Khi nhắc đến những cú Big Short của thế kỷ, ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Michael Burry, người đã từng một mình đi ngược lại với thị trường và gặt hái được nhiều lợi nhuận sau bong bóng nhà đất năm 2008. Tuy nhiên nếu nói Michael Burry là "thiên tài bán khống" thì khi nhắc đến George Soros, người ta phải dùng danh xưng "chúa tể bán khống". Bởi lẽ, những thương vụ bán khống của ông không những kiếm về cho ông 1 tỷ USD mà còn khiến đồng bảng Anh lung lay và thậm chí còn khiến Thủ tướng Anh John Major mất ghế.
George Soros là ai? Tiểu sử về người đàn ông từng đánh sập đồng bảng Anh
George Soros là ai?
George Soros (tên đầy đủ là Dzichdzhe Shorak) sinh ngày 12/08/1930 tại Hungary trong gia đình có gốc Do Thái. Tuổi thơ của ông diễn ra khá êm đềm cho đến năm 1939, Đệ nhị Thế chiến diễn ra với sự dẫn đầu của chủ nghĩa phát xít mà trong đó tư tưởng bài trừ Do Thái cực đoan được Hitler tôn sùng và đẩy mạnh nhất.
Và chuyện gì đến cũng phải đến, Soros khi đó 15 tuổi phải chứng kiến đồng bào của mình bị bắt đến những trại tập trung của Đức Quốc Xã, nơi được dựng nên nhằm tra tấn và sát hại những người Do Thái vô tội. Gia đình Soros là một trong số ít những người may mắn trốn chạy thành công khỏi cuộc diệt chủng này.
Chân dung George Soros
Sự nghiệp của George Soros
Hai năm sau khi thế chiến kết thúc, chàng trai George Soros cập bến nước Anh để bắt đầu giấc mơ tài chính của mình. Để có tiền mưu sinh, ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở Quaglino, một nhà hàng sang trọng tại London. Nhận thấy công việc chân tay không mang lại nhiều kiến thức cho mình, ông quyết định nhập học tại Học viện Kinh tế London.
Sau khi tốt nghiệp, nhờ vào mối quan hệ, ông được nhận vào Singer & Friedlander. Tuy vậy, ông nghỉ việc do cảm thấy không phù hợp. Tiếp đến một khoảng thời gian, nhờ vào mối quan hệ của mình mà ông được nhận vào làm tập sự cho một nhân viên môi giới chứng khoán. Kể từ đó, hàng triệu USD đã chảy vào túi của George Soros thông qua những thương vụ thành công.
George Soros và cú short lịch sử
Để nói về cú short làm nên lịch sử này chúng ta phải quay lại một chút về lịch sử kinh tế của Châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng.
Tình hình Châu Âu
Sau Đệ nhị Thế chiến, hầu hết các quốc gia Châu Âu đều rệu rã về mặt kinh tế, chỉ duy nhất Mỹ là kẻ thắng lợi nhờ việc buôn bán vũ khí cho cả hai phe. Nhìn thấy được sự bành trướng của Mỹ, các nước Châu Âu đều nhất trí sẽ phải chung tay tạo ra một thị trường chung đủ mạnh để chống lại các nguy cơ từ người Hoa Kỳ.
Tuy vậy, phải đến năm 1979, các nước Châu Âu mới chính thức ngồi lại với nhau để thảo luận về điều này. Và kết quả của việc này đó chính là tiền thân của đồng Euro - ERM (European Exchange Rate: Cơ chế tỷ giá hối đoái). Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng ERM là cơ chế được tạo ra nhằm bình ổn giá trị tất cả các đồng tiền nội tệ của các nước tham gia ERM thay vì thả nổi để thị trường thiết lập tỷ giá. Thời điểm đó, đồng mark của Đức được sử dụng để neo giá với cơ chế 1:±6%, có nghĩa các nước chấp nhận ERM sẽ neo giá trị đồng tiền quốc gia của họ không cao hơn hoặc thấp hơn 6% so với giá trị đồng Mark.
Tình hình nước Anh và nước đi sai lầm của Thủ tướng Major
Vào thời điểm ERM được xác lập, "bà đầm thép" Margaret Thatcher khi này đang đương chức Thủ tướng Anh, kiên quyết không chấp nhận việc gia nhập ERM. Lý do rất đơn giản bởi ở thời điểm đó, việc để thị trường thiết lập tỷ giá so với đồng bảng Anh tỏ ra có hiệu quả hơn nhiều, và rằng nếu tham gia ERM chỉ làm đồng bảng suy yếu thêm.
Tuy nhiên, sau khi bà Thatcher rời khỏi căn nhà số 10 đường Downing, người kế nhiệm bà là John Major đã ngay lập tức đưa nước Anh gia nhập vào ERM và đây được xem là nước đi biến ông trở thành vị thủ tướng kém cỏi nhất trong lịch sử của đảo quốc sương mù.
Thực chất, quyết định của Major là không hoàn toàn sai và nó đã thực sự thể hiện kết quả trong khoảng thời gian đầu. Lạm phát thấp, tỷ lệ người dân có việc làm tăng và nền kinh tế Anh vào thời điểm đầu thực sự đã khởi sắc. Đó là chỉ đến khi Đức quyết định “phản bội" lại đồng minh của mình.
Chân dung John Major
Chính sách tiền tệ sai dẫn đến thương vụ thành công của George Soros
Một trong những yếu điểm đầy chí mạng mà ERM mang lại cho đồng bảng Anh đó chính là việc thổi phồng giá trị của đồng tiền này lên quá cao, cụ thể là 2,95 lần giá trị thực. Nội các của ông Major và lưỡng đảng đều thấy được điều này nhưng quyết định làm ngơ vì những gì nó đang mang lại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính điều này đã sau đó đã trừng phạt họ. Trong một buổi phỏng vấn, Reimu Jochemsen, thành viên hội đồng quản trị của Bundesbank chia sẻ với tờ NY Times và Wall Street Journal rằng: “ERM có khả năng cao sẽ tái cơ cấu và sau đó đồng bảng Anh sẽ suy yếu và sự mất giá là không thể tránh khỏi.”
Tiếp lời người đồng cấp, Chủ tịch của Bundesbank chia sẻ: “Khả năng ngay cả sau khi Đức tái tổ chức và giảm lãi suất, một hoặc hai loại tiền tệ phải chịu áp lực.”
Từ đầu tháng 08/1992, George Soros cùng quỹ của ông đã mở vị thế bán khống trị giá 1,5 tỷ USD đặt cược vào sự sụt giá của đồng bảng Anh. Nguyên nhân của việc này được cho là do nội dung của bài phỏng vấn trên đã được xem bởi Stanley Druckenmiller, cánh tay phải của George Soros tại Quantum Fund. Bên cạnh việc lắng nghe tin tức, Quantum còn đánh giá ở tình huống ngược lại, nếu đồng bảng không giảm giá, nó cũng khó có khả năng tăng giá. Vì thế, họ đã tiếp tục cược thêm số tiền 8,5 tỷ USD nâng tổng giá trị lệnh lên 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, bản thân Soros cũng vay mượn bảng Anh khắp nơi, tất cả ai mượn được ông đều mượn. Ngày 16/09/1992, tức “ngày thứ Tư đen tối”, George Soros và Quantum đồng loạt bán và bán khống đồng bảng Anh. Chính phủ Anh khi đó đã nỗ lực mua lại 28 tỷ bảng nhưng nó là không đủ khi cả thế giới đang bán. Trong những nỗ lực nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng, chính phủ Anh liên tục tăng lãi suất từ 10% lên 15% tương đương 500 điểm.
Hậu quả của việc này, trong ngày tiếp theo Anh tuyên bố rút lui khỏi ERM và thả nổi giá trị đồng bảng Anh. Kết quả là George và Quantum Fund đã kiếm được 10 tỷ USD và bỏ túi 10% lợi nhuận từ việc đó. John Major đi vào lịch sử nước Anh với cương vị là vị thủ tướng kém cỏi nhất lịch sử và quyết định sai lầm của mình.
Tổng kết
Bên trên là những thông tin thú vị về George Soros, một nhà đầu tư đại tài và là người đánh sập hệ thống ngân hàng của một trong những nước giàu nhất thế giới. Triết lý đầu tư của ông lại vô cùng đơn giản, tin tức kèm theo việc tin vào bản thân đã khiến các thương vụ đầu tư của ông đầy thành công.