Năm 2020 đang dần khép lại với bao sự kiện tích cực của giới crypto. Một trong số đó phải kể đến sự phát triển âm thầm mà chắc chắn của CBDC – tiền điện tử của ngân hàng trung ương hay còn gọi là tiền định danh kỹ thuật số. Từ Trung Quốc đến Liên minh Châu Âu và Mỹ, tất cả các chính phủ đều ráo riết chạy đua để đi tiên phong trong trong lĩnh vực CBDC. Bởi lẽ đây không chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế nước họ, mà còn là một quân bài chính trị cực kỳ lợi hại. Hãy cùng bắt đầu tìm hiểu về tiền định danh trong loạt bài về CBDC của Coin68 nhé!
CBDC là gì?
CBDC là một dạng tiền mới do ngân hàng trung ương (NHTW) các quốc gia phát hành trực tiếp cho công dân của nước họ. Nhưng không giống như các loại tiền giấy truyền thống (tờ 100 ngàn Đồng xanh lá trong ví bạn), CBDC sẽ chỉ tồn tại ở dạng kỹ thuật số. Nhiều ngân hàng trung ương coi CBDC là một cách để cung cấp “phiên bản tiền mặt kỹ thuật số”, nghĩa là bạn có thể nhận và chi tiêu nó trực tiếp, chẳng hạn như thông qua ví kỹ thuật số trên điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn.
Các giai đoạn phát triển của CBDC
Có một sự thật đấy là CBDC đã được đề cập từ rất sớm. Trong bài nghiên cứu R3 năm 2016 về khả năng tương thích đa chuỗi, Vitalik Buterin đã đề cập cụm từ “Fedcoin”, khi ấy ám chỉ CBDC do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát hành. Từ đó cho đến nay, các trung tâm và đội ngũ công nghệ đầu ngành đã liên tục làm việc với giới chức chính phủ để khai thác khả năng ứng dụng công nghệ blockchain và cryptocurrency vào cuộc cách mạng tiền tệ toàn cầu. Chúng ta có thể tóm tắt các giai đoạn phát triển của CBDC theo 4 bước sau:
- Nghiên cứu và đánh giá lợi ích cùng rủi ro
- Phát triển và thử nghiệm quy mô nhỏ
- Thử nghiệm diện rộng có sự tham gia các doanh nghiệp lớn
- Ra mắt ứng dụng đại trà
Bản đồ thế giới về CBDC
Hãy đặc biệt chú ý các nước trong nhóm G7, đầu tàu của nền kinh tế thế giới với khả năng tác động lớn lên phần còn lại của thế giới với các quyết sách và khung luật định của mình. Hiện tại, đa phần các nước G7 đang ở giai đoạn 1, riêng Trung Quốc đang dẫn đầu ở giai đoạn thứ 2 quá độ giai đoạn 3. Giới chức Bắc Kinh đã chạy thử nghiệm thành công hệ thống thanh toán điện tử tiền kỹ thuật số (DC/EP) của mình tại hai thành phố lớn là Thâm Quyến và Tô Châu cuối năm 2019.
Chỉ nửa năm sau đó, họ tiếp tục tiến dần sang giai đoạn 3, đồng ý mở rộng phạm vi thử nghiệm với sự kết hợp với các doanh nghiệp đầu ngành như Meituan Dianping, Didi Chuxing và JD.com. Trong khi đó, các nước phương Tây cùng Nhật Bản vẫn còn chậm chân trong giai đoạn nghiên cứu và lên kế hoạch thử nghiệm. Tuy nhiên cuộc đua chỉ mới bắt đầu khi mọi thứ đang dần nóng lên từ ngọn lửa chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Hoa Kỳ
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trong giai đoạn thách thức nhất suốt nhiều năm qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dịch bệnh Covid-19, xen giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chắc chắn sẽ tiếp diễn, bất kể đảng phái nào lên cầm quyền. Được cho là đang nghiên cứu CBDC rất kỹ và nghiêm túc cùng nguồn lực từ MIT, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có nhiều động thái cho thấy triển vọng phát hành đồng bạc xanh kỹ thuật số chỉ trong tương lai không xa. Điều này đang trái ngược với tâm lý có phần dè dặt của FED khi nhắc đến crypto và CBDC trong vài năm trước. Một phần động cơ cho việc đẩy nhanh tiến độ chính là do sự phát triển thần tốc của Trung Quốc.
Cập nhật 05/01/2020: Mỹ vừa cho phép các ngân hàng nước này phát hành và xử lý thanh thoán qua stablecoin. Đây là một nước cờ rất cao tay khi hệ thống mạng lưới tài chính của các ngân hàng tư nhân Mỹ đang là bá chủ, vượt xa sự ảnh hưởng của NHTW hay các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Sức mạnh cộng hưởng từ hệ thống này có thể sẽ giúp cường quốc số một thế giới bắt kịp đối thủ của mình.
Trung Quốc
Đồng Nhân dân Tệ kỹ thuật số đã được thử nghiệm trên nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 300 triệu USD. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Dị Cương cho biết việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trong bối cảnh dịch bệnh hay tại những nơi hẻo lánh cùng vấn đề an ninh thông tin người dùng là những thách thức lớn. Tuy nhiên theo giới quan sát, dù còn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Trung Quốc đang đi trước phương Tây một bước khi đã xem xét đến khả năng tạo lập khung quy định toàn cầu cho tiền tệ kỹ thuật số, như tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ số lần đầu tiên trong thập kỷ này.
Liên minh Châu Âu
Pháp, Đức, Thụy Điển đang đóng góp tích cực cho việc phát triển đồng Euro kỹ thuật số. Hàng loạt các buổi workshop và tọa đàm quy tụ nhiều quan chức ngân hàng Trung Ương cùng giới doanh nghiệp lớn hàng đầu cùng tham gia. Ngân hàng Trung ương Pháp đã cập nhật về các thử nghiệm của họ với đồng Euro kỹ thuật số., với đánh giá về CBDC khá tốt, từ chuyển tiền xuyên biên giới đến khả năng tiếp cận của người dân với giải pháp tài chính và chính sách từ chính phủ cũng tốt hơn. Và hơn hết, NHTW Châu Âu ECB, đứng đầu là Chủ tịch Christine Liagarde luôn có những bình luận tích cực về khả năng ra mắt đồng Euro kỹ thuật số trong tương lai gần.
Một vài cập nhật từ các quốc gia phát triển khác ngoài G7:
- Hàn Quốc sẽ thử nghiệm CBDC cho tới hết năm 2021, dù trước đó, ngân hàng TW Hàn Quốc (BoK) có những động thái nghi ngại khả năng này hồi đầu năm nay.
- Ngân hàng TW Úc đã bắt tay với Concensys cùng nhiều ngân hàng đầu ngành để nghiên cứu phát triển dự án CBDC cho nước họ, theo thông báo hồi đầu tháng 11 này.
- Ngân hàng TW Anh cũng đã công nhận sự cần thiết của CBDC đối với nền kinh tế và đang tiếp tục phát triển, theo bài luận xuất bản hồi tháng Ba.
Đứng trước việc “lên đời” CBDC liên tục từ Trung Quốc – không một nước lớn nào muốn bị bỏ lại phía sau.
Các nước đang phát triển
Thế giới thứ ba lại là những người tiên phong thực sự:
- Bahamas đã phát hành đồng CBDC đầu tiên trên thế giới, đồng Sand Dollar. Quốc đảo 400 ngàn dân này chính thức giành poll trong cuộc đua ra mắt CBDC, sau khi đã thử nghiệm thành công trong năm 2019.
- Campuchia vừa ra mắt Bakong, đồng tiền định danh nước này với kỳ vọng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và giao dịch dễ dàng hơn.
- Singapore cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để sẵn sàng ra mắt CBDC, khi Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore MAS đã triển khai nhóm họp với các tổ chức lớn.
- Ngoài ra, Iran, Uruquay, Senegal và Venezuela là các quốc gia góp mặt vào danh sách đã phát hành đồng tiền kỹ thuật số từ NHTW.
Lợi ích & rủi ro của CBDC
Lợi ích
Đầu tiên phải nói đến sự hiệu quả vượt bậc với giao dịch an toàn và nhanh chóng hơn so với tiền giấy. Một mặt, việc số hóa cũng giúp cắt giảm rất nhiều thời gian và nguồn lực xử lý giao dịch, tiết kiệm chi phí cho giới doanh nghiệp. Mặt khác, số hóa sẽ giúp giới chức quản lý có thể kiểm soát nguồn tiền lưu thông tốt hơn, định danh tài sản, phòng chống tham nhũng, thất thoát lãng phí thật sự hiệu quả.
Lợi ích thứ hai chính là việc CBDC thúc đẩy các nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Như đã nói ở trên, việc số hóa sẽ giúp giảm đi ma sát giữa dòng tiền và thị trường. Ví dụ đơn cử là hàng tháng bạn nhận lương hay doanh thu từ công ty qua ví điện tử, rồi sau đó chi tiêu qua ví điện tử luôn chứ không cần phải đi rút tiền ATM hay chuyển khoản như trước nữa. Nói theo kinh tế học thì khi vận tốc dòng tiền lưu hành (V) trong nền kinh tế nhanh hơn, chúng ta sẽ có GDP (Y) cao hơn với tổng cung tiền (M) và giá trung bình/lạm phát (P) giữ nguyên.
Lợi ích thứ ba đến từ việc định danh trên tiền cùng với khả năng kiểm soát thị trường tiền tệ tốt hơn từ NHTW. Các yếu tố này sẽ giúp chính phủ các nước gia tăng ảnh hưởng của mình lên việc điều hành các chính sách tiền tệ, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Dẫn chứng rõ nét nhất chính là Iran và Venezuela, hai quốc gia đang chịu cấm vận hà khắc từ liên minh do Mỹ dẫn đầu, cũng đang là hai trong số các nước đã phát hành CBDC đầu tiên trên thế giới.
Rủi ro
Với mỗi lợi ích kể trên chúng ta đều có những rủi ro tương ứng, khi mà việc vận hành và quản lý trở nên kém hiệu quả.
Rủi ro đầu tiên cũng đến từ việc bảo mật thông tin người dân đã định danh mình trên tài sản, tiền của họ. Với sự phát triển của giới tội phạm công nghệ cao, các chính phủ giờ đây phải thực sự đề cao yếu tố bảo mật của CBDC. Ngoài ra, sự ổn định của nền kinh tế với CBDC cũng sẽ phụ thuộc vào sức phòng thủ của đội quân an ninh mạng của mỗi quốc gia.
Rủi ro lạm phát cao hơn, lãi suất tăng vọt là tiềm tàng khi việc quản lý và điều hành các chính sách tài không hiệu quả. Song song với lợi ích thứ 2, khi vận tốc dòng tiền lưu hành tăng lên mà chính phủ không kiểm soát nguồn cung hay GDP không tăng tương ứng, rủi ro mức giá trung bình, hay có thể hiểu là lạm phát sẽ tăng cao. Hệ lụy sẽ là lãi suất vay/cho vay cũng sẽ tăng vọt khi đồng tiền mất giá.
Rủi ro cuối cùng đến từ việc các quốc gia thất bại trong việc củng cố niềm tin của người dân vào đồng tiền điện tử do NHTW phát hành. Khi đó, các đồng ngoại tệ có sức mạnh và sự ảnh hưởng lớn hơn sẽ lấn áp và chiến thắng trong cuộc chiến với đồng nội tệ. Tiếp tục với dẫn chứng từ Venezuela, khi giới chức Mỹ đã làm việc cùng Circle, công ty phát hành đồng stablecoin USDC, để hỗ trợ nhóm đối lập và người dân tại quốc gia Nam Mỹ này. Theo đó, AirTM sẽ là đơn vị phân phối nguồn tiền này, giúp đỡ người dân đang phải vật lộn với dịch bệnh và lạm phát. Đây là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho việc công nghệ có thể tác động như thế nào đến cuộc chiến tiền tệ.
Vậy Việt Nam chúng ta đang ở đâu trên bản đồ CBDC thế giới? Trong phần sau, chúng ta sẽ điểm qua tình hình phát triển công nghệ nước nhà và bàn luận về các đồng stablecoin do các doanh nghiệp tập đoàn lớn phát hành như Diem của Facebook. Qua đó, Coin68 hy vọng nhà đầu tư có góc nhìn chi tiết và toàn diện hơn về ứng dụng thực tế của cryptocurrency và blockchain trên diện rộng. Thay lời kết, xin được trích lời CEO của Microsoft, Satya Nadella, khi nói về công nghệ:
“Ngành công nghiệp của chúng ta không tôn trọng truyền thống – nó chỉ tôn trọng sự đổi mới.”
Đội ngũ Coin68
Có thể bạn quan tâm: