWA Protocol
Đây sẽ là các giao thức DeFi giúp Real World Asset được sử dụng on-chain và tiếp cận người dùng Crypto.
Ví dụ về mô hình hoạt động của RealIT
RealIT là một dự án cho phép mã hoá các bất động sản. Dự án sẽ phát triển theo hướng token hoá các loại bất động sản, sau đó phân mảnh và cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư một phần của bất động sản đó (thông qua việc mua và nắm giữ token). Bất động sản sẽ được mang đi cho thuê và lợi nhuận sẽ được chia lại cho những người nắm giữ token.
Các bất động sản sẽ được một bên thứ ba định giá, có giấy tờ thể hiện quyền sở hữu và xác định rõ trình tự xử lý trong trường hợp người thuê nhà không trả tiền thuê hoặc tranh chấp pháp lý.
Sau đó, thông tin về bất động sản sẽ được đưa lên chuỗi khối và mã hoá thành token. RealIT sẽ không token hoá chính bất động sản. RealIT sẽ giao bất động sản cho một công ty quản lý và token hoá cổ phần của công ty đó.
Sau khi khởi tạo thành công Real World Asset, RealIT sẽ đưa RWA đó lên cung cấp dịch vụ trên giao thức của họ.
Tình hình phát triển của RWA
Những sự khởi đầu
Tháng 10/2022, Công ty cổ phần Hamilton Lane đã hợp tác với Securitize – một nền tảng phát hành tài sản kỹ thuật số – để token hoá một phần quỹ đầu tư trị giá 2,1 tỷ USD của họ trên mạng Polygon. Sau khi token hoá, các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua cổ phần đầu tư với giá trị tối thiểu chỉ là 20.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức đầu tư tối thiểu trước đó trong thị trường truyền thống là 5 triệu USD.
MakerDAO – dự án lending top 1 của thị trường DeFi trên Ethereum – cũng đã phát triển mảng Real World Asset với việc đã thông qua đề xuất cho phép sử dụng RWA-001 (tài sản của 6S Capital) làm tài sản thế chấp. MakerDAO cũng phát triển một Oracle để đảm bảo việc xác định giá trị của tài sản thế chấp trong Vault luôn “sát” nhất với tài sản đó trong thế giới thực.
Tương tự, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã công bố Project Guardian, một chương trình nhằm mã hoá trái phiếu và tiền gửi để sử dụng trong các giao thức DeFi khác nhau.
Số liệu ban đầu
Theo số liệu từ rwa.xyz, tổng giá trị các khoản vay được cộng dồn từ tất cả các giao thức Real World Asset đã đạt hơn 4,2 tỷ USD, trong đó các khoản vay đang hoạt động là hơn 453 triệu USD. Số lượng khoản vay cộng dồn là 1582 khoản vay. Số liệu nói trên còn khá khiêm tốn nếu so sánh với thị trường Lending/Borrowing trong DeFi, điều này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Chi phí của việc vay tiền trong DeFi cũng đã tăng lên rất nhiều (do lãi suất tăng cao) và hiện không còn rẻ hơn so với thị trường TradFi.
- Đối tượng đi vay chủ yếu là các công ty, tổ chức tín dụng, chưa mở rộng được tệp khách hàng là cá nhân, retail investor… vì nhiều rào cản.
- Số lượng giao thức hỗ trợ vay/cho vay thông qua RWA còn khá ít.
Mặc dù những con số thống kê chưa thực sự ấn tượng, tuy vậy, việc thực hiện được tổng số khoản vay có giá trị cộng dồn lên đến 4,2 tỷ USD đã cho thấy việc đưa Real World Asset vào DeFi không còn là câu chuyện “mộng mơ” hay “xa vời” nữa, mà đã và đang từng bước được xây dựng và phát triển.
Anh em hãy cùng mình tìm hiểu sâu hơn về cơ cấu các lĩnh vực trong hoạt động lending của RWA:
Tỷ trọng các lĩnh vực trong các khoản vay đang hoạt động liên quan đến RWA
Anh em có thể thấy 3 lĩnh vực có tỷ trọng vay lớn nhất là Auto, Fintech và Consumer. Cá nhân mình nhận thấy điều này khá phù hợp và có thể tiếp tục là định hướng phát triển cho mảng lending RWA trong tương lai. Market size của mảng cho vay tiêu dùng, vay mua xe cực kỳ lớn và rất tiềm năng. Nếu các giao thức DeFi có thể nâng cao trải nghiệm người dùng, loại bỏ các bước trung gian thì rất dễ dàng thu hút người dùng mới. Mảng Fintech hiện tại cũng đang là xu hướng, các công ty Fintech truyền thống muốn khai thác nguồn tiền trong DeFi, chính vì vậy, đây cũng là lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong các khoản vay Real World Asset.
Tỷ trọng các khoản vay đang hoạt động theo giao thức – Nguồn: rwa.xyz (12/03/2022)
Hiện tại, tỷ trọng các khoản vay đang hoạt động chiếm chủ yếu ở Centrifuge (153 triệu USD) và Goldfinch (101 triệu USD). Một phần nhỏ hơn thuộc về các giao thức Maple Finance và TrueFi.
Nhìn vào biểu đồ, anh em có thể thấy ngay 2 vấn đề của các giao thức này:
- Centrifuge và Goldfinch mặc dù đang có các khoản vay lớn nhưng chỉ có thể duy trì mà chưa thể bứt phá trong suốt thời gian dài.
- Maple và TrueFi đã cho thấy sự bùng nổ sau khi ra mắt, đặc biệt là trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, tuy vậy đã không thể duy trì tính ổn định mà sụt giảm nhanh chóng.
Nhìn chung, các dự án trong mảng này còn rất nhiều điều cần cải thiện, mình sẽ phân tích kĩ hơn trong phần sau.
Về số lượng các dự án
Các dự án crypto làm về Real World Asset. Nguồn: Unreal RWA Primer
Anh em có thể thấy các dự án trong mảng Real World Asset đã phát triển tương đối nhiều, tuy vậy, đa phần tập trung ở lớp Tokenized Asset hoặc DApp ứng dụng RWA. Các dự án làm về lưu ký tài sản, định giá và pháp lý hầu như không có. Đây vẫn là trở ngại cho RWA trong thời gian tới.
Một số dự án nổi bật
Maker
MakerDAO cho phép những người đi vay có thể gửi tài sản thế chấp của họ vào một “Vault” (kho tiền) để có thể vay một khoản tiền bằng đồng stablecoin của giao thức là DAI.
Vault này sẽ là một smart contract để giữ tài sản thế chấp, miễn là tài sản thế chấp đảm bảo ở trên ngưỡng thanh lý, người dùng sẽ không bị thanh lý tài sản và có thể nhận lại tài sản khi trả hết nợ vay. Nếu trong quá trình vay, vì biến động giá mà giá trị giảm xuống dưới ngưỡng thanh lý, thì tài sản sẽ được thanh lý để đảm bảo trả nợ cho khoản vay.
Ngày 30/10/2020, MakerDAO đã thông qua đề xuất cho phép sử dụng RWA-001 (tài sản RWA của 6S Capital) làm tài sản thế chấp. Khoản vay đề xuất là 15 triệu DAI. MakerDAO cũng phát triển một Oracle để đảm bảo việc xác định giá trị của tài sản thế chấp trong Vault luôn “sát” nhất với tài sản đó trong thế giới thực.
Tính đến hiện tại, sau hơn 2 năm phát triển, giá trị RWA Vault của MakerDAO hiện đang đạt khoảng hơn 680 triệu USD. Điều này mang lại cho Maker đồng thời 2 giá trị:
- Có thêm một lượng DAI lớn được phát hành, tăng market cap cho DAI.
- Có thêm một lượng tài sản RWA hơn 680 triệu USD để đảm bảo peg cho DAI.
Tình hình tăng trưởng RWA Vault của Maker DAO – Nguồn: SebVentures, Dune (23/03/2023)
Không chỉ mang lại sự tăng trưởng lớn về giá trị Vault, Real World Asset cũng là mảng đem lại lợi nhuận cực kỳ tốt cho MakerDAO.
Biểu đồ thống kê doanh thu từ các sản phẩm của MakerDAO – Nguồn: Dune, @steakhouse (23/03/2023)
Anh em có thể thấy kể từ cuối năm 2022 đến nay, doanh thu đạt được từ RWA của MakerDAO đã tăng trưởng rất nhanh chóng, từ khoảng hơn 1 triệu USD (vào tháng 10/2022) hiện đã đạt khoảng hơn 23 triệu USD (08/03/2023), tương đương với mức tăng hơn 2300%.
Không chỉ tăng trưởng nhanh chóng, mảng sản phẩm RWA này cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của MakerDAO.
Biểu đồ cơ cấu doanh thu của MakerDAO – Nguồn: Dune, @SebVentures (23/03/2022)
Anh em có thể thấy mảng RWA đang chiếm đến 55,9% tỷ trọng doanh thu của MakerDAO.
Từ những phân tích nói trên, chúng ta có thể thấy ngay được việc chuyển dịch từ DeFi sang kết hợp giữa TraFi và DeFi của MakerDAO đang hết sức thành công. Đây có thể là nền móng cho việc phát triển Real World Asset trong thời gian tới.
Goldfinch
Goldfinch (GFI) là một giao thức tín dụng phi tập trung, cho phép người dùng vay tiền điện tử nhưng không cần tài sản thế chấp.
Hiện tại, vì hoạt động dưới dạng tín chấp, Goldfinch chỉ giới hạn khách hàng của mình, tức bên vay (Borrower) là những tổ chức tín dụng trong tài chính truyền thống. Nói một cách dễ hiểu hơn, nhu cầu về vốn của các tổ chức tín dụng truyền thống (Ngân hàng, các bên cho vay tín chấp…) là rất lớn, trong khi tài sản thế chấp của họ có hạn. Để mở rộng thị trường và khách hàng, họ có thể vay tài sản crypto (USDC) sau đó quy đổi ra fiat trên thị trường truyền thống và cho vay lại.
Anh em có thể tìm hiểu thêm về dự án tại bài viết này.
Các pool vay tiền trên Goldfinch
Như anh em có thể thấy, đối tượng khách hàng hiện tại của GoldFinch chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Các tổ chức này sẽ vay tiền với lãi suất thấp từ GoldFinch, sau đó cho vay lại trong thế giới thực để kiếm lợi nhuận.
Biểu đồ thể hiện sự thay đổi TVL của dự án – Nguồn: Dune, @goldfinch (23/03/2023)
TVL trên Goldfinch đã tăng và duy trì khá tốt bất chấp thị trường suy giảm trong hơn một năm qua. Đây là một trong những điều khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa GoldFinch và các dự án Lending thuần DeFi khác.
APY của dự án cũng duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng sụt giảm lớn
Để làm rõ hơn về tính hiệu quả khi sử dụng vốn, anh em hãy cùng mình so sánh APY của Goldfinch với APY của một số giao thức DeFi khác:
Như anh em thấy, APY trên các giao thức Lending khác của DeFi đang rất thấp và sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, với việc cho vay ra bên ngoài, APY của Goldfinch hiện vẫn đang khá tốt và ổn định.
Cougar DAO
Cougar DAO được xây dựng dựa trên ý tưởng sử dụng một DAO để mua, quản lý tài sản và tạo ra thu nhập bằng DAO. Các thành viên của tổ chức Real World Asset Consortium đã triển khai Cougar DAO thông qua ứng dùng Kali. Cougar DAO này sẽ gắn liền với một pháp nhân doanh nghiệp ở thế giới thực. Bất kỳ ai hold token của Cougar DAO đều là thành viên và có thể bỏ phiếu đối với các quyết định về tài chính, nắm giữ tài sản trong thế giới thực thông qua công ty mà Cougar DAO gắn liền.
Sau khi được thành lập, Cougar DAO đã kêu gọi được số tiền 172.500 USD và dùng để mua một trang trại, sau đó cho thuê 5 năm và gửi tiền lãi cứ hai năm một lần cho các thành viên.
Hợp đồng thuê của Cougar DAO
Mặc dù case study của Cougar DAO chưa thực sự phát triển đủ lớn để chứng tỏ nó sẽ tiếp tục thành công, tuy vậy, chúng ta cũng có thể rút ra một số kết luận nhanh như sau:
- Real World Asset kết hợp các công nghệ blockchain giải quyết nhanh chóng và dễ dàng những vấn đề về gọi vốn, đầu tư và khai thác tài sản truyền thống mà vẫn duy trì tính pháp lý và sự minh bạch đầy đủ.
- DAO có thể thay thế các doanh nghiệp truyền thống một cách tốt hơn.
- Các tài sản khác cũng có thể được quản lý, khai thác theo mẫu hình này, ví dụ: công ty vận tải (cho thuê xe), công ty du lịch (cho thuê các khách sạn, phòng resort…). Đây sẽ là mảnh đất hết sức màu mỡ để khai thác trong tương lai.
Maple Finance
Maple Finance cũng là một dự án khá nổi bật khi được nhiều quỹ lớn đầu tư như Framework Capital, Bitscale, Alameda Research, One Block Capital, Polychain… Dự án phát triển trong mảng tín dụng, cụ thể là cho phép các doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính vay vốn theo hình thức under-collateralized (vay dưới chuẩn), tức là cho vay với tài sản thế chấp ít hơn khoản vay.
Ý tưởng của họ bắt nguồn từ việc các tổ chức, quỹ đầu tư thường có nhu cầu sử dụng vốn trong quá trình tham gia đầu tư dự án (vì các dự án thường có lịch trả token rất lâu và chỉ trả một phần cho nên việc thu hồi vốn nhanh chóng là bất khả thi với các quỹ). Do đó, Maple Finance sẽ xây dựng một giao thức cho phép các quỹ vay vốn dưới thế chấp từ những Liquidity Pool (được góp tiền từ các user).
TVL của Maple Finance từ 2021 đến nay – Nguồn: Dune (23/03/2023)
Có thể nói việc cho vay dưới chuẩn đã mang lại cho Maple Finance sự thành công nhanh chóng khi thu hút được một TVL cực lớn vào khoảng gần 900 triệu USD vào tháng 5/2022. Giao thức đã phát triển nhanh chóng và tạo ra một lợi nhuận khá lớn cho những nhà đầu tư. Ước tính Treasury của giao thức cũng đã thu vào hơn 5 triệu USD.
Tuy vậy, việc cho vay dưới chuẩn cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong trường hợp của Maple, giao thức đã chịu ảnh hưởng bởi chính điều này. Orthogonal Trading – một trong các tổ chức tín dụng với khoản vay lớn trên Maple – đã không thể hoàn trả số tiền 36 triệu USD sau khi bị kẹt phần lớn số tiền của mình trên FTX. Ảnh hưởng tiêu cực này khiến cho TVL của Maple đã nhanh chóng sụt giảm và hiện chỉ còn khoảng hơn 100 triệu USD.
Gần đây, Maple đã ra mắt Maple 2.0 với định hướng tập trung vào việc phát triển trên Ethereum thay vì Solana, đồng thời chú trọng đa dạng hóa các khoản vay, cũng như tăng cường việc quản lý rủi ro thông qua việc thu hút thêm các tổ chức tín dụng khác.
Centrifuge
Centrifuge là dự án được tạo ra nhằm đưa các tài sản thế giới thực vào DeFi. Dự án gồm 2 thành phần chính là Centrifuge Chain và Tinlake.
Centrifuge Chain là cầu nối tài sản giữa thế giới thực và blockchain. Mình sẽ giải thích sơ lược mô hình hoạt động của Centrifuge Chain:
Cơ chế hoạt động của Centrifuge – Nguồn: Centrifuge
Một công ty, chẳng hạn như Paper Records, sử dụng Centrifuge P2P Network để ký và gửi hóa đơn đến Spotify. Spotify xác minh việc nhận tài liệu và tính đúng đắn của tài liệu bằng chữ ký và gửi phiên bản cập nhật, đã ký của tài liệu trở lại Paper Records.
Centrifuge Chain được sử dụng như các node xác nhận, cho phép Paper Records tra cứu Spotify và để Spotify xác minh Paper Records. Paper Records sau đó có thể neo mã băm tài liệu với cả hai chữ ký vào Centrifuge Chain.
Sử dụng các yếu tố này Paper Records giờ đây có thể tạo ra một NFT trên Centrifuge Chain đại diện cho hóa đơn chưa thanh toán – và sử dụng NFT này làm tài sản thế chấp để truy cập tài chính trên các blockchain khác như Ethereum.
Các bên thứ ba, từ những người cho vay truyền thống đến các nhóm cho vay DeFi, có thể xác minh giá trị của NFT dựa trên các neo và danh tính trên chuỗi, cũng như được cấp quyền truy cập vào tài liệu ngoài chuỗi có tính xác thực có thể được xác minh dựa trên neo trên chuỗi.
Tinlake
Tinlake là một DApp trên Ethereum, cho phép nhà đầu tư có thể token hoá các RWA thành các NFT, sau đó tham gia vào các DeFi Protocol như MakerDAO, Aave…
Bên cạnh đó, Tinlake cũng cho phép các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các pool theo dạng phân cấp rủi ro. Anh em có thể lựa chọn Senior Tranche (lãi thấp, rủi ro thấp) hoặc Junior Tranche (lãi cao, rủi ro cao).
Ví dụ về một pool tranche trên Tinlake
Hiện tại, Centrifuge đang bị chững lại do các khoản nợ mới đang dần ít đi, điều này cũng dễ hiểu khi lãi suất trong năm 2022 đã tăng mạnh và các tổ chức đang rất khó để tiếp tục vay vốn vì chi phí đi vay rất đắt đỏ.
Biểu đồ các khoản vay mới trên Centrifuge – Nguồn: Dune, 23/03/2023
Tạm kết
Real World Asset vẫn sẽ là một narrative cực kỳ lớn và dài hạn mà anh em nên dành thời gian theo dõi cho 2-3 năm nữa. Mình tin rằng xu hướng kết hợp và luân chuyển tài sản giữa TradFi và DeFi sẽ sớm thịnh hành hơn.
Gần đây, những câu chuyện về sự sụp đổ của các ngân hàng lớn, việc sử dụng vốn không đúng mục đích gây thất thoát tài sản của người gửi tiền… đang trở thành chủ đề rất nóng. Mới đây, Silvergate Bank và Silicon Valley Bank đều gặp phải những vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn và luân chuyển dòng tiền đến nơi có lợi nhuận cao vẫn luôn là xu hướng của các tổ chức, quỹ đầu tư lớn. Sự kết hợp giữa TradFi và DeFi thông qua RWA có thể là chìa khoá để giải quyết các vấn đề trên.
Ý kiến của anh em như thế nào? Để lại comment để thảo luận cùng tụi mình nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon: