logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

John McAfee là ai? Tiểu sử về nhà sáng lập phần mềm diệt virus McAfee

-16/02/2024

Có thể chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng xa lạ với cái tên John McAfee nhưng chắc chắn chúng ta không thể nào không biết đến phần mềm diệt virus McAfee, thứ từng một thời luôn có sẵn trong các máy tính Windows. Đây gần như là điều không thể thiếu đối với những laptop/PC chạy hệ điều hành này vì nó hoạt động như một tấm khiên bảo vệ người dùng trước những nguy cơ tiềm tàng. Nhưng ít ai biết được rằng người tạo ra nó, John McAfee lại có một cuộc đời đầy biến động. Vậy John McAfee là ai? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.


John McAfee là ai? Tiểu sử về nhà sáng lập phần mềm diệt virus McAfee

John McAfee là ai?

John McAfee sinh ngày 18/09/1945 tại Cinderford, Anh Quốc và mất ngày 23/06/2021 tại Tây Ban Nha. Ông là một lập trình viên đại tài và là một triệu phú tự thân khét tiếng với thói ăn chơi vô độ. Gia đình McAfee đã có một khoản thời gian phải sống trong nghèo túng khi cha của John bắt đầu nghiện rượu và tiêu gần như toàn bộ gia sản vào đây.


Chân dung John McAfee

Khi John McAfee 15 tuổi, cha ông tự sát, bỏ lại sau lưng gia đình. Từ đây, gia đình McAfee đã phải rất chật vật để mưu sinh. Tuy nhiên, cũng giống như cha mình, ông cũng đã bắt đầu uống rượu khi đang đi học nhưng điều này cũng không ngăn được thiên phú kinh doanh của John McAfee.

Sự nghiệp của John McAfee

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, John McAfee bắt đầu làm việc cho một công ty cung cấp hệ thống mã hóa thẻ đục lỗ vào năm 1960. Tại đây, ông học được cách sử dụng và vận hành máy tính và sau đó là làm việc tại công ty tàu hỏa Missouri Pacific. Tuy nhiên, vì những cơn nghiện rượu và chất kích thích, John McAfee đã bị đuổi khỏi đây. Đến năm 1980, ông đầu quân cho Lockheed Martin, một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất nước Mỹ và cũng chính tại đây, lần đầu tiên khái niệm virus được ra đời sau một vụ tấn công vào máy tính IBM của công ty.

Như đã đề cập ở trên, John McAfee là cái tên không mấy thân thuộc với người Việt chúng ta nhưng những di sản của ông lại là thứ chúng ta đều thấy hàng ngày. Đối với những thiết bị chạy hệ điều hành Windows, phần mềm McAfee là thứ không thể thiếu. Từ năm 1987, McAfee đã là “người bảo vệ" những thiết bị chạy hệ điều hành này khỏi Brain, loại virus đầu tiên được tạo ra nhằm tấn công thẳng vào các máy tính IBM của các đơn vị quân sự để lấy thông tin. 

Tuy nhiên, thành công của McAfee Associates chỉ đến khi virus máy tính Michelangelo ra đời năm 1992. Vào khoảng thời gian trước, rất ít người chịu bỏ tiền để mua một phần mềm diệt virus, nhưng sau khi loại virus mới này tấn công hơn 5 triệu máy tính tại Mỹ, giá trị của McAfee Associates tăng lên đáng kể, biến nó trở thành doanh nghiệp hàng triệu USD.

Năm 1994, John McAfee rời khỏi công ty McAfee, bán cổ phần của mình và thu về 100 triệu USD. Những câu chuyện sau đó của ông không được tiết lộ, tuy nhiên theo những nguồn tin đáng tin cậy, sau khi rời khỏi McAfee, John McAfee làm việc ở vị trí cố vấn cũng như giảng dạy tại một trường của Harvard. Năm 2007, do đầu tư quá nhiều vào các công ty công nghệ, khối tài sản của John giảm xuống còn 4 triệu USD. 

Năm 2009, John McAfee bán hết tài sản của mình và chuyển đến sống tại quốc gia Trung Mỹ Belize. Tại đây, ông bắt đầu với một lĩnh vực mới mang tên thuốc kháng sinh và công ty Quorumex ra đời. Tuy nhiên, theo giới chức sở tại, Quorumex chỉ là vỏ bọc để John McAfee bào chế ma tuý. Hiện thông tin ấy vẫn chưa được chứng thực, một phần vì John McAfee đã mất, một phần khác vì Belize cũng tràn ngập tham nhũng. Tiếp đến, năm 2012, chính quyền nước này tiếp tục tuyên bố John McAfee có liên quan đến cái chết của người hàng xóm Gregory Faull. Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ, kèm theo việc McAfee đã bỏ trốn và bị bắt tại Guatemala rồi bị dẫn độ về Mỹ, vụ án đã khép lại mà không có thêm chứng cứ hay bản án nào được đưa ra.

Trong những năm tiếp theo, John McAfee tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 và 2020. Năm 2015, John McAfee thành lập một đảng mới mang tên Cyber Party, nhưng sau đó vẫn cố gắng để có ghế tại đảng tự do. Nhưng tất cả những nỗ lực của ông đều không có kết quả trước những đối thủ nặng ký như cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim ổng thống Joe Biden.

Năm 2020, John McAfee bị cáo buộc hàng loạt tội danh liên quan đến trốn thuế tại Mỹ. Cụ thể, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã chỉ ra rằng John đã hưởng số tiền 23 triệu USD từ những đợt quảng bá coin/token năm 2017 - 2018 mà không khai báo với cơ quan thuế. Ngoài ra, cũng theo FBI, McAfee đã trốn thuế bằng cách để các cá nhân khác đứng tên các bất động sản, tài khoản ngân hàng và tài khoản tiền tiền mã hoá.

Tháng 06/2021, sau khi bị bắt và tạm giam tại Tây Ban Nha, John McAfee đã tự sát trong lúc chờ bị dẫn độ, khép lại cuộc đời đầy huy hoàng nhưng lập dị của mình.

John McAfee và tiền mã hoá

Như đã nói ở trên, John McAfee đã từng bị FBI “sờ gáy” vì những cáo buộc liên quan đến gian lận bán token năm 2017 và 2018. Cụ thể, trong những phát biểu của mình với truyền thông, người phát ngôn của FBI chia sẻ: “McAfee bị cáo buộc sử dụng nền tảng mạng xã hội để quảng bá việc bán token thay mặt cho các tổ chức phát hành ICO mà không tiết lộ cho các nhà đầu tư khoản bồi thường mà họ nhận được để chào bán các chứng khoán này”.

Trong khi đó, luật sư Audrey Strauss cũng giải thích thêm: “John McAfee và cố vấn điều hành của Jimmy Watson Jr bị cáo buộc đã sử dụng tài khoản Twitter (nay là X) của ông để khuyến khích hàng trăm nghìn người theo dõi tham gia vào quá trình mua nhiều loại tiền mã hóa khác nhau với những thông tin sai lệch nhằm che giấu động cơ vụ lợi. John McAfee, Jimmy Watson và các thành viên khác trong nhóm bị cáo buộc thu về hơn 13 triệu USD từ các nhà đầu tư”. Hậu quả, cả 2 phải nhận lệnh cấm giao dịch crypto vĩnh viễn. Tuy nhiên, do John McAfee đã mất trong quá trình chờ dẫn độ về Mỹ nên chỉ có Jimmy Watson phải chịu án phạt kèm theo số tiền bồi thường lên đến hơn 375,000 USD.

Ở một diễn biến khác, vào những năm 2017, bên cạnh những dự đoán có phần cảm tính, ông còn được cho là có những lời lẽ thiếu đứng đắn với thuần phong mỹ tục. Cụ thể, theo như những gì được tường thuật lại vào thời điểm năm 2017, khi tâm lý thị trường đang mông lung về giá của Bitcoin sau đợt hard fork. John McAfee đã đưa ra nhận định rằng BTC sẽ tăng lên 50,000 USD trong 3 năm tới và kèm theo đó là mức cược 10 triệu USD và danh tiếng của ông nếu sai. Thậm chí, ông cũng tuyên bố nếu bản thân sai ông sẽ tự "ăn của quý" chính mình trên sóng truyền hình quốc gia. 

“Khi tôi ra dự đoán rằng Bitcoin sẽ đạt 500,000 USD vào năm 2020, tôi đã dùng một mô hình mà kết quả nó trả về là Bitcoin lên đến 5000 USD vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, mọi chuyện trên thực tế có vẻ như đã phát triển theo chiều hướng nhanh hơn. Do vậy, giờ đây tôi sẽ dự đoán Bitcoin có giá 1 triệu USD vào cuối 2020. Tôi vẫn sẽ tự "buscu" mình nếu sai.”

Ở những năm tiếp theo, John tiếp tục đưa ra những thông tin khiến cộng đồng không khỏi xôn xao. Cụ thể, năm 2018, John McAfee tuyên bố sắp phát hành tiền giấy được bảo đảm giá trị bởi tiền mã hoá. Đồng tiền này sẽ có tên là MRU (McAfee Redemption Unit) và sẽ được neo giá với USD theo cơ chế 1 MRU sẽ bằng 9,95 USD. MRU sẽ có tổng cung 6.05 triệu đơn vị MRU (tương đương 341,000 tờ tiền) và cũng theo ông, khuôn in tiền sẽ bị phá huỷ vĩnh viễn để không có thêm một tờ tiền nào được in sau đó. 

Tổng kết

Bên trên là những thông tin thú vị về cuộc đời cũng như những thành công và sai lầm của triệu phú John McAfee. Hy vọng thông qua bài viết, Coin68 đã mang đến cho người đọc những cái nhìn tổng quan nhất về John McAfee. Cũng qua những thông tin trên, hy vọng người đọc có thể hiểu được sự quan trọng của điểm dừng trong kinh doanh và đầu tư, để từ đó không đi quá giới hạn và không phải nhận trái đắng về sau.

-16/02/2024
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68