logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Mỹ yêu cầu các sàn chặn người dùng Nga – Thế giới “chao đảo” khi Nga sử dụng crypto lách cấm vận

-02/03/2022

Bộ Tài chính của Hoa Kỳ và chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm lách những hạn chế cứng rắn mà phương Tây đang trừng phạt Nga khi quốc gia này tiến hành xâm lược Ukraine vào tuần trước.

Mỹ yêu cầu các sàn chặn người dùng Nga - Thế giới đang "chao đảo" khi Nga sử dụng crypto lách cấm vận
Mỹ yêu cầu các sàn chặn người dùng Nga – Thế giới đang “chao đảo” khi Nga sử dụng crypto lách cấm vận

Chính quyền Mỹ quyết tâm hành động mạnh tay

Có vẻ như câu chuyện Nga đang sử dụng crypto để né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu (EU) đang dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Bằng chứng là kể từ khi bị loại khỏi SWIFT cũng như bị gánh chịu áp lực ngày càng nặng nề từ nhiều quốc gia khác nhau, thì số lượng địa chỉ ví hơn 1.000 Bitcoin lại bất ngờ tăng đột biến chỉ trong 1 ngày, trùng với thời điểm khối lượng giao dịch Bitcoin tại Nga chạm đỉnh 9 tháng.

Từ đó xuất hiện nhiều luồng quan điểm cho rằng khả năng cao cả chính phủ và giới thượng lưu Nga đã chọn được giải pháp “tháo chạy” cho riêng mình.

Khối lượng giao dịch giữa Bitcoin (BTC) và đồng rúp Nga. Nguồn: Kaiko, CoinDesk
Khối lượng giao dịch giữa Bitcoin (BTC) và đồng rúp Nga. Nguồn: Kaiko, CoinDesk
Khối lượng giao dịch giữa Tether (USDT) và đồng rúp Nga. Nguồn: Kaiko, CoinDesk
Khối lượng giao dịch giữa Tether (USDT) và đồng rúp Nga. Nguồn: Kaiko, CoinDesk

Sự trượt giá tồi tệ của đồng rúp Nga cũng là nguyên nhân then chốt khiến người dân trong nước chuyển tài sản đến Bitcoin và các stablecoin phổ biến như USDT hay USDC. Thậm chí, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%.

Đứng trước tình trạng này, các quan chức Hoa Kỳ đã ngay lập tức thúc giục nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa phổ biến nhất trên toàn cầu để ngăn chặn mọi hoạt động đến từ Nga. Động thái đến chỉ sau 1 ngày khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov chính thức lên tiếng yêu cầu 7 sàn giao dịch quốc tế bao gồm Coinbase, Binance, Huobi, KuCoin, Bybit, Gate.io, Whitebit và sàn nội địa Ukraine Kuna chặn người dùng Nga khỏi nền tảng của họ.

Theo Bloomberg, tính đến ngày 1 tháng 3, đã có 3 sàn giao dịch là FTX, Binance và Coinbase hiện đang làm việc với cơ quan quản lý Hoa Kỳ sau lời kêu gọi của chính quyền Biden.

Hơn nữa, phiên bản cuối cùng lệnh hành pháp năm 2021 về crypto của Tổng thống Biden đặc biệt nghiêm cấm các giao dịch nhằm lách bất kỳ lệnh cấm vận nào từ Hoa Kỳ, thông qua hành vi sử dụng tiền mã hóa cũng đã được công bố vào ngày 1 tháng 3 bởi Bộ Tài chính và có hiệu lực trong cùng ngày. Theo đó, chính phủ cấm người Mỹ giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và tài sản thuộc ngân hàng này sẽ hoàn toàn bị đóng băng ở Mỹ.

Song, sự hỗn loạn hiện tại đã thu hút rất nhiều góc nhìn quan tâm đến từ những người có tầm ảnh hưởng lớn trong giới chính trị Hoa Kỳ, điển hình là Cựu ứng viên Tổng thống Hillary Clinton. Bà đã chỉ trích chính quyền Biden và chính phủ châu Âu vì đã không quá nghiêm khắc trong việc buộc các sàn giao dịch tiền mã hóa phải chấm dứt giao dịch với người dùng Nga một cách triệt để.

Trên thực tế, bất chấp tác động đến từ Hoa Kỳ và Ukraine, thì Coinbase – sàn giao dịch crypto lớn nhất của Hoa Kỳ, đã phản ứng bằng cách cho biết họ không có kế hoạch áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với khách hàng Nga nhưng sẽ chặn hoạt động giao dịch liên quan đến cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt. Trong khi đó, Binance cũng đưa ra lập luận và hành động tương tự Coinbase. Bình luận về vấn đề này, bà Clinton cho biết:

“Tôi cảm thấy rất thất vọng khi thấy một số sàn giao dịch nổi tiếng đang từ chối kết thúc giao dịch với Nga vì một số lý do nhất định. Tôi không hiểu họ đang nghĩ gì nữa. Chúng ta phải nên gây áp lực pháp lý càng nhiều càng tốt để cô lập hoạt động kinh tế của Nga ngay bây giờ.”

Đứng về phía Clinton còn có Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren. Vị chính trị gia luôn có quan điểm thù địch với tiền mã hóa cũng đã nhân cơ hội vào ngày 1 tháng 3 để tuyên bố rằng các cơ quan quản lý tài chính Mỹ nên xem xét kỹ lưỡng phạm vi crypto vì chúng có nguy cơ cho phép Tổng thống Putin và quan chức Nga xoa dịu “nỗi đau kinh tế”.

Liệu Nga có đang thật sự dùng crypto để đối mặt với khó khăn kinh tế?

Tuy nhiên, không phải ai cũng đều có suy nghĩ như vậy. Nhiều chuyên gia về chính sách tiền mã hóa tuyên bố những lo ngại của giới chính quyền toàn cầu về khả năng Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt kinh tế bằng cách sử dụng crypto là hoàn toàn không có cơ sở. Do đó, họ không nên lo lắng.

Bởi lẽ thị trường tiền mã hóa gần như không đủ lớn và trưởng thành cũng như đảm bảo về mặt độ sâu để hỗ trợ khối lượng mà Nga cần, chứ chưa cần bàn đến việc cơ sở hạ tầng tài sản mã hóa của quốc gia này là rất nhỏ. Người đứng đầu Hiệp hội Blockchain ở Hoa Kỳ là ông Jake Chervinsky đã đăng tải một chủ đề chi tiết trên trang cá nhân của mình vào ngày 2 tháng 3 để giải thích về vấn đề này.

“Để bắt đầu, tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và rõ ràng của mình đối với người dân Ukraine đang chiến đấu với kẻ xâm lược độc tài để bảo vệ quốc gia và các quyền cơ bản của họ. Thế giới tự do phải hỗ trợ Ukraine và chống lại Putin.”

Chervinsky đã nêu ra ba lý do chính, Thứ nhất là các biện pháp trừng phạt không chỉ giới hạn ở đồng đô la Mỹ, giờ đây bất kỳ doanh nghiệp hoặc công dân Hoa Kỳ nào giao dịch với Nga đều là bất hợp pháp như đã được đề cập ở trên. Và sẽ là điều không quan trọng nếu họ sử dụng đô la, vàng, hay Bitcoin.

“Nếu Nga muốn một giải pháp thay thế, họ có nhiều khả năng sử dụng CIPS của Trung Quốc hơn là một mạng công cộng (blockchain), thứ mà họ không thể kiểm soát.”

Lý do thứ hai là nhu cầu tài chính của một quốc gia như Nga vượt xa khả năng hiện tại của thị trường tiền mã hóa, nơi dường như quá nhỏ, tốn kém và quá minh bạch để có thể hữu ích cho nền kinh tế Nga. Nói cách khác, ngay cả khi Nga có thể tiếp cận đủ thanh khoản, họ vẫn không thể che giấu các giao dịch của mình trên một thị trường như vậy.

“Thị trường crypto vẫn còn rất sơ khai và các cặp giao dịch bằng đồng rúp rất hiếm. Vì vậy, Nga không thể có đủ nguồn thanh khoản.

Mặt khác, Nga cũng không thể che giấu dấu vết của mình bằng tiền mã hóa. Bạn biết đấy, blockchain luôn minh bạch kết hợp với khả năng phân tích của từ nhiều đơn vị tình báo của Hoa Kỳ cũng như Châu Âu, Nga sẽ không tự mình “đâm đầu” vào ngõ cụt.”

Cuối cùng, Nga đã không đoái hoài đến tiền mã hóa trong nhiều năm cố gắng tự chứng minh các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến quốc gia. Thậm chí, Nga đã không thể xây dựng và hoàn thiện bất kỳ quy định tiền mã hóa nào có ý nghĩa. Về cơ bản, crypto dường như không nằm trong kế hoạch của Tổng thống Putin.

“Nga luôn nỗ lực tồn tại thông qua các lệnh trừng phạt từ phương Tây và tiền mã hóa không nằm trong kế hoạch của ông. Chiến lược của Putin là đa dạng hóa nguồn dự trữ của Nga thành nhân dân tệ và vàng (không phải crypto), chuyển ngành thương mại sang châu Á (không phải blockchain).

Putin có thể đã xây dựng cơ sở hạ tầng tiền mã hóa cho riêng mình nếu muốn. Nhưng ông ấy đã không làm như vậy. Do đó, không có lý do gì để Putin thực hiện điều này hiện tại.”

Song, tranh cãi xung quanh hành động của Nga với crypto đang diễn biến vô cùng kịch tính và quyết liệt trên mọi mặt trận đi từ giới chính quyền cho đến những chuyên gia đầu ngành. Mặc dù kết quả hiện tại vẫn chưa được kết luận cụ thể, nhưng cần phải lưu ý rằng trong quá khứ, đã có đến ba quốc gia là Triều Tiên, Venezuela, và Iran từng sử dụng crypto nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt và che giấu nhiều tham vọng bí mật.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-02/03/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68