Khi nhìn vào Dior, Hermes hay Louis Vuitton đã bao giờ bạn nghĩ rằng tất cả những thương hiệu này đều thuộc về một người duy nhất. Bernard Arnault là người đứng sau sự thành công của 3 thương hiệu xa xỉ trong hơn 4 thập kỷ. Không những thế, ông còn là một trong số ít người từng soán ngôi giàu nhất thế giới của ông trùm công nghệ Elon Musk. Vậy Bernard Arnault là ai? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Bernard Arnault là ai? Tiểu sử về người đã từng soán ngôi người giàu nhất hành tinh của Elon Musk
Bernard Arnault là ai?
Bernard Arnault (tên đầy đủ: Bernard Jean Étienne Arnault) sinh ngày 05/03/1949 tại Roubaix, Pháp trong một gia đình có nền tảng kinh doanh lâu đời.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học Maxence Van Der Meersch, Bernard Arnault tiếp tục thi đỗ vào trường đại học École Polytechnique ở Palaiseau. Một chút thông tin bên lề, École Polytechnique là một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất nước Pháp, trong số những người đã từng theo học ở đây đã có đến 3 người được xướng tên cho giải Nobel và cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing cũng từng là sinh viên của ngôi trường này.
Chân dung ông trùm thời trang xa xỉ phẩm Bernard Arnault
Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp, Bernard đã bắt đầu xây dựng được danh tiếng dựa vào những thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Nhưng để nói về ông, có lẽ chúng ta không thể bỏ qua những thương hiệu thời trang thuộc hàng xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới như: Céline, Louis Vuitton, Givenchy, Christian Dior, Fendi... Những thương hiệu tỷ đô này đều được đặt dưới quyền kiểm soát của Moët Hennessy – Louis Vuitton (LVMH) do Bernard làm giám đốc điều hành.
Con đường sự nghiệp của Bernard
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư tại École Polytechnique, công việc đầu tiên của Bernard Arnault là giám đốc phát triển tại công ty xây dựng gia đình. Năm 1976, với tầm nhìn về một thị trường bất động sản đầy sôi động trong nhiều năm tới, ông đã thuyết phục cha mình tập trung dòng tiền vào đầu tư nhà, đất thay vì đốt tiền vào bộ phận kinh doanh, thứ vốn không mang lại nhiều dòng tiền cho công ty. Và quyết định này của ông đã đúng, chỉ 1-2 năm sau, thị trường bất động sản tại Pháp tăng nóng, giúp Férinel - công ty của ông thu về một khoản lợi nhuận lớn với số vốn không nhiều.
Đến năm 1977, Bernard chính thức nhậm chức CEO từ cha mình và bắt đầu để mắt đến ngành hàng thời trang xa xỉ phẩm. Ở thời điểm đó, khi hỏi bất kỳ người dân nào thậm chí là một tài xế taxi về Christian Dior thì sẽ nhận được những câu trả lời chứa thông tin về thương hiệu này nhưng khi được hỏi về việc tổng thống là ai, rất ít người sẽ cho bạn câu trả lời chính xác. Từ đó cho thấy người dân nước Pháp có niềm yêu thích vô cùng mãnh liệt về thời trang.
Đến năm 1981, khi này cục diện chính trị của nước Pháp đang không thực sự ổn định, bạo động, xung đột chính trị diễn ra liên tục khiến nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng. Đây cũng được xem là một trong số ít những khó khăn mà Bernard không thể vượt qua trong suốt sự nghiệp của mình. Cũng chính vì lý do chính trị, gia đình Arnault đã phải chuyển đến Hoa Kỳ và tại đây Bernard gần như phải làm lại từ đầu. Vẫn tưởng thiếu đi nguồn tài chính dồi dào của gia đình sẽ khiến ông kiệt quệ nhưng qua năm tháng, Bernard dần lấy lại được vị thế và thậm chí còn phát triển hơn cả thế. Từ đó, nguồn vốn của ông đã được củng cố để đến năm 1984, ông quay lại Pháp và bắt đầu đế chế thời trang của mình.
Để tiến vào ngành thời trang một cách nhanh chóng nhưng tinh tế, Bernard đã thực hiện việc mua lại hàng loạt những công ty trong ngành dệt may như: Financière Agachem và Boussac (công ty đang sở hữu thương hiệu Christian Dior). Đây được xem là bước đệm đầy thông minh của doanh nhân người Pháp. Bởi lẽ, việc xây dựng một thương hiệu thời trang xa xỉ từ đầu sẽ tốn kém hơn rất nhiều việc phát triển một thương hiệu đã được định vị là xa xỉ từ trước.
Năm 1987, Bernard đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào LVMH thông qua công ty liên doanh Guinness sau khi nhận được lời mời của chủ tịch tập đoàn này. Nhận thấy, chỉ một mình Dior sẽ là không đủ để thỏa mãn được thị trường. Trong những năm tiếp theo, Bernard Arnault liên tục mua vào cổ phần của LVMH với trị giá hàng trăm triệu USD. Đến đầu năm 1989, ông chính thức thâu tóm thành công tập đoàn này với hơn 43% cổ phần nắm giữ (tương đương 35% quyền biểu quyết). Không lâu sau đó, ông chính thức trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn này. Và việc đầu tiên Bernard làm đó chính là sa thải những người đang giữ chức vụ giám đốc, lý do vô cùng dễ hiểu bởi tư duy kinh doanh của họ tốt nhưng đã cũ và không còn phù hợp với định hướng của ông. Sau khi đội ngũ đã vững, Bernard tiếp tục mở rộng LVMH bằng các thương vụ M&A đình đám như: Loro Piana, Nicholas Kirkwood, Thomas Pink, Givenchy, Guerlain, Marc Jacobs, Sephora, Emilio Pucci, Fendi, R.M Williams, EDUN, Moynat và Hermes.
Hành trình của Bernard trong thị trường tiền mã hoá
Trong một cuộc trò chuyện thân mật với Ian Rogers, nguyên cố vấn và giám đốc kỹ thuật của LVMH, Ian chia sẻ rằng chính ông đã thấy được lịch sử giao dịch của Bernard trên OpenSea và rằng vị chủ tịch đã kịp bổ sung vào danh sách tài sản của mình một bộ sưu tập NFT.
Nguyên văn chia sẻ của Ian Rogers khi được người dẫn chương trình phỏng vấn: “Bạn đang nói với tôi rằng Bernard Arnault có một chiếc ví và có thể đang mua một số NFT mà chúng tôi không biết?”, Rogers trả lời rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Ông ấy đã cho tôi xem trang OpenSea của ông ấy cơ mà!”
Tổng kết
Bên trên là những thông tin thú vị về Bernard Arnault - người được gọi là ông trùm của thời trang xa xỉ thời hiện đại. Dưới quyền của ông là hàng chục đến hàng trăm những thương hiệu cao cấp đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Thông qua bài viết chúng ta cũng có thể thấy ông là một người dám nghĩ, dám làm và không để những nghịch cảnh ảnh hưởng đến tinh thần của mình trong hành trình gây dựng cơ nghiệp.