Nội dung chính
- Các cuộc biểu tình tại Hong Kong, Lebanon và Iran là “phép thử” đời thật cho các công nghệ chống kiểm duyệt.
- Tuy nhiên, người biểu tình lại sớm nhận ra họ không có khả năng tiếp cận đến Internet tại các khu vực bất ổn.
- Bitcoin từ trước đến giờ chủ yếu chỉ chứng minh được công dụng trong lưu trữ và chuyển dịch giá trị xuyên biên giới.
- Nhiều nguồn tin tại Hong Kong, Lebanon và Iran cho biết tính thanh khoản của tiền điện tử ở những nơi đây cực thấp, và vì không thể tiếp cận với các sàn giao dịch toàn cầu, tiền mặt là công cụ chủ yếu để người ta thực hiện những giao dịch thường ngày.
Khi phải đối mặt với sự kiểm duyệt thông tin và bị giới cầm quyền cô lập cả về tài chính lẫn khả năng liên lạc, các phong trào biểu tình trên thế giới đã tìm đến thử nghiệm Bitcoin và các công nghệ phi tập trung khác – để rồi nhanh chóng “vỡ mộng” trước những giới hạn của chúng.
Hong Kong
Ví dụ điển hình nhất chắc chắn phải là Hong Kong, khi phong trào biểu tình chống chính quyền Trung Quốc nổ ra từ tận 6 tháng trước và đạt đến đỉnh điểm với cuộc tấn công vào Đại học Bách Khoa hồi hôm thứ Hai, nơi cảnh sát đã bắt giữ đến 1.000 người biểu tình.
Thành phố này trông thì có vẻ sẽ là nơi tuyệt vời để thử nghiệm các hệ thống tài chính mở, chống được sự can thiệp của chính quyền. Song lý thuyết không phải lúc nào cũng còn đúng khi mang ra thực nghiệm.
Cách đây ít lâu, ngân hàng HSBC đã đóng băng tài khoản của Spark Alliance HK, một tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng, cho rằng nó có liên hệ với cuộc biểu tình và dưới áp lực của Bắc Kinh. Bài học này nhắc nhở người biểu tình và các mạnh thường quân về sự cần thiết của các giao dịch ẩn danh, một thành viên của phong trào trả lời phỏng vấn cho CoinDesk. Các tổ chức phi lợi nhuận khác như HKMap Live và Hong Kong Free Press đã chuyển sang chấp nhận quyên góp bằng Bitcoin.
Tuy nhiên, nguồn tin xin được giấu tên này chia sẻ: “Hiện tại các khu vực biểu tình đều đã bị cắt kết nối Internet, dù bạn có dùng dịch vụ mạng nào,” và chưa kể việc người biểu tình không rõ sẽ cần bao nhiêu Bitcoin trong thời kỳ bất ổn như hiện tại. Phương thức này chỉ hữu dụng cho các khoản đóng góp từ nước ngoài mà không yêu cầu thanh khoản ngay.
Người biểu tình thậm chí đã cố sử dụng các thiết bị kết nối mạng lưới cục bộ (mesh network), hoạt động bằng cách chuyển một tin nhắn hoặc giao dịch trên khắp một mạng nội bộ cho đến khi tìm được một thiết bị có kết nối Internet, nhưng hoá ra “chúng cũng không hữu dụng trong các tình huống đụng độ”. Dù người biểu tình còn sử dụng Telegram để liên lạc vì ứng dụng này ẩn đi số điện thoại, thế nhưng chừng nào còn phải lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ mạng thì chừng ấy vẫn chưa thể yên tâm.
Giống như tại Trung Đông, các nguồn tin ở Hong Kong đều thừa nhận Bitcoin và những công nghệ có liên quan đều chưa sẵn sàng để được sử dụng trong các môi trường phức tạp bởi chúng vẫn còn quá mới và chưa đủ độ phổ biến. Lúc này, các công nghệ chống kiểm duyệt vẫn có thể bị kiểm duyệt miễn là nó còn nằm trong “ngách” của thị trường.
“Ngày càng có nhiều người chuyển tài sản ra nước ngoài. Nhưng đó vẫn là chuyển trong nội bộ ngân hàng, ví dụ như là chuyển tiền trong tài khoản Hong Kong sang tài khoản của chi nhánh Singapore,” một nhà đầu tư Bitcoin người Trung Quốc đang sinh sống tại Hong Kong chia sẻ, và cũng yêu cầu được giấu tên vì lí do an toàn.
Người này cho biết thêm là ngày càng khó mua đồ và sử dụng dịch vụ hơn, kể cả thực phẩm từ Trung Quốc đại lục và tiền mặt, một phần là vì 19% các chi nhánh ngân hàng ở Hong Kong trong tuần này đã phải đóng cửa vì bạo lực leo thang.
Để làm phức tạp hơn tình hình, giới cầm quyền đã giới hạn khả năng liên lạc online khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Toà án Tối cao Hong Kong hồi tháng 10 đã ban hành một sắc lệnh tạm thời, cấm người dân xuất bản hoặc lưu hành những thông tin “kích động hoặc đe doạ sử dụng bạo lực trên bất kỳ nền tảng Internet hay trung gian nào”. Đến thứ Hai tuần này, hệ thống tường lửa Internet của Trung Quốc đã “nuốt trọn” trình duyệt web Kuniao, cánh cổng được một số lượng không nhỏ người Hong Kong sử dụng để tiếp cận đến các mạng xã hội toàn cầu.
Iran
Trong khi đó tại Iran, các cuộc trấn áp phong trào biểu tình trên khắp đất nước này nhằm phản đối giá nhiên liệu gia tăng và tham nhũng tràn lan được cho là đã khiến 200 dân thường thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Chính quyền Iran đã cắt kết nối đến Internet toàn cầu trong gần 5 ngày (các trang web và dịch vụ trong nước thì vẫn hoạt động), và mới chỉ nối lại khả năng truy cập giới hạn vào hôm thứ Năm.
Một nhà đầu tư Bitcoin giấu tên sống tại Tehran, cho biết mình đã bị bắt vì chụp ảnh các cuộc biểu tình nhưng sau đó đã được thả ra. Anh tiết lộ cảnh sát đã lục tung điện thoại của mình, xem tất cả các cuộc trò chuyện online, lịch sử ứng dụng và hình ảnh. Chính vì thế nên giờ anh thưởng xuyên phải xoá các cuộc trò chuyện trên Twitter với các nhà đầu tư Bitcoin khác.
Nhà đầu tư này có một server cá nhân đặt tại nước ngoài, nên đã có thể tuỳ lúc lấy lại được chút kết nối Internet với bên ngoài. Anh nói:
“Tôi đã lập trình một giao thức bảo mật giữa trung tâm dữ liệu với một mạng lưới di động. Tôi đã vượt qua một vài server và mạng lưới để đến được các server bên rìa…Giờ tôi có thể thiết lập kết nối Internet với tốc độ 100Mbps.”
Bất chấp việc có thể truy cập Internet, nhà đầu tư ẩn danh cho biết các ứng dụng ví Bitcoin và các ứng dụng nhắn tin như Telegram vẫn bị chặn. Đó là chưa kể đến việc người dân Iran cũng khó có thể tiếp cận đến các server và dịch vụ nước ngoài vì nhiều công ty cấm người dùng đến từ quốc gia Trung Đông này vì lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
“Chúng tôi cứ như bị giam cầm trong cái nhà tù được cả chính quyền Iran và Mỹ xây nên,” nói thêm rằng cả vệ tinh Bitcoin của Blockchain và công nghệ kết nối mesh network cũng vô dụng khi bạn đang ở giữa một “sa mạc” Internet. “Khi không có kết nối mạng thì những công nghệ đó chẳng làm được cái thá gì cho chúng tôi cả.”
Lebanon
Hôm thứ Ba, người biểu tình Lebanon chiếm lấy Quảng trường Nejmeh tại thủ đô Beirut và ngăn quốc hội họp để phản đối cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình trạng tham nhũng đang bao trùm nơi đây.
Hoạt động giao dịch Bitcoin tại Lebanon – chủ yếu thông qua WhatsApp, Telegram và Facebook – vẫn tiến hành bình thường với giá chỉ chênh lệch chút đỉnh so với thị trường toàn cầu.
Sau một tuần đóng cửa, giới ngân hàng Lebanon tuần này đã giao dịch trở lại với hạn mức rút tiền mới là 1.000 USD. Nhiều người biểu tình sau đó đã xông vào ngân hàng trung ương để phản đối vì cho rằng chính quyền đã hành động quá trễ và cũng làm quá ít để giải quyết cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Một nhà đầu tư tiền điện tử cho biết: “Ở đây chẳng còn chút thanh khoản nào cả.”
Cách đây 2 tuần, một số nhà đầu tư Bitcoin phát hiện mình đã bị hacker truy cập vào điện thoại và ăn cắp tiền. Các nhóm đầu tư cứ thế xôn xao lên về việc liệu có thể tin tưởng các tài khoản giao dịch nữa hay không, dù chúng có ẩn danh đến cỡ nào. Theo thông tin từ trang tin tức địa phương VDL News, bọn tin tặc có thể đã biết cả địa chỉ nơi ở của các nạn nhân và truy cập đến tận mạng lưới viễn thông của Touch, chặn các tin nhắn của nạn nhân để lấy thông tin. Hai sàn giao dịch có liên quan tuyên bố hệ thống của họ không có lỗi trong vụ việc.
“Chúng có thể hack cả tài khoản WhatsApp, Telegram. Nghĩa là bạn không thể tin tưởng nhân dạng của mình trên cá thiết bị di động nữa. Bọn hacker có thể tạo xích mích giữa các bên, làm tài khoản ảo và mạo danh người dùng.”
Vậy nên vụ hack này là một hồi chuông cảnh tỉnh đến với cộng đồng địa phương. Nói cách khác, không thể nào thay thế được các buổi gặp mặt và networking trực tiếp, thiết lập mối quan hệ lâu dài. Thiếu chúng đi thì danh tính và ý định thật sự của cái người đằng sau bức ảnh đại diện mà bạn muốn giao thiệp sẽ chỉ là ẩn số, kéo dài thêm danh sách những thứ cần đề phòng trong thế giới tiền điện tử.
Thiếu đi tính thực tiễn
Trong cả ba trường hợp trên, dễ dàng có thể thấy cơ sở hạ tầng của Bitcoin vẫn chưa hoàn thiện.
Với một công nghệ vẫn còn khá mới thì kết quả này là khó tránh được, thế nhưng vấn đề nan giải chung vẫn là khả năng tiếp cận.
Tất cả những nhà đầu tư Bitcoin được hỏi ở trên đều cho rằng số đông mọi người không có kỹ năng, cũng như nhu cầu, để sử dụng Bitcoin. Người biểu tình ở Hong Kong còn thừa nhận là “số đông chúng tôi không biết cách để tận dụng Bitcoin phục vụ cho mục đích của mình”. Nếu có thể, người Hong Kong vẫn sẽ lệ thuộc vào các định chế tài chính truyền thống, họ nói.
Dữ liệu từ LocalBitcoins không ghi nhận bất kỳ sự gia tăng giao dịch nào từ Hong Kong và Iran, tương tự như hoạt động giao dịch trên các sàn tại Lebanon. Đa phần nhà đầu tư Bitcoin trong những ngày này chọn cách tự ẩn mình đi, vì sợ trở thành mục tiêu để chính quyền săn lùng và bắt giữ. Một nguồn tin từ Iran khác, dù đang ở nước ngoài nhưng cho biết vẫn có quan hệ mật thiết với cộng đồng Bitcoin tại thủ đô Tehran, tiết lộ những ai cố tình vượt qua sự kiểm duyệt Internet sẽ hứng chịu sự trừng phạt nặng nề.
“Những ai vận hành server (để hosting website, v.v) ở Iran đã nhận được tin nhắn SMS cảnh báo rằng việc hosting, mua bán hoặc phân phối dịch vụ VPN để truy cập vào các trang web bị kiểm duyệt (như là Telegram) thì đều là phạm pháp, và khuyến khích người dân trình báo các đối tượng đang làm vậy,” người này khẳng định.
Trong những trường hợp này, Bitcoin chỉ chứng minh được công dụng là vật lưu trữ giá hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Còn hoạt động giao dịch thì cực kỳ rủi ro. Một nhà đầu tư Bitcoin tại Lebanon nói:
“Thật nực cười khi thứ đầu tiên người ta nói đến khi nhắc về Bitcoin là mang lại sự tự do tiền tệ cho những ai không tiếp cận được với ngân hàng, nhưng họ lại quên nghĩ về việc người ta đã không thể tiếp cận được với ngân hàng thì làm sao có thể tìm đến với Bitcoin. Có cảm giác vì Bitcoin vẫn quá lạ lẫm, hoặc là một đặc quyền với số ít.”
Theo CoinDesk
Xem thêm: