Theo những thông tin mới nhất thì có vẻ như cáo bạch (whitepaper) của nền tảng phân phối nội dung TRON đã “đạo nhái” ít nhất hai whitepaper khác của Protocol Labs, đội ngũ phát triển cả InterPlanetary File System (IPFS) lẫn đồng Filecoin.
TRON bị cáo buộc “đạo văn” whitepaper của Filecoin và IPFS
Những “phát súng đầu tiên” đã được bắn ra hồi hôm Chủ nhật (07/01), khi nhà sáng lập Protocol Labs Juan Benet đăng tải một bài tweet cho biết có ít nhất 9 trang trong cáo bạch của TRON đã copy y chang whitepaper của IPFS và Filecoin, vốn đều được chính tay Benet cùng các cộng sự của mình tại Protocol Labs viết nên.
Bedeho: “Justin Sun ơi, tại sao whitepaper TRON của anh lại sao chép từ IPFS và Filecoin mà không có lấy một dòng trích dẫn nguồn luôn vậy? Hoá ra Bitswap, PoRep, PoSt đều không phải ý tưởng của anh?”
Juan Benet: Wow! Thật không thể chấp nhận được! Phần lớn “cáo bạch” của TRON đã copy từ các dự án khác, hoặc là chỉ sửa đổi chút ít so vởi bản gốc. Không một dòng ghi nguồn. Tôi đã lưu những chứng cứ này dưới dạng PDF vào IPFS, phòng khi họ nhanh tay gỡ chúng để che đậy mọi chuyện.”
Xem xét kĩ hơn các tài liệu có liên quan, ta có thể dễ dàng thấy cáo buộc đưa ra ở trên là hoàn toàn có căn cứ, khi có rất nhiều vị trí trong cáo bạch của TRON tương đối hoặc giống y đúc những gì được viết trong whitepaper của Filecoin và IPFS.
Trong đa phần các trường hợp như vậy, phần văn bản không được “sao y bản chính”. Tuy nhiên, sự tương đồng về từ vựng lẫn cấu trúc câu của nhiều đoạn liền khiến cho ta có cảm giác cáo bạch của TRON đã được sao chép và biên dịch lại một cách cẩu thả từ các cáo bạch của Protocol Labs.
Nghi vấn càng chồng chất thêm khi đọc kỹ hai đoạn cung cấp một thông tin giống nhau, whitepaper của Protocol Labs lúc nào cũng trình bày chi tiết hơn, và khi có thể, đều đề cập đến nguồn trích dẫn đàng hoàng.
Ví dụ, sau đây là khúc cả hai cáo bạch đều trình bày về Chiến lược BitSwap áp dụng cho các node trong mạng lưới.
Trong một ví dụ khác, tài liệu của TRON cung cấp thậm chí còn copy y chang chỉ dẫn của Filecoin vào.
Cho đến hiện tại, lập luận lớn nhất chống lại whitepaper của TRON là nó không đưa ra được bất kì nguồn tham khảo nào cả, vốn đã vi phạm giấy phép Creative Commons mà theo đó cáo bạch của IPFS đã được phát hành, cho phép người khác sử dụng lại với điều kiện là có chú thích về tác giả.
TRON đã gỡ cáo bạch khỏi trang chủ nhưng vẫn không thừa nhận đạo văn
Câu chuyện “đạo nhái” cáo bạch diễn ra như chuyện thường ngày trong phân khúc ICO, nhưng với vị thế từng là đồng tiền điện tử thuộc top 10 thế giới với vốn hoá thị trường ước đạt 7,4 tỉ đô, TRON là cái tên lớn nhất từ trước đến nay dính phải scandal này.
Và như có thể dễ dàng dự đoán được, giá đồng tiền của TRON là TRX đã phản ứng tiêu cực trước những cáo buộc sao chép và liên tục giảm trong những ngày qua.
Chưa ai có thể xác nhận được liệu tình trạng đạo văn chỉ xuất hiện trên phiên bản tiếng Anh của whitepaper của TRON hay còn có trên cả phiên bản tiếng Trung luôn.
TRON vẫn chưa đưa ra bất kì tuyên bố chính thức nào về vụ việc trên. Tuy nhiên, CEO Justin Sun đã bình luận như sau trên Twitter:
Phiên bản gốc của cáo bạch là ở tiếng Trung và chúng tôi đã trích dẫn nguồn cụ thể trong phiên bản mới nhất. Còn các phiên bản tiếng Anh, Hàn, Nhật và Tây Ban Nha thì được tham gia dịch bởi các tình nguyện viên. Những bản dịch ấy còn thiếu sót một số chi tiết quan trọng chứ không phải chỉ có thiếu chú thích.
Mặc dù vậy, TRON vẫn gỡ bỏ cả cáo bạch tiếng Anh lẫn tiếng Trung khỏi website của mình, và hiện chỉ có thể được xem thông qua bản lưu trang web của Internet Archive.
Theo CryptoCoinsNews