Dự án blockchain TON dài hơi của ứng dụng nhắn tin Telegram đã đi đến hồi kết không mấy tốt đẹp cho Telegram, theo tuyên bố của nhà sáng lập Pavel Durov vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.
Trong một tin nhắn gửi đến kênh Telegram chính thức của mình, Durov cho biết nguyên nhân chính dẫn đến cái kết “đau lòng” cho đội ngũ phát triển Telegram là do những tranh cãi với nhà quản lý Hoa Kỳ. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ đã khởi kiện Telegram hồi quý 3 năm ngoái nhằm ngăn chặn phân phối token TON cho nhà đầu tư Mỹ. Đợt bán token này đã huy động được 1,7 tỷ USD.
Durov: Tòa án Mỹ đã vi phạm chủ quyền pháp lý quốc tế
Trong bài đăng, với tiêu đề “TON là gì và tại sao TON đã phải dừng lại,” CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram cho biết quyết định của mình là do lệnh của Tòa án Hoa Kỳ cấm Telegram phân phối token Gram ở bất kỳ nơi nào trên thế giới:
“Tòa án Hoa Kỳ tuyên án là Gram không thể được phân phối không chỉ tại Mỹ, mà là trên toàn cầu. Tại sao? Vì, theo tòa thì người Mỹ có thể sẽ tìm cách tiếp cận nền tảng TON sau khi nó được triển khai. Vì vậy, để ngăn chặn rủi ro này, Gram không được phép phân phối token ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thậm chí ở nơi đó (nơi có quyền tài phán độc lập) hoàn toàn ủng hộ TON.”
Durov phê phán tính kiểm soát của Hoa Kỳ lên nền tài chính và công nghệ thế giới khi ngăn chặn một dự án công nghệ hoạt động dựa trên nguyên tắc phi tập trung như Telegram được phát triển trên phạm vi quốc tế.
“Thật không may, 96% dân số thế giới lại phải phụ thuộc vào quyết định của 4% dân số sinh sống tại Hoa Kỳ.”
CEO Telegram nhấn mạnh rằng quyết định của tòa án đã vi phạm quyền tài phán của các quốc gia khác trên thế giới:
“Quyết định này của tòa ngụ ý rằng các quốc gia không có quyền được quyết định cái gì tốt, cái gì là có hại đối với công dân của quốc gia đó. Nếu Mỹ đột nhiên cấm cà phê và yêu cầu các tiệm cà phê ở Ý đóng cửa vì dân Mỹ có thể sẽ tới đó uống cà phê thì tôi nghĩ chả ai đồng ý đâu.”
Lược sử Telegram cùng dự án TON và SEC
Sau khi dự án TON bị cấm, Telegram đã chính thức thua cuộc trong cuộc chiến pháp lý dài hơi với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ. SEC đã thực hiện nhiều động thái pháp lý với Telegram hồi tháng 10 năm ngoái, chỉ vài ngày trước khi Telegram chính thức triển khai mạng lưới TON. Trong đơn khởi kiện, SEC cáo buộc Telegram đã vi phạm luật Chứng khoán Hoa Kỳ đối với dự án ICO trị giá 1,7 tỷ USD hồi năm 2018.
Tới tháng 3 năm nay, 2020, Tòa án quyết định là SEC đã chứng minh được Gram là một loại chứng khoán chưa đăng ký. CEO của Telegram sau đó đã công bố kế hoạch hoàn tiền vào ngày 30/04, ngầm hiểu là đã chấp nhận quyết định của tòa án.
Telegram rời TON, kịch bản mới nào dành cho cộng đồng
Việc Telegram rút khỏi dự án TON không hẳn là cái kết cho câu chuyện của blockchain TON. Tuyên bố của Durov được đưa ra chỉ sau khi Free TON, một cộng đồng validator độc lập, triển khai blockchain TON một cách độc lập hồi ngày 07/05.
Xem thêm: Cpen Network là gì?
Mitja Goroshevsky, thành viên chủ chốt của cộng đồng phát triển này, kiêm CTO tại TON Labs, đơn vị thứ 3 phát triển hạ tầng TON, đã nhận định như sau:
“Bây giờ thì quá rõ rồi, Pavel buộc phải làm vậy. Nhưng tôi đồng tình với quan điểm của Pavel nhất là câu cuối cùng về công nghệ phân quyền. Đây cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Free TON. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và phân tối TON trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ đưa TON đến tay của hàng triệu người dân trên thế giới. Chúng tôi không ái ngại gì vì đó là mục tiêu chính đáng.”
Có thể bạn quan tâm:
- Telegram bất ngờ yêu cầu nhà đầu tư Mỹ rút khỏi dự án TON, chấp nhận hoàn tiền 72%
- Telegram triển khai testnet blockchain TON và phần mềm vận hành node
Coin68 tổng hợp