Zhang Moumou được cho là điều hành kế hoạch ponzi crypto có tên MBI Group đã lừa đảo hơn 10 triệu người với tổng số tiền vượt ngưỡng 14 tỷ USD.
Trung Quốc dẫn độ kẻ chủ mưu dự án ponzi crypto 14 tỷ USD
Theo thông tin đăng tải bởi Bộ Công an Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (MPS), họ đã dẫn độ Zhang Moumou - thủ lĩnh của một vụ lừa đảo tiền mã hóa khổng lồ theo mô hình ponzi trị giá 14 tỷ USD - từ Thái Lan về Trung Quốc sau hành trình truy nã toàn cầu.
Thông báo dẫn độ thành công Zhang Moumou về Trung Quốc của Bộ Công an Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (MPS)
Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, bắt đầu từ năm 2012, Zhang Moumou bị cáo buộc đứng đầu điều hành kế hoạch ponzi trực tuyến tinh vi có tên "MBI Group".
Nền tảng này tạo ra với mục đích dụ dỗ các nhà đầu tư trả phí từ 700 đến 245.000 nhân dân tệ (Khoảng 98 - 34.300 USD) để tham gia, với lợi ích nhận thu nhập thụ động dưới dạng tiền mã hóa tùy theo vốn ban đầu và số lượng tuyển thêm người tham gia.
Tổng cộng MBI Group đã thành công dụ dỗ hơn 10 triệu người tham gia bằng lời hứa về lợi nhuận cao, với số tiền thu được vượt ngưỡng 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14 tỷ USD). Quy mô và độ phức tạp trong hoạt động của MBI Group đã biến Zhang Moumou trở thành một trong những nghi phạm tội phạm kinh tế bị truy nã nhiều nhất ở Trung Quốc thời điểm bấy giờ.
Tháng 11/2020, Cục Công an thành phố Trùng Khánh đã chính thức khởi tố vụ án để điều tra Zhang Moumou theo quy định của pháp luật, tuy nhiên người này đã bỏ trốn khỏi địa phương. Đến tháng 03/2021, Interpol Trung Quốc đã phát lệnh truy nã đỏ đối với Zhang. Sau đó tới ngày 21/07/2022, cảnh sát Thái Lan đã thành công bắt giữ Zhang để rồi sau đó Tòa án địa phương ra phán quyết dẫn độ về lại Trung Quốc vào tháng 5 năm nay.
Đối tượng Zhang Moumou trên máy bay dẫn độ từ Thái Lan về Trung Quốc. Nguồn: thepaper.cn
Việc dẫn độ Zhang Moumou đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền mã hóa đang phát triển nhanh chóng. Đồng thời đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công dẫn độ một tội phạm kinh tế từ Thái Lan kể từ khi hai nước ký Hiệp ước dẫn độ vào năm 1999.
Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Tòa án Nhân dân Tối cao cũng như một số cơ quan trung ương khác đã ban hành lệnh cấm tất cả hoạt động giao dịch tiền mã hóa trên đại lục từ năm 2021 và liên tục cảnh báo rủi ro, nhưng phần lớn nhà đầu tư vẫn cố gắng lách luật để rồi "dính" vào những vụ lừa đảo crypto, buộc cơ quan chức năng "xứ sở tỷ dân" liên tục thực thi công lý.
- Vào ngày 16/05/2024, Cảnh sát Trung Quốc đã thành công triệt phá hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp có sử dụng stablecoin Tether (USDT) trị giá lên đến 1,9 tỷ đô la Mỹ.
- Trước đó vài ngày, Cảnh sát Trung Quốc cũng triệt phá đường dây ngân hàng ngầm dùng crypto để giao dịch ngoại tệ trị giá đến 295 triệu USD.
Dù cấm giao dịch tiền mã hóa, nhưng Tòa án Trung Quốc vẫn công nhận crypto là tài sản hợp pháp, cho phép các nhà đầu tư nắm giữ tài sản kỹ thuật số và được pháp luật bảo hộ.
Thậm chí, Chính phủ còn ra mắt một mạng lưới blockchain cung cấp dịch vụ nhận dạng phi tập trung cấp quốc gia China RealDID để bảo vệ dữ liệu cá nhân, và bày tỏ ý định thúc đẩy phát triển NFT/Web3. Các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Tencent hay Huawei đang tập trung phát triển công nghệ blockchain của riêng họ.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách định vị Bắc Kinh là trung tâm đổi mới toàn cầu cho nền kinh tế kỹ thuật số thông qua việc phát hành whitepaper hồi tháng 5/2023.
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!