Relative Strength Index (RSI) là một chỉ báo rất được ưa chuộng trong phân tích kỹ thuật. Hãy cùng Lớp giao dịch 101 tìm hiểu RSI là gì và cách áp dụng vào trading crypto nhé.
Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 11) – Sử dụng RSI từ cơ bản đến nâng cao
Xem thêm về Price Action:
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 8) – Mô hình vai đầu vai và cách sử dụng
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 7) – Một số mẫu hình giá điển hình trong trading
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 6) – Cách vào lệnh cơ bản với Price Action
RSI là gì?
RSI (Relative Strength Index) là chỉ báo thể hiện sức mạnh tương đối, có chức năng đo lường mức độ thay đổi của giá.
Thông qua RSI, trader có thể nhận định được giá hiện đang quá mua (dễ bị điều chỉnh giảm xuống trong thời gian tới) hoặc quá bán (dễ có đợt hồi phục trong thời gian tới), từ đó đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả hơn.
Đặc điểm của RSI
Cách tính
Chỉ số RSI được tính bằng việc chia trung bình giá tăng cho trung bình giá giảm trong một khoảng thời gian (chu kỳ) nhất định. Thông thường, anh em sẽ ít khi phải quan tâm đến điều này vì các công cụ biểu đồ TradingView hay Binance đều hỗ trợ tự động tính toán.
Chu kỳ
Chu kỳ mặc định của RSI là 14, có nghĩa là giá trị RSI sẽ được dựa trên dữ liệu giá đóng cửa của 14 cây nến liền trước đó. Chu kỳ này có thể thay đổi tùy theo phong cách giao dịch của anh em. Ví dụ: chu kỳ 25 sẽ tính dựa trên giá đóng cửa của 25 cây nến liền trước đó… Thông thường mặc định của RSI luôn là RSI (14).
RSI được thể hiện ở dạng line chart (biểu đồ đường) với khung dao động từ 0 đến 100. Khi RSI dao động tăng lên và tiến dần đến 100, thị trường thể hiện sự “quá mua”. Ngược lại, khi RSI dao động giảm xuống và tiến dần đến 0, thị trường thể hiện sự “quá bán”.
Để dễ xác định hơn, các trader thường sử dụng thêm mốc 30 và 70:
- Khi RSI > 70: thị trường đang quá mua
- Khi RSI < 30: thị trường đang quá bán
Ví dụ:
Trường hợp RSI quá mua và giá điều chỉnh giảm
Trường hợp RSI quá bán và giá bật tăng
Tuy nhiên, anh em cần lưu ý việc xác định quá mua, quá bán không phải là yếu tố duy nhất để chúng ta đưa ra quyết định giao dịch, vì nếu đi ngược xu hướng, điều này rất dễ không hiệu quả.
Ví dụ về trường hợp sử dụng RSI không hiệu quả
Anh em có thể thấy, mặc dù ở hình trên, ETHUSDT chart 4H đã liên tục tạo RSI ở mốc < 25, tuy nhiên giá không hồi mà dump mạnh tiếp 40%. Vì vậy, nếu anh em mua ở trường hợp này là sẽ thua lỗ.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách sử dụng RSI hiệu quả.
Cách sử dụng RSI cơ bản
Nếu như anh em chỉ tìm hiểu RSI một cách “hời hợt”, dễ gặp phải những sai lầm như “short khi RSI chạm giá trị > 70 vì thị trường đang quá mua”, hoặc “long khi RSI < 30 vì thị trường đang quá bán”. Điều này không thực sự chính xác.
Mình muốn nhắc anh em lại điều cơ bản nhất: Trend is friend, và hãy cố gắng giao dịch theo xu hướng.
Anh em có thể xem lại bài viết về xu hướng và cách xác định xu hướng ở phần trước.
Như vậy, nếu xu hướng chính đang là xu hướng tăng, lúc này có 2 trường hợp:
- Khi xu hướng đang tăng mạnh, RSI > 70, anh em nên kiên nhẫn chờ đợi giá điều chỉnh, vì thị trường đang có dấu hiệu quá mua. Nếu giá điều chỉnh sẽ là cơ hội tốt để entry, ngược lại, nếu giá không điều chỉnh, chúng ta cần tiếp tục chờ đợi. Đừng vội vàng long khi giá đã tăng mạnh.
- Khi xu hướng chính đang tăng, anh em đợi giá điều chỉnh (xu hướng nhỏ) và RSI < 30, khi đó đây là cơ hội rất tốt để mua lên theo xu hướng chính, vì khi đó thị trường đã có dấu hiệu quá bán tại xu hướng nhỏ.
Ngược lại, nếu xu hướng chính của thị trường đang là xu hướng giảm, khi đó có 2 trường hợp:
- Khi xu hướng giảm mạnh, RSI < 30, anh em nên kiên nhẫn chờ đợi sóng hồi để có entry short đẹp hơn, chứ không nên short đuổi hoặc cố gắng long bắt dao rơi.
- Khi xu hướng chính đang là xu hướng giảm, anh em đợi giá hồi tăng trở lại (xu hướng nhỏ) và RSI > 70, khi đó đây là cơ hội rất tốt để short theo xu hướng chính.
Cách sử dụng RSI nâng cao với phân kỳ/hội tụ
Ngoài các giá trị dao động, RSI còn có một cách sử dụng cực kỳ hiệu quả đó là phân kỳ/hội tụ. Đây là cách sử dụng cho phép anh em bắt được những đáy và đỉnh hiệu quả.
Phân kỳ
- Được hình thành khi giá và RSI đi “ngược hướng nhau” và phân kỳ về 2 hướng, xuất hiện tại các vùng “đỉnh”.
- Sự phân kỳ có thể diễn ra trên nhiều khung thời gian khác nhau, khi phân kỳ diễn ra trên khung thời gian lớn thì có giá trị cao hơn (phân kỳ 4H có giá trị hơn phân kỳ khung 15 phút); khi phân kỳ đồng thời xuất hiện trên nhiều khung thời gian khác nhau (4H, 1H…) thì càng có xác suất thắng cao.
- Sự phân kỳ có thể xảy ra 2 – 3 nhịp.
Ví dụ:
Ở biểu đồ trên, anh em có thể thấy:
ETH sau một đợt tăng mạnh, đã tạo ra các vùng đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên RSI lại tạo ra các vùng đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Khi đó, anh em có thể thấy đã hình thành phân kỳ đỉnh. Sau đó giá điều chỉnh rất mạnh. Trường hợp này phân kỳ xảy ra đến 3 nhịp.
Hội tụ
- Được hình thành khi giá và RSI đi ngược nhau theo hướng hội tụ, thường xuất hiện tại các vùng “đáy”.
- Sự hội tụ có thể diễn ra nhiều khung thời gian khác nhau, khung thời gian càng cao càng có hiệu quả, hội tụ đồng thời trên nhiều khung thời gian thì hiệu quả cao hơn.
- Cũng có thể xảy ra 2 – 3 nhịp.
Ví dụ:
Anh em có thể thấy, trong ví dụ trên, khung 4H ETH tạo ra đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng RSI lại tạo ra đáy sau cao hơn đáy trước => hội tụ xuất hiện, giá bật tăng mạnh. Trường hợp này hội tụ xảy ra 2 nhịp.
Lưu ý:
Để tăng xác suất thắng với phương pháp này, anh em nên chú ý:
- Đi theo xu hướng chính. Ví dụ: nếu xu hướng 4H tăng, khung 1H đang giảm và xuất hiện hội tụ đáy => Long theo xu hướng 4h. Ngược lại, nếu xu hướng 4H giảm, khung 1H hồi và xuất hiện phân kỳ => Short theo xu hướng 4H.
- Kết hợp hỗ trợ và kháng cự. Ví dụ: giá tạo ra phân kỳ tại vùng kháng cự mạnh => lệnh bán sẽ có xác suất thắng cao hơn.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cách sử dụng RSI từ cơ bản đến nâng cao. Hy vọng anh em có thể áp dụng thành công và gặt hái được lợi nhuận trong trading. Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết sau!
Poseidon
Xem thêm các bài viết phân tích dự án DeFi tiềm năng khác của tác giả Poseidon: