Khi nào thì nên mua, khi nào thì nên bán NFT. Chắc hẳn ai chơi NFT cũng đã từng rất đau đầu để trả lời cho câu hỏi này. Liệu có một cơ chế hay nguyên tắc nào để giúp chúng ta xác định các thời điểm mua/bán hiệu quả không? Hãy cùng AntiAntiNFTs Club tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay về nền kinh tế của sự chú ý và việc áp dụng nó vào thị trường NFT.
Nền kinh tế của sự chú ý là gì?
Kinh tế học là nghiên cứu về cách thức các nguồn lực khan hiếm được phân bổ, đó có thể là thức ăn, nhà ở hay tiền bạc. Với sự thay đổi của xã hội và công nghệ thì các nguồn lực khan hiếm cũng sẽ trở nên thay đổi. Trong một thế giới số với lượng thông tin vô tận và rất dễ để tiếp cận thì sự khan hiếm sẽ là gì? Đó là sự chú ý.
Chúng ta chỉ có khả năng chú ý cho một số thứ nhất định trong cùng một khoảng thời gian. Sự chú ý là có hạn và trong một thời đại với lượng thông tin khổng lồ thì nó trở thành một thứ khan hiếm và trở nên có giá trị.
Các mô hình kinh doanh hiện tại cần sự chú ý của chúng ta để kiếm ra tiền và tìm mọi cách để khiến cho mô hình trở nên gần gũi hơn. Bằng cách giữ được sự chú ý của người dùng, các mô hình kinh doanh sẽ chuyển đổi nó thành lượt xem, lượt đăng ký, lượt mua hàng hoặc bất kỳ một doanh thu nào đó. Facebook, Tiktok hay Youtube đều muốn giữ chân chúng ta trên nền tảng của họ nhiều nhất có thể, vì sự chú ý của chúng ta giúp họ kiếm ra tiền từ quảng cáo. Các nhãn hàng bỏ rất nhiều tiền cho marketing và quảng cáo cũng chỉ nhằm mục đích lấy được sự chú ý đến từ chúng ta và chuyển đổi nó thành doanh thu thông qua bán hàng.
Sự chú ý trở thành một tài sản vô cùng giá trị đối với các doanh nghiệp, họ luôn sẵn sàng cạnh tranh với nhau để chiếm được điều đó. Theo tự nhiên chúng ta sẽ dành sự chú ý cho những thứ thú vị và thỏa mãn nhất và các doanh nghiệp cố gắng tạo ra những thông tin, nội dung làm sao để thu hút được sự chú ý.
Đó chính là cách nền kinh tế của sự chú ý vận hành.
Nền kinh tế của sự chú ý vận hành như thế nào trong thị trường NFT?
Ở góc độ tổng quan thì việc vận hành một dự án NFT cũng giống như việc vận hành một doanh nghiệp. Dự án NFT phải thực hiện quảng bá NFT của mình đến người dùng, tìm cách để sold out và giữ được giá trị của sản phẩm.
Những dự án NFT lấy được sự chú ý sẽ chuyển đổi nó thành số lượng NFT bán được, holder, cộng đồng tin tưởng và hỗ trợ dự án, sự gia tăng về floor price. Dự án không làm tốt điều này thì sẽ không sold out NFT, sự sụt giảm về holder và floor price (giá sàn).
Dự án đang làm gì để lấy được sự chú ý của người chơi NFT?
Mỗi dự án NFT sẽ có tính chất khác nhau nhưng nhìn chung thì dự án sẽ tìm cách để thuyết phục người chơi về sản phẩm và tầm nhìn của dự án. Đó có thể là một câu chuyện thú vị xoay quanh bộ sưu tập NFT, một sản phẩm mang lại lợi nhuận cho người chơi, một roadmap đáng mong chờ hoặc bất kỳ một điều gì đó đầy hứa hẹn,… Những điều này sẽ được đưa tới người chơi một cách khéo thông qua các hình thức marketing.
Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài dự án cũng có thể tạo ra sự chú ý. Chắc hẳn những ai chơi NFT cũng đều trải qua việc quan tâm đến một dự án vì đang có cá mập mua nhiều hoặc một KOL nào đó đang thể hiện thái độ tích cực về dự án.
Các yếu tố kể trên đã tạo sự chú ý từ người chơi NFT dành cho dự án. Tuy nhiên, để không bị vuột mất và duy trì được sự chú ý, các dự án sẽ thường tổ chức các event, thông báo, cải tiến hoặc những hoạt động dành cho cộng đồng để giữ họ luôn gần bên mình. Một dự án quá lâu không có sự tương tác với người dùng, không có các cập nhật mới sẽ dần chìm vào quên lãng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khía cạnh tài chính của bộ sưu tập NFT như volume trading, floor price.
Doodles
Hãy cùng nhìn vào ví dụ về Doodles để thấy sự chú ý mà dự án tạo ra đã ảnh hưởng đến giá cả như thế nào.
Doodles là một bộ sưu tập NFT thuộc hàng Blue-chip trên Ethereum, dự án này đã ra mắt vào tháng 10/2021 và đón nhận được nhiều sự chú ý đến từ cộng đồng nhờ art đẹp và đội ngũ đằng sau đều là những cá nhân có tiếng (cựu thành viên của Dapper Labs và Crypto Kitties).
Ở thời gian đầu trước khi mở bán, Discord của Doodles để ở chế độ private, chỉ duy nhất những những ai vào được Discord thì mới nhận được whitelist để mint. Cách này đã giúp Doodles tạo ra sự FOMO cực lớn trong cộng đồng, ai cũng mong muốn lấy được whitelist. Kết quả là ngày mở mint của Doodles đã rất thành công, gas đã tăng rất nhiều ngay tại thời điểm ấy, giá floor price ngay lập tức đạt được mức giá cao sau khi mint. Chỉ trong 2 ngày đầu tiên sau khi sold out, khối lượng giao dịch của Doodles đã đạt đến 8.000 ETH, một con số rất lớn.
Vậy sau khi mở bán thành công, Doodles đã làm những gì để tiếp tục duy trì được độ “hype” đã tạo ra?
Trong 2 tháng tiếp theo, các cuộc phỏng vấn với Founder và các buổi Twitter Space được tổ chức đều đặn đã giúp duy trì sự chú ý của cộng đồng đối với Doodles.
Tiếp theo đó là sự tăng trưởng của toàn bộ thị trường NFT vào giai đoạn năm mới cũng đã tạo hiệu ứng tốt cho Doodle. Giá sàn liên tục đạt đỉnh mới và tiếp tục đi lên bởi vì người mua hi vọng điều này tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, sự chú ý sẽ không diễn ra mãi, người chơi bắt đầu giảm bớt sự chú ý dành cho Doodles và tiếp tục tìm kiếm những dự án tốt tiếp theo. Tại một số thời điểm, những thứ mới mẻ hơn xuất hiện là lấy đi toàn bộ sự chú ý.
Thời điểm giá sàn của Doodles giảm cũng chính là thời điểm xuất hiện của Azuki, một làn gió mới của thị trường NFT và đã lấy được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng tại thời điểm ấy.
Sau đó, giá sàn của Doodles đã có sự phục hồi nhờ vào một số sự kiện bên ngoài cũng như sự ra mắt sản phẩm mới của Doodles như Space Doodles, bộ sưu tập thứ hai của Doodles mang tên Dooplicator, event NFT NYC. Những điều này đã tác động đến sự chú ý của cộng đồng dành cho Doodles và ảnh hưởng trực tiếp tới giá sàn của bộ sưu tập.
GoblinTown
Một ví dụ khác là Goblintown, một dự án freemint vô cùng đình đám ở thời điểm tháng 5/2021. Dự án này gần như đã lấy được toàn bộ sự chú ý của cộng đồng NFT ở thời điểm ấy. Kết quả là từ con số 0 và chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tuần, giá sàn của Goblintown đã đạt đỉnh điểm ở mức 8 ETH.
Câu chuyện xoay quanh Goblin thật lố bịch nhưng vẫn thú vị, họ tạo ra được một cảm giác bí ẩn và phấn khích cho nhà đầu tư tò mò về những thứ sẽ diễn ra tiếp theo. Nhiều đồn đoán xung quanh về founder của Goblin, nào là Yuga Labs, Larva Labs hay thậm chí là Beeple. Những điều này đã giúp GoblinTown tăng trưởng một cách vô cùng nhanh chóng.
Rất nhiều dự án ăn theo Goblin Town xuất hiện để tận dụng được sự hưởng ứng của đám đông dành cho Goblintown tại thời điểm ấy.
Tuy nhiên, Goblin là một ví dụ điển hình của một dự án chỉ tạo được sự chú ý và fomo ở thời điểm ban đầu, các thời điểm tiếp theo sau đó dự án đã không thể giữ chân được sự chú ý của cộng đồng. Khi thông tin founder được tiết lộ, đó không phải là những tổ chức hay cá nhân mà cộng đồng đã mong đợi. Để giữ chân cộng đồng, Goblintown đã cho ra mắt bộ sưu tập thứ hai là mcgoblin. Tuy nhiên, việc này đã không tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, việc ra mắt bộ sưu tập thứ 2 quá nhanh cho thấy đội ngũ Goblintown dường như chỉ muốn kiếm tiền và không có ý định lâu dài đối với dự án.
Sự thích thú của cộng đồng bắt đầu suy giảm dần. Thời gian trôi qua dự án không còn nhiều thông tin, cập nhật thú vị để duy trì sự chú ý của cộng đồng và dẫn đến kết quả là sự trượt dài, suy giảm của giá sàn.
Chúng ta học được gì từ điều này?
Cộng đồng là khía cạnh quan trọng của dự án
Để một dự án thành công thì cần lấy được nhiều sự chú ý của người chơi. Sự chú ý lớn phản ánh qua độ lớn và active của cộng đồng. Một dự án sở hữu một cộng đồng lớn sẽ có khả năng đón nhận được dòng tiền lớn đến từ các thành viên trong cộng đồng. Một dự án sở hữu cộng đồng chất lượng, tin tưởng vào dự án thì sẽ giữ chân được dòng tiền ở lại với dự án. Đó chính là lý do vì sao tiêu chí cộng đồng luôn là một tiêu chí rất quan trọng khi ra quyết định đầu tư vào NFT.
Sell the hype
Sự quan tâm sẽ được phản ánh trực tiếp qua giá sàn nên thời điểm tốt để bán NFT sẽ là thời điểm mà chúng ta cảm nhận sự quan tâm đổ dồn cho dự án đang ở mức độ cao. Giá có thể tiếp tục tăng nhưng, bán khi dự án đang đón nhận được rất nhiều sự quan tâm sẽ là một chiến lược hợp lý và có cơ sở. Bên cạnh đó, chúng ta có thể áp dụng nhiều này để bắt đáy một dự án NFT nào đó, chúng ta có thể bắt đầu mua khi sự chú ý dành cho dự án đang suy giảm.
Tuy nhiên, không phải bộ sưu tập NFT cũng nên bắt đáy, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ về dự án, xác định xem liệu roadmap, sản phẩm, cập nhật trong tương lai của dự án có thể kéo lại sự chú ý của cộng đồng hay không.
Sự chú ý đến vì điều gì thì cũng sẽ ra đi vì điều đó
Người chơi chú ý đến dự án vì tiền thì cũng sẽ ra đi khi dự án không còn mang lại tiền.
Đa phần các dự án hiện tại chỉ có được sự chú ý trong ngắn hạn, tạo ra độ hype trong cộng đồng ngay thời điểm trước khi mở bán NFT. Sau đó, sự chú ý dành cho dự án ngày càng giảm dần, dự án thất bại trong việc giữ chân người chơi. Họ đến vì sự fomo thì cũng sẽ ra đi khi sự fomo không còn.
Vì vậy khi đầu tư chúng ta phải nhận diện rõ đâu là khoản đầu tư ngắn hạn, đầu là khoản đầu tư dài hạn, đừng nhầm lẫn giữa hai điều này.
Thị trường đang trong giai đoạn bão hòa
Với sự xuất hiện của vô số dự án và mô hình hoạt đồng gần như tương tự nhau đến 90% đã khiến cho sự quan tâm của người chơi ngày càng giảm đi. Chúng ta thường sẽ quan tâm đến những gì tạo ra sự thích thú, mới lạ nhưng hiện tại thị trường đang trong giai đoạn bão hòa ý tưởng, chưa có những ý tưởng, câu chuyện đột phá nào để kéo thêm sự chú ý của người chơi đến với thị trường NFT nói chung và các dự án nói riêng. Khi các ý tưởng mới được sinh ra kéo theo được sự chú ý của người chơi thì khả năng cao đó sẽ là thời điểm bắt đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới dành cho thị trường.
Về AntiAntiNFTs Club (AANC)
AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.
Tham gia Cộng đồng AANC trên: Telegram | Twitter
Xem thêm các bài viết trước của AANC: