logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Intent-Centric là gì? Giải pháp hướng tới mass-adoption

-21/10/2023

Intent-Centric Model xuất hiện với sứ mệnh xóa bỏ rào cản trải nghiệm người dùng rối rắm, giúp công chúng truyền thống có thể tiếp cận và sử dụng blockchain dễ dàng hơn.

Intent-Centric là gì? Giải pháp hướng tới mass-adoption

Mở đầu

Công nghệ blockchain đang phát triển nhanh chóng trong những năm qua, tính ứng dụng của nó dần được đi vào cuộc sống. Nhưng không thể phủ nhận rằng, bên cạnh những ưu điểm vượt trội vẫn còn đó nhiều vấn đề cần giải quyết để nó đi sâu hơn vào xã hội.

Một thách thức lớn nếu muốn blockchain phổ cập tới số đông là trải nghiệm người dùng. Dường như suốt nhiều năm phát triển của mình, blockchain chỉ được biết đến và sử dụng bởi hai cộng đồng chính, một là yêu công nghệ và hai là tìm kiếm lợi nhuận.

Intent-Centric Model xuất hiện với sứ mệnh xóa bỏ rào cản này.

Trước khi đi đi vào tìm hiểu chi tiết, hãy xem qua ví dụ sau đây:

Bạn đang đứng giữa một trung tâm thương mại với danh sách dài các món hàng cần mua. Việc tìm kiếm và mua sắm ở một nơi xa lạ khá là khó khăn và tốn thời gian. Nhưng nếu bạn đi cùng một người bạn biết rõ nơi đó thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Intent-Centric Model hoạt động tương tự trong không gian blockchain.

Intent-Centric Model là gì?

Intent-Centric Model dịch ra Tiếng Việt là “mô hình tập trung vào ý định”.

Trong mô hình này, Intent là những ý định của người dùng mong muốn đạt được. Hệ thống sẽ phân tích ý định của người dùng và giải quyết nó theo cách tốt nhất sau đó trả kết quả lại cho người dùng.

Nó khác với mô hình giao dịch truyền thống là ở điểm tập trung vào “ý định - tức mục tiêu cuối cùng” thay vì “cách thức” để đạt được mục tiêu đó.

Ví dụ: Bạn cần mua Bitcoin ở vùng giá thấp hơn 30.000 USD. Bạn sẽ chỉ cần gửi đi thông điệp cần mua Bitcoin dưới 30.000 USD mà không cần thực hiện thêm các thiết lập nào khác như mua bằng ví nào, chuỗi nào, sàn giao dịch nào, thiết lập gas, slippages… ra sao. Tất cả các thủ tục rườm rà sẽ bị lược bỏ để tăng trải nghiệm người dùng. Việc của bạn là ra lệnh và chờ kết quả.

Cơ chế hoạt động của Intent-Centric

Điểm mấu chốt trong mô hình Intent-Centric là đọc hiểu ý định người dùng, để rồi từ đó thực hiện các hành động theo ý định đó.

Một lớp trung gian xuất hiện để xử lý việc này gọi là Intent-Solver bao gồm Intentpool và Solver (người giải quyết).

Các ý định của người dùng (Intent) sẽ được gửi đến một pool riêng biệt gọi là Intentpool thay vì gửi trực tiếp tới Mempool của blockchain như trước đây. Tại đó các Solver truy cập, lấy ra và phân tích ý định của người dùng, sau đó gửi xuống Mempool của blockchain để xử lý theo kịch bản đã xây dựng.

Mô hình hoạt động của mô hình Intent-Centric. Nguồn: Paradigm

Intent Pool

Chúng ta có 3 loại Intentpool với ưu nhược điểm khác nhau:

- Permissionless Intentpool: Loại này cho phép bất cứ ai cũng có quyền gửi yêu cầu tới pool mà không cần sự cấp phép. Loại này có ưu điểm mang tới sự đa dạng trong các yêu cầu tạo điều kiện cho Solver kết nối giải quyết chéo mà không cần gửi yêu cầu tới blockchain mempool. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở phần sau. Tuy nhiên rủi ro của nó là khả năng chống spam kém, có thể làm giảm tốc độ và chất lượng xử lý.

- Permissioned Intentpool: Loại intent pool này yêu cầu người dùng phải được xác thực trước mới có thể gửi yêu cầu. Nó giúp pool tăng cường bảo mật và mang lại an toàn cho người sử dụng. Nhưng đồng thời cũng làm hạn chế sự đa dạng Intent.

- Hybrid Intentpool: Đây là sự kết hợp của cả hai yếu tố permissionless và permissioned. Nó tăng cường và giảm thiểu ưu nhược điểm của từng loại. Ngoài ra nó cũng đề cập đến việc áp dụng cơ chế đấu giá cho yêu cầu để ngăn chặn spam.

Solver

Trong mô hình Intent-Centric các Solver đóng vai trò là người giải mã ý định của người dùng. Sau đó sử dụng trí tuệ tinh vi của mình để tìm ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất, chính xác nhất. Các bạn cũng có thể gọi các Solver là những “trợ lý on-chain”.

Một số phương pháp Solver có thể sử dụng để đáp ứng ý định người dùng:

- Liquidity Provider: Solver có thể đóng vai trò chính là người cung cấp thanh khoản cho các yêu cầu giao dịch của người dùng. Nó vừa giúp Solver tìm kiếm lợi nhuận vừa tăng tốc độ xử lý giao dịch.

- Partial filling: Solver có thể thu thập thanh khoản ở nhiều nơi để đáp ứng yêu cầu người dùng.

- Direct coincidence of wants (“CoWs”): Đây là khi có sự ăn khớp về nhu cầu của hai bên trong Intent Pool. Solver đơn giản là giúp họ khớp lệnh với nhau. Ví dụ A cần đổi 1 BTC lấy 30.000 USD, trong lúc đó B cần đổi 30.000 USD lấy 1 BTC.

- Ring trades: Đây là trường hợp Solver kết hợp nhiều nhu cầu lại với nhau để xử lý một cách ăn khớp. Ví dụ A cần mua 5 BTC, B cần bán 2 BTC, C cần bán 3 BTC, Solver sẽ giúp họ khớp lệnh với nhau.

Có thể thấy Người dùng tuyên bố mong muốn, sau đó Solves sẽ là người tính toán đường đi nước bước thay họ.

Tổng kết lại quy trình hoạt động của Intent-Centric Model như sau:

  • Bước 1: Người dùng khởi tạo Intent (các ý định) và gửi chúng tới Intent Pool.
  • Bước 2: Các Solver lấy ra các Intent trong pool và tiến hành giải mã nó.
  • Bước 3: Dựa vào ý định đã giải mã Solver đưa ra phương pháp xử lý tốt nhất và khởi động quy trình xử lý ở các địa điểm cần thiết.

Account Abstraction và sự thúc đẩy phát triển Intent-Centric

Account Abstraction hiểu đơn giản là quá trình smart contract hóa tài khoản người dùng.

Ví EOA và ví Account Abstraction

Nếu như trước đây, các địa chỉ ví mà chúng ta hay sử dụng là dạng EOA (Externally-owned Account) nó được tạo thành từ một cặp public-private key. Ví EOA cho phép người sở hữu ký giao dịch gửi nhận token với một số ít tùy chọn. Ở ví EOA, tài khoản và quyền sở hữu là một thực thể, đây chính là điểm khác biệt khi so với Account Abstraction.

Sau quá trình trừu tượng hóa, tài khoản và quyền sở hữu được tách riêng. Tài khoản bây giờ trở thành Smart Contract Account hoạt động như một hợp đồng thông minh không giới hạn logic.

Với sức mạnh tùy chỉnh và diễn đạt ý tưởng vô cùng lớn Account Abstraction là một nâng cấp tuyệt vời tạo điều kiện giúp người dùng ủy quyền cho các Solver thực hiện công việc của mình.

Ưu điểm và nhược điểm của Intent-Centric

Mô hình Intent-Centric nổi lên như một phương thức cải biến việc tương tác với hệ thống blockchain, nó tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm bằng việc cho phép người dùng chỉ định rõ mục đích. Tuy nhiên, như mọi phương pháp mới, bao giờ cũng có ưu điểm và nhược điểm song hành. Dưới đây chúng ta sẽ khám phá cả hai mặt của hô mình Intent-Centric để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và thách thức mà nó mang lại.

Ưu điểm

Cải thiện trải nghiệm người dùng

Intent-Centric loại bỏ toàn bộ quá thao tác phức tạp, ngoài ra nó cũng giúp người dùng không cần “động não” nhiều. Việc của họ là ra lệnh, phần còn lại để hệ thống lo. Intent-Centric đặc biệt hữu ích trong tình trạng blockchain bị phân mảnh như hiện nay, nhất là sắp tới hàng loạt Layer 2 xuất hiện với mỗi blockchain một kiểu hoạt động.

Tối ưu hóa thời gian và chi phí

Tận dụng tính linh hoạt của mô hình, người dùng có thể gửi một Intent với nhiều giao dịch trong một lần yêu cầu duy nhất. Solver sẽ giải quyết toàn bộ vấn đề đó một lúc, từ đó giúp tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Nó cũng cho phép xử lý các giao dịch với giá trị rất nhỏ.

Khả năng tự động hóa

Không chỉ dừng lại ở những giao dịch đơn giản, người dùng có thể gửi những yêu cầu phức tạp với điều kiện hoạt động riêng để tự động hóa công việc. Ví dụ chỉ mua khi giá nằm trong khoảng bao nhiêu và sau đó bán ra khi giá ở khoảng bao nhiêu.

Khả năng mở rộng

Mô hình Intent-Centric mở cơ sở cho việc phát triển các ứng dụng khác trên lớp này. Như tích hợp xử lý AI hay các Intent DApp với mục đích đặc biệt.

Nhược điểm

Khi thêm một lớp xen giữa vào chu trình giao dịch từ người dùng đến blockchain, các nhược điểm sẽ phát sinh từ đây. Đầu tiên là tính bảo mật, người dùng bắt buộc đặt niềm tin vào những “người giải mã” ý tưởng. Nếu họ hoạt động kém hiệu quả hoặc gian lận sẽ ảnh hưởng tới tài sản người dùng.

Thứ hai, tốc độ giao dịch cũng sẽ bị chậm lại phải trải qua quá trình xử lý của Solver.

Và cuối cùng là sự phức tạp trong việc phát triển Solver. Để hiểu rõ được ý định của người dùng không phải công việc đơn giản, nếu yêu cầu mô tả quá chi tiết sẽ làm giảm trải nghiệm người dùng trong khi mô tả quá đơn giản sẽ không hiểu hết ý định. Vậy nên xây dựng những bộ giải mã tinh vi là một việc làm tương đối khó khăn.

Các dự án nổi bật

Trong phần dưới đây mình sẽ giới thiệu một vài dự án nổi bật áp dụng mô hình Intent-Centric.

Anoma

Anoma là một mạng lưới phi tập trung được xây dựng với kiến trúc Intent-Centric. Tầm nhìn của dự án là xây dựng một mạng lưới Intent toàn cầu, tại đó người dùng có thể gửi những “ý định” của mình lên đó để được giải quyết. Dựa trên những phân tích ý định của người dùng, Anoma tìm kiếm các đối tác phù hợp. Ngoài ra, Anoma cũng chú trọng vào tính riêng tư của người dùng bằng cách tạo điều kiện trong quá trình khai báo, cùng với đó là hỗ trợ các dịch với giá trị siêu nhỏ.

Mô hình hoạt động của Anoma. Nguồn: Anoma docs

SUAVE

SUAVE (Single Unifying Auction for Value Expression) phát triển bởi Flashbots là giải pháp hướng tới nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng tính phi tập trung trên các blockchain công cộng. SUAVE hoạt động độc lập với chuỗi chính, nó đóng vai trò là lớp trung gian tạo điều kiện cho các Intent.

Mô hình hoạt động của SUAVE. Nguồn: Flashbots

Trong lớp lõi của mình, SUAVE xử lý các ý định (intent) của người dùng được ký gửi lên mạng lưới, bao gồm cả giao dịch đơn giản và giao dịch phức tạp.  Mục tiêu của SUAVE trở thành một mempool và trình tạo block chung cho tất cả các blockchain.

Essential

Essential tập trung vào việc xây dựng một bộ giải pháp toàn diện cho kiến trúc Intent-Centric. Nó bao gồm ba mục tiêu chính:

  • Xây dựng một ngôn ngữ đặc thù để biểu đạt ý định (intent).
  • Phát hành một tiêu chuẩn trên Ethereum cho Intent-Centric Account Abstraction.
  • Phát triển một modular intent layer.

Cơ chế đồng thuận của Essential khuyến khích các Solver cạnh tranh giải quyết vấn đề dựa trên sự hài lòng, từ đó giúp nâng cao trải nghiệm người dùng cuối.

Nhìn chung một giải pháp toàn diện mà Essential đang cố gắng xây dựng sẽ giúp các nhà phát triển xây dựng hệ thống Intent tùy ý và kết nối chúng với nhau mà không cần xây dựng từ đầu, từ đó hạn chế vấn đề phân mảnh blockchain.

UniswapX

UniswapX được Uniswap giới thiệu vào hồi tháng 7 vừa qua là một bước đi đang chú ý của kiến trúc Intent-Centric.

Không giống như các mô hình Intent-Centric toàn diện của các dự án đã giới thiệu phía trên, với Uniswap họ áp dụng đặc thù riêng cho các giao dịch hoán đổi token. Theo đó, các yêu cầu nâng cao (intent) của người dùng được đi qua một bộ lọc (UniswapX filter) đóng vai trò là những Solver trong mô hình Intent-Centric. Tại đây, các filter dựa trên yêu cầu của người dùng để xử lý giao dịch.

Mô hình hoạt động của UniswapX. Nguồn: Uniswap

Kết luận

Trải nghiệm người dùng là một trong những yếu tố then chốt để blockchain đi vào mass adoption. Những người dùng phổ thông sẽ không quá tới phần hạ tầng các bạn làm gì mà thứ họ quan tâm là an toàn, bảo mật và trải nghiệm tốt.

Intent-Centric là một hướng đi hợp lý theo nhu cầu tự nhiên của con người. Hy vọng trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các ứng dụng sử dụng mô hình này.

Kudō

Xem thêm các bài viết khác cùng tác giả:

-21/10/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68