Walrus khác biệt như thế nào so với các giao thức lưu trữ hiện tại?
Tóm tắt
- Mysten Labs đã thành công với Sui Network và giao thức DeepBook, đang chuẩn bị ra mắt một dự án mới gọi là Walrus Protocol.
- Mặc dù thị trường lưu trữ phi tập trung đã có nhiều dự án, Walrus vẫn thu hút sự chú ý vì 1) chi phí hiệu quả hơn và bảo mật hơn so với các giải pháp hiện có, và 2) cho phép lập trình dữ liệu được lưu trữ thông qua Sui Network.
- Walrus đang được đánh giá là dự án tiên tiến nhất trong số các giao thức lưu trữ phi tập trung hiện có, do đó tiện ích và giá trị của dự án sẽ rất đáng chú ý trong tương lai.
Tại sao lại là Walrus? Tại sao lại là lúc này?
Sau khi ra mắt thành công Sui Network và giao thức Deepbook, Mysten Labs giờ đây đang mạo hiểm sang một lĩnh vực mới đầy tiềm năng với Walrus. Sự thành công của Sui và Deepbook đã tạo ra sự mong đợi đáng kể đối với Walrus. Tuy nhiên vẫn có những lo ngại xung quanh giao thức mới này.
Những lo ngại này xuất phát từ nhiều yếu tố như: Thị trường lưu trữ phi tập trung đã bão hoà với nhiều giải pháp không thực sự tối ưu, và nỗi lo ngại về việc phân bổ nguồn lực - cụ thể là liệu Mysten Labs, vốn đang dồn sức phát triển và mở rộng Sui Network, có đang dàn trải nguồn lực quá mỏng khi theo đuổi các sáng kiến mới hay không.
Bài viết của Four Pillars sẽ giải thích về cấu trúc của Walrus Protocol và khám phá những điểm khác biệt so với các giải pháp lưu trữ phi tập trung hiện có. Sau đó, là phân tích mối quan hệ giữa Walrus và Sui Network, tập trung vào cách Walrus tích hợp với kiến trúc của Sui và góp phần mở rộng hệ sinh thái Sui ngày càng phát triển hơn.
— Four Pillars (@FourPillarsFP) February 17, 2025
Walrus khác biệt như thế nào so với các giải pháp lưu trữ hiện có?
Để giải đáp câu hỏi tại sao Walrus ra đời, trước tiên chúng ta phải xem xét những điểm khác biệt của nó so với các giải pháp lưu trữ phân tán phi tập trung hiện có.
Walrus nổi bật hơn các mô hình lưu trữ hiện tại (đặc biệt là Filecoin và Arweave), ở ba điểm chính sau:
Tối ưu hoá về chi phí lưu trữ
Đầu tiên, chi phí lưu trữ giữa Walrus, Arweave và Filecoin có những khác biệt đáng kể.
- Arweave sử dụng một hệ thống khuyến khích các node sao chép và lưu trữ dữ liệu càng nhiều càng tốt.
- Filecoin cho phép người dùng tự quyết định số lượng node sẽ lưu trữ dữ liệu của họ (người dùng có thể chọn lưu trữ dữ liệu chỉ với một miner hoặc phân phối 100 bản sao trên 100 miner khác nhau, đương nhiên, càng yêu cầu nhiều thì chi phí bỏ ra sẽ càng cao).
- Walrus sử dụng mã hóa Red-Stuff đã cho thấy chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn tới 100 lần so với Arweave và Filecoin (so với Arweave yêu cầu lưu trữ dữ liệu trên toàn mạng lưới dẫn đến chi phí sao chép cao hơn tới 500 lần, trong khi Walrus vẫn duy trì hiệu quả chỉ với 4-5 lần sao chép). Đồng thời, xác suất mất dữ liệu cũng giảm hơn đáng kể.
Nói một cách đơn giản, Walrus giải quyết những hạn chế của cả Arweave và Filecoin. Arweave có rủi ro mất dữ liệu thấp, nhưng chi phí sao chép cao. Ngược lại, Filecoin cung cấp dịch vụ lưu trữ với chi phí hợp lý hơn, dựa trên nhu cầu của người sử dụng, nhưng rủi ro mất dự liệu lại tăng lên ở những gói giá rẻ.
Walrus kết hợp những ưu điểm của cả hai, vừa giữ chi phí sao chép thấp, vừa giảm thiểu rủi ro mất dữ liệu.
Thêm vào đó, khi số lượng node trên Arweave tăng lên, chi phí cũng tăng theo (mặc dù không tăng tuyến tính) vì hệ thống khuyến khích tất cả hoặc chỉ các node được chỉ định lưu trữ càng nhiều dữ liệu hoàn chỉnh càng tốt. Ngược lại, Walrus chỉ cần truyền dữ liệu một lần duy nhất trên toàn mạng. Mỗi node chỉ lưu trữ một phần dữ liệu. Điều này thực sự giúp giảm tải cho từng node khi mạng lưới ngày càng mở rộng. Chính sự khác biệt về cấu trúc này đã giúp Walrus tối ưu hoá chi phí lưu trữ vượt trội hơn so với cả Arweave và Filecoin.
Khả năng lập trình
Mặc dù hiệu quả chi phí của Walrus so với Arweave và Filecoin là ưu điểm lớn, nhưng “khả năng lập trình” mới chính là yếu tố làm nên sự khác biệt. Nếu như các giải pháp lưu trữ truyền thống chỉ là một kho chứa dữ liệu đơn thuần, thì Walrus cho phép hệ thống lưu trữ phi tập trung có thể lập trình thông qua Sui Network, mở ra các chức năng vượt xa việc lưu trữ dữ liệu cơ bản.
Điều gì sẽ xảy ra nếu smart contract có thể trực tiếp tham chiếu hoặc kích hoạt dữ liệu trong hệ thống lưu trữ phi tập trung? Ví dụ: khi mint NFT, các tệp hình ảnh sẽ được lưu trữ trên Walrus và các blob của chúng sẽ được tạo trên Sui Network, tạo nên sự liên kết liền mạch với NFT. Điều này giải quyết những chỉ trích về NFT truyền thống là "không hoàn chỉnh" (khi token on-chain nhưng NFT metadata lại được lưu trữ off-chain). Với Walrus, NFT sẽ thực sự trở thành tài sản Web3 hoàn chỉnh.
Một ví dụ khác về tiềm năng của Walrus, vì các blob dữ liệu của Walrus có thể được lưu trữ dưới dạng đối tượng Sui và được kiểm soát thông qua smart contract Move của Sui, nên smart contract có thể chuyển dữ liệu được lưu trữ cho người dùng khác, hoặc tự động thay đổi quyền sở hữu. Đây chính là lý do chúng ta khẳng định dữ liệu trên Walrus có thể lập trình được. Mặt khác, Arweave và Filecoin bị hạn chế và hầu như không thể tích hợp động với các ứng dụng on-chain. Mặc dù Filecoin đã bổ sung một số chức năng trong smart contract thông qua FVM (Máy ảo Filecoin), nhưng khả năng chỉnh sửa và kiểm soát dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này khiến Walrus vượt trội hơn đáng kể về khả năng lập trình.
Truy cập và xóa dữ liệu
Các giao thức lưu trữ truyền thống có một đặc điểm chung: Một khi dữ liệu được tải lên, bất kỳ ai cũng có thể truy cập và không thể xóa bỏ. Dù tính năng này có thể hữu ích cho người dùng cá nhân, nhưng nó gây ra những khó khăn cho các tổ chức và doanh nghiệp cần bảo mật thông tin hoặc có nhu cầu chỉnh sửa/xóa dữ liệu.
Walrus giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép người dùng xoá hoặc sửa đổi dữ liệu khi cần (khác hẳn so với Arweave, nơi dữ liệu “đóng băng” vĩnh viễn và Filecoin, nơi việc xóa dữ liệu xảy ra không phải do người dùng muốn mà là khi hợp đồng hết hạn hoặc khi các node lưu trữ dữ liệu gặp sự cố và không còn tồn tại trên mạng lưới).
Có thể một số người lo ngại điều này đi ngược lại với nguyên tắc bất biến của blockchain, nhưng cần lưu ý là Walrus chỉ là dữ liệu blob, còn dữ liệu giao dịch vẫn được bảo toàn tính bất biến, đảm bảo tính toàn vẹn của blockchain. Với tính thực tiễn được nâng cao so với các hệ thống lưu trữ truyền thống, Walrus có tiềm năng lớn hơn để được các doanh nghiệp truyền thống và Web2 áp dụng, dẫn đến kỳ vọng cao của người dùng về tính linh hoạt của Walrus trong tương lai.
Walrus và Sui Network phối hợp với nhau như thế nào?
Sau khi tìm hiểu những điểm khác biệt của Walrus so với các giao thức lưu trữ truyền thống, hãy cùng khám phá mối quan hệ giữa Walrus và Sui.
Khi Mysten Labs công bố kế hoạch ra mắt Walrus Protocol, nhiều người đã tỏ ra quan ngại và đặt câu hỏi:
"Lẽ ra họ nên tập trung hoàn toàn vào Sui thay vì tạo ra một giao thức khác?"
Tuy nhiên chỉ cần hiểu sơ lược về cách Walrus hoạt động, chúng ta sẽ thấy rõ ràng là Walrus không hề làm phân tán sự tập trung khỏi Sui mà thực chất Walrus nên được xem như một layer lưu trữ được xây dựng để hoàn thiện các ứng dụng trên Sui.
Walrus không chỉ bổ sung cho Sui về mặt lưu trữ mà còn tác động tích cực đến SUI, token quản trị của Sui Network, khiến cho việc tách biệt Sui và Walrus như hai hệ thống riêng biệt là không thể.
Mối quan hệ hỗ trợ giữa Sui và Walrus
Trên thực tế, Mysten Labs đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý lưu trữ dữ liệu ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu của Sui.
Dữ liệu trên blockchain không thể tránh khỏi việc tăng trưởng số lượng giao dịch, có thể dẫn đến việc tăng phí giao dịch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng Sui trong tương lai. Do đó, từ giai đoạn thiết kế ban đầu của Sui, Mysten Labs đã giới thiệu khái niệm độc đáo về Storage Fund (Quỹ lưu trữ) để giải quyết những thách thức về lưu trữ của Sui.
Storage Fund trên Sui hoạt động như sau: Khi người dùng gửi giao dịch đến các validator của Sui, phí giao dịch sẽ được chia thành hai phần 1) phí gas cho việc tính toán và 2) chi phí lưu trữ dữ liệu. Sui sẽ thu trước chi phí lưu trữ từ người dùng để lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn và gộp số tiền này vào Storage Fund. Storage Fund sau đó sẽ liên tục phân phối lại số tiền tích lũy cho các Validator trong khi dữ liệu vẫn được lưu trữ on-chain. Ngoài ra, người dùng có thể được hoàn trả lại chi phí lưu trữ nếu họ xóa dữ liệu của mình.
Hệ thống lưu trữ dữ liệu độc đáo trên Sui tạo ra hai hiệu ứng quan trọng:
- Người dùng có thể được hoàn lại chi phí lưu trữ khi xóa dữ liệu on-chain, nên hoạt động này sẽ khuyến khích mọi người giảm dung lượng cho sổ cái phân tán thông qua các khuyến khích về mặt kinh tế.
- Cấu trúc trả thưởng độc đáo bằng cách thu phí lưu trữ trước và phân bổ chúng làm phần thưởng cho các validator tương lai, có thể giải quyết các vấn đề về tính bền vững liên quan đến lưu trữ.
Mặc dù Sui đã có cơ chế hiệu quả để giải quyết vấn đề lưu trữ, việc lưu trữ trực tiếp các tệp dữ liệu blob lớn (chẳng hạn như tệp đa phương tiện) on-chain vẫn là một thách thức. Đây là lúc Walrus xuất hiện - Walrus cho phép lưu trữ các tệp dữ liệu lớn off-chain, đồng thời tạo ra các metadata trên Sui để kiểm soát chúng, nhờ đó dữ liệu có thể được lập trình mà không cần lưu trữ trực tiếp trên Sui.
Hơn nữa, thông qua Sui, Walrus phát huy được khả năng đặc biệt nhất so với các giao thức lưu trữ khác, đó là khả năng lập trình và kiểm soát dữ liệu.
Cuối cùng, Sui và Walrus tạo nên mối quan hệ hỗ trợ, tạo ra những lợi thế độc đáo và bổ sung cho những hạn chế của nhau.
Walrus biến SUI thành tài sản giảm phát
Như đã nhắc trong ví dụ về Storage Fund, Sui Network yêu cầu người dùng phải trả một lượng token nhất định để lưu trữ bất kỳ đối tượng nào trên Blockchain. Walrus cũng tuân theo nguyên tắc này. Khi tạo các blob trên Walrus, một lượng token SUI tương ứng với kích thước của đối tượng (đây là kích thước của đối tượng đại diện cho blob, không phải kích thước thực tế của blob) sẽ bị khóa trong Storage Fund.
Mặc dù người dùng có thể được hoàn lại một phần chi phí khi xóa dữ liệu, một phần phí trong đó sẽ bị đốt cháy và loại bỏ token vĩnh viễn khỏi lưu thông. Điều này có nghĩa là, càng có nhiều dữ liệu được lưu trữ thông qua Walrus, càng có nhiều token bị khóa vĩnh viễn trong Storage Fund, tạo ra một vòng lặp tích cực, khi Walrus được sử dụng nhiều hơn, nguồn cung token sẽ giảm xuống .
Tóm lại, sự ra đời của Walrus mang đến những lợi ích to lớn cho Sui, cả về mặt mạng lưới và giá trị tài sản. Walrus được kỳ vọng sẽ mở ra những hướng phát triển đa dạng hơn cho hệ sinh thái Sui.
Walrus là “mảnh ghép” quan trọng nhất trong hệ sinh thái Sui
Mysten Labs: Tầm nhìn xây dựng web3 toàn diện chứ không chỉ blockchain
Ban đầu, tác giả nghĩ Mysten Labs chỉ tập trung phát triển Sui. Nhưng sau khi chứng kiến sự xuất hiện của Deepbook và Sui Naming Service, tác giả bắt đầu đặt câu hỏi về tham vọng mà Mysten Labs đang theo đuổi là gì. Cho đến khi Walrus ra mắt, tác giả đã có câu trả lời rằng họ đang hướng tới việc xây dựng một cơ sở hạ tầng phi tập trung hoàn chỉnh cho Web3.
Điều khiến Mysten Labs khác biệt chính là tầm nhìn dài hạn và cách tiếp cận bài bản. Họ không chạy theo trào lưu phát hành token “ăn xổi”, mà tập trung vào việc kiến tạo những giải pháp đột phá trên mọi phương diện: Từ thực thi, lưu trữ, đồng thuận đến giao tiếp. Họ còn thấu hiểu được tâm lý của người dùng Web2 và nỗ lực mang đến trải nghiệm thân thiện nhất cho họ.
Cụ thể, Sui Network đảm nhiệm việc thực thi và đồng thuận (liên tục được nâng cấp qua Mysticeti và Pilotfish & Remora), Walrus chịu trách nhiệm lưu trữ, SCION (kiến trúc internet thế hệ mới, có khả năng bảo vệ các gói mạng, chống DDoS và khả năng miễn nhiễm với các cuộc tấn công định tuyến - mặc dù không phải do Mysten Labs phát triển nhưng sẽ được áp dụng trên toàn bộ Sui Network), đảm bảo giao tiếp an toàn và các công cụ như zkLogin, Stashed, SEAL và KELP mang đến giao diện quen thuộc cho người dùng Web2.
Nếu những mảnh ghép này được hoàn thiện, tác giả tin rằng Mysten Labs sẽ viết lại mô hình Web3 hiện tại. Họ không phải là một công ty blockchain, họ là một đội ngũ đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho một "web" hoàn toàn mới. Sui là trung tâm của tầm nhìn đó, còn Walrus là "mảnh ghép" quan trọng nhất.
Walrus không chỉ dành riêng cho hệ sinh thái Sui
Tuy nhiên, Walrus không bị giới hạn trong hệ sinh thái Sui. Tương tự như các giao thức lưu trữ khác, Walrus có thể được sử dụng bởi bất kỳ bên thứ ba nào ngoài các ứng dụng trên Sui. Nó hoàn toàn có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế hữu ích cho các giao thức lưu trữ hiện tại, hoặc thậm chí là các lớp DA (Data Availability) khác như Celestia, EigenDA, Avail.
Tính khả dụng này của Walrus sẽ mở rộng nhu cầu sử dụng token SUI ngoài Sui Network. Khi Walrus được sử dụng, các đối tượng được tạo trên Sui Network, dẫn đến việc giảm nguồn cung SUI. Nói cách khác, Walrus có tiềm năng biến token SUI thành một tài sản hấp dẫn hơn bằng cách tạo ra nhu cầu bên ngoài. Do đó, Walrus được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là cầu nối mở rộng Sui theo nhiều hướng khác nhau.
Liệu Walrus có vượt trội hơn Filecoin không?
Mặc dù việc so sánh giá trị giữa các giao thức cụ thể là một vấn đề tế nhị, nhưng tác giả rất lạc quan về tương lai của Walrus vì những lý do sau:
- Walrus có cơ chế hoạt động ưu việt hơn hẳn so với các giao thức lưu trữ hiện tại.
- Walrus có thể thực hiện những tác vụ mà các giao thức lưu trữ hiện tại không thể, như trở thành lớp DA (Data Availability) hoặc làm cho dữ liệu được lưu trữ có thể lập trình được.
- Walrus được thừa hưởng mạng lưới và cộng đồng người dùng mạnh mẽ từ Sui.
Nếu Walrus không chỉ trở thành lớp lưu trữ cho Sui mà còn là một giao thức lưu trữ đại diện cho Web3, đúng như tầm nhìn mà Mysten Labs hình dung, Walrus hoàn toàn có thể vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực lưu trữ.
Lưu ý: Đây là nội dung được tài trợ, Coin68 không trực tiếp ủng hộ bất cứ thông tin gì từ bài viết trên và không đảm bảo tính trung thực của bài viết. Bạn đọc nên tự tiến hành nghiên cứu trước khi đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến bản thân hay doanh nghiệp của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của bản thân. Bài viết trên không nên được xem như là một lời khuyên đầu tư.