Một ký sự đặc biệt về vùng tâm lũ gần đây tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc đã hé lộ cả một câu chuyện phi thường về sự kiên cường, khổn khổ, bi kịch và các thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế trải qua bởi những người sinh sống tại một trong những khu vực tập trung các thợ đào nhỏ lẻ lớn nhất thế giới.
Được tổng hợp lại bởi hãng tin tức Jiemian, bài viết theo bước Li Yang – một cựu nhân viên Apple quê ở Thành Đô – và hiện đang là chủ một trang trại đào Bitcoin tương đối nhỏ với khoảng 2000 thiết bị tại nơi được bao phủ bởi hàng trăm doanh nghiệp tương tự.
“Đại quân” 5 triệu máy đào tiền điện tử của Tứ Xuyên
Như đã được đưa tin bởi Coin68, trận lũ nghiêm trọng hồi cuối tháng 6 tại tỉnh Tứ Xuyên đã có ảnh hưởng đáng kể lên hash rate (năng lực khai thác) của toàn mạng lưới Bitcoin, sau khi phá huỷ một lượng lớn các thiết bị đào tiền được chứa trong các trang trại không mấy kiên cố tại khu vực vùng núi.
- Chi tiết: Mưa lũ ở Tứ Xuyên làm thiệt hại nghiêm trọng hoạt động khai thác tiền điện tử
Theo bài viết của hãng tin Trung Quốc, vùng núi của Tứ Xuyên đang là “đại bản doanh” của hơn 5 triệu chiếc máy đào tiền điện tử. Trước đây đã có từng có nhiều ước đoán rằng 70% năng lực khai thác Bitcoin của toàn thế giới thuộc về Trung Quốc, và nếu số liệu kia là đáng tin cậy, thì 70% của lượng này phải xuất phát từ Tứ Xuyên.
Lần đầu tiên, một ký sự giúp ta có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của khoảng 25.000 người chấp nhận sống đơn độc, biệt lập trong miền núi, bao quanh họ là hàng nghìn giàn ASIC đủ các loại. Li Yang cũng là một trong số đó, bị thu hút về chốn hẻo lánh này bởi chi phí điện thấp nhờ sự hiện diện gần đó của 20 nhà máy phát điện dọc theo dòng Lan Thương Giang (phần sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc).
Cuộc sống thường ngày của Li hoàn toàn không có sự tiếp xúc của con người, mà thay vào đó là chỉ toàn tiếng chim và âm thanh “gầm rú” của các thiết bị đào tiền. Những thứ duy nhất bầu bạn với anh là WeChat và mấy trò chơi trên smartphone.
Anh chia sẻ:
“Bạn biết tôi sợ gì nhất không? Đó là cúp điện và nỗi cô đơn.”
Vào mùa nhiều nước, điện năng nơi đây chỉ có giá khoảng 0.08 tệ/kWh – thấp hơn đến 3 lần so với giá điện trung bình tại Trung Quốc. Do đó, nhiều người đã tìm đến nơi đây để lập nên các trang trại đào tiền, hợp tác với các nhà đầu tư để được hỗ trợ chi phí thiết bị và chia lại cho họ một phần doanh thu.
Song, đến tháng 6, cuộc sống của “đại quân” đào tiền Tứ Xuyên đã bị đảo lộn hoàn toàn khi nơi đây bị lũ lụt hoành hành, phá huỷ đến hàng chục nghìn máy đào và đẩy hàng nghìn thợ đào vào chỗ phải vật lộn cho sự sống của mình.
Trận lũ đã làm Li mất trắng 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu đô la Mỹ) tiền thiết bị. Anh cho biết một số công ty máy tính đã nhân cơ hội này đã đến đề nghị mua lại các máy đào hỏng để tái sử dụng linh kiện, với mức giá rẻ bèo 50 tệ (khoảng 7,4 đô la) một chiếc – chỉ bằng 1/100 giá tiền anh phải bỏ ra ban đầu cho một bộ đào mới cứng.
Vật lộn để kiếm sống
Theo bài báo, ngay từ trước trận lũ, mô hình kinh doanh kiểu của Li Yang đã dần lụn bại – bị đe doạ bởi sự xuất hiện của các “cá voi” đào tiền, lợi nhuận cận biên sụt giảm, và sự dư thừa năng lực khai thác – làm cho phần thưởng đào block đối với các thợ đào riêng lẻ này chẳng còn trang trải được bao. Các hãng lớn tại Trung Quốc còn đang bắt đầu ra mắt dịch vụ quản lý đào tiền của mình, gia tăng hiệu suất đến mức các tay chơi nhỏ không thể nào cạnh tranh nổi.
Trận lũ vừa qua càng cho họ thêm lí do để rời đi, và một lượng lớn các thợ đào Tứ Xuyên giờ đang chuyển lên tận khu vực Tân Cương để tìm kiếm các điều kiện thuận lợi hơn để lắp đặt máy đào.
Sự chuyển dịch này thậm chí còn được gọi vui là “đợt tản cư năng lực máy tính lớn nhất lịch sử loài người”.
Song đối với Li, cánh cửa hy vọng dành cho các thợ đào nhỏ lẻ như anh đang dần đóng lại, và anh đã sẵn sàng hoàn tiền lại cho nhà đầu tư và rút khỏi ngành công nghiệp khai thác Bitcoin đầy vất vả. Anh chia sẻ:
Công việc này giờ cứ như chuyện bất khả thi. Mỗi tháng, bên giám hộ sẽ chỉ trả trước 500 tệ tiền phí điện, còn người chủ máy đào như tôi buộc phải gánh hết phần còn lại.
Tại phần kết, bài báo tổng hợp lại rằng đào Bitcoin tại Trung Quốc đang trở thành một hoạt động tập quyền và dần bị các công ty lớn có “hầu bao rộng” thống trị. Tuy vẫn còn quá sớm để gọi đây là cái kết cho đội quân 25.000 thợ đào Tứ Xuyên, nhưng có vẻ như tương lai của ngành đào Bitcoin đã không còn chỗ trống cho những người như anh Li Yang.
Hack 1 triệu máy tính để đào 2 triệu đô tiền điện tử – Chuyện lạ chỉ có thể xảy ra tại Trung Quốc! – Coin68 – Tin tức bitcoin, blockchain, tiền điện tử mỗi ngày
Một malware đào tiền đã được lan truyền và lây nhiễm suốt hơn 2 năm qua cho hơn 1 triệu máy tính tại Trung Quốc, mang về cho bọn tin tặc đến 2 triệu đô tiền điện tử.
Theo CryptoCoinsNews