Trendline (đường xu hướng) là một trong những công cụ tương đối phổ biến và dễ tiếp cận đối với các trader. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả trader đều hiểu đúng và sử dụng hiệu quả công cụ này. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cùng anh em phân tích cách sử dụng trendline hiệu quả trong giao dịch.
Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 16) – Hướng dẫn vẽ và sử dụng trendline trong giao dịch
Xem thêm các bài viết trong chuỗi Price Action Trading:
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 15) – Phá vỡ và phá vỡ giả
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 14) – Thị trường sideway và cách ứng xử phù hợp
- Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 13) – Quản lý vốn và tư duy giao dịch đúng
Trendline là gì? Cách vẽ trendline đúng
Trendline là gì?
Trendline (đường xu hướng) là đường thẳng nối giữa 3 hoặc nhiều điểm giá “quan trọng”, thông thường là các vùng đỉnh và đáy.
Khác với nhiều hiểu nhầm, trendline và trend không hề là một. Khi chúng ta nói về trend (xu hướng), chúng ta cần phân biệt rõ xu hướng tăng, xu hướng giảm với các cấu trúc đỉnh, đáy của nó hoặc thị trường không có xu hướng (sideway).
Tuy vậy, khi nói về trendline, anh em có thể “thoải mái” hơn nhiều và hoàn toàn có thể tìm được nhiều được trendline khác nhau trong cùng một biểu đồ.
Ví dụ về một trendline trên chart PEOPLE/USDT khung 4H
Anh em có thể thấy trên biểu đồ PEOPLE/USDT, chúng ta có thể vẽ được một trendline từ điểm 1 và 2. Tuy vậy, trendline này không hề đại diện cho một xu hướng tăng vì không tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Mặc dù vậy, trendline này vẫn hiệu lực và phản ứng khi giá quay về (điểm 3).
Mặc dù trendline không nhất thiết phải đại diện cho xu hướng, tuy nhiên nếu anh em xác định được một trendline trùng khớp với các đáy và đỉnh thì hiệu lực của nó sẽ tốt hơn.
Ví dụ cho một trendline hiệu lực tốt trên BTC/USDT khung 1H
Anh em có thể thấy, với chart BTC/USDT khung 1H nói trên, mình xác định được trendline từ điểm (1) và (2). Hai điểm này đồng thời chính là 2 đỉnh trong xu hướng giảm khung 1H => đây là một trendline hiệu lực tốt. Giá chạm trendline lần thứ (3) và ngay lập tức từ chối. Kết hợp với mẫu hình nến và mô hình double top (2 đỉnh), chúng ta dễ dàng short và đạt lợi nhuận tốt với lệnh trade này.
Như vậy, chúng ta có thể rút ra một số kết luận:
- Trendline (đường xu hướng) là các đường nối các vùng giá quan trọng (ít nhất là 2 điểm), thông thường là các vùng đáy và đỉnh và được xem là hợp lệ nếu giá chạm lần thứ 3 phản ứng.
- Trendline có độ dốc nhưng không đại diện cho xu hướng.
- Trendline được vẽ trùng với các đáy và đỉnh sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Cách vẽ trendline
Đầu tiên, anh em cần đảm bảo xác định được 2 điểm quan trọng để nối thành một đường thẳng, tiếp theo đó, anh em cần đợi giá phản ứng lần thứ 3 để xác nhận trendline này có hiệu lực, từ đó sử dụng trendline.
Trên thực tế, trong một số trường hợp thị trường có xu hướng rõ ràng, trendline trùng các vùng đỉnh, đáy, anh em có thể mạo hiểm sử dụng ngay lần chạm thứ 3.
Một số đặc điểm của trendline
Trendline càng dốc thì càng thiếu bền vững
Tương tự như một xu hướng, nếu một trendline có độ dốc quá cao, việc duy trì nó sẽ khó có thể kéo dài. Một trendline có độ dốc cao thường nhanh chóng bị phá vỡ. Một trendline đẹp lý tưởng thông thường có độ dốc khoảng 35 – 45 độ.
Ví dụ về trendline có độ dốc lớn trên chart XAU/USD
Anh em có thể thấy trendline trong ví dụ nói trên có độ dốc khá lớn, vì vậy, tính bền vững của trendline này là không lớn, dễ bị phá vỡ. Nguyên nhân cơ bản nhất là thị trường rất khó để duy trì một động lượng tăng nhanh liên tục như vậy.
Ví dụ về trendline có độ dốc bền vững trên chart XAU/USD
Như anh em có thể thấy, trendline trên ví dụ tiếp theo có độ dốc tương đối nhỏ, chính vì vậy, giá đã duy trì việc phản ứng/nằm trên trendline này và tạo ra một sóng tăng giá kéo dài cho XAU/USD (khung thời gian 3D).
Trendline bị phá vỡ là dấu hiệu của xu hướng suy yếu hoặc bị đảo chiều
Đây là một trong những đặc điểm quan trọng mà anh em cần lưu ý. Nếu trong một xu hướng tăng, các trendline tăng bị phá vỡ thì đây chính là dấu hiệu mà xu hướng đang suy yếu, có thể điều chỉnh mạnh hoặc thậm chí đảo chiều.
Ngược lại, trong một xu hướng giảm, các trendline giảm liên tục bị phá vỡ cũng là dấu hiệu để chúng ta nhận biệt giá có thể phục hồi trở lại hoặc thậm chí đảo chiều xu hướng.
Ở hình minh họa trên, anh em có thể thấy khung 4H của XAU/USD đang tạo ra một xu hướng tăng. Ở đây, chúng ta thấy được 2 dấu hiệu:
- Trendline đầu tiên khá dốc => báo hiệu xu hướng tăng không bền vững.
- 2 trendline tăng bị phá vỡ.
Ngoài ra, anh em cần lưu ý rằng trước đó XAU/USD cũng đang ở trong một xu hướng giảm khung lớn (khung D).
Kết luận: Từ các tín hiệu nói trên, anh em có thể canh short thay vì tiếp tục long theo xu hướng 4H.
Trendline cũng là một loại hỗ trợ và kháng cự
Về bản chất, trendline cũng là một vùng hỗ trợ và kháng cự để trader có thể quan sát phản ứng giá, vào lệnh hiệu quả hơn. Vì là một hỗ trợ/kháng cự, trendline cũng mang các đặc điểm của hỗ trợ/kháng cự:
- Một trendline đóng vai trò là hỗ trợ khi bị phá vỡ sẽ trở thành kháng cự và ngược lại.
Ví dụ về việc trendline chuyển vai trò từ hỗ trợ thành kháng cự sau khi bị phá vỡ
- Trendline khung thời gian lớn, hiệu lực hỗ trợ, kháng cự càng tốt.
Tương tự như các mẫu hình giá hoặc mẫu hình nến, một trendline hình thành trong khung thời gian lớn hơn sẽ có ý nghĩa và hiệu quả tốt hơn các trendline trong khung thời gian nhỏ.
- Trendline có phản ứng càng nhiều lần thì càng có giá trị.
Điều này khá là dễ hiểu. Nếu trendline được kiểm tra và phản ứng với giá càng nhiều lần, điều đó cho thấy trendline này đang được nhiều trader sử dụng và đang được giá tôn trọng, có hiệu quả cao hơn.
Cách sử dụng trendline hiệu quả
Xác định xu hướng của thị trường
Anh em có thể kết hợp giữa việc xác định xu hướng theo cách truyền thống (dựa trên các đáy và đỉnh) và trendline để đo lường độ mạnh, yếu và khả năng phá vỡ hay đảo chiều của thị trường.
Sử dụng trendline như một hỗ trợ, kháng cự để tìm điểm vào lệnh
Đây là cách sử dụng cơ bản nhất. Anh em có thể thấy trendline có phản ứng khá tốt, nhờ vậy, chúng ta có thể đợi giá quay về trendline và vào lệnh khi xuất hiện các tín hiệu đẹp như các mô hình giá, các mẫu hình nến, phá vỡ hoặc phá vỡ giả…
Kết hợp trendline với các vùng hỗ trợ, kháng cự hoặc các EMA…
Để tăng tính hợp lưu (nhiều yếu tố ủng hộ việc vào lệnh), anh em có thể kết hợp trendline với các công cụ khác như các vùng hỗ trợ/kháng cự, các đường EMA… để tăng xác suất thắng.
Trong ví dụ này, mình đã vào lệnh short STG dựa trên các phân tích như sau:
- Khung thời gian lớn STG đang trong xu hướng giảm.
- Khung 15m hình thành xu hướng tăng (sóng hồi), giá phá vỡ lên vùng cản, sau đó không giữ được mà dump trở lại, đồng thời phá vỡ trendline tăng.
Như vậy, trong trường hợp này, lực bán đã áp đảo hoàn toàn lực mua với việc giá đồng thời phá vỡ cả hỗ trợ (vùng màu xanh) + trendline tăng.
Dựa trên các phân tích nói trên, mình đã limit sell STG ngay tại vùng hỗ trợ sau khi nó bị phá vỡ (lúc này đã chuyển thành kháng cự). Giá đã retest sau đó dump mạnh.
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau đến với một ví dụ kết hợp giữa trendline và đường EMA (20). Anh em có thể thấy giá đã chạm lần thứ 03, giữ được sự tôn trọng trendline đồng thời tôn trọng EMA (20). Lúc này, anh em có thể limit buy khi giá break khỏi cản khung thời gian nhỏ hoặc đợi retest để vào lệnh.
Hy vọng qua bài viết cùng các ví dụ minh họa, anh em đã phần nào nắm được cách sử dụng trendline một cách hiệu quả. Nếu anh em có kinh nghiệm hay trong việc sử dụng trendline, đừng quên chia sẻ với tụi mình qua comment nhé. Hẹn gặp lại anh em trong bài viết tiếp theo!
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon: