Cuối cùng thì những nỗ lực tiếp nhận tiền mã hóa tại Nga đã gặt hái được thành công khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương đã đồng ý về một chế độ cởi mở cho việc lưu hành crypto tại quốc gia.
Theo nguồn tin Kommersant, tờ báo kinh tế thương mại nổi tiếng của Nga, vào ngày 18 tháng 2, cả chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ chuẩn bị một dự thảo luật về việc lưu hành crypto trong nước, trong đó tiền mã hóa được công nhận là một loại tiền tệ chứ không phải tài sản tài chính kỹ thuật số (DFA). Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm 2022 hoặc vào năm 2023.
Hoạt động hợp pháp chỉ có thể được thực hiện khi có đầy đủ giấy tờ tùy thân, thông qua hệ thống ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian được cấp phép, với mức giao dịch quy định tương đương hơn 600.000 rúp ( khoảng 7967.69 USD). Thực hiện giao dịch bên ngoài lĩnh vực pháp lý trên và trốn tránh báo cáo sẽ là một hành vi phạm tội, đồng thời bị phạt khi chấp nhận tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán.
Có thể nói, đây là kết quả rất được mong đợi từ nhà đầu tư sau khoảng 3 tuần phải đối mặt với tình trạng pháp lý căng thẳng tại Nga. Rất nhiều cơ quan chính phủ đã lên tiếng phản đối gay gắt đề xuất cấm thẳng tay tiền mã hóa được Ngân hàng trung ương Nga đưa ra vào ngày 20 tháng 1. Đơn cử là Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp và phát biểu ủng hộ ngành khai thác crypto của Tổng thống Putin.
Mặt khác, các nhà chức trách Nga có thể thu tới 13 tỷ USD từ việc đánh thuế thị trường tiền mã hóa. Vì thị phần của Nga trên thị trường crypto toàn cầu rơi vào khoảng 12%, đồng nghĩa với việc người dân Nga đang sở hữu hơn 200 tỷ USD loại tài sản này. Do đó, đây cũng là động lực rất lớn tác động đến quyết định mở cửa của chính phủ Nga.
Ước tính cho thấy, tùy thuộc vào mức thuế, nhà nước có thể thu từ 90 đến 180 tỷ rúp (từ 1,2 đến 2,4 tỷ USD) mỗi năm từ các sàn giao dịch tiền điện tử hợp pháp và bỏ túi thêm 606 tỷ rúp (8 tỷ USD) bằng cách đánh thuế thu nhập nhà đầu tư trực tiếp vào thị trường.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Công nghiệp Duma Quốc gia Vladimir Gutenev đã đề xuất mức thuế thu nhập tối thiểu là 15% cho các thợ đào tiền mã hóa. Nga được xếp hạng là trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Kazakhstan. Sau lệnh cấm khai thác của Trung Quốc, Nga đã nổi lên như một trong những điểm đến thay thế hàng đầu, ghi nhận hashrate tăng từ 6,8% lên 11,2%.
Song, vào thời điểm thực hiện bài viết, Bitcoin (BTC) dường như chưa phản ứng tích cực với thông tin này khi vẫn đang giao dịch trong vùng giá 43.300 USD, giảm 2,14% trong 24 giờ qua.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: