Ý tưởng kết hợp giữa Blockchain và AI tuy vô cùng hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức. Hãy cùng Coin68 tìm hiểu một vài dự án nổi bật trong mảng này nhé.
Những điểm chạm của Blockchain và AI
Mở đầu
Trong những năm gần đây, blockchain và AI (trí tuệ nhân tạo) đã trở thành hai trong số những công nghệ mang tính xu hướng và bứt phá nhất. Ý tưởng kết hợp chúng mang đến những đổi mới cực kỳ hứa hẹn.
Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về cả hai công nghệ, lợi ích và khó khăn cho sự kết hợp giữa chúng. Đồng thời chúng ta cũng sẽ đi tìm hiểu một vài dự án nổi bật trong mảng này.
Blockchain là gì?
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu được lưu trữ phân tán bởi nhiều thành viên trong mạng lưới. Các thông tin được lưu trữ trong từng block (khối) được sắp xếp và liên kết không thể tách rời thông qua thuật toán mã hóa.
AI là gì?
AI viết tắt của Artificial Intelligence là Trí tuệ nhân tạo. Nó là mô hình mô phỏng trí tuệ của con người bằng hệ thống máy tính, AI có thể tự học hỏi và đưa ra các quyết định một cách độc lập.
Những lợi ích khi hợp Blockchain và AI
Để hiểu rõ những lợi ích khi kết hợp hai công nghệ hàng đầu này với nhau, trước tiên chúng ta sẽ nhắc lại các tính chất của chúng.
Các tính chất của Blockchain và AI
Một hệ thống kết hợp của Blockchain và AI sẽ giúp nó kế thừa nhiều tính chất tốt đẹp của cả hai. Dưới đây là một số lợi ích có thể đạt được:
Khả năng khai thác dữ liệu tốt hơn
Khả năng khai thác dữ liệu và tự học hỏi là một trong những điểm mạnh nổi trội của Trí tuệ nhân tạo, nhưng nó lại bị giới hạn bởi khả năng tiếp cận dữ liệu. Chẳng hạn hiện tại ChatGPT không thể truy cập các nguồn dữ liệu social như X (Twitter), Facebook một cách trực tiếp mà người dùng cần phải cung cấp cho nó. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, còn nhiều nguồn dữ liệu mà AI bị hạn chế không thể truy cập.
Việc này có thể được giải quyết bởi tính chất Permissionless và Transparent của Blockchain. AI tự do khai thác dữ liệu mà không cần phải xin cấp phép từ một bên thứ ba nào đó. Chưa kể, thông tin được xác thực trên Blockchain đều là những thông tin có phần nào đảm bảo hơn những nguồn khác nhờ tính chất kinh tế.
Đưa ra quyết định chính xác hơn
Như đã đề cập, Blockchain giúp AI tự do khai thác nguồn dữ liệu chất lượng kết hợp với khả năng mô phỏng và dự đoán của nó từ đó đưa ra các quyết định tốt hơn.
Ở chiều hướng ngược lại, vì blockchain có tính minh bạch nên người dùng có thể dễ dàng truy xuất các thông tin mà AI sử dụng để kiểm tra liệu quyết định có đáng tin cậy hay không.
Xa hơn, nếu mỗi validator trong mạng lưới blockchain đều được vận hành bởi Trí tuệ nhân tạo thì quyết định cuối cùng đưa ra sẽ là quyết định của hệ thống nhiều AI, và như vậy độ tin cậy sẽ càng được tăng lên. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một cơ chế đồng thuận mới là Proof-of-AI thay thế cho Proof-of-Work hay Proof-of-Stake chẳng hạn.
Tăng cường bảo mật và sự riêng tư
Trí tuệ nhân tạo có khả năng mô phỏng và tiên đoán trước các tình huống dựa trên các sự kiện thực tế, điều này có thể giúp mạng lưới tiên đoán trước các tình huống tấn công để đưa ra quyết định ngăn chặn trước.
Đối với người dùng, AI có khả năng làm tăng cường tính riêng tư cho các giao dịch của họ. Tương tự Zero-Knowledge Proof, người dùng có thể yêu cầu AI thực hiện giao dịch hoặc một hành động nào đó mà không cần tiết lộ quá nhiều thông tin vì AI có khả năng tiên đoán và mô phỏng thực thi.
Tăng tốc độ giao dịch
Thoạt nghe thì có vẻ chưa thuyết phục vì sự không tương thích ở hiện tại ở hai công nghệ. Nhưng trong tương lai khi chúng tích hợp với nhau mượt mà, tốc độ giao dịch sẽ được tăng lên đáng kể.
Ví dụ bằng việc tiên đoán của mình AI lựa chọn ra nhóm validators phù hợp để giúp giao dịch được thông qua một cách chính xác và nhanh chóng. Chưa kể thông qua quá trình học hỏi theo thời gian, AI còn có thể đưa ra những cách giải quyết giao dịch nhanh và chính xác hơn.
Thúc đẩy sự phát triển chung của cả 2 ngành
Từ trước tới nay những thứ bên trong các hệ thống AI đều bảo mật, nó như một cái hộp đen không bao giờ mở. Blockchain hóa AI giúp nó thừa hưởng toàn bộ tính chất của Blockchain, đặc biệt là “open source - mã nguồn mở”.
Không phải khen quá lời nhưng chính sự “open source” là một trong những điều then chốt thúc đẩy sự phát triển của Blockchain nhanh tới vậy. Chỉ sau một đêm các lập trình viên có thể clone một dApp đang hot trend thành của mình. Từ đó chính sửa phát triển tiếp lên thành những thứ tốt hơn.
Chưa kể tới hệ thống kết hợp cả hai còn được tận dụng nền kinh tế crypto - cryptonomic vốn là thương hiệu của blockchain. Sự kết hợp này sẽ khiến tốc độ giãn nở của cả hai nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Những thách thức đối với AI trong Blockchain
Hiệu suất và tốc độ
Các hệ thống AI được vận hành bởi mạng lưới neuron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) với hàng trăm tỉ tham số.
Số lượng tham số của GPT-3 và GPT-4
Để hoạt động hiệu quả thì dữ dữ liệu truyền tải cần xuyên suốt trong mạng lưới với tốc độ cao. Mà như các bạn đã biết rồi đấy, Blockchain hiện tại thì chậm chạp, chỉ cần một vài dự án có sự kiện là mạng lưới lại quá tải.
Mặc dù, các giải pháp mở rộng đang được triển khai rầm rộ nhưng như vậy là vẫn chưa đủ cho các hệ thống AI hoạt động ổn định.
Khả năng mở rộng
Chi phí lưu trữ và sử dụng cũng là một rào cản để các hệ thống AI tiến tới decentralized thực sự. Các dữ liệu của AI cần được truyền tải, thay đổi và lưu trữ liên tục để phục vụ quá trình tự học của nó. Không may thay, ở thời điểm hiện tại, chi phí lưu trữ trên blockchain quá đắt đỏ, vì vậy việc tích hợp AI vào blockchain một cách kiện toàn sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế.
Tính riêng tư và bảo mật dữ liệu
Đúng là nếu kết hợp thành công hai công nghệ nó sẽ mang lại tính riêng tư và tăng cường bảo mật dữ liệu. Nhưng trước đó cần tìm cách xử lý để làm sao để AI có khả năng học, sử dụng được những dữ liệu trên blockchain mà không cần tiết lộ chi tiết các dữ liệu đó.
Vì để đảm bảo tính riêng tư và bảo mật, thông thường các dữ liệu đưa lên mạng lưới sẽ được mã hóa, vậy nên nếu AI muốn sử dụng thì phải giải mã hoặc có một phương pháp khác để sử dụng khi cần mà vẫn đạt được tốc độ cao.
Xem thêm: Zil token
Các dự án nổi bật
Render Network (RNDR)
Render Network được định nghĩa là nền tảng GPU render phi tập trung (Decentralized GPU rendering platform). Hệ thống này cho phép người dùng đóng góp sức mạnh GPU (card màn hình) từ thiết bị của mình giúp những người có nhu cầu render (kết xuất) video, hình ảnh hoặc hiệu ứng 3D.
Mô hình hoạt động của Render Network như sau:
- Tạo công việc: Thông qua giao diện web OctaneRender, khách hàng tạo công việc và gửi file cần render (định dạng ORBX) lên. Hệ thống dựa vào các thông tin của file để tính toán chi phí, thời gian và hình thức thanh toán thông qua một smart contract. Nếu khách chấp nhận điều khoản, họ sẽ gửi token RNDR đến smart contract để công việc được thực hiện.
- Chỉ định công việc: Giao thức MTP của Render Network sẽ tự động chỉ định người vận hành node (người chia sẻ GPU) phù hợp để thực hiện công việc render được yêu cầu từ khách hàng.
- Hoàn thành công việc: Người vận hành node sử dụng OctaneRender để xử lý công việc được giao. Sau khi hoàn thành, người vận hành node sẽ gửi sản phẩm cho khách hàng thông qua Render Network.
- Xác minh tiêu chuẩn sản phẩm: Trong quá trình thực hiện công việc, khách hàng có thể theo dõi và báo cáo về các hành vi sai trái nếu cần thiết. Các bản xem trước sản phẩm bị làm mờ cho đến khi công việc được xác nhận và thanh toán bởi khách hàng.
- Thanh toán: Sau khi đồng ý với chất lượng sản phẩm, khách hàng xác minh để thanh toán cho người vận hành node. Render Network thu một tỷ lệ nhỏ token RNDR khoảng từ 0,5% đến 5% để hỗ trợ giao dịch và vận hành nền tảng.
Việc tích hợp Stable Diffusion - một ứng dụng tạo hình ảnh từ văn bản bằng AI và phát hành API cho phép các ứng dụng dễ dàng truy xuất vào hệ thống nodes đã khiến nền tảng tiến thêm một bước vào mảng AI.
Thực ra đối với Render Network, AI vẫn chỉ đang là các bước tích hợp rất nhỏ. Sức mạnh tính toán vẫn chỉ cô lập trong từng node chứ chúng ta chưa thấy được một Decentralized AI sử dụng sức mạnh tính toán từ cả mạng lưới thực sự.
Fetch.AI (FET)
Fetch.AI là một lớp cơ sở hạ tầng kết hợp giữa Blockchain và Trí tuệ nhân tạo cho phép tạo ra một nền kinh tế mở tự do trên nó.
Fetch.AI được tổ chức thành 4 lớp chính:
- Công cụ giao tiếp với người dùng
- Công cụ giao tiếp trong mạng lưới
- Công cụ tương tác với sổ cái on-chain
- Chuỗi Ledger
Ledger - Chuỗi Fetch.AI được xây dựng trên Cosmos-SDK sử dụng cơ chế đồng thuận Useful Proof of Work. Chuỗi Fetch nơi xây dựng các hợp đồng thông minh và lưu trữ trạng thái cho các thành viên.
Hai thành phần quan trọng khác chúng ta cần quan tâm là:
- Autonomous Economic Agents – Đại lý kinh tế tự trị (AEA): là các thực thể được người dùng đăng ký tham gia vào hệ thống, nó có thể là các thiết bị, dịch vụ mà họ đưa vào nền kinh tế này.
- AEA Framework - Khung đại lý kinh tế tự trị: hay còn được biết đến là OEF (Open Economic Framework) - Khung kinh tế mở. Nó là mạng lưới kết nối nhiều agents cho phép chúng tìm kiếm, khám phá và tương tác với nhau, từ đó cho phép chúng tự đưa ra quyết định dựa trên sự học hỏi lẫn nhau.
Có thể thấy Machine Learning được của Fetch được tích hợp vào đoạn này, ở lớp AEA Framework. Tích hợp này giúp các thực thể trong mạng lưới giao tiếp và xử lý các công việc với nhau một cách tự động và đồng thời học hỏi nhau để phát triển. Các kết quả của công việc sẽ được chuyển xuống và lưu trữ on-chain ở sổ cái Ledger.
Nếu xét về mức độ tích hợp AI thì Fetch mới vẫn chỉ tích hợp ở mức off-chain để xử lý các công việc bên trên, còn lớp hạ tầng blockchain thì vẫn chưa có nhiều.
SingularityNET (AGIX)
SingularityNET là nền tảng kết nối các dịch vụ AI thông qua mạng lưới blockchain. Nền tảng này cho phép những người có nhu cầu sử dụng AI tìm thấy và sử dụng dịch vụ mong muốn đã được cung cấp.
SingularityNET đang triển khai 3 mảng chính:
- AI Marketplace: Chợ ứng dụng AI, là nơi mà khách hàng có thể tìm tìm kiếm và mua các dịch vụ mong muốn.
- AI Publisher: Cổng thông tin giúp các nhà phát triển quản lý và xuất bản dịch vụ AI của mình.
- AGIX Staking: Staking Portal nơi người dùng có thể khóa token của họ để đảm bảo hoạt động trên AI Marketplace và nhận phần thưởng.
Cách hoạt động của SingularityNet như sau:
- Các nhà cung cấp dịch vụ AI được gọi là Agent, họ đóng vai trò như các Nodes trong SingularityNet.
- Nhiều Agent trong mạng lưới cung cấp nhiều dịch vụ AI khác nhau, tất cả được kết nối và có thể giao tiếp qua lại.
- Các Agent được xếp hạng sau mỗi giao dịch để phát hiện ra ưu, nhược điểm của từng của chúng. Điều này nhằm mục đích nhận biết Agent nào giỏi việc nào, từ đó điều hướng và phân chia công việc sau này.
- Khi có công việc phát sinh, hệ thống sẽ tự động tìm kiếm Agent phù hợp để thực hiện và trả lại kết quả cho người dùng.
- Các hoạt động thanh toán được diễn ra on-chain thông qua hai thành phần là Daemon và Multi-Party Escrow.
Mục tiêu mà AGIX hướng tới là xây dựng một Trí tuệ nhân tạo chung - AGI (Artificial General Intelligence), hệ thống Trí tuệ nhân tạo tập hợp của nhiều trí tuệ nhân tạo.
Mặc dù giải pháp này vẫn chưa thể gọi là Decentralized AI thực sự nhưng cũng khá khả quan nếu mạng lưới kết nối giữa chúng là phi tập trung thực sự và từng agent trong mạng lưới phải mở chiếc hộp đen (open source) để các thành viên khác trong mạng lưới khai thác dữ liệu và học hỏi lẫn nhau.
Giai đoạn 2 của SingularityNet đang cố gắng giải quyết vấn đề tốc độ bằng cách triển khai trên Layer 2 và mở rộng sang Cardano. Còn ở thời điểm hiện tại SingularityNET vẫn đang trong hình thái của một Decentralized AI Marketplace là đúng với bản chất nhất.
Kết luận
Bạn thấy đấy, Blockchain và AI là hai công nghệ đình đám nhất hiện nay. Xét về mặt lý thuyết hệ thống kết hợp cả hai công nghệ này mang đến nhiều lợi ích vượt trội, mở ra các mô hình kinh tế và giải pháp có tính chất mới, nhiều ứng dụng.
Nhưng vì sự phức tạp và đặc trưng riêng của chúng, nên việc kết hợp này vẫn chỉ chủ yếu ở mức bề ngoài, chưa thể phát huy hết tính chất tốt đẹp của cả hai. Có lẽ chúng ta cần chờ đợi thêm để cả hai cùng phát triển đến một mức đủ để chạm tới nhau.
Kudō