Bitcoin vừa kết thúc chuỗi 4 ngày liên tiếp “giảm chồng giảm” và dần áp sát ngưỡng $9,000 giữa lúc ngày càng xuất hiện nhiều phỏng đoán rằng nước Mỹ có thể sẽ áp dụng lãi suất âm.
Đồng tiền điện tử có vốn hóa thị trường lớn nhất đã tăng gần 3% trong ngày giao dịch thứ Ba (12/05), qua đó chấm dứt chuỗi giảm kéo dài suốt 4 ngày trước đó. Đây cũng là quãng thời gian mất giá liên tục dài nhất trong 2 tháng trở lại đây của Bitcoin.
Việc BTC phục hồi diễn ra đồng thời với lời kêu gọi nước Mỹ nên tiến tới hạ lãi suất về mức âm của Tổng thống Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã đăng trên trang Twitter cá nhân của mình như sau:
As long as other countries are receiving the benefits of Negative Rates, the USA should also accept the “GIFT”. Big numbers!
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) May 12, 2020
“Khi mà các nước khác đang tận hưởng những lợi ích của Lãi suất Âm, nước Mỹ cũng nên chấp nhận “MÓN QUÀ” này. Những con số to lớn!”
Lãi suất âm là gì?
Lãi suất âm là một chính sách mà theo đó các ngân hàng thương mại sẽ phải trả lãi để có thể được gửi tiền tại ngân hàng trung ương. Về cơ bản, chính sách này sẽ gây bất lợi cho những ngân hàng mà đang nắm giữ quá nhiều tiền mặt, buộc họ phải mang số tiền đó để cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay. Lãi suất âm thường là biện pháp cuối cùng mà một ngân hàng trung ương có thể sử dụng trong những giai đoạn khủng hoảng để kích cầu tiêu dùng, từ đó vực dậy nền kinh tế.
Tuy nhiên, tại những quốc gia như Nhật Bản, nơi mà đã áp dụng chính sách lãi suất âm từ hồi 2016, đến nay vẫn chưa ghi nhận được dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế và thất bại hoàn toàn trong việc đạt mục tiêu lạm phát. Điều tương tự cũng diễn ra tại các nước châu Âu mà từng hứng chịu cuộc khủng hoảng nợ công đầu thập niên 2010.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn muốn hạ lãi suất về mức âm. Các thị trường lãi suất cũng đang đồn đoán về khả năng chi phí vay tại Mỹ sẽ giảm xuống thấp hơn 0. Vào hôm thứ Ba, hợp đồng tương lai của Fed Fund đã giảm xuống thấp hơn 0, cho thấy không ít nhà đầu tư hy vọng lãi suất sẽ về mức âm vào tháng 06/2021.
Lãi suất âm sẽ có tác động gì lên Bitcoin không?
Nhiều nhà phân tích của thị trường tiền mã hóa nhận định những chính sách tiền tệ cực đoan như là lãi suất âm và in tiền ồ ạt đều sẽ dẫn đến lạm phát, từ đó làm lợi về lâu về dài cho Bitcoin theo quan điểm đồng tiền này ưu việt hơn tiền pháp định về mặt bảo toàn giá trị, bởi nó có tổng cung giới hạn và còn giảm phát theo thời gian nữa. Mặt khác, nếu nước Mỹ tiến tơi áp dụng lãi suất âm, điều đó sẽ cho thấy sức khỏe của nền kinh tế số 1 đang tệ hơn những gì ta nghĩ, và làm lợi cho Bitcoin với tư cách là một tài sản trú ẩn an toàn.
Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Consensus: Distributed vào hôm thứ Hai (11/05), tác giả của cuốn sách “The Bitcoin Standard” (Bản vị Bitcoin) Saifedean Ammous cho rằng những chính sách tiền tệ được lập trình sẵn như của tiền điện tử sẽ ưu việt hơn hẳn chính sách tiền tệ điều chỉnh dựa theo nền kinh tế như của các ngân hàng trung ương.
Thật vậy, các ngân hàng trung ương về bản chất là luôn bị động, bởi lập trường của họ sẽ luôn đi sau nền kinh tế. Điều đó tạo nên rất nhiều sự thiếu ổn định. Trái lại, chính sách tiền tệ của Bitcoin đã được cố định ngay từ đầu. Sẽ chỉ có gần 21 triệu BTC được tạo ra mà thôi, và tốc độ sản sinh tiền sẽ còn bị giảm nửa sau mỗi năm thông qua cơ chế halving. Đồng tiền điện tử có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới cũng vừa trải qua lần halving thứ ba trong lịch sử của mình, khiến phần thưởng đào block từ 12.5 BTC giờ giảm chỉ còn có 6.25 BTC.
Xác suất nào để Mỹ áp dụng lãi suất âm?
Hiện tại, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang không mấy mặn mà lắm với đề xuất hạ lãi suất xuống thấp hơn 0. Chủ tịch Fed Jerome Powell là một người phản đối kịch liệt chính sách lãi suất âm, và trong quá khứ đã nhiều lần chặn đứng những lời kêu gọi tương tự của ông Trump.
Hai quan chức cấp cao khác của Fed là Chủ tịch Ngân hàng Richmond Thomas Barkin và Chủ tịch Ngân hàng Chicago Charles Evans cũng có chung quan điểm với ông Powell.
Dù khó có khả năng xảy ra, song nếu Chủ tịch Powell thay đổi lập trường và chuyển sang cân nhắc sử dụng lãi suất âm như là biện pháp để cứu cánh cho nền kinh tế Mỹ, Bitcoin có thể sẽ tìm được động lực để nối dài đà tăng.
Bitcoin mặc dù đã lập được nến xanh trong ngày 11/05, kết thúc chuỗi 4 ngày giảm liên tục, thế nhưng trong suốt ngày hôm nay gần như không có biến động gì mới và vẫn chưa đả động gì đến mục tiêu trước mắt là ngưỡng $9000 cả. Tuy nhiên, kể từ đầu giờ tối, BTC đang có dấu hiệu tăng nhẹ lên mức $8950 và ngày càng áp sát mốc $9000.
Nhiều nhà phân tích dự báo Bitcoin trong thời gian tới sẽ đi ngang. Matthew Dibb, đồng sáng lập của Stack, một đơn vị phân tích giá tiền điện tử, cho biết:
“Chúng tôi dự đoán trong ngắn hạn giá sẽ dao động trong khu vực $8000 – $9500. Chỉ số biến động và khối lượng giao dịch của BTC đã giảm mạnh sau sự kiện halving, khiến đồng tiền này mấy đi phương hướng cụ thể.”
Mặc dù vậy, đứng trên góc độ phân tích kỹ thuật, hướng biến động ít bị cản trở nhất đối với BTC sẽ là đi xuống.
Đồ thị ngày của giá Bitcoin
Trên đồ thị ngày, đường trung bình động 5 ngày đã giao cắt với đường trung bình động 10 ngày từ trên xuống, hình thành dấu hiệu đảo chiều xu hướng tăng trưởng kéo dài từ giữa tháng 4 cho đến nay.
Chỉ báo MACD cũng đã giảm vào vùng âm. Đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho một cú giảm giá sắp tới, bởi nó đang được củng cố bởi kiểu hình spinning top của nến tuần hiện tại.
Trong trường hợp BTC đi xuống, mức hỗ trợ quan trọng nhất sẽ là đường trung bình động 200 ngày ở khu vực $8000. Song, nếu Bitcoin có thể đi ngược lại dự đoán trên thị trường và vượt lên trên mức đỉnh ngày halving ở $9183 thì có thể nói cơ hội để đồng tiền này trở lại ngưỡng $10000 vẫn chưa bị đóng sập lại hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm:
- Halving xong rồi, giá Bitcoin tiếp theo sẽ ra sao?
- CEO Twitter Jack Dorsey *vẫn* chi 10.000 USD mỗi tuần để mua Bitcoin
Theo CoinDesk
Bitcoin (gọi tắt là BTC) là đồng tiền điện tử sử dụng công nghệ mạng ngang hàng (peer-to-peer) được hoạt động qua mạng Internet mà không cần thông qua đơn vị trung gian. Bitcoin là mã nguồn mở có thiết kế công khai, không ai sở hữu hoặc kiểm soát nó, và tất cả mọi người đều có thể tham gia.