logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Liệu đã đến thời điểm Crypto Gaming thay đổi để tồn tại?

-07/06/2022

Dù chỉ mới xuất hiện và bắt đầu nổi lên khoảng một năm trở lại đây với cái tên tiên phong Axie Infinity, Crypto Gaming đã thành công trở thành một xu hướng không thể phớt lờ trong cộng đồng nhà đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đã có dấu hiệu rút khỏi lĩnh vực non trẻ này rất nhanh chóng sau giai đoạn bùng nổ, khi hầu hết người dùng quyết định bỏ cuộc chơi khi đạt được mức thu nhập mong muốn.

Liệu đã đến thời điểm Crypto Gaming thay đổi để tồn tại?

Lưu ý: Bài viết có thể hiện quan điểm và nhận định cá nhân của tác giả. Không nên được xem làm lời khuyên đầu tư.

Vào thời điểm hiện tại, bầu không khí tiêu cực bao trùm lên toàn bộ không gian crypto còn khiến tình huống thêm tồi tệ cho Crypto Gaming. Do đó, đã đến lúc lĩnh vực Crypto Gaming phải thực hiện tái cấu trúc, hoặc chết.

Ngưng áp lối tư duy đầu cơ từ thị trường NFT vào GameFi

Việc bỏ ra hàng nghìn USD chỉ để chơi một trò chơi điện tử là một quyết định hết sức ngớ ngẩn. Nhưng Axie từng khiến ngưỡng giá đó trở thành mức phí tham gia phổ biến trong thời kỳ phát triển đỉnh cao của mình.

Lý do một phần đến từ sức ảnh hưởng của thị trường NFT. Vào thời điểm đó, có những bộ sưu tập NFT được nâng giá lên tới hàng triệu đô la nhưng vẫn thu hút lượng lớn nhà đầu tư với tư tưởng đầu cơ: mua và hold đến khi giá cao hơn thì bán lại. Nên việc bỏ ra nghìn đô để mua in-game NFT bỗng nhiên trở nên không quá phi lý.

Tuy nhiên, mức giá này không chỉ tăng độ rủi ro cho nhà đầu tư, mà còn tạo áp lực lên nền kinh tế trong game. Bởi một khi phải bỏ ra hàng nghìn đô để tham gia chơi, tâm lý của người chơi tất nhiên sẽ muốn thu hồi được vốn nhanh nhất có thể. Các hoạt động khai thác tài nguyên trong game (token/NFT asset) được thực hiện một cách ồ ạt có thể đẩy nền kinh tế trong game vào tình trạng lạm phát, yêu cầu game phải thu hút thêm lượng lớn người chơi mới để cân bằng lại cán cân cung cầu.

Về phía nhà đầu tư, áp lực vốn đầu vào lớn cũng khiến họ phải đổ mồ hôi tính toán, khó có tâm trạng thực sự tận hưởng trò chơi. Một số nhà đầu tư có thể phản đối rằng các Play-to-Earn Gaming Guild ra đời là để khắc phục điều đó. Nhưng nếu nhìn nhận từ gốc rễ vấn đề, Crypto Gaming vốn ra đời với ý tưởng cho phép người chơi hoàn toàn sở hữu tài sản trong game của mình. Vì vậy, giải pháp “cho thuê” NFT của các Guild khiến ý tưởng đó trở nên vô nghĩa.

Tổng quan các dự án GameFi và Metaverse

Ngừng sao chép các mô hình “Ponzi” tại hệ sinh thái DeFi

Nếu tinh ý một chút, các nhà đầu tư có lẽ đã nhận ra những tựa game play-to-earn đầu tiên chính là sự kết hợp các đặc tính của thị trường NFT và mô hình của DeFi. Trong khi không ít nhà đầu tư chấp nhận mua in-game NFT với giá cao và hy vọng sẽ được bán lại với giá cao hơn, số khác lại mua game token và mong muốn kiếm thêm thu nhập thụ động thông qua staking pool mà không cần chơi.

Việc áp dụng các mô hình khuyến mãi học từ hệ sinh thái DeFi quả thực đã giúp không ít crypto game thu hút người chơi ban đầu một cách dễ dàng, nhưng cũng gây tổn hại cho chính nền kinh tế trong game về lâu dài.

Lấy ví dụ như mô hình staking trong mảng GameFi hiện tại được áp dụng theo 2 cách chính: stake token quản trị để nhận thêm token quản trị, hoặc nhận về một phần doanh thu trong game. Về bản chất, cả 2 mô hình này đều cổ vũ hoạt động đầu cơ, giúp nhà đầu tư vốn lớn kiếm thêm lợi nhuận một cách dễ dàng hơn mà không cần chơi game. Nói cách khác, nó không đem lại ý nghĩa thực sự cho quá trình phát triển bền vững của game. Trái lại, mô hình đầu tiên thậm chí còn có thể gây ra hiện tượng lạm phát token quản trị nghiêm trọng, tăng nguy cơ sập giá.

Tất nhiên, các mô hình đột phá của không gian DeFi không phải lúc nào cũng gây tổn hại đến các play-to-earn game. Vấn đề cần giải quyết ở đây là chúng cần được áp dụng một cách có chọn lọc và sáng tạo hơn. Gần đây, một số dự án như StarShark, Elpis Battle có ý tưởng trao quyền định hướng thiết kế lối chơi cũng như các thông số trong game cho chính người chơi thông qua hoạt động sở hữu token quản trị. Đây có thể sẽ là một ý tưởng đáng quan sát và học hỏi trong thời gian tới.

Loại bỏ kỳ vọng thu lợi nhuận lớn từ crypto gaming

Như đã giải thích ở phần trên, hầu hết người chơi đều có kỳ vọng thu về lợi nhuận khủng khi tìm đến crypto gaming thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hiện chưa có play-to-earn game nào có thể đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho người chơi mà không gặp phải tình trạng lạm phát nghiêm trọng.

Do đó, để có thể đi đường dài, crypto gaming cần thay đổi được kỳ vọng của người chơi, từ việc tham gia để kiếm tiền nhanh sang chơi giải trí là chính và có khả năng lấy lại một phần lợi nhuận từ thời gian mình đã bỏ vào.

DOTA 2 là một ví dụ điển hình của mô hình này. Tựa game này không phải là một Play-to-earn game, nhưng người dùng vẫn có thể chuyển nhượng lại phần thưởng trong game của mình cho người khác và về lượng lợi nhuận nhất định. Và trên thực tế, dù phần lớn người chơi đều tiêu nhiều tiền vào DOTA 2 hơn khoản thu về, họ vẫn rất vui vẻ tận hưởng.

Nói tóm lại, các trò chơi tiền điện tử cần phải thay đổi mục tiêu hoạt động từ play-to-earn sang play-and-earn trước rồi mới có thể nghĩ đến khả năng phát triển bền vững.

Tổng quan các Gaming Guild trong khu vực Đông Nam Á

Xây dựng một “trò chơi thực sự”

Hầu hết các crypto game được ra mắt trong thời gian vừa qua đều có lối chơi xây dựng rất sơ sài. Tất cả những gì người chơi cần làm là nhấp chuột và breeding. Do đó, khả năng níu chân người chơi của các game này khi khả năng sinh lời có vấn đề gần như bằng không. Không có người dùng nào sẵn lòng chơi tiếp nếu không thu về lợi nhuận, và họ rời đi nhanh chóng ngay khi thấy dấu hiệu suy giảm lợi nhuận.

Tệ hơn, nhiều crypto game đã khốn đốn khi một số cá nhân hoặc gaming guild bỏ một số vốn lớn ra mua NFT asset, breeding hàng loạt rồi xả ra thị trường.

Vậy nên, bước tiếp theo để hướng đến việc phát triển bền vững các crypto game cần thực hiện chính là xây dựng những “trò chơi thực sự”, có thể mang lại niềm vui và thu hút người chơi thay vì chỉ click kiếm tiền.

Tuy nhiên, cũng phải giải thích thêm rằng không phải “clicking game” nào cũng tệ, hãy cùng nhớ lại các trò chơi nông trại đã một thời khiến người chơi say mê thế nào. Mấu chốt ở đây là các nhà sản xuất game cần thực sự bỏ công sức ra để xây dựng lối chơi. Chill Chat, Nekoverse, Big Time, CyBall hay Elpis Battle là một số “clicking game” khá chú trọng vào yếu tố chiến lược trên thị trường crypto game hiện nay.

Thay đổi để hướng tới tương lai

Nhìn chung, không chỉ lĩnh vực GameFi mà cả không gian crypto đều đang lâm vào thế khó những tháng gần đây. Không ít tựa game đã bị xóa sổ khi người chơi lũ lượt thoát vốn rời đi. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng ngừng cần thiết để thị trường có thể nhìn nhận lại các vấn đề tồn đọng và tìm ra các giải pháp khắc phục để lĩnh vực này có thể phát triển ổn định hơn trong tương lai.

Julian

Xem thêm các bài viết khác của tác giả Julian:

-07/06/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68