logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Tìm hiểu về Doppler - Giao thức triển khai token kết hợp đấu giá Hà Lan và bonding curve

-17/03/2025

Cốt lõi trong mô hình hoạt động của giao thức Doppler là Dutch Auction Dynamic Bonding Curve, đây là sự phối hợp nhịp nhàng của mô hình đấu giá kiểu Hà Lan và bonding curve truyền thống, nhằm mang đến một mô hình triển khai token công bằng hơn.

Tìm hiểu về Doppler - Giao thức triển khai token kết hợp đấu giá Hà Lan và bonding curve

Mở đầu

Sự phát triển của mô hình AMM (automated market maker) đã tạo ra thời kỳ bùng nổ DeFi và làm thay đổi hoàn toàn cách thức tạo lập thị trường cho các loại tài sản số trên không gian blockchain.

Thay vì cần phụ thuộc vào các sàn giao dịch tập trung và chờ đợi khớp lệnh theo mô hình order book, AMM sử dụng các công thức toán học để thực hiện giao dịch tự động mà không cần sự can thiệp hoặc tin tưởng bất kỳ bên thứ ba nào.

Cũng bởi vì tính chất permissionless, trustless mà nhiều năm qua hàng triệu tài sản crypto hoạt động theo mô hình này, đặc biệt là trong năm vừa rồi khi “phong trào pumpfun” nổ ra trên nhiều mạng lưới.

Công thức phổ biến của các AMM

Mặc dù vậy, mô hình AMM vẫn đang gặp phải những thách thức đáng kể. Đầu tiên, mô hình này yêu cầu một khoản vốn ban đầu để tạo lập thị trường.

Như chúng ta đã biết, các nhà tạo lập cần cung cấp thanh khoản 2 chiều (two-sided liquidity), bên cạnh token tự in dự án cần một lượng đáng kể token nền tảng có giá trị được công nhận như ETH, USDT, USDC hoặc các native token khác tuỳ mạng lưới, điều này có thể tạo ra rào cản cho những nhà phát triển hạn chế tiềm lực tài chính.

Mặc dù các phiên bản AMM về sau như CLMM của Uniswap v3 hay DLMM của Meteora cho phép thêm thanh khoản 1 chiều (single-sided liquidity) nhưng nó vẫn yêu cầu các nhà tạo lập phải có quan điểm về giá khởi đầu, hay nói cách khác là phải tự định giá dự án.

Điều này chỉ dẫn tới một thách thức tiếp theo cho cả dự án và người dùng là vấn đề khám phá định giá ban đầu (initial price discovery).

Nếu định giá quá cao người dùng sẽ từ chối giao dịch, tạo nên sự kiện niêm yết thất bại. Nếu định giá quá thấp token sẽ bị lợi dụng bởi các sniper bot, chúng sẽ ngay lập tức mua giá thấp và bán lại giá cao cho những người mua sau, điều này tạo nên những tổn thất không đáng có cho dự án.

Những nhà đầu tư quan tâm tới sản phẩm, chiều sâu dự án muốn mua và nắm giữ lâu dài thì ngay lập tức bị thua lỗ, còn những sniper bot vốn dĩ chỉ quan tâm tới lợi nhuận ngắn hạn theo từng phút thì kiếm khoản lợi khổng lồ.

Phong trào pumpfun vừa rồi cho thấy một thực tế rằng cuộc chơi bonding curve luôn nằm trong tay những con bot, không một người dùng thật nào có thể cạnh tranh. Thậm chí có những dự án bot mua hoàn toàn số lượng token được bán trong bonding curve, rồi xả lên đầu những người mua sau một cách nhanh chóng.

Những chart kiểu 1 phút tốt nghiệp, 1 giờ vốn hoá trăm triệu sau đó rugpull về vài nghìn đô trong chưa đầy 1 phút là chuyện diễn ra thường xuyên trên pumpfun. Bởi lẽ đội ngũ thao túng sử dụng bot mua toàn bộ token bên dưới để đẩy vốn hoá lên cao, không một ai mua được vị thế thấp hơn nên nếu cần thiết bot sẽ xả toàn bộ token ra để thu hồi vốn về mà chỉ phải chịu một phần thiệt hại rất nhỏ phí giao dịch.

Rõ ràng vấn đề khám phá định giá ban đầu của dự án là rất quan trọng để cuộc chơi trở nên công bằng.

Mô hình chart bị sniper kiểm soát nguồn cung phổ biến trên pumpfun

Những thực tế này cho thấy môi trường crypto cần một mô hình triển khai token công bằng, mang lại lợi ích cho cả dự án và nhà đầu tư.

Các nhà phát triển tại Whetstone Research đã giới thiệu một mô hình triển khai token mới là sự kết hợp của đấu giá Hà Lan và bonding curve với nhiều tiềm năng ứng dụng. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về Dutch Auction Dynamic Bonding Curve và giao thức Doppler trong các phần tiếp theo.

Mô hình Dutch Auction Dynamic Bonding Curve

Cốt lõi trong mô hình hoạt động của giao thức Doppler là Dutch Auction Dynamic Bonding Curve, đây là sự phối hợp nhịp nhàng của mô hình đấu giá kiểu Hà Lan và bonding curve truyền thống, trước tiên chúng ta cùng nhắc lại về hai mô hình này.

Dutch Auction - Đấu giá Hà Lan

Đấu giá Hà Lan hay còn gọi là đấu giá giảm dần là hình thức đấu giá mà giá của tài sản được chào bán với mức khởi điểm rất cao, sau đó giảm dần theo thời gian cho đến khi có người sẵn sàng mua.

Tương tự như vậy, trong thị trường cryptocurrency đấu giá kiểu Hà Lan thường được triển khai thông qua một smart contract với các bước giá giảm dần theo thời gian quy định sẵn, khi có người sẵn sàng chấp nhận mức giá thì giao dịch sẽ được thực hiện.

Đấu giá Hà Lan được chứng minh là loại bỏ hoàn toàn sự thao túng của Bot và các hình thức tấn công MEV (Miner Extractable Value). Do giá được giảm dần từ cao xuống thấp nên việc sử dụng sniper bot là hoàn toàn vô nghĩa, cuộc chơi không dành cho những người “tay nhanh hơn não” mà cho những nghiên cứu định giá dự án. Người tham gia phải tự xác định nên bắt đầu mua vào ở vùng nào, từ đó việc khám phá định giá ban đầu cho dự án được chuyển từ tay nhà tạo lập sang nhà đầu tư.

Ngoài ra, thông qua triển khai token theo hình thức này, các nhà tạo lập cũng không cần cung cấp thanh khoản 2 phía mà chỉ cần để giá giảm dần theo thời gian cho đến khi những nhà đầu tư chấp nhận. Mô hình này thực sự hữu ích với các dự án có ý tưởng tốt nhưng hạn chế về mặt nguồn lực tài chính.

Bonding Curve

Bonding curve là một mô hình toán học được ứng dụng trong nền kinh tế cryptocurrency, nó xác định mối quan hệ giữa nguồn cung và giá token. Công thức này được định nghĩa và thực thi tự động thông qua smart contract.

Về cơ bản, công thức của một bonding curve là: P = f(S), trong đó P là giá token, S là nguồn cung lưu thông và f là một hàm tính toán được định nghĩa riêng. Hàm f có thể khác nhau với cùng một loại token dẫn đến hình dạng các đường con cũng khác nhau.

Ví dụ về các mô hình bonding curve khác nhau

Bonding curve phản ánh trực tiếp mối quan hệ cung - cầu của một tài sản, giá sẽ tăng lên khi nhu cầu tăng và ngược lại, hay nói cách khác là định giá liên tục dựa trên cung cầu. Sự gia tăng hoặc giảm đi này được xác định thông qua công thức toán học một cách tự động, từ đó đảm bảo sự vận hành liên tục của thị trường một cách minh bạch mà không cần tin tưởng bên thứ ba.

Bonding curve đã phổ biến và trở thành tiêu chuẩn triển khai token trong suốt nhiều năm qua, các dự án điển hình có thể kể đến là pump.fun, friend.tech, four.meme. Các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap, Pancakeswap cũng đều hoạt động dựa trên mô hình bonding curve này.

Tuy mang lại nhiều lợi ích vượt trội nhưng như đã đề cập trong phần giới thiệu, khi áp dụng vào hoạt động triển khai token nó sẽ gây ra những thách thức lớn trong việc xây dựng môi trường giao dịch công bằng.

Những điều này dẫn dắt các nhà phát triển tại Whitestone Research đến với suy nghĩ kết hợp cả hai mô hình đấu giá Hà Lan và bonding curve lại với nhau. Đây là nền tảng cho sự ra đời của Dutch Auction Dynamic Bonding Curve.

Dutch Auction Dynamic Bonding Curve

Dutch Auction Dynamic Bonding Curve (DADBC) là sự kết hợp nhịp nhàng của cả Dutch auction và bonding curve. Một đợt triển khai token được bắt đầu với Dutch auction, theo đó giá sẽ bắt đầu giảm từ mốc rất cao cho đến khi tìm được vùng mua mà nhà đầu tư chấp nhận, sau đó bonding curve động sẽ bắt đầu tiếp quản đường giá.

Từ khoá “dynamic - động” được thêm vào vì đường cong giá này không cố định mà thay đổi linh hoạt theo cung cầu thị trường. Nếu lực mua quá mạnh đường cong sẽ dịch lên phía trên làm giá tăng, nếu lực mua quá thấp đường cong sẽ dịch xuống phía dưới làm giá giảm tạo điều kiện cho lực mua. Các bạn có thể xem ảnh minh hoạ bên dưới.

Cụ thể như sau:

Dutch Auction Dynamic Bonding Curve sử dụng cơ chế tick trong Uniswap v3 để thực hiện các bước tăng giảm giá.

Nếu bạn chưa biết thì kể từ phiên bản thứ ba, Uniswap sử dụng “tick” để phân khúc giá thành các mức nhỏ rời rạc nhằm phục vụ mô hình thanh khoản tập trung (CLMM). Mỗi tick là một bước thay đổi nhỏ về giá được xác định bởi công thức: Price=1.0001tick. Việc phân khúc giá theo tick giúp tăng hiệu quả cung cấp thanh khoản trong mô hình CLMM.

Nhìn chung, để tránh phức tạp, bạn chỉ cần nắm được rằng giá tăng giảm trong Dutch Auction Dynamic Bonding Curve sẽ di chuyển từng bước theo tick chứ không phải số tuỳ ý.

Biểu đồ trên thể hiện rằng trong giai đoạn Dutch Auction, giá sẽ được giảm từ một mốc xác định maxTick về minTick trong một khoảng thời gian xác định. Khung thời gian thực hiện mỗi bước giảm là một epoch.

Giá sẽ liên tục suy giảm sau mỗi epoch cho đến khi tìm được vùng cầu, sau đó Dynamic Bonding Curve sẽ tiếp quản.

Bây giờ đến giai đoạn Dynamic Bonding Curve, để hiểu được cách thức hoạt động, bạn cần biết công thức tính toán đường cong trong mô hình như sau:

Công thức xác định đường cong của Dynamic Bonding Curve

Trong đó:

  • bc(t): giá trị của bonding curve tại thời điểm t, sử dụng để tính ra giá của tài sản tại thời điểm đó. 𝑝(𝑡)= 1.0001𝑏𝑐 (𝑡).
  • γ: tham số quy định độ dốc của bonding curve.
  • tmax: tổng thời gian bán token.
  • τt: origin tick, gốc hay điểm bắt đầu của bonding curve tại thời điểm t.

Như vậy, bên cạnh độ dốc và thời gian, tham số quan trọng chúng ta cần quan tâm là τt (origin tick) - nơi mà đường cong bắt đầu, đây là điểm mấu chốt trong cơ chế động của dynamic bonding curve.

τt (origin tick) sẽ quyết định bonding curve dịch chuyển lên trên hay xuống dưới tại thời điểm t, từ đó điều chỉnh mức giá mua bán phù hợp với nhu cầu thị trường.

τt được xác định bởi công thức như bên trên. Trong đó:

  • startingTick: tick khởi đầu, là tham số tĩnh được xác định từ đầu.

  • tickAccumulator(t): là tick lũy kế trong quá trình điều chỉnh liên tục của bonding curve.

tickAccumulator(t) là tổng luỹ kế của tickDelta.

tickDelta là tham số biểu diễn mức độ thay đổi giá trị tick sau mỗi lần điều chỉnh đường cong. Nó được xác định theo 3 trường hợp:

Trong công thức bên trên có một biến mới là:

  • λt: số lượng token dự kiến bán được trong epoch t.

  • 𝜆𝑡^: số lượng token bán được thực tế trong epoch t. 

 Có 3 trường hợp xảy ra:

  • Nếu: 𝜆𝑡^ ≤ 0, tức số lượng token bán ra thực tế nhỏ hơn 0 => tickDelta sẽ được gán cho bằng maxDelta.

  • Nếu: 0 < 𝜆𝑡^ < λt, tức số lượng token bán ra thực tế lớn hơn 0 nhưng vẫn ít hơn kỳ vọng => tickDelta sẽ được xác định bằng công thức: maxDelta*(𝜆𝑡^/λt).

  • Nếu 𝜆𝑡^ ≥ λt, tức số lượng token bán ra lớn hơn kỳ vọng thì tickDelta sẽ được xác định bằng công thức: tickDeltau,t.

  • maxDelta được xác định bằng công thức bên dưới.

Công thức tính tickDeltau,t trong trường hợp mức bán ra lớn hơn kỳ vọng thì phức tạp hơn một chút vì cần kết hợp với tham số i(c) là vị trí tick hiện tại của pool thanh khoản.

Như vậy, tổng kết lại bằng việc chia chiến dịch launch token thành các epoch và so sánh doanh số bán kỳ vọng với doanh số bán thực tế, bonding curve đã được điều chỉnh liên tục theo cung cầu thị trường.

Sau khi kết thúc giai đoạn này, toàn bộ thanh khoản được trải qua sự kiện gọi là Migration để chuyển sang giao dịch tự do. 

Bỏ qua những công thức tính toán phức tạp, chúng ta thấy được gì. Bằng việc kết hợp mượt mà giữa Dutch auction và bonding curve, mô hình này cho thấy một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt đối với hoạt động triển khai token mới.

Sự điều chỉnh giá liên tục dựa trên cung cầu giúp loại bỏ đi thao túng của sniper bot, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư. Về phía dự án, họ cũng không cần cung cấp một khối lượng lớn thanh khoản ban đầu để tạo lập thị trường. Mô hình này có thể coi là lợi cả đôi đường.

Bên cạnh ưu điểm, Dutch Auction Dynamic Bonding Curve cũng tồn tại một số hạn chế như việc triển khai đấu giá ngược từ cao xuống thấp sẽ tạo ra áp lực về mặt thời gian chờ đợi, tâm lý bỏ lỡ cơ hội có thể khiến các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua giá cao hơn mong muốn.

Bên cạnh đó vì không còn hiệu ứng fomo đường giá nên phương pháp này buộc dự án cần xây dựng được niềm tin trước quá trình mở bán. Nếu không thu hút được nhà đầu tư, có thể giá sẽ giảm về mức rất thấp mà không ai mua.

Cuối cùng, không phải là không có sự thao túng ở mô hình này. Nếu nhóm thao túng cố tình tạo vùng giá mua khởi đầu ở mức cao và bắt đầu đánh lên, có thể những nhà đầu tư bên ngoài sẽ bị fomo và quyết định mua vào sớm. Nhưng dù sao mô hình này cũng sẽ hạn chế, vì nếu các nhà đầu tư kiên định với mốc định giá của họ và nhất quyết không mua thì đến một thời điểm nào đó nhóm thao túng sẽ không còn đủ tiền để tiếp tục mua vào ở mức định giá cao, sau đó giá sẽ giảm dần theo sự điều chỉnh của dynamic bonding curve, và chính những kẻ thao túng sẽ là người chịu lỗ.

Trên đây chúng ta đã đi qua nội dung quan trọng nhất trong mô hình hoạt động của Doppler, tiếp theo là kiến trúc cũng như các thành phần trong mô hình của toàn bộ giao thức.

Giao thức Doppler

Doppler là giao thức đầu tiên sử dụng mô hình Dutch Auction Dynamic Bonding Curve cho việc triển khai token và thanh khoản trên hệ sinh thái EVM (Ethereum Virtual Machine).

Doppler được thiết kế với kiến trúc modular gồm nhiều thành phần cho phép người dùng triển khai dự án liền mạch từ token đến thanh khoản. Kiến trúc modular cũng giúp các dự án dễ dàng tùy biến và lắp ghép các module riêng lẻ theo nhu cầu.

Doppler có 5 module chính bao gồm: Token Factory, Liquidity Factory, Migration Factory, Timelock Factory và Vesting Module. Các module này được hoạt động thông qua sự điều phối của module trung tâm có tên Airlock.

Vòng đời của một token triển khai trên Doppler bao gồm:

  • Token generation: Token được tạo mới thông qua Token Factory với các tiêu chuẩn bảo mật xác định.

  • Liquidity bootstrapping: Sử dụng Dutch Auction Dynamic Bonding Curve để tạo thanh khoản ban đầu.

  • AMM migration: Tự động chuyển thanh khoản đã khởi tạo sang các AMM truyền thống.

  • Liquidity protection: Bảo vệ thanh khoản nếu được yêu cầu thông qua Timelock Factory và Vesting Module.

Token Factory

Token Factory là module tạo token theo một tiêu chuẩn định sẵn. Điều này khá quan trọng bởi vì trong không gian web3 người dùng luôn phải đối mặt với các rủi ro lừa đảo, rugpull. Nếu không có kiến thức lập trình rất khó khăn để những người dùng thông thường biết được token đó độc hại hay không. Việc xây dựng quy chuẩn bảo mật sẵn được công nhận, các token triển khai từ Token Factory của Doppler sẽ giúp người dùng tránh khỏi những rủi ro này.

Điều này tương tự như khi bạn chỉ cần kiểm tra một token thuộc mạng Solana có được phát hành từ pumpfun hay không, nếu nó được sản xuất bởi pumpfun thì bạn có thể yên tâm rằng, sẽ không xảy ra tình trạng khóa sell, đặt tax cao hoặc có khả năng mint thêm token mới. Token Factory của Doppler làm điều tương tự nhưng bằng tiêu chuẩn ERC-20 trên EVM.

Liquidity Factory

Liquidity Factory là module sử dụng Dutch Auction Dynamic Bonding Curve để tạo lập thanh khoản mà chúng ta đã phân tích bên trên. Nó chịu trách nhiệm tìm kiếm vùng giá ban đầu, điều phối giá theo cung cầu để khởi động thanh khoản cho token.

Liquidity Factory được xây dựng dựa trên Uniswap v4 nhờ cơ chế hook trong bản cập nhật vừa qua. Nhưng dự án cũng đề cập rằng, Liquidity Factory có khả năng tương thích với Uniswap v3 và các AMM phổ biến khác.

Nếu lượng thanh khoản tạo ra đủ yêu cầu thì Airlock sẽ điều phối để chuyển giao nhiệm vụ cho Migration module. Trong trường hợp ngược lại Airlock sẽ tiến hành hoàn vốn lại cho người dùng đã tham gia.

Migration Factory

Migration Factory thực hiện nhiệm vụ chuyển giao thanh khoản sau giai đoạn được khởi tạo ban đầu từ Liquidity Factory sang các giao thức AMM, từ đây token có thể được giao dịch tự do trên thị trường.

Timelock Factory

Timelock Factory tập trung vào việc tạo ra các hợp đồng khóa thời gian (timelock contract) nhằm bảo vệ và ổn định thanh khoản của token sau giai đoạn niêm yết. Việc khoá thanh khoản tự động giúp người dùng tránh khỏi tình trạng rugpull đột ngột.

Vesting Module

Vesting Module là module cho phép thiết lập các phân phối token theo lịch trình vesting. Nó mang lại khả năng bảo vệ người dùng khỏi rủi ro bán tháo, đồng thời tạo động lực gắn bó lâu dài cho đội ngũ phát triển dự án.

Giao thức Doppler đã triển khai phiên bản chính thức và opensource, các bạn có thể tham khảo tại địa chỉ Github này. Ngoài ra, dự án cũng đã xây dựng một phiên bản pumpfun sử dụng Dutch Auction Dynamic Bonding Curve có tên Pure.st, các bạn có thể trải nghiệm tại đây.

Lời kết

DopplerDutch Auction Dynamic Bonding Curve là một cải tiến đáng chú ý của thị trường cryptocurrency, đặc biệt là trong bối cảnh nạn sniper bot hoành hành khắp các blockchain. Việc tạo ra một môi trường công bằng hơn cho tất cả người tham sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của dòng vốn nghiêm túc.

Doppler và Dutch Auction Dynamic Bonding Curve có thể sẽ phù hợp hơn với các dự án đề cao tính giá trị và có tầm nhìn dài hạn. Khi đó các nhà phát triển có thể sử dụng để khởi tạo thanh khoản công bằng, cùng với đó là động lực gắn bó dài hạn thông qua tính năng vesting tự động.

Nhưng để nhận định rằng mô hình này có trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường crypto hay không thì chưa thể có câu trả lời. Bởi vì thực tế phũ phàng là hầu hết điều mà các dự án crypto hướng tới là kiểm soát nguồn cung, fomo đường giá và xả token. Kiếm lợi nhuận thông qua cách này nhanh và dễ hơn trăm nghìn lần so với việc xây dựng tính năng sản phẩm, tạo ra giá trị thặng dư dài hạn. Do vậy, các token thường có xu hướng bị chính các dự án thao túng, vì vậy một mô hình triển khai token công bằng, minh bạch chưa chắc là điều mà họ mong muốn.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Doppler và mô hình Dutch Auction Dynamic Bonding Curve, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.

Kudō

-17/03/2025
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68